RSS Feed for Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn và các chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của Nhà nước | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 28/04/2024 00:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn và các chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của Nhà nước

 - Như chúng ta điều biết, do gặp nhiều khó khăn, thậm chí là bế tắc, nên Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn đã chậm tiến độ hơn 10 năm nay. Vì vậy, ngày 4/1/2023, Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí đã có kết luận đốc thúc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PVN, EVN, MOECO, PTTEP đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, ký hợp đồng EPC cùng các thỏa thuận thương mại, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, hoàn thiện phương án thu xếp vốn v.v... ngay trong những tháng đầu năm 2023.
PQPOC đặt mục tiêu đón dòng khí đầu tiên từ dự án Lô B vào năm 2026 PQPOC đặt mục tiêu đón dòng khí đầu tiên từ dự án Lô B vào năm 2026

Thông tin từ Chi nhánh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) cho biết: Hiện đơn vị này đang tích cực triển khai các công tác liên quan đến các gói thầu chính của dự án khí Lô B để có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào quý 2/2023 và có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026.

Hoàn thiện kế hoạch phát triển mỏ Cá Voi Xanh (theo phiên bản mới của ExxonMobil) Hoàn thiện kế hoạch phát triển mỏ Cá Voi Xanh (theo phiên bản mới của ExxonMobil)

Kết luận của Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm dầu khí về tình hình triển khai các dự án trọng điểm dầu khí (ngày 4/1/2023), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng ban thường trực đã đề nghị các cơ quan liên quan giải quyết, hỗ trợ pháp lý, xử lý dứt điểm vướng mắc... để thúc đẩy nhanh Chuỗi Dự án khí - điện Cá Voi Xanh.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng ban (thường trực) Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm dầu khí đã có các chỉ đạo rất cụ thể, quyết liệt đối với các bên liên quan trong Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn như sau:

Thứ nhất: Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục thẩm định đề xuất dự án Nhà máy điện Ô Môn 3 sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận trong tháng 1/2023.

Thứ hai: Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phê duyệt điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, hoàn thành trong tháng 1/2023.

Thứ ba: Đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp với các bên nước ngoài (MOECO - Nhật Bản, PTTEP - Thái Lan), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ đầu tư các nhà máy điện Ô Môn thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Thông báo số 284/TB-BCT ngày 28/11/2022. Theo đó:

1/ PVN phối hợp cùng các bên tham gia dự án phát triển mỏ khí Lô B đẩy nhanh tiến độ đấu thầu lại các gói thầu thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm Giàn công nghệ trung tâm, Giàn nhà ở (EPCI&1) và gói thầu các đường ống nội mỏ (EPCI&2). Cụ thể là hoàn thành đấu thầu để ký kết hợp đồng EPC#1 và hợp đồng EPC#2 chậm nhất trong tháng 6/2023.

2/ PVN, EVN và chủ đầu tư các nhà máy điện Ô Môn chịu trách nhiệm đàm phán, thống nhất và ký kết các thỏa thuận thương mại (GSPA, GSA, PPA) chậm nhất trong quý 2/2023.

3/ EVN sớm tổ chức đấu thầu EPC dự án Nhà máy điện Ô Môn 4 đồng bộ với tiến độ dự án thượng nguồn.

4/ EVN trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án Nhà máy điện Ô Môn 3 sau khi đề xuất sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5/ PVN hoàn thiện phương án thu xếp vốn cho các dự án thành phần của Chuỗi dự án khí - điện Lô B báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp xem xét phê duyệt.

6/ PVN, EVN phối hợp với các bên nước ngoài (MOECO, PTTEP) và chủ đầu tư các nhà máy điện Ô Môn khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để có thể triển khai ngay hoạt động đầu tư xây dựng các dự án thành phần của Chuỗi dự án khi đủ các điều kiện theo quy định pháp luật.

Như Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã đưa tin, ngày 26/12/2022, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai các dự án trọng điểm dầu khí.

Sau khi nghe báo cáo về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm dầu khí, các khó khăn vướng mắc và đề xuất, kiến nghị, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo kết luận: Nguyên nhân chậm tiến độ là do các chủ đầu tư dự án chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa quyết liệt trong xử lý các tồn tại, vướng mắc của từng dự án theo thẩm quyền, các giải pháp, kiến nghị còn chung chung, hoặc chưa phù hợp với quy định. Để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án trọng điểm dầu khí, Ban Chỉ đạo đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các công việc như sau:

Thứ nhất: Đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chỉ đạo PVN, EVN xây dựng tiến độ, kế hoạch chi tiết triển khai các dự án, trong đó phân giao rõ trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp, từng tập thể, cá nhân phụ trách giải quyết để thúc đẩy việc triển khai các dự án và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát.

Thứ hai: PVN, EVN và các đơn vị thành viên phải tập trung nâng cao hiệu quả công tác đâu tư theo chiến lược, kế hoạch đề ra; gia tăng giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ ba: Các đơn vị chức năng: Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Cục Điều tiết Điện lực, Vụ Dâu khí và Than tích cực tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm dầu khí thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, hoàn thành trong tháng 1/2023./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động