RSS Feed for Kiến giải tồn tại Thứ ba 01/07/2025 19:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đề xuất hướng dẫn chi tiết để đưa Luật Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (sửa đổi) đi vào dự án

 - Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2025. Theo hướng dẫn hiện hành về xây dựng các dự án luật, Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) chỉ quy định khung, nên cần sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, đặc biệt là đối với nhà máy điện hạt nhân. Bài viết này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích những nội dung đã được quy định rõ trong Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) và đề xuất một số điểm cần có hướng dẫn chi tiết để có thể sớm đưa Luật vào đời sống.
Lò phản ứng hạt nhân nhỏ - Đề xuất bước khởi động triển khai Quyết định của Thủ tướng Lò phản ứng hạt nhân nhỏ - Đề xuất bước khởi động triển khai Quyết định của Thủ tướng

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1131/QĐ-TTg, ngày 12/6/2025, Ban hành danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược. Trong đó xác định: “Lò phản ứng hạt nhân nhỏ, an toàn là một trong các công nghệ chiến lược”. Bài viết dưới đây của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tìm hiểu một số thông tin về lò phản ứng hạt nhân nhỏ trên thế giới, chú ý một số đối tác tiềm năng của Việt Nam và đề xuất một số bước đi khởi động triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

I. Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. Các nội dung của Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới đã được thể hiện xuyên suốt trong quá trình thảo luận, bổ sung những quy định cần thiết vào Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) - Luật NLNT (sửa đổi).

Chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực NLNT được luật hóa tại một số điều của Luật NLNT (sửa đổi) đã làm rõ mục tiêu giải quyết các vấn đề thực tiễn, thúc đẩy các giá trị ưu tiên thông qua chuỗi những hành động mang tính quyền lực nhà nước. Đó là:

1. Chủ động làm chủ công nghệ, nguồn nhân lực và thể chế.

2. An toàn là yêu cầu tuyệt đối, đặt an toàn con người, môi trường và xã hội lên hàng đầu.

3. Phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển năng lượng quốc gia trong dài hạn.

4. Kết hợp sức mạnh nhà nước và thị trường.

5. Tạo sự đồng thuận xã hội và hội nhập quốc tế.

Một số điểm đặc thù về chính sách trong Luật NLNT (sửa đổi) là động lực mạnh mẽ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam, trong đó có ĐHN. Ví dụ như:

1. Có cơ chế ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng, trọng dụng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị và phòng thí nghiệm cho cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử theo quy định của pháp luật.

2. Ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; tăng cường năng lực chế tạo và nội địa hóa trang thiết bị trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong xây dựng và chế tạo thiết bị, tiến tới làm chủ công nghệ điện hạt nhân.

II. Tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của Luật với hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế:

UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, thống nhất quy định các nội dung nêu trên để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, không quy định trong Luật NLNT (sửa đổi) những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, làm rõ thẩm quyền quyết định, phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân và điều khoản chuyển tiếp đối với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý và hoàn thiện các quy định để đảm bảo:

1. Tính đồng bộ với các luật liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư.

2. An toàn và an ninh hạt nhân trong xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân.

3. Quy định rõ quy trình cấp phép theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), bảo đảm đúng chuẩn mực quốc tế và phải đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Điểm đặc thù của Luật NLNT (sửa đổi) là đã có quy định xuyên suốt về trách nhiệm bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân quốc gia; giao Chính phủ quy định chi tiết về bảo đảm nguyên tắc tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân và an ninh hạt nhân với việc phát triển, ứng dụng NLNT.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (UB KHCNMT) đã đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, hoàn thiện các nội dung liên quan về NLNT quy định tại dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp (về ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch (về quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch phát triển, ứng dụng NLNT).

Người viết bài này được chứng kiến và rất tâm đắc với 3 nội dung được thảo luận kỹ, thể hiện sự hợp tác chặt chẽ của đại diện các bộ, đơn vị có liên quan dưới sự chủ trì của UB KHCNMT, được thể hiện trong Luật NLNT (sửa đổi). Đó là:

1. Quy định về khoáng sản có tính phóng xạ. Có những loại khoáng sản, vốn không có nguy hại phóng xạ, nhưng sau khi khai thác, lấy đi phần có ích theo mục đích ban đầu, chất thải còn lại tích tụ lượng phóng xạ có khả năng gây hại cho con người và môi trường. Đại diện các bên có liên quan đã trao đổi ý kiến, thống nhất cách hiểu cụm từ “khoáng sản có tính phóng xạ”.

2. Quy định về địa điểm cơ sở lưu giữ, xử lý, chôn cất chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Quy hoạch địa điểm loại này thuộc trách nhiệm của một bộ, nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước của thứ được lưu giữ (chôn cất) tại các địa điểm đó lại thuộc một bộ khác. Vì vậy đã trao đổi cụ thể để thống nhất như quy định ghi trong Luật.

3. Theo Luật Xây dựng, nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) có thể không cần có giấy phép xây dựng. Trong khi theo chuẩn mực quốc tế, thì việc cấp giấy phép xây dựng không chỉ đơn giản là thủ tục hành chính, mà còn là tổng kiểm tra, thẩm tra, thẩm định những công việc, hoạt động của tất cả các bên có liên quan đã thực hiện trước đó để bảo đảm mọi quy định, hướng dẫn bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân đã được thực hiện đầy đủ. Các bên có liên quan đã thống nhất với việc có quy định về giấy phép xây dựng nhà máy ĐHN trong Luật NLNT (sửa đổi).

UBTVQH đã chỉ đạo để hạn chế tối đa các khoảng trống về quản lý nhà nước trong lĩnh vực NLNT, cũng như không để có quy định chồng chéo giữa các luật.

III. Giai đoạn lựa chọn và đánh giá địa điểm nhà máy ĐHN (dựa trên các tiêu chuẩn của IAEA: SSR-1, SSG-16, SSG-35):

1. Mục tiêu pháp lý:

- Bảo đảm rằng địa điểm được lựa chọn phù hợp, an toàn và có thể đáp ứng các yêu cầu về thiết kế, xây dựng và vận hành.

- Giảm thiểu rủi ro cho cộng đồng và môi trường do điều kiện tự nhiên, con người và sự cố ngoài thiết kế.

2. Nội dung cần quy định trong Nghị định:

- Trình tự và điều kiện lựa chọn địa điểm: Gồm khảo sát sơ bộ, lựa chọn, đánh giá, phê duyệt địa điểm. Yêu cầu lập Báo cáo đánh giá địa điểm.

- Trách nhiệm các bên: Chủ đầu tư chuẩn bị hồ sơ; cơ quan pháp quy thẩm định và phê duyệt. Các bộ liên quan tham gia thẩm định.

- Cơ chế tham vấn cộng đồng và công bố thông tin: Quy định bắt buộc tham vấn cư dân vùng ảnh hưởng và tiếp nhận phản hồi. Quy trình và tiêu chí tham vấn theo chuẩn quốc tế.

3. Nội dung cần hướng dẫn chi tiết trong Thông tư:

- Các tiêu chí lựa chọn địa điểm: Địa chấn, núi lửa, sụt lún đất, lũ lụt, bão, mực nước biển dâng; mật độ dân cư, khả năng sơ tán, hạ tầng giao thông, nguồn nước làm mát.

- Phạm vi khảo sát: Khoảng 100-300 km (tác động vùng xa), 25 km (đánh giá chi tiết), 5 km (tác động trực tiếp). Yêu cầu về thời gian quan trắc (tối thiểu 1 năm).

- Báo cáo đánh giá địa điểm: Nội dung, cấu trúc, dữ liệu bắt buộc. Các phương pháp phân tích nguy cơ, mô hình đánh giá.

- Cập nhật định kỳ thông tin địa điểm: Trong suốt vòng đời nhà máy, kể cả sau khi ngừng vận hành.

IV. Giai đoạn thiết kế nhà máy ĐHN (dựa trên các tiêu chuẩn của IAEA: SSR-2/1 Rev.1, GSR Part 4, SSG-2, SSG-3, SSG-4):

1. Mục tiêu pháp lý:

- Đảm bảo thiết kế đáp ứng nguyên tắc an toàn cơ bản, bao gồm cả các điều kiện vượt quá giả thiết thiết kế (DEC: Design Extension Conditions).

- Phòng ngừa sự cố và giảm nhẹ hậu quả nếu sự cố xảy ra.

2. Nội dung cần quy định trong Nghị định:

- Yêu cầu đối với thiết kế nhà máy ĐHN: Tuân thủ nguyên tắc bảo vệ theo chiều sâu. Tích hợp các biện pháp bảo vệ bức xạ và an ninh hạt nhân.

- Phê duyệt thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật: Thiết kế cơ sở là một phần hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng. Thiết kế kỹ thuật cần được đánh giá trước khi lắp đặt hệ thống an toàn.

- Đánh giá thiết kế bởi cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân quốc gia, hoặc tổ chức hỗ trợ kỹ thuật (TSO): Có thể yêu cầu đánh giá độc lập bởi tổ chức kỹ thuật hỗ trợ.

3. Nội dung cần hướng dẫn trong Thông tư:

- Cấu trúc và yêu cầu thiết kế: Hệ thống an toàn (làm mát, cô lập, dừng phản ứng), phân vùng vật lý. Chống sự cố nghiêm trọng, thiên tai, máy bay rơi, cháy nổ…

- Báo cáo phân tích an toàn: Bao gồm phân tích tất định (DSA), phân tích xác suất (PSA mức 1, 2), phân tích kịch bản tai nạn. Kết hợp dữ liệu địa điểm để xác minh thiết kế đáp ứng điều kiện thực tế.

- Thiết kế đáp ứng DEC: Giảm rủi ro mất kiểm soát lõi lò, giảm phát thải phóng xạ.

- Hướng dẫn sử dụng thiết kế đã được phê duyệt quốc tế: Áp dụng nguyên tắc “chấp nhận thiết kế của nhà cung cấp” nhưng cần phù hợp với địa điểm cụ thể.

V. Giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (dựa trên hướng dẫn của IAEA: NG-T-3.3):

1. Mục tiêu pháp lý:

- Bảo đảm Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) cung cấp cơ sở vững chắc để quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân.

- Đánh giá tính khả thi toàn diện về kinh tế, kỹ thuật, tài chính, pháp lý, an toàn và xã hội, từ đó lựa chọn phương án tối ưu.

- Phân tích các rủi ro và đề xuất cơ chế quản lý rủi ro trong suốt vòng đời dự án.

2. Nội dung cần quy định trong Nghị định:

- Trách nhiệm lập FS: Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Việc lập FS có thể thuê tổ chức tư vấn chuyên ngành trong và ngoài nước.

- Thành phần và nội dung chính của FS bao gồm tối thiểu các nội dung: (i) Nhu cầu và cơ sở pháp lý; (ii) Công nghệ dự kiến; (iii) Địa điểm; (iv) Giải pháp kỹ thuật sơ bộ; (v) Tác động môi trường - xã hội; (vi) Kế hoạch an toàn và an ninh hạt nhân; (vii) Phân tích tài chính - kinh tế; (viii) Kế hoạch nhân lực và tổ chức thực hiện; (ix) Quản lý rủi ro.

- Thẩm định FS: Chính phủ giao một cơ quan đầu mối tổ chức thẩm định FS. Cơ quan An toàn Bức xạ và Hạt nhân Quốc gia và các bộ, cơ quan liên quan tham gia thẩm định.

- Điều kiện trình phê duyệt chủ trương đầu tư: FS phải được thẩm định và có ý kiến chấp thuận của Cơ quan An toàn Bức xạ và Hạt nhân Quốc gia về các khía cạnh an toàn, an ninh hạt nhân và môi trường.

3. Nội dung cần hướng dẫn chi tiết trong Thông tư:

Cấu trúc và yêu cầu nội dung FS:

- Mô tả dự án và nhu cầu đầu tư.

- Phân tích lựa chọn công nghệ: So sánh các công nghệ theo tiêu chí an toàn, chi phí vòng đời, khả năng chuyển giao và vận hành.

- Phân tích địa điểm sơ bộ: Kết quả khảo sát sơ bộ, phù hợp quy hoạch phát triển không gian và năng lượng.

- Dự toán đầu tư: Tách rõ chi phí công trình, thiết bị, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý chất thải và tháo dỡ.

- Kế hoạch nhân lực: Dự báo nhu cầu nhân lực, lộ trình đào tạo, chứng nhận và phối hợp quốc tế.

- Kế hoạch cấp phép và lộ trình triển khai.

- Yêu cầu phương pháp luận đánh giá: Áp dụng các phương pháp đánh giá kinh tế, phân tích chi phí - lợi ích xã hội, đánh giá rủi ro định tính và định lượng.

- Yêu cầu tham vấn cộng đồng và các bên liên quan: Quy trình và nội dung tham vấn trong giai đoạn FS; tài liệu minh chứng và tổng hợp ý kiến.

- Báo cáo FS mẫu: Cung cấp biểu mẫu chuẩn về cấu trúc FS và phụ lục kỹ thuật cần kèm theo.

VI. Giai đoạn xây dựng nhà máy ĐHN (dựa trên các tiêu chuẩn của IAEA: SSR-2/1, GSR Part 1, SSG-38):

1. Mục tiêu pháp lý: Quản lý rủi ro trong quá trình xây dựng, đảm bảo các hệ thống được lắp đặt đúng thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật.

2. Nội dung cần quy định trong Nghị định:

- Trình tự cấp giấy phép xây dựng: Giấy phép xây dựng cấp sau khi phê duyệt thiết kế cơ sở và đánh giá địa điểm. Cho phép xây dựng, chế tạo các cấu trúc an toàn (nền móng, kết cấu bê tông, vỏ lò…).

- Trách nhiệm giám sát và kiểm tra xây dựng: Cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân quốc gia thực hiện thanh tra; chủ đầu tư phải đảm bảo kiểm tra chất lượng nội bộ. Báo cáo định kỳ tiến độ và sai sót kỹ thuật.

- Tạm ngừng, hoặc rút giấy phép nếu vi phạm: Cơ chế xử lý trong trường hợp sai phạm chất lượng, hoặc thay đổi thiết kế không được phê duyệt.

3. Nội dung cần hướng dẫn trong Thông tư:

- Yêu cầu kiểm soát chất lượng công trình hạt nhân: Kiểm tra vật liệu, công nghệ hàn, đúc, lắp đặt thiết bị quan trọng (các hạng mục Class 1). Ghi chép truy xuất nguồn gốc.

- Công tác thử nghiệm sau lắp đặt - tiền vận hành (pre-operational tests): Quy định các thử nghiệm hệ thống điện, hệ thống điều khiển, khả năng vận hành an toàn.

- Yêu cầu về an toàn phóng xạ trong xây dựng: Bảo vệ người lao động, kiểm soát vùng làm việc phóng xạ nếu có lắp đặt vật liệu kích hoạt.

- Hợp đồng với nhà thầu và trách nhiệm pháp lý của nhà thầu: Hợp đồng phải có điều khoản bảo đảm chất lượng, xử lý vi phạm, chia sẻ trách nhiệm an toàn.

VII. Giai đoạn vận hành nhà máy ĐHN (dựa trên các tiêu chuẩn của IAEA: SSR-2/2 Rev.1, GSR Part 2, GSR Part 3, GSR Part 7):

1. Mục tiêu pháp lý: Đảm bảo hoạt động an toàn, liên tục, giảm thiểu rủi ro phóng xạ và duy trì văn hóa an toàn.

2. Nội dung cần quy định trong Nghị định:

- Giấy phép vận hành: Cấp sau khi hoàn tất thử nghiệm, đánh giá an toàn, có đầy đủ nhân lực được cấp chứng chỉ. Có hiệu lực theo từng giai đoạn (trước và sau nạp nhiên liệu).

- Tổ chức và quản lý vận hành: Cơ cấu tổ chức, vai trò trách nhiệm rõ ràng. Chính sách chất lượng và văn hóa an toàn hạt nhân.

- Quản lý sự cố và bảo trì: Yêu cầu có hệ thống báo cáo sự cố, hỏng hóc, bảo trì định kỳ. Giám sát sự suy giảm thiết bị, hệ thống.

3. Nội dung cần hướng dẫn trong Thông tư:

- Yêu cầu về nhân lực và đào tạo: Cấp chứng chỉ vận hành, huấn luyện diễn tập sự cố, đánh giá năng lực định kỳ.

- Báo cáo sự cố và sự kiện bất thường: Mức sự cố (International Nuclear and Radiological Event Scale - INES level), thời hạn gửi báo cáo, nội dung cần có. Điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

- Giám sát phóng xạ và liều chiếu xạ: Hệ thống giám sát phóng xạ môi trường, nước thải, không khí. Kiểm soát liều cho nhân viên, công nhân phụ trợ.

- Kế hoạch ứng phó khẩn cấp: Lập kế hoạch, tổ chức diễn tập, vùng bảo vệ khẩn cấp. Điều phối với địa phương, quốc phòng an ninh, y tế, công an.

- Bảo trì và cải tiến hệ thống: Cập nhật phần mềm điều khiển, thay thế thiết bị lỗi thời, phân tích hậu kiểm (phản hồi kinh nghiệm vận hành: operational experience feedback - OEF).

VIII. Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau cần lưu ý:

1. Đánh giá địa điểm nhà máy ĐHN một cách hệ thống suốt vòng đời nhà máy:

Ở giai đoạn lựa chọn và đánh giá địa điểm, IAEA yêu cầu một chuỗi các bước cụ thể (như trong sơ đồ ở Hình 1). Khảo sát địa điểm sơ bộ phải được thực hiện từ giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng sử dụng các dữ liệu có sẵn của hệ thống lưu trữ quốc gia về điều kiện tự nhiên (địa chất, địa chấn, khí tượng, thủy văn…); tiến hành khảo sát sơ bộ đặc điểm địa hình, dân cư… Việc đánh giá chi tiết được thực hiện ở bước lựa chọn địa điểm để khẳng định không có các điều kiện loại trừ không thể xây dựng được nhà máy ĐHN. Sau bước lựa chọn địa điểm là bước xác định đặc điểm của địa điểm làm cơ sở cho thiết kế nhà máy ĐHN.

So với quy định khi đánh giá địa điểm xây dựng công trình dân dụng, hoặc công trình công nghiệp khác, đánh giá địa điểm nhà máy ĐHN yêu cầu mức độ chính xác cao hơn, đòi hỏi nhiều dữ liệu hơn, khoan đào, quan trắc nhiều hơn, phạm vi rộng hơn, cần nhiều thí nghiệm đánh giá ở các phòng thí nghiệm hiện đại mà hầu hết Việt Nam chưa tự thực hiện được.

Đề xuất xây dựng Nghị định, Thông tư để hiện thực hóa Luật Năng lượng Nguyên tử Việt Nam
Hình 1: Quá trình tìm địa điểm và quá trình đánh giá địa điểm nhà máy ĐHN.

Điểm đặc thù nữa là việc đánh giá địa điểm được thực hiện liên tục, ngay cả sau khi nhà máy ĐHN đã được cấp giấy phép vận hành. Nghĩa là tính phù hợp của địa điểm bảo đảm vận hành an toàn nhà máy ĐHN phải được đánh giá ở giai đoạn đầu của quá trình đánh giá địa điểm và phải được xác nhận trong suốt thời gian tồn tại của nhà máy theo kế hoạch. Việc khảo sát và đánh giá địa điểm nhà máy ĐHN cũng không phải chỉ được thực hiện ở khu vực bên trong hàng rào nhà máy, mà rộng hơn, ra các khu vực (vùng) bên ngoài địa điểm nhà máy, tùy thuộc các đặc điểm tự nhiên và dân cư cần phải khảo sát, đánh giá.

Hiện nay Luật NLNT (sửa đổi) chưa yêu cầu bắt buộc quy trình theo các bước hệ thống này. Việc chi tiết hóa các quy định giúp định nghĩa rõ ràng phạm vi đánh giá và đảm bảo lựa chọn kỹ càng địa điểm nhà máy ĐHN.

2. Ưu tiên bảo đảm an toàn cho dân cư khi xác định các khu vực bên ngoài liền kề địa điểm nhà máy ĐHN:

Thông tư 13/2009/TT-BKHCN của Bộ KH&CN ban hành ngày 20/5/2009 hướng dẫn đánh giá sơ bộ về an toàn hạt nhân đối với địa điểm nhà máy ĐHN trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư (tiền khả thi), quy định “Phải xác định được khu vực cấm dân cư là khu vực có ranh giới ngoài cách hàng rào nhà máy tối thiểu 1 km. Trường hợp tại vị trí cách hàng rào nhà máy lớn hơn 1 km mà một người có thể phải chịu tổng liều chiếu xạ hiệu dụng tương đương vượt quá 0,25 Sivơ (25 rem) hoặc tổng liều nhiễm xạ iốt đối với tuyến giáp vượt quá 3 Sivơ (300 rem) trong thời gian 2 giờ khi có sự cố xảy ra thì khu vực cấm phải được mở rộng tới vị trí đó”. Chính phủ đang chỉ đạo xác định chính xác yêu cầu khu vực cấm dân cư phải cách hàng rào nhà máy tối thiểu 1 km, hay có thể ít hơn.

Theo chuyên gia Taekmo Shim (báo cáo tại Hội thảo IAEA-KINS “Đánh giá địa điểm đối với cơ sở hạt nhân”, 16-20/4/2018, Hàn Quốc), thì khoảng cách từ lò phản ứng đến ranh giới khu vực cấm dân cư (Exclusion Area Boundary: EAB) khác nhau theo loại lò phản ứng: Đối với CANDU Rx là 914 mét; KR-1,2,3,4, YG-1,2, UJ-1,2,3,4 là 700 mét; YG-5,6, UJ-5,6 là 560 mét.

Chuyên gia Taekmo Shim (trong tài liệu đã dẫn ở trên) cũng đưa ra cách xác định EAB theo liều chiếu xạ, hoặc tổng liều nhiễm xạ trong thời gian 2 giờ khi có sự cố giả định (postulated accident) xảy ra như quy định của nhiều tài liệu gốc mà Bộ KHCN đã tham khảo để xây dựng Thông tư 13. Theo kinh nghiệm của Ấn Độ (Tài liệu tham khảo: Monograph on siting of NPP, AERB), thì khu vực cấm dân cư là khu vực có ranh giới ngoài cách hàng rào nhà máy 1 km (1,5 km - 0,5 km) như Hình 2 dưới đây:

Đề xuất xây dựng Nghị định, Thông tư để hiện thực hóa Luật Năng lượng Nguyên tử Việt Nam
Hình 2: Khoảng cách các khu vực xung quanh nhà máy ĐHN.

Hiện nay, công nghệ ĐHN đã hiện đại hơn, an toàn hơn, nên có thể tính toán, giảm bớt ranh giới khu vực cấm dân cư (EAB). Đồng thời, có thể có các quyết định linh hoạt phụ thuộc vào địa hình tự nhiên (ví dụ ở nơi có đồi, núi che chắn). Tuy nhiên, cần thận trọng, tránh vi phạm nguyên tắc tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân và an ninh hạt nhân với việc phát triển, ứng dụng NLNT được quy định trong Luật NLNNT (sửa đổi).

IX. Kết luận:

Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là một bước tiến quan trọng trong việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên, để Luật thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Chính phủ cần sớm chỉ đạo ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn chi tiết cho từng giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân. Những quy định này không chỉ nhằm lấp đầy các khoảng trống pháp lý, mà còn phải bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt phù hợp với các tiêu chuẩn và hướng dẫn của IAEA.

Việc cụ thể hóa các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn, an ninh và quản lý vòng đời của nhà máy điện hạt nhân sẽ giúp nâng cao độ tin cậy, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai dự án, đồng thời xây dựng niềm tin của xã hội và cộng đồng quốc tế. Đây là cơ sở nền tảng để Việt Nam phát triển năng lượng nguyên tử một cách bền vững, an toàn và hiệu quả trong thời kỳ tới./.

TS. LÊ CHÍ DŨNG - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động