Dành vốn ODA xây Nhiệt điện Thái Bình, ĐZ truyền tải điện
09:01 | 05/06/2016
Nhật Bản dành gần 36,4 tỷ Yên vốn ODA cho điện Việt Nam
Theo JICA, Dự án này sẽ xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất 600 MW sử dụng nhiên liệu than nội địa, lắp đặt các đường dây truyền tải 220kV và các trạm biến áp, kết nối nhà máy điện với lưới điện khu vực miền Bắc, nhằm đáp ứng nhu cầu điện trong khu vực.
Tổng giá trị các khoản vay ODA lần này cho cả ba dự ánlên tới 166,124 tỷ Yên Nhật. Ảnh: JICA
Hợp phần nhà máy điện sẽ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện, trong khi đó, hợp phần Đường dây truyền tải và Trạm biến áp sẽ do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia thực hiện.
Theo kế hoạch, dự án án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình và các đường dây truyền tải điện sẽ hoàn thành tháng 4/2018.
Vốn vay được sử dụng cho hoạt động xây dựng, mua sắm vật tư, trang thiết bị để xây dựng nhà máy điện, đường dây truyền tải và trạm biến áp, đồng thời được sử dụng cho các dịch vụ tư vấn như hỗ trợ đấu thầu và giám sát thi công công trình.
Vốn vay còn được sử dụng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho các nhà máy điện lân cận.
Theo Jica, đây là khoản vay thứ tư của dự án này. Trước đó Nhật Bản đã hỗ trợ gói vốn vay ODA đầu tiên là 20,737 tỷ Yên (hiệp định vốn vay ký kết vào tháng 11/2009), gói vay thứ hai trị giá 36,392 tỷ Yên (hiệp định vốn vay ký kết vào tháng 1/2015) và gói vay thứ ba trị giá 9,873 tỷ Yên (hiệp định vốn vay ký kết vào tháng 7/2015).
Dự án được cho là sẽ góp phần đảm bảo việc cung cấp điện ổn định tại Việt Nam, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.
Trong giai đoạn 2000-2014, Việt Nam đã đạt tăng trưởng kinh tế cao với mức GDP bình quân 6.4%/năm. Với mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như hiện nay, nhu cầu điện năng tăng bình quân hàng năm hơn 10% trong giai đoạn 2010-2014 và nhu cầu này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Để đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng tăng, Việt Nam có kế hoạch tăng công suất phát điện thêm khoảng 50.000 MW theo như kế hoạch đã đề ra trong Quy hoạch tổng thể Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030 (Quy hoạch Điện 7).
Mặc dù hoạt động đầu tư phát triển nguồn năng lượng đã được đề cập trong Quy hoạch tổng thể, nhưng trên thực tế đã chậm hơn so với quy hoạch do thiếu hụt nguồn vốn, làm gia tăng áp lực lên việc cân bằng cung - cầu điện tại Việt Nam.
Tổng giá trị các khoản vay ODA lần này lên tới 166,124 tỷ Yên Nhật cho ba dự án, sẽ giúp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế thiết yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy cải thiện môi trường để khắc phục đặc tính dễ bị tổn thương của quốc gia.
Để đảm bảo tính công bằng và cạnh tranh trong quá trình đấu thầu, Chính phủ Việt Nam và JICA sẽ cùng thảo luận và xác định những hạng mục phía Việt Nam sẽ triển khai giám sát hậu dự án về thủ tục mua sắm đấu thầu do bên thứ ba thực hiện. Chi phí giám sát này sẽ không bao gồm trong khoản vay ODA Nhật Bản.
HẢI VÂN
Điều kiện các khoản vay và mức vay
Tên dự án |
Mức vay (triệu Yên) |
Lãi suất (%/năm) |
Thời gian trả nợ (năm) |
Thời gian ân hạn (năm) |
Điều kiện vay |
|
Phần xây lắp |
Phần dịch vụ tư vấn |
|||||
1. Dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên (III) |
90.175 |
0,1 |
0,01 |
40 |
10 |
Ràng buộc Nhật Bản |
2. Dự án Xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Điện Thái Bình và đường dây truyền tải điện (IV) |
54.982 |
1,4 |
0,01 |
30 |
10 |
Không ràng buộc |
3. Dự án Cải tạo Môi trường Nước Tp. HCM – Giai đoạn 2 (III) |
20.967 |
0,3 |
0,01 |
40 |
10 |
Không ràng buộc |