RSS Feed for BSR phải ‘lấy lại những gì đã mất’ do giá dầu sụt giảm | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 26/04/2024 14:14
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

BSR phải ‘lấy lại những gì đã mất’ do giá dầu sụt giảm

 - Phát biểu tại buổi làm việc với Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, ông Lê Xuân Huyên - Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu đơn vị này phải lấy lại những gì đã thiệt hại do giá dầu sụt giảm, tận dụng tất cả những lợi thế sẵn có của một doanh nghiệp lớn để ứng phó tác động kép.


Phương án bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong dịch Covid-19


Ngày 13/5, đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do Phó tổng Giám đốc Lê Xuân Huyên làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về tình hình sản xuất, kinh doanh 4 tháng đầu năm 2020 và kết quả thực hiện gói giải pháp ứng phó dịch bệnh Covid -19.

Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc BSR Bùi Minh Tiến đã báo cáo, phân tích tình hình sản xuất, kinh doanh 4 tháng, cập nhật các kịch bản sản xuất, kinh doanh 2020.

Tổng giám đốc BSR Bùi Minh Tiến báo cáo với đoàn công tác về kết quả thực hiện gói giải pháp phòng chống tác động kép.

Về ứng phó với dịch bệnh Covid-19 và giá dầu lao dốc, BSR đã sớm thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc để đưa ra các giải pháp giảm thiểu thiệt hại của tác động kép. Áp dụng giải pháp tối ưu dầu thô chế biến, linh hoạt trong việc điều chỉnh công suất nhà máy theo nhu cầu thị trường, giải phóng hàng tồn kho 'giá cao' để chứa các lô dầu thô mua 'giá thấp', tối đa tiêu thụ dầu thô trong nước để tăng liên kết chuỗi lợi ích trong ngành.

Trong công tác tiêu thụ sản phẩm, BSR liên tục bám sát tình hình thị trường, tăng cường công tác dự báo, phân tích, tối ưu hóa sản xuất với các chế độ (mode) vận hành hiệu quả về cơ cấu sản phẩm trên cơ sở nhu cầu và giá sản phẩm, cũng như linh hoạt điều chỉnh công suất Nhà máy.

Cùng với đó, BSR đẩy mạnh công tác tiết giảm triệt để chi phí sản xuất, kinh doanh góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động của Công ty. Cụ thể BSR đã rà soát, phân tích, đánh giá để tiết giảm 23,3% (tương ứng khoảng 1.452 tỷ) so với kế hoạch. Mặt khác, thực hiện cải thiện trong nhóm giải pháp về dòng tiền (làm việc với các nhà cung cấp dầu thô để giãn thời gian thanh toán, tiếp tục làm việc với các ngân hàng để vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi trong hạn mức mà ngân hàng cấp cho BSR).

Có thể nói, các giải pháp ứng phó trong thời gian qua đã mang lại một số hiệu quả tích cực cho BSR. Tiêu thụ sản phẩm từ tháng 5 tăng cao do cuối tháng 4 Việt Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội đã giúp nhu cầu đi lại tăng lên. Nhu cầu nhận hàng của khách hàng tăng cao do có xu hướng bắt đáy giá giảm. Đối với LPG và PP, thời gian qua các khách hàng nhận sản phẩm tương đối tốt. Đặc biệt, cuối tháng 4, BSR đã xuất bán 18.740 m3 Treated LCO (sản phẩm trung gian) cho Huyndai Oil Bank, giúp gia tăng hiệu quả cho Công ty.

Theo kế hoạch, nửa cuối năm 2020, BSR tiếp tục duy trì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động an toàn, ổn định, trong đó có 2 tháng dừng Nhà máy để bảo dưỡng tổng thể lần 4 nên công tác mua dầu thô phục vụ sản xuất là vô cùng quan trọng.

Dự kiến, tổng khối lượng dầu thô mua theo hợp đồng dài hạn trong nước và nhập khẩu khoảng 132.000 thùng/ngày.

Hiện tại, căn cứ vào các dự báo mới nhất của Wood Mackenzie và Platts, cũng như tận dụng cơ hội mua dầu thô giá rẻ, BSR đã lập kế hoạch vận hành Nhà máy ở công suất tối ưu và đẩy mạnh kinh doanh sản phẩm cho những tháng tới.

Bên cạnh đó, công tác tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, công nghệ và sản phẩm cũng được BSR đẩy mạnh. Có thể nói, những giải pháp tối ưu hóa sản xuất đã mang lại hiệu quả ngay và giúp Nhà máy hoạt động an toàn, ổn định.

BSR đã thành công 5 giải pháp tối ưu hóa, bao gồm:

1/ Giải pháp giảm nhiệt độ của thiết bị phản ứng H-2501 giúp tiết kiệm được khoảng 1,1 tỉ đồng/năm.

2/ Giải pháp giảm tỷ lệ reflux/feed của tháp DIH T-2303 giúp tiết kiệm được khoảng trên 10 tỉ đồng/năm.

3/ Giải pháp sử dụng hơi trung áp, thay cho hơi cao áp tại tháp tách H2S T-1802 uớc tiết kiệm được khoảng 250.000 USD/năm (theo giá dầu FO tháng 3/2020).

4/ Giải pháp thay đổi chế độ điều khiển của van xả khí hydrocarbon ra Flare (đốt đuốc) từ “split range controller” sang bộ điều khiển độc lập (single controller) ước tính tiết kiệm khoảng 1,5-2 tỉ VNĐ/năm.

5/ Giải pháp lắp đặt steam trap trên đường hơi HHP steam của lò hơi A-4001A/B/C/D để tránh thất thoát năng lượng khi lò hơi dừng cũng tiết kiệm chi phí cho Công ty.

Phó tổng Giám đốc PVN Lê Xuân Huyên phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó tổng Giám đốc PVN Lê Xuân Huyên đánh giá cao các gói giải pháp mà BSR đã triển khai thực hiện, trong đó giải pháp về tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Đồng thời lưu ý, khi giá dầu lên, BSR phải lấy lại những gì đã thiệt hại do giá dầu sụt giảm, tận dụng tất cả những lợi thế sẵn có của một doanh nghiệp lớn để ứng phó tác động kép.

Đặc biệt nhu cầu tiêu thụ trong nước đang tăng, BSR cần tối ưu công suất, đẩy mạnh xuất bán sản phẩm, đón đầu xu thế giá sản phẩm tăng.

Về công tác mua dầu thô 6 tháng cuối năm 2020, BSR cần đẩy mạnh mua dầu trong nước và xem xét mua các dầu thô nhập khẩu ở mức tối ưu.

Ông Lê Xuân Huyên cho rằng, thời gian tới, tình hình còn khó khăn của thị trương dầu thô và sản phẩm, BSR cần nỗ lực hơn nữa. Theo đó, duy trì vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất an toàn, ổn định; tiếp tục tiết giảm chi phí, linh động tăng dự trữ dầu thô, sản phẩm khi thị trường dầu thô ấm lên. Mặt khác, cần tối ưu công suất Nhà máy để phù hợp nhu cầu thị trường, tăng lợi nhuận thông qua bán sản phẩm trung gian và tiết giảm chi phí mua sắm, vận tải, các hạng mục đầu tư không cần thiết…/.

B.S.

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động