RSS Feed for Hiệu quả từ cách làm mới | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 17:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiệu quả từ cách làm mới

 - Huy động các nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh là chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã được các đơn vị thành viên triển khai, với các hình thức: thuê tài chính, thuê bốc xúc, vận tải đất đá… đã mang lại nhiều hiệu quả cao. Riêng việc huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào Dự án băng tải cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê là cách làm mới. Thậm chí, hình thức đầu tư này chưa nơi nào thực hiện, ngoài Công ty Than Mạo Khê - Vinacomin (đơn vị được Vinacomin giao làm Chủ đầu tư Dự án).

 

 

Nhà thầu cũng là nhà đầu tư
 
Dự án băng tải cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê có nhiều hạng mục công trình phải đấu thầu, trong đó có Gói thầu số 1 được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê, bao gồm khảo sát xây dựng, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, thi công công trình, vận hành, quản lý băng tải …

Nhà thầu - nhà đầu tư (NT - NĐT) đầu tư vốn, huy động nhân công, thiết bị … để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống băng tải dài 4,6  km, công suất vận chuyển 2,1 tấn than/năm (500 tấn/ giờ) với 5 băng tải và nhiều hạng mục khác. Khi hoàn thành, NT - NĐT vận chuyển than thuê cho Vinacomin, thông  qua  hợp đồng giữa NT - NĐT với Công ty Kho vận Đá Bạc - đơn vị được Vinacomin ủy quyền. Đơn giá được xác định qua đấu thầu theo đơn giá vận chuyển.
 
Cách làm này không giống như các hình thức: hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (gọi tắt là BOT); hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), cũng không phải là hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT). Theo Công ty Than Mạo Khê - Vinacomin, trước cách làm mới chưa có trong tiền lệ, Công ty đã cử cán bộ lên Ban Đầu tư, Ban Pháp chế của Vinacomin và Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch Đầu tư) để được giúp đỡ tư vấn về nghiệp vụ. Cách làm mới này hoàn toàn đúng với mọi quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu và chưa doanh nghiệp nào thực hiện đầu tư theo hình thức này.

Giá sàn Vinacomin đưa ra đấu thầu là 20 nghìn/tấn. Trong ba đơn vị tham gia đấu thầu, Công ty Cổ phần Cơ khí Yên Thọ (là doanh nghiệp chuyên thiết kế, chế tạo, lắp dựng kết cấu thép phi tiêu chuẩn, nhà kết cấu thép, sản xuất thùng xe tải và các thiết bị phục vụ cho các ngành công nghiệp) là đơn vị trúng thầu, đảm nhận các công việc nêu trên; khi hoàn thành sẽ vận chuyển than cho Vinacomin với đơn giá 16. 240 đồng/ tấn. Hợp đồng ký tháng 12/2011, trong đó, NT- NĐT (Cơ khí Yên Thọ) cam kết sẽ hoàn thành tuyến băng trong tháng 8/2012 nhưng quyết tâm hoàn thành trước 2 tháng, tức tháng 6 năm 2012.

Sau khi trúng thầu với giá thấp, nhiều người tỏ ý nghi ngờ về khả năng đảm bảo tiến độ của hợp đồng, cũng như năng lực tài chính, lực lượng lao động, phương tiện ... của Công ty ra sao mà đảm đương công việc lớn, lại cam kết hoàn thành công trình sớm như vậy?

CNCB Công ty Than Mạo Khê - Vinaocmin đã biết đến Cơ khí Yên Thọ qua việc thi công hai cầu vượt bằng sắt ở Mạo Khê và một số công trình khác. Điều khiến nhiều người kinh ngạc là lực lượng ít nhưng Công ty này thi công rất nhanh, đạt chất lượng cao. Nhiều người còn biết, không ít kỹ sư giỏi, thợ lành nghề đã từ bỏ các đơn vị Nhà nước về đầu quân cho Cơ khí Yên Thọ. Nhưng chắc ít người biết bí ẩn sức mạnh vô hình của Cơ khí Yên Thọ để thu hút “chất xám”, thu hút vốn và các nguồn lực khác.
 
Hiệu quả đã thấy rõ
 
Theo lãnh đạo Vinaocomin, hình thức đầu tư theo mô hình mới chắc chắn là khó, cần tìm hiểu, chuẩn bị chắc chắn mới triển khai để đạt mục đích về kinh tế, môi trường, xã hội và các hiệu quả khác. Tuy nhiên bước đầu mô hình đầu tư mới này đã thấy rõ hiệu quả.
 
Công ty Than Than Mạo Khê - Vinacomin cho biết, Công ty được Vinacomin giao cho xây dựng Dự án tuyến băng tải, phê duyệt từ tháng 5/2011, sau 3 tháng đã giải phóng xong mặt bằng, khởi công  cuối tháng 12 năm 2011, đến nay các hạng mục đã cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra và sẽ hoàn thành công trình vào tháng 6/2012 như đã cam kết với Vinacomin.
 
Thắng lợi và ý nghĩa lớn nhất của cách làm này là Vinacomin không phải bỏ vốn mà giải quyết được công đoạn vận tải than cho Nhà máy nhiệt điện. Mặt  khác, so với hình thức đầu tư trước đây, cách làm này tiết kiệm chi phí tới khoảng 15 % ; thời gian thi công rút ngắn. Theo lãnh đạo Vinacomin, nếu thời gian hoàn thành như NT - NĐT cam kết, thì thời gian thi công rút ngắn khoảng gần 2 năm so với hình thức đầu tư khác.
 
Cách làm này còn mang lại một hiệu quả trong quản lý sản phẩm (than) trên đường vận tải. Trách nhiệm quản lý, bảo vệ than khi vận chuyển trên băng thuộc về Cơ khí Yên Thọ. Khối lượng sản phẩm đầu vào (Than Mạo Khê) và đầu ra (Nhà máy Nhiệt điện) được giao nhận ký kết, chốt sổ giữa 2 bên. Nếu chênh lệch giữa đầu vào, đầu ra vượt quá số lượng cho phép, đơn vị vận chuyển (Cơ khí Yên Thọ) phải chịu trách nhiệm.
 
Cần nhân rộng mô hình
 
Hiện Vinacomin đang giao cho nhiều đơn vị làm chủ đầu tư rất nhiều dự án, thuộc nhiều lĩnh vực. Trong đó, một số dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, vượt quá khả năng tài chính của chủ đầu tư. Ví dụ như hệ thống băng tải đá Cao Sơn (Công ty Than Cao Sơn làm chủ đầu tư); hệ thống băng tải Đèo Nai (Công ty Than Đèo Nai)... Trong điều kiện ấy, các chủ đầu tư nên tham khảo cách làm ở Công ty Than Mạo Khê - Vinacomin để áp dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế ở đơn vị mình. Được biết, Công ty Than Đèo Nai - Vinacomin cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào dự án băng tải đá bằng hình thức này và bước đầu đã có những tín khả quan.  
 

 

(Nguồn: Vinacomin)

 

 

nangluong.mastercms.org/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động