Dự thảo quy định đầu tư ra nước ngoài về dầu khí
15:30 | 27/06/2016
PVN và Petronas thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dầu khí
Việt - Nga mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí
Petrovietnam và KPI ký thỏa thuận hợp tác
Theo Bộ Công Thương, hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, tính đến ngày 31/12/2015, 28 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, với tổng mức đầu tư ra nước ngoài phần tham gia của doanh nghiệp Việt Nam ghi theo Giấy chứng nhận đầu tư là 7.990,9 triệu USD. Trong đó, 17 dự án đang hoạt động và 11 dự án tìm kiếm thăm dò đã hoặc đang thực hiện việc chấm dứt do hoạt động tìm kiếm thăm dò rủi ro cao.
Trong khoảng thời gian 15 năm (kể từ năm 2000 đến nay), doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực thực hiện công tác đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ra nước ngoài phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến năm 2015 và định hướng tới năm 2025, cũng như Kế hoạch 5 năm 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hoạt động đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đã được triển khai với tốc độ vừa phải, có sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và đã đạt được kết quả khả quan, bước đầu có hiệu quả.
Cũng theo Bộ Công Thương, ngày 26/11/2014, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư, trong đó Chương V quy định tương đối cụ thể về đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, các quy định trong Luật này cũng như một số quy định của pháp luật liên quan chưa tạo sự thống nhất và phù hợp với thực tế hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí cũng như thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế được chấp nhận chung.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã đề xuất dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí gồm 5 chương, 32 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định cụ thể về: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; triển khai dự án dầu khí; quản lý nhà nước về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.
Theo dự thảo, Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.
Dự thảo nêu rõ, việc đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí phải đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, nhà nước. Đối với nhà đầu tư là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trước khi thực hiện việc đặt cọc, ký quỹ, các hình thức bảo lãnh tài chính khác theo yêu cầu của bên mời thầu, nước tiếp nhận đầu tư liên quan đến điều kiện tham gia đấu thầu hoặc ký kết hợp đồng dầu khí, mua bán dự án dầu khí ở nước ngoài, nhà đầu tư phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tiếp cận dự án đầu tư.
Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ từ tài khoản ngoại tệ (chính) của mình, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để nghiên cứu thị trường, tìm kiếm cơ hội và chuẩn bị đầu tư trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, bao gồm: Nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư; khảo sát thực địa; nghiên cứu tài liệu; thu thập và mua tài liệu, thông tin có liên quan đến lựa chọn dự án dầu khí; tổng hợp, đánh giá, thẩm định, kể cả việc lựa chọn và thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá, thẩm định dự án; chủ trì, tham gia tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học; đàm phán hợp đồng dầu khí; mua hoặc thuê tài sản hỗ trợ cho việc hình thành dự án dầu khí ở nước ngoài; thanh toán các khoản phí có thời hạn phải thanh toán không dài hơn 60 ngày kể từ ngày hiệu lực của hợp đồng dầu khí… Hạn mức chuyển ngoại tệ theo quy định này không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 500.000 USD, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Dự thảo nêu rõ, việc chuyển hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài theo quy định trên thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan về xuất khẩu, hải quan, công nghệ.
Nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để tham gia đấu thầu quốc tế hoặc các hình thác bảo đảm khác khi đối tác yêu cầu trước khi tiến hành đàm phán chính thức với đối tác như: đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác theo yêu cầu của bên mời thầu, nước tiếp nhận đầu tư liên quan đến điều kiện tham gia đấu thầu với giá trị giao dịch không vượt quá 2 triệu USD. Trường hợp nhà đầu tư là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, việc thực hiện các giao dịch này với giá trị lớn hơn 2 triệu USD phải được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận dự án đầu tư ra nước ngoài. Trường hợp nhà đầu tư không phải là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, việc thực hiện các giao dịch này với giá trị lớn hơn 2 triệu USD phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận.
NangluongVietnam Online