Cần một định chế để điều tiết chuỗi giá trị ngành Dầu khí
20:42 | 10/09/2018
Thủ tướng giao BCT nghiên cứu phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, kể từ năm 1986 thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trong thành tựu chung đó có đóng góp của ngành Dầu khí. Những năm gần đây, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Dầu khí vẫn hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, năm sau cao hơn năm trước. Tỷ trọng đóng góp của ngành có thể giảm nhưng nếu xét dưới góc độ doanh nghiệp thì là doanh nghiệp có mức đóng góp ngân sách Nhà nước hằng năm lớn nhất.
Từ 2006 đến nay, bên cạnh những bước phát triển mạnh mẽ, ngành Dầu khí còn tồn tại một số vấn đề trong quá trình phát triển, đặc biệt là việc ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong các Nghị quyết của Đại hội Đảng và Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị, rất nhiều vấn đề cần phải được thảo luận, trao đổi, làm rõ để ngành Dầu khí có thể triển khai tốt nhiệm vụ của mình, đảm bảo phát triển đúng định hướng đề ra trong những năm tiếp theo.
Tại buổi tọa đàm, thay mặt lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn đã trình bày báo cáo tổng quan phát triển của PVN, tình hình triển khai một số dự án trọng điểm của ngành Dầu khí, đồng thời báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Trong những năm trước 2015, Tập đoàn hoạt động trên cơ sở chủ trương Nghị quyết 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về "Phương hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2000”, Kết luận số 41-KL/TW ngày 19/1/2006 của Bộ Chính trị về "Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025”. Trong giai đoạn này, ngoài các thành công quan trọng mà Tập đoàn đạt được trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, hằng năm Tập đoàn đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách Nhà nước, 18-25% GDP cả nước. Đặc biệt, Tập đoàn đã thực hiện thành công và đưa vào vận hành 3 cụm dự án/dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí, đó là: Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau; Cụm Khí - Điện - Đạm Đông Nam Bộ và dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Các cụm dự án/dự án này đang hoạt động hết sức hiệu quả không những về mặt kinh tế mà có đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi có dự án vận hành.
Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, Tập đoàn hoạt động trên cơ sở chủ trương Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, giá dầu giảm mạnh (có lúc xuống dưới 30 USD/thùng, chỉ bằng 30% so với giá dầu trung bình giai đoạn 2010-2015), cùng với các vụ việc xảy ra ở Tập đoàn từ năm 2015 đến nay đã ảnh hưởng tới mọi mặt hoạt động của Tập đoàn. Song được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các bộ/ngành liên quan, lãnh đạo các địa phương và nhân cả nước, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên, Tập đoàn đã trụ vững và tiếp tục đạt được những kết quả khích lệ như: Nộp ngân sách Nhà nước hằng năm chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Riêng nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô chiếm 5-6% tổng thu ngân sách chung của Nhà nước và 7-9% tổng thu ngân sách Trung ương; đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm 10-13%. Ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn hiện tại tập trung vào 5 lĩnh vực gồm: Tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí; chế biến dầu khí; công nghiệp khí; công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San khẳng định, dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, gắn liền không chỉ bài toán năng lượng mà còn là chuỗi giá trị kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước, liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo sự tự chủ về nhiên liệu, đảm bảo nguồn năng lượng sạch, nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế như nông nghiệp (phân bón), hóa dầu như nhựa và sản phẩm tiêu dùng chất dẻo, nguyên liệu xuất xứ nội địa cho các ngành dệt may, da giày, các sản phẩm hóa chất… và đặc biệt là động lực phát triển kinh tế vùng, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đóng góp ngân sách Nhà nước. Bất cứ quốc gia nào cũng đều nắm giữ những phần cốt lõi và có Luật Dầu khí cho Công ty Dầu khí Quốc gia của họ - vì là ngành kinh tế đặc biệt nên phải có cách ứng xử đặc biệt riêng đối với dầu khí. Bên cạnh đó, các nước còn xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ hoàn chỉnh cho toàn chuỗi giá trị, chứ không riêng lĩnh vực hợp tác đầu tư trong thăm dò khai thác dầu khí.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đã đưa ra và thảo luận một loạt các vấn đề khó khăn, vướng mắc mà PVN đã và đang phải đối diện như việc thực hiện Luật Dầu khí gặp nhiều vướng mắc, công tác đầu tư ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn, về bảo lãnh Chính phủ và thu xếp vốn cho các dự án đầu tư... Bên cạnh đó, việc tích hợp, áp dụng giữa các Luật (Luật Dầu khí, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công…) đang khá phức tạp khiến PVN khó có thể triển khai được công việc liên quan...
Qua trao đổi, thảo luận, nhiều ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất cho rằng cần phải bổ sung, điều chỉnh Luật Dầu khí và các văn bản pháp quy dưới luật cho phù hợp với bối cảnh dầu khí hiện nay, đảm bảo tính hấp dẫn đầu tư, đồng thời kiến nghị cần có một định chế phù hợp để điều tiết chuỗi giá trị của ngành Dầu khí.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh đã bày tỏ sự cảm ơn đối với Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Hội Dầu khí Việt Nam, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức buổi tọa đàm giúp PVN được lắng nghe các ý kiến cũng như là cơ hội để PVN chia sẻ, trình bày những khó khăn của ngành Dầu khí hiện nay. Đồng chí Trần Sỹ Thanh mong muốn Ủy ban Kinh tế Quốc hội tiếp tục quan tâm, ủng hộ việc xây dựng, hoàn chỉnh một hệ thống pháp luật đồng bộ, phù hợp cho việc phát triển ngành Dầu khí nói riêng và ngành công nghiệp nói chung.
Kết luận buổi tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định, ngành công nghiệp dầu khí có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế thì phải có chính sách phù hợp để phát triển toàn bộ chuỗi hoạt động dầu khí từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn. Nhưng vấn đề pháp lý đặt ra với PVN đến thời điểm này đã có sự thay đổi về quản lý, về bối cảnh phát triển khi giá dầu có sự sụt giảm mạnh, hoạt động tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng sụt giảm, khai thác dầu khí gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Ủy ban Ngân sách Quốc hội sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, thảo luận tại buổi tọa đàm, đồng thời sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung, sửa đổi Luật Dầu khí vào chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh của Quốc hội giai đoạn 2019-2020 của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM