RSS Feed for Hành trình 35 năm Xí nghiệp Khai thác dầu khí | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 06:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hành trình 35 năm Xí nghiệp Khai thác dầu khí

 - Cùng với các hoạt động Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, ngày 13/2/2022, Xí nghiệp Khai thác dầu khí sẽ kỷ niệm 35 năm thành lập. Từ những ngày đầu đi vào hoạt động đến nay, trải qua nhiều thử thách, khó khăn nhưng với ý chí và quyết tâm, đồng thuận cao của các thế hệ cán bộ công nhân viên, Xí nghiệp Khai thác dầu khí đã trở thành đơn vị tiên phong trong công tác vận hành và khai thác các mỏ dầu khí biển. Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng nhìn lại những cột mốc chính, những sự kiện đáng ghi nhớ mà Xí nghiệp Khai thác dầu khí đã trải qua trong suốt 35 năm qua, đồng thời, hướng tới những mục tiêu, định hướng nhằm duy trì và phát triển bền vững Xí nghiệp Khai thác dầu khí trong các giai đoạn tiếp theo.
Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro: 40 năm xây dựng và phát triển Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro: 40 năm xây dựng và phát triển

Ngày 16/12/2021, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập thể lao động quốc tế Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, 35 năm ngày khai thác tấn dầu thô đầu tiên.


Giai đoạn tiền hình thành (trước năm 1986):

Trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô về hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam, năm 1981, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được thành lập. Tháng 12/1983, XNLD Vietsovpetro bắt đầu khoan giếng khoan thăm dò đầu tiên trên mỏ Bạch Hổ và tháng 3/1984 bắt đầu lắp ráp chân đế giàn MSP-1 - giàn khoan cố định đầu tiên của XNLD Vietsovpetro. Trong giai đoạn này, để chuẩn bị hệ thống công nghệ phục vụ công tác gọi dòng giếng khoan, một nhóm các chuyên gia phía Nga và cán bộ, công nhân viên phía Việt Nam đã được thành lập thuộc Cục khoan biển - gọi là Đội khai thác sớm hay “Phân xưởng Khai thác thử công nghiệp các giếng”, cơ cấu tổ chức và nhân sự được phê chuẩn bởi Nghị quyết Hội đồng V XNLD Vietsovpetro ngày 29 - 31/10/1984, gồm 21 biên chế với Ban lãnh đạo chỉ có Phân xưởng trưởng và Đốc công khai thác dầu khí - đây là đội ngũ đầu tiên, sơ khai của các giai đoạn phát triển tiếp theo hình thành lên Xí nghiệp Khai thác dầu khí sau này.

Ngày 24/5/1984, dòng dầu công nghiệp đầu tiên được phát hiện ở mỏ Bạch Hổ, đến ngày 21/6/1985 tiếp tục phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên ở mỏ Rồng. Giàn khoan số 1 và số 2 đã được lắp đặt, một số giếng khoan trên giàn MSP-1 cũng đã được hoàn thiện và chờ đưa vào khai thác thử. Để chuẩn bị hệ thống công nghệ, vận hành và khai khác thử các giếng, trên cơ sở Phân xưởng Khai thác thử công nghiệp các giếng, “Xưởng Khai thác dầu khí” đã được thành lập và được phê chuẩn bởi Nghị quyết Hội đồng VI XNLD Vietsovpetro ngày 24 - 26/10/1985.

Cấu trúc của Xưởng Khai thác dầu khí gồm: Bộ máy điều hành, 2 Phân xưởng Khai thác dầu khí (Đội cho giàn khoan cố định số 1 và Đội cho giàn khoan cố định số 2), 4 Nhóm (Nhóm Sửa chữa thiết bị điện và đo lường, Nhóm Sửa chữa thiết bị, Nhóm Áp dụng kỹ thuật mới và Nhóm Khảo sát giếng khoan) và 1 Phân xưởng Xử lý dầu.

Giai đoạn hình thành (1986 - 1990):

Năm 1985, tàu dầu Crưm được hoán cải thành tầu chứa và xử lý dầu (FSO) tại Singapore. Đến năm 1986, XNLD Vietsovpetro đã hoàn thành xây dựng trạm rót dầu không bến №1 tại mỏ Bạch Hổ; XNLD Vietsovpetro thuê và đưa tàu Crưm lắp đặt tại trạm rót dầu không bến №1 để phục vụ cho gọi dòng và khai thác thử công nghiệp các giếng trên MSP-1.

Ngày 26/6/1986, bắt đầu khai thác tấn dầu đầu tiên từ giếng số 1, tiếp theo là các giếng 28, 22, 27, 24 và đến ngày 25/11/1986 bắt đầu đưa giàn MSP-3 từ giếng 63 vào khai thác. Tổng số quỹ giếng hoạt động trạng thái ngày 1/1/1987 là 6 giếng.

Các giếng khoan mới trên giàn MSP-1 và MSP-3 tiếp tục được hoàn thiện và đưa vào khai thác. Cùng với sự phát triển của quỹ giếng khoan, nhằm đáp ứng sự phát triển và mở rộng khai thác, theo Nghị quyết của Hội đồng VIII LDDK Vietsovpetro ngày 13 - 14/2/1987 thành lập “Cục khai thác dầu khí" trên cơ sở Xưởng khai thác dầu khí - đây là tiền thân chính thức của Xí nghiệp Khai thác dầu khí ngày nay và ngày 13/2/1987 - ngày đầu tiên của phiên họp Hội đồng VIII được chọn là Ngày thành lập Cục Khai thác dầu khí cũng như Xí nghiệp Khai thác dầu khí sau này. Chức năng của Cục Khai thác giai đoạn này là đảm nhiệm vận hành khai thác các giếng và hệ thống công nghệ trên các giàn khoan đã đưa vào khai thác (giàn MSP-1, MSP-2, MSP-3) và sẽ đưa vào khai thác trong giai đoạn này giàn MSP-4 (tháng 8/1987) và giàn MSP-5 (tháng 04/1988).

Cơ cấu tổ chức của Cục Khai thác dầu khí được Hội đồng VIII phê duyệt: Bộ máy điều hành với 7 phòng ban trực thuôc; 4 phân xưởng khai thác dầu khí tương ứng 4 giàn khoan cố định (MSP-1, 3, 4 và 5); 1 trạm rót dầu không bến (tàu Crưm); 1 phòng thí nghiệm; 1 xưởng sửa chữa lớn các công trình; 1 phân xưởng về kỹ thuật cáp tời; nhóm khảo sát giếng; nhóm chuẩn bị sản xuất và 1 kho trung tâm. Tổng biên chế của Cục là 356 cán bộ, công nhân viên.

Từ khi tiếp nhận tấn dầu đầu tiên, đến ngày 26/3/1987, tàu Crưm đã xuất giao thành công lô hàng dầu thô đầu tiên của XNLD Vietsovpetro từ các giếng khai thác trên giàn MSP-1 và MSP-3.

Ngày 5/11/1987, dòng dầu công nghiệp ở đối tượng khai thác phi truyền thống - tầng Móng mỏ Bạch Hổ (tại giếng thăm dò BH-6) được phát hiện - đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển không chỉ đối với Cục khai thác dầu khí lúc đó nói riêng, XNLD Vietsopetro nói chung mà đối với cả nền dầu khí Việt Nam và khu vực sau này. Đến ngày 6/9/1988, chính thức đưa vào khai thác dầu tầng Móng mỏ Bạch hổ từ giếng khoan số 1 (sau khi tiến hành sửa giếng). Sau thời gian ngắn, ngày 29/12/1988, sản lượng khai thác đạt cột mốc đầu tiên - 1 triệu tấn và tiếp tục gia tăng không ngừng.

Phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của XNLD Vietsovpetro, trên cơ sở Nghị quyết Hội đồng X XNLD Vietsovpetro ngày 21 - 22/12/1988, Cục khai thác dầu khí được đổi tên thành “Xí nghiệp khai thác dầu khí". Cơ cấu tổ chức và chức năng nhiêm vụ của Xí nghiệp khai thác dầu khí được bổ sung, ngoài nhiệm vụ vận hành khai thác dầu khí còn bổ sung quản lý, vận hành khai thác các công trình biển, hệ thống công nghệ và tàu dầu của LD Vietsovpetro (xử lý, vận chuyển, lưu trữ, bảo quản và xuất bán dầu).

Năm 1989, XNLD Vietsovpetro đã mua lại tàu Crưm và đổi tên thành tàu Chí Linh (theo Giấy chứng nhận số 030/PC ngày 24/10/1989 của Bộ Giao thông Vận tải) và giao cho Xí nghiệp khai thác dầu khí quản lý, khai thác và vận hành.

Giai đoạn phát triển (1991 - 2002):

Ngày 2/3/1992, sản lượng khai thác đạt mốc 10 triệu tấn dầu đầu tiên. Việc liên tiếp đưa các giếng tầng Móng Trung Tâm mỏ Bạch Hổ vào khai thác làm sản lượng khai thác gia tăng không ngừng: 20 triệu tấn vào năm 1993 và 30 triệu tấn vào năm 1995. Một loạt các giếng khai thác đối tượng Móng trên các giàn nhẹ BK khu vực Trung tâm và phía Nam mỏ Bạch Hổ được đưa vào khai thác (BK-2 - năm 1989, BK-1 - năm 1990, BK-3 - năm 1992 và BK-4 - năm 1994…). Tuy nhiên, sau thời gian đưa vào khai thác, sản lượng khai các giếng tầng Móng này suy giảm mạnh do suy giảm áp suất vỉa khi khai thác ở chế độ tự nhiên. Mặc dù vào ngày 11/12/1994 bắt đầu đưa mỏ Rồng vào khai thác (từ giếng 101 giàn RP-1), nhưng năm 1995 đã nhận thấy sự suy giảm sản lượng khai thác (năm 1994 - sản lượng 6.9 triệu tấn/sang năm 1995 - 6.7 triệu tấn). Để ngăn chặn sự suy giảm sản lượng khai thác, từ năm 1993 việc bơm ép nước đã thử nghiệm và đến năm 1994 chính thức áp dụng giải pháp bơm ép nước để duy trì áp suất vỉa và đẩy dầu cho tầng Móng mỏ Bạch Hổ.

Việc áp dụng thành công bơm ép nước duy trì áp xuất vỉa đối với tầng Móng mỏ Bạch Hổ giúp cho sản lượng khai thác được duy trì và tiếp tục gia tăng trong các năm tiếp theo, các cột mốc về sản lượng khai thác liên tiếp đạt được: Tấn dầu thứ 50 triệu (ngày 12/10/1997), thứ 100 (ngày 21/11/2001) và năm 2002 sản lượng khai thác đạt đỉnh - 13.5 triệu tấn/năm.

Hệ thống bơm ép nước được phát triển, đầu tiên được thực hiện từ các tổ hợp bơm ép vỉa PPD 5 000 trên giàn MSP-8 (3/1995) và MSP-9 (năm 1995), sau đó là giàn bơm ép vỉa trung tâm PPD 40 000 (từ 6/1996) và đến năm 2003 tiếp tục bổ sung thêm giàn bơm ép PPD 30 000.

Trong giai đoạn này, bên cạch một loạt các công trình biển được bàn giao và đưa vào khai thác, hệ thống khai thác, thu gom, vận chuyển đã được trang bị và từng bước được hoàn thiện hình thành lên hệ thống đường ống nội mỏ và liên mỏ dẫn dầu/nước/khí ngầm dưới đáy biển, kết nối thành một hệ thống công nghệ liên hoàn như hiện tại.

Song hành là hệ thống tàu chứa dầu phục vụ việc xử lý, lưu trữ, bảo quản và xuất bán dầu cũng được phát triển và hoàn thiện. Năm 1992, Xí nghiệp Khai thác dầu khí được trang bị thêm FSO Chi Lăng (dừng khai thác 2004 và thanh lý năm 2005) neo đậu tại tại trạm rót dầu không bến №3 mỏ Rồng. Năm 1994, tàu FSO Ba Vì neo đậu tại trạm rót dầu không bến №2 mỏ Bạch Hổ (dừng khai thác 2014 và thanh lý 2015). Năm 2004, FSO Vietsovpetro-01 neo đậu tại trạm rót dầu không bến №4 mỏ Bạch Hổ đến nay và đến 2010 là FSO Vietsovpetro-02.​​

Giai đoạn sản lượng suy giảm và bắt đầu công tác dịch vụ ngoài (2003 - 2009):

Ngày 4/12/2005, Vietsovpetro đạt cột mốc khai thác tấn dầu thứ 150 triệu từ mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng.

Sản lượng khai thác dầu bắt đầu đi vào giai đoạn suy giảm năm 2003 sau khi đạt đỉnh vào năm 2002. Tốc độ suy giảm sản lượng khai thác dầu trung bình 1 triệu tấn/năm. Nguyên nhân do sản lượng của tầng Móng Bạch Hổ giảm. Việc bơm ép nước bên cạnh áp suất vỉa được duy trì cũng dẫn tới xuất hiện nước và ngập nước tại các giếng khai thác. Sau khi chính thức được đưa vào bơm ép, tháng 6/1995 tầng Móng Bạch Hổ bắt đầu xuất hiện nước (ghi nhận đầu tiên với giếng 409 giàn BK-2). Đến năm 2002, khi sản lượng khai thác của Móng đạt đỉnh và bắt đầu suy giảm thì tốc độ ngập nước bắt đầu tăng, và đến năm 2006 tốc độ ngập nước bắt đầu tăng nhanh.

Trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ với sản lượng khai thác tăng trưởng liên tục, hàng loạt các công trình biển đã được xây dựng và đưa vào hoạt động. Khi sản lượng khai thác suy giảm, Xí nghiệp Khai thác dầu khí một lần nữa lại đối diện với những thách thức to lớn. Trong đó, thách thức lớn nhất là sản lượng khai thác giảm dẫn đến doanh thu thấp đi, thu nhập từ tiền bán dầu (giảm bình quân 350 - 400 triệu USD/năm tương ứng với nhịp độ suy giảm sản lượng) sẽ buộc phải cắt chi phí sản xuất trong đó có chi phí cho bộ máy và lao động. Bên cạnh đó, sau thời gian khai thác, một số các công trình biển, hệ thống công nghệ xuống cấp và không hiệu quả kinh tế, chi phí duy trì, vận hành ngày càng lớn chưa kể chi phí thu dọn mỏ.

Để đảm bảo thu nhập và công ăn việc làm ổn định cho người lao động, duy trì một Xí nghiệp Khai thác dầu khí bền vững và phát triển tới cuối đời mỏ, thực hiện một trong những định hướng cơ bản của XNLD Vietsovpetro, năm 2005, Xí nghiệp Khai thác dầu khí bắt đầu làm công tác cung cấp dịch vụ ra bên ngoài, khai thác các lô ngoài 09-1.

Mở đầu cho chặng đường cung cấp dịch vụ ra bên ngoài của Xí nghiệp Khai thác dầu khí đó là dịch vụ kết nối mỏ Cá Ngừ Vàng (Lô 09-2) do Công ty Liên doanh Điều hành chung Hoàn Vũ (Hoàn Vũ JOC) điều hành với mỏ Bạch Hổ năm 2005. Ngày 25/7/2008 giàn công nghệ trung tâm số 3 CTK-3 bắt đầu nhận tấn dầu đầu tiên từ giàn đầu giếng mỏ Cá Ngừ Vàng.

Giai đoạn mở rộng khai thác vùng phụ cận và phát triển dịch vụ ngoài (2009 - 2020):

Ngày 9/6/2009, tấn dầu thứ 180 triệu được khai thác, đến thời điểm này sản lượng khai thác vẫn chỉ từ các đối tượng khai thác của mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng Lô 09-1.

Năm 2009, Xí nghiệp Khai thác dầu khí bắt đầu mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ vận hành và bảo dưỡng (O&M) cốt lõi của mình ra bên ngoài bằng việc liên danh với nhà thầu Malaysia Bumi Armada Berhard để tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu: Cung cấp tàu FPSO (2009) và O&M các giàn H1 (2011), H4 (2012), H5 (2015) cho mỏ Tê Giác Trắng của Hoàng Long JOC; O&M giàn Hải Sư Trắng - Hải Sư Đen của Thăng Long JOC (2013).

Dự án Nam Rồng - Đồi Mồi được ra đời do chủ trương hợp nhất hai mỏ có diện tích chồng lấn giữa Lô 09-1 và 09-3. Ngày 26/6/2009 đã ký Thỏa thuận hợp nhất mỏ NR-ĐM (UA) và Thỏa thuận phát triển chung mỏ (JDA), đến ngày 9/12/2009 ký Thỏa thuận điều hành chung (JOA) trong đó Vietsovpetro được chỉ định là Nhà điều hành mỏ NR-ĐM. Ngày 26/1/2010, mỏ NR-ĐM do Xí nghiệp Khai thác chịu trách nhiệm vận hành cho dòng sản phẩm thương mại đầu tiên.

Ngày 8/8/2012 đánh dấu cột mốc khai thác tấn dầu thứ 200 triệu. Trong giai đoạn này việc đưa các mỏ, các cấu tạo nhỏ vùng cận biên vào khai thác đã giúp giảm nhịp độ suy giảm sản lượng, từ trung bình 1 triệu tấn/năm xuống còn 280 ngàn tấn/năm. Trên mỏ Rồng, tháng 12/2009 tiếp tục đưa giàn RP-2 khu vực Đông Rồng, tháng 4/2010 RC-5 khu vực Nam - Trung Tâm Rồng, tháng 1/2011 đưa RC-1 khu vực Đông - Bắc Rồng, tháng 9/2011 đưa RC-6 khu vực Trung Tâm - Trung Tâm Rồng và đến tháng 6/2019 đưa tiếp RC-9 khu vực Nam - Trung Tâm Rồng vào khai thác.

Ngày 25/8/2012 hoàn thiện kết nối và bắt đầu đưa mỏ Gấu Trắng cấu tạo phía Nam mỏ Bạch Hổ vào hệ thống và ngày 23/6/2012 tiếp tục hoàn thiện và kết nối đưa mỏ Thỏ Trắng khu vực phía Bắc - Tây Bắc mỏ Bạch Hổ vào khai thác.

Song song với công tác kết nối, vận hành các mỏ và công trình dầu khí cho khách hàng bên ngoài, Xí nghiệp Khai thác dầu khí còn tham gia vào công tác mở rộng vùng hoạt động của Vietsovpetro tại các lô dầu khí khác ngoài Lô 09-1 mà Vietsovpetro được các bên tin tưởng giao cho làm Nhà điều hành, như: Mỏ Thiên Ưng thuộc Lô 04-3, mỏ Cá Tầm thuộc Lô 09-3/12 và các Lô 12/11, Lô 16-1/15, Lô 09-2/09… Đây cũng là xu hướng dịch chuyển tất yếu để phát triển bền vững dịch vụ bên ngoài của Xí nghiệp Khai thác dầu khí, nhằm tận dụng triệt để cơ sở vật chất hoàn chỉnh và nguồn nhân lực chất lượng cao của lô 09-1.

Dự án cung cấp dịch vụ O&M giàn BK-TNG mỏ Thiên Ưng thuộc Lô 04-3 của Xí nghiệp Khai thác cho Tổ hợp nhà thầu gồm PVN (51%) và AO Zarubezhneft (49%) và Vietsovpetro được chỉ định là Nhà điều hành đóng vai trò quan trọng. Ngoài tạo cơ sở hạ tầng để kết nối, thúc đẩy phát triển thăm dò và khai thác các mỏ khí - condensate tại khu vực bể Nam Côn Sơn thềm lục địa phía Nam Việt Nam, dự án còn góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày 20/12/2016 bắt đầu khai thác mỏ khí - condensate Thiên Ưng thuộc lô 04-3.

Ngày 7/10/2016, Vietsovpetro và PVEP/PVEP POC đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng xử lý khí mỏ Đại Hùng và hợp đồng vận hành và bảo dưỡng (O&M) hệ thống nén khí Đại Hùng trên giàn BK-TNG để xử lý, nén khí đồng hành mỏ Đại Hùng về bờ và Xí nghiệp Khai thác dầu khí quản lý và thực hiện chính hợp đồng O&M này.

Ngày 25/1/2019 bắt đầu nhận dòng dầu đầu tiên từ mỏ Cá Tầm thuộc Lô 09-3/12, đây là dự án tiếp theo Xí nghiệp Khai thác dầu khí được tin tưởng, giao trách nhiệm vận hành khai thác và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật dầu khí phát triển mỏ Cá Tầm theo Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí ký ngày 12/9/2012 giữa PVN với Tổ hợp ba nhà thầu Vietsovpetro (55%), PVEP (30%) và Bitexco (15%).

Với nỗ lực không ngừng, trong giai đoạn này, Xí nghiệp Khai thác dầu khí tiếp tục mở rộng khai thác, kết nối hệ thống để phát triển các cấu tạo, các mỏ nhỏ vùng cận biên. Ngày 27/10/2019 hoàn thiện lắp đặt và kết nối đưa BK-20 thuộc cấu tạo Mèo Trắng khu vực phía Tây - Nam mỏ Bạch Hổ vào khai thác. Đến 2/10/2020 tiếp tục đưa BK-21 cấu tạo Mioxen dưới khu vực phía Bắc mỏ Bạch Hổ.

Giai đoạn duy trì khai thác lô 09-1 và mở rộng khai thác các lô ngoài (2021 - 2030):

Năm 2021, Xí nghiệp Khai thác dầu khí đã hoàn thành khai thác 3.165 triệu tấn trên Lô 09-1 và 09-3/12, tổng sản lượng cộng dồn của toàn Vietsovpetro đạt 242.8 triệu tấn. Tháng 11/2021 đã hoàn thành kế nối hệ thống công nghệ đưa BK-18A đối tượng Mioxen dưới khu vực phía Bắc và BK-19 đối tượng Mioxen dưới khu vực phía Đông - Bắc mỏ Bạch hổ vào khai thác an toàn.

Trong giai đoạn này, một trong những thách thức cơ bản của Xí nghiệp Khai thác dầu khí tiếp tục đối diện đó là tổ chức khai thác an toàn các mỏ hiện hữu thuộc khu vực Lô 09-1 đảm bảo duy trì sản lượng và tăng hệ số thu hồi dầu, đặc biệt đối với đối tầng Móng mỏ Bạch Hổ. Hiện nay, hầu hết các đối tượng khai thác trên khu vực Lô 09-1 đang ở giai đoạn khai thác cuối tận thu hồi. Sản lượng khai thác thấp là thách thức để cân đối chi phí duy trì sản xuất, đòi hỏi cấp thiết quá trình tối ưu hóa sản xuất, tái cơ cấu tổ chức. Đồng thời với định hướng phát triển dài hạn của Vietsovpetro, mở rộng vùng hoạt động trên các lô dầu khí mới trên thềm lục địa Việt Nam (Lô 12/11, Lô 16-1/15, Lô 09-2/09), Xí nghiệp Khai thác dầu khí sẽ đối diện với nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để phát triển mảng dịch vụ cốt lõi - cung cấp dịch vụ O&M, vận hành khai thác các mỏ dầu khí.

35 năm qua, Đội khai thác thử công nghiệp biên chế 21 cán bộ, công nhân viên với chức năng bảo dưỡng và chuẩn bị hệ thống công nghệ để gọi dòng giếng thuộc Cục khoan biển, đã phát triển thành Xưởng Khai thác dầu khí, Cục Khai thác dầu khí và lớn mạnh thành Xí nghiệp Khai thác dầu khí ngày nay. Mỗi tấn dầu Xí nghiệp khai thác dầu khí đảm nhiệm khai thác an toàn đã đóng góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của LD Vietsovpetro, của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và của đất nước. Tuy nhiên, một đóng góp quan trọng nữa không thể không nhắc đến, đó là Xí nghiệp Khai thác dầu khí đã từng là cái nôi nuôi dưỡng và đào tạo biết bao thế hệ lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu cho LD Vietsovpetro, cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, cho các công ty dầu khí Việt Nam và LB Nga hiện nay, cũng như Liên Xô trước kia.

Danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2011” - danh hiệu chưa từng có tiền lệ đối với đơn vị trực thuộc đơn vị trong một doanh nghiệp là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thể hệ cán bộ, công nhân viên Xí nghiệp Khai thác dầu khí đã qua và cũng là hành trang quan trọng để Xí nghiệp Khai thác dầu khí bước tiếp vào một giai đoạn mới - Giai đoạn duy trì khai thác lô 09-1 và mở rộng khai thác các lô ngoài - vì một Xí nghiệp Khai thác dầu khí bền vững và năng động./.

LÊ VIỆT HẢI; PHẠM CAO THÀNH

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động