Đề nghị xử lý kiến nghị của VEA về đầu tư nhà máy đốt rác phát điện
10:59 | 18/12/2017
Đề nghị nghiên cứu công nghệ Nhật Bản trong kiểm soát lũ thủy điện
Đề nghị nghiên cứu đề xuất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về Luật Quy hoạch
Kiến nghị đầu tư nhà máy đốt rác phát điện tại TPHCM
Trước đó, nhằm góp phần thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hồi tháng 5/2017, VEA đã có văn bản gửi UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị phê duyệt chủ trương và cho thuê đất thực hiện dự án Nhà máy đốt rác thải để phát điện tại các khu xử lý rác Phước Hiệp, hoặc Gò Cát.
Còn mới đây nhất, với mục tiêu xử lý hầu hết chất rác thải cho mục đích môi trường, năng lượng, ngày 20/11/2017, VEA có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo UBND TP. Hồ Chí Minh khẩn trương xem xét, cho phép Công ty Ngôi Sao Vàng được thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện tại bãi rác Phước Hiệp để sớm triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đầu tư và khởi công dự án theo đúng các quy định hiện hành.
Theo văn bản kiến nghị của VEA, Công ty TNHH MTV Ngôi Sao Vàng hiện đang hợp tác với đối tác nước ngoài có năng lực và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đốt rác trực tiếp để phát điện với công nghệ thân thiện môi trường, xử lý triệt để các chất thải, không gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.
Cụ thể, Công ty Ngôi Sao Vàng và Công ty TNHH Kiểm soát Môi trường Cẩm Giàng có văn phòng đặt tại Singapore dự kiến thành lập Công ty cổ phần Công nghệ và Giải pháp Năng lượng sạch để thực hiện dự án sử dụng rác thải tại bãi rác Phước Hiệp để phát điện.
Dự án có vốn đầu tư khoảng 100 - 120 triệu USD, sử dụng khoảng 20 - 30 ha đất xây dựng nhà máy nhằm xử lý 2.000 - 3.000 tấn rác/ngày với đơn giá khoảng 20 - 22 USD/tấn.
Liên quan đến vấn đề xử lý rác thải tại TP. Hồ Chí Minh, mới đây, tại Hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt - phát điện (tổ chức ngày 26/11/2017), UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện đang phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% lượng rác thải được xử lý thành năng lượng. Theo đó, Thành phố sẽ chủ trương thay đổi công nghệ, cách thức xử lý rác, chuyển đổi từ chôn lấp sang công nghệ đốt rác phát điện. Dự kiến năng lượng thu được từ đốt rác phát điện trong giai đoạn 2020 - 2021 là 98MW, đến 2025 là 138MW và đến 2030 có thể lên đến 198MW.
Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác, TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra một số ưu đãi đầu tư vào xử lý rác như: miễn tiền thuê đất 11 năm, hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp, mua lượng điện tạo ra với giá 2.114 đồng/kWh, tài trợ lãi vay, vv…
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, hiện thành phố có ba loại rác gồm: rác thải rắn sinh hoạt, rác thải công nghiệp - nguy hại và rác thải y tế.
Trong đó, khối lượng rác thải sinh hoạt là 8.700 tấn/ngày và được chôn lấp 76%, (tương đương 6.600 tấn), 14,7% được chuyến hóa thành phân compost và 9,3% đem đốt.
Đáng chú ý, tỷ lệ tái chế rác thải rắn sinh hoạt rất thấp do thực tế rác thải hiện chưa được phân loại tại nguồn toàn bộ.
Với rác thải công nghiệp và nguy hại, mỗi ngày, TP. Hồ Chí Minh phát sinh từ 1.500-2.000 tấn. Trên địa bàn thành phố có 12 cơ sở được cấp phép xử lý rác thải nguy hại và được xã hội hóa.
Đối với rác thải rắn y tế, mỗi ngày thành phố cũng có tới 22 tấn phát sinh và loại rác thải này hiện được Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị đốt hoàn toàn.
Hiện sở đang kêu gọi đầu tư đối với 5 bãi chôn lấp ngưng hoạt động gồm: Phước Hiệp (huyện Củ Chi) 3 bãi, Gò Cát (quận Bình Tân) và Đông Thạnh (huyện Hóc Môn).
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM