RSS Feed for Hiệu quả ứng dụng Flycam trong quản lý, vận hành đường dây truyền tải điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 12/12/2024 17:09
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiệu quả ứng dụng Flycam trong quản lý, vận hành đường dây truyền tải điện

 - Hệ thống lưới truyền tải điện được ví như là trục “xương sống” của hệ thống điện quốc gia, có ảnh hưởng rất lớn trong cung cấp điện phục vụ cho đời sống, kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng. Việc đảm bảo vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện được đặt lên hàng đầu trong đó việc áp ứng dụng khoa học công nghệ đang ngày càng được sử dụng rộng rãi và chứng minh được hiệu quả thiết thực.
Tổng Giám đốc EVNNPT trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam Tổng Giám đốc EVNNPT trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Nhân dịp đầu Xuân 2022, ông Phạm Lê Phú - Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã chia sẻ với Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về những kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành lưới truyền tải điện năm 2021, cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu cùng các giải pháp thực hiện năm 2022 và kiến nghị các cấp thẩm quyền ban hành các chính sách tháo gỡ để EVNNPT hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Đội Truyền tải điện Phú Lâm (đội Phú Lâm) được giao nhiệm vụ quản lý vận hành lưới truyền tải điện 220 kV - 500 kV khu vực huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh; quận Bình Tân thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Đức Hoà thuộc tỉnh Long An, với tổng chiều dài 347,92 km, bao gồm 109,667 km đường dây 500 kV và 238,253 km đường dây 220 kV.

Lưới truyền tải điện 220 kV - 500 kV do đội Phú Lâm quản lý đi qua nhiều khu vực sông, kênh, rừng cây, nông trường, khu công nghiệp, khu dân cư,… nên công tác quản lý lưới điện gặp rất nhiều khó khăn. Trong công tác kiểm tra định kỳ hàng ngày, việc tiếp cận trực tiếp tại nhiều khu vực rất khó khăn và mất nhiều thời gian, dẫn đến hiệu quả công việc thấp.

Hiệu quả ứng dụng Flycam trong quản lý, vận hành đường dây truyền tải điện
CBCNV đội Phú Lâm sử dụng Flycam kiểm tra quản lý vận hành đường dây truyền tải điện.

Nhằm khắc phục các khó khăn, trở ngại trong quản lý vận hành lưới điện, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho người lao động và kịp thời phát hiện các nguy cơ, hạn chế xảy ra sự cố lưới điện, đội Phú Lâm đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó thực hiện tăng cường sử dụng công nghệ Flycam vào quản lý, kiểm tra lưới truyền tải điện.

Việc sử dụng công nghệ Flycam giúp công nhân quản lý, vận hành đường dây có thể quan sát được hành lang tuyến từ trên cao, kiểm tra hành lang ở những cung đoạn đường dây có địa hình phức tạp, khó tiếp cận; thực hiện tiếp cận kiểm tra dây dẫn, dây chống sét, tình trạng cách điện, phụ kiện,... hạn chế được việc mất nhiều thơi gian tiếp cận trực tiếp tại vị trí hoặc phải leo cao để thực hiện kiểm tra.

Thiết bị bay Flycam đã chứng minh được vai trò hỗ trợ tích cực trong công tác kiểm tra lưới điện. Các thiết bị này có thể hoạt động trên nhiều địa hình và không gian, tiếp cận gần với thiết bị đang mang điện, quay phim và chụp lại hình ảnh rõ nét với độ chính xác, tin cậy cao. Đặc biệt, thiết bị có thể tiếp cận từ xa, nhiều khu vực mà con người khó tiếp cận trực tiếp hoặc mất rất nhiều thời gian để tiếp cận trong thực hiện công tác kiểm tra quản lý vận hành; qua đó, rút ngắn thời gian thực hiện công việc, tăng năng suất lao động. Ngoài ra, sử dụng Flycam còn kịp thời phát hiện các lỗi bất thường trên đường dây, giúp đơn vị quản lý vận hành có hình ảnh thực tế khiếm khuyết nhằm xây dựng phương án xử lý hiệu quả, đảm bảo công tác vận hành đường dây được an toàn, đẩy lùi nguy cơ sự cố trên lưới điện.

Hiệu quả ứng dụng Flycam trong quản lý, vận hành đường dây truyền tải điện
Hình ảnh Flycam kiểm tra thiết bị sau khi sau sự cố sét gây phóng chuỗi sứ lèo composite cột 47 đường dây 220 kV Cầu Bông - Bình Tân.

Đối với việc kiểm tra bằng mắt thường như trước đây, nhân viên quản lý vận hành phải mất nhiều thời gian để tiếp cận vị trí, thực hiện leo cao để trực tiếp kiểm tra; công việc này đòi hỏi người thực hiện phải có sức khỏe tốt nhưng hiệu quả thấp, do phụ thuộc nhiều vào nhận định của người thực hiện, hoặc do người thực hiện mất sức khỏe khi tiếp cận được vị trí nên kết quả kiểm tra thiếu chính xác.

Đối với việc sử dụng Flycam, việc tiếp cận vị trí thuận lợi hơn, giảm thời gian tiếp cận; các hình ảnh do thiết bị Flycam ghi lại ưu việt hơn hẳn, thiết bị không những ghi lại hình ảnh chi tiết các thiết bị trên đường dây mà còn có chất lượng rất sắc nét. Điều này đã giúp đơn vị và nhân viên quản lý dễ dàng phân tích, đánh giá mức độ an toàn của lưới điện nhằm đề xuất, thực hiện xử lý kịp thời, đảm bảo vận hành an toàn lưới truyền tải điện.

Thông qua việc tăng cường sử dụng công nghệ Flycam trong quá trình kiểm tra đã mang lại hiệu quả rõ rệt, điển hình như ngày 20/10/2021 xảy ra sự cố do sét đường dây 220 kV Cầu Bông - Bình Tân; đội Phú Lâm huy động toàn bộ lực lượng kiểm tra sự cố. Ngoài công tác phân công nhân viên trực tiếp leo cột kiểm tra, Đội đã phân công 2 nhân viên sử dụng Flycam bay kiểm tra kiểm tra 16 vị trí cột, sau gần 2 giờ làm việc, nhóm nhân viên sử dụng Flycam phát hiện được vị trí sét đánh, gây phóng chuỗi sứ lèo composite tại cột 47. Với tần suất leo cột cao trung bình 65 m thì việc kiểm tra 16 vị trí cột tương ứng ít nhất 16 nhân viên thực hiện trong vòng 2 giờ; việc điều khiển bay Flycam chỉ 2 công nhân thực hiện. Qua đó rút ngắn đáng kể sức lực của người công nhân và thời gian truy tìm, xử lý sự cố nhanh nhất, đảm bảo vận hành an toàn đường dây, tăng năng suất lao động.

Hay 1 trường hợp điển hình khác là ngày 4/8/2021, đội Phú Lâm sử dụng Flycam bay kiểm tra định kỳ đường dây 500 kV Chơn Thành - Cầu Bông; qua kiểm tra đã phát hiện kịp thời khung định vị bị gãy ngàm, đứt rời khoảng 10 sợi nhôm/dây; qua đó, đội đã triển khai khắc phục kịp thời khiếm khuyết, đảm bảo vận hành an toàn đường dây 500 kV Chơn Thành - Cầu Bông.

Từ những kết quả đã đạt được đã cho thấy tính hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ Flycam vào trong công tác quản lý vận hành lưới truyền tải điện, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch chung của Truyền tải điện Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, đây cũng là yếu tố quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ công tác trong thời kỳ mới./.

NGUYỄN DUY TÂN - TRUYỀN TẢI ĐIỆN TP. HỒ CHÍ MINH (PTC4)

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động