RSS Feed for Di dời Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng: Chọn phương án nào? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 12:37
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Di dời Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng: Chọn phương án nào?

 - Sau khi UBND TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) công bố di dời Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng của Công ty tuyển than Hòn Gai từ trung tâm thành phố Hạ Long ra khu vực khai thác của mỏ Suối Lai, thuộc phường Hà Khánh (cách trung tâm thành phố 7km), nhiều chuyên gia đã có những phản biện về chủ trương này. Theo TS Nguyễn Thành Sơn, hiện nay, muộn còn hơn không bao giờ, hãy cùng nhau minh bạch, lắng nghe các ý kiến phản biện, trao đổi một cách thiện chí dù chỉ một lần để cân nhắc, xem xét để đưa ra các quyết định. Là người gắn bó hơn 30 năm với vùng than Hòn Gai, đã từng chủ trì lập quy hoạch ngành, TS Sơn khẳng định: Sẵn sàng đề xuất công khai phương án tối ưu (tiết kiệm 6.000 tỷ đồng), khác hẳn với các quyết định đã được thông qua.

Xem ý kiến tranh luận tại đây

Câu chuyện di dời lần 1

Cách đây gần 20 năm, Bộ Năng lượng phê duyệt dự án cải tạo mở rộng Nhà máy sàng than Hòn Gai thành Nhà máy sàng - tuyển than mới. Đây là dự án thuộc loại “phao cứu sinh” của ngành Than: tăng công suất chế biến than xuất khẩu và đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Công nghệ sàng - tuyển than của dự án được nhập từ Úc, rất hiện đại và thân thiện với môi trường.

Trong khi dự án đang được ưu tiên triển khai, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu ngành Than xem xét di dời dự án ra khỏi trung tâm thị xã Hòn Gai vì lo ngại vấn đề môi trường. Bộ Năng lượng không muốn di chuyển vì tốn kém và sợ bị chậm tiến độ.

Khi đó, chúng tôi (đang được Bộ Năng lượng trả lương) đã ủng hộ chủ trương của tỉnh Quảng Ninh, kiến nghị Bộ Năng lượng di dời Nhà máy sàng - tuyển than ra khỏi trung tâm thị xã Hòn Gai. Sự ủng hộ quan điểm phát triển ngành Than phải gắn với bảo vệ môi trường của chúng tôi khi đó rất nhất quán, nhưng không mù quáng.

Chúng tôi đề xuất nên di chuyển Nhà máy sàng than Hòn Gai qua Đèo Bụt (xuống khu vực Nhà máy sàng - tuyển than Cửa Ông ở vùng Cẩm Phả - cách vị trí cũ 30km). Khi đó, chúng tôi cho rằng, di dời là đúng, nhưng chỉ di dời đến Nam Cầu Trắng thì chưa tối ưu (vì rất gần Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ninh).

Chúng tôi đã gửi ý kiến để công khai cả trên nhật báo “Quảng Ninh” (cơ quan của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh) về việc di dời Nhà sàng Hòn Gai ra khỏi trung tâm thị xã. Sau một hồi tranh luận bất phân thắng bại của “kẻ tám lạng, người nửa cân”, Thủ tướng Chính phủ đã phải can thiệp và quyết định di dời theo phương án tỉnh Quảng Ninh đề xuất (ra Nam Cầu Trắng - cách vị trí cũ khoảng 5km).

Cả bên “thắng” (tỉnh) và “thua” (bộ) đều hỷ hả: tỉnh Quảng Ninh đạt được ước nguyện “di dời” của mình, còn Bộ Năng lượng thì cũng chỉ phải di dời có 5km, thay vì phải hơn 30km qua Đèo Bụt xuống tận Cửa Ông (theo đề xuất của chúng tôi). Chỉ có tác giả bài viết bị thiệt, ở tận Hà Nội cũng bị vạ lây, phải tự “di dời” ra khỏi vị trí làm việc quen thuộc tại số nhà 54, phố Hai Bà Trưng (Văn phòng Bộ Năng lượng) về 30B phố Đoàn Thị Điểm (văn phòng một xí nghiệp vô danh trong Bộ Năng lượng).

Vào thời điểm triển khai di dời Nhà sàng Hòn Gai, Tổng công ty Than Việt Nam (TVN) cũng được thành lập theo Nghị định 13 của Chính phủ. Câu chuyện ngược đời “cái dại, con mang” đã ngay lập tức xảy ra. Lãnh đạo Bộ Năng lượng được yên vị trên ghế của mình cho đến lúc nghỉ hưu, bỏ mặc ngành Than - đứa con “ngoan” tự xoay xở. Vừa được khai sinh, đã phải “di dời” nhà sàng, TVN đã bị mất gần như “trắng tay” hàng loạt bất động sản vô giá liên quan đến Nhà sàng Hòn Gai (khu nhà sàng, khu kho than, tuyến đường sắt từ Hà Lầm ra Bãi Cháy, đặc biệt là Cảng than Hòn Gai bên cạnh phà Bãi Cháy vv...).

Rồi “họa vô đơn chí”, chưa kịp chập chững biết đi, TVN lại phải di dời tiếp cả Nhà máy Cơ khí Hòn Gai ra khỏi khu đất hương hỏa do tổ tiên để lại. Mặc dù đang trong thời kỳ khủng hoảng, cán bộ công nhân ngành Than đã phải vui vẻ chấp nhận việc di dời tốn kém các công trình công nghiệp để hình thành hàng loạt các suất đất mặt đường vì sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển đô thị của địa phương.

Nhưng, thực tế có nhiều cái “nhưng” khó chịu. Cái khó chịu đầu tiên kéo dài suốt gần 20 năm qua cho đến tận ngày nay đối với người thợ mỏ là: khu đất vàng thuộc Cảng than Hòn Gai trước kia đã được giao cho các đơn vị ngoài ngành Than để kinh doanh bia hơi và làm “cảng hành khách không người”.

Vị trí đắc địa và rộng mênh mông của nhà sàng, kho than, và nhà máy cơ khí cũ được chia lại theo kiểu ban ơn cho ngành Than chỉ đủ xây văn phòng cho hai đơn vị thành viên. Dãy nhà ở hang chuột của cán bộ công nhân ngành Than nằm bên cạnh thì bị co lại (theo chiều rộng) để có thêm suất đất mặt đường. Trong khi hàng loạt các dự án trụ sở của các đơn vị ngoài Than đã thi nhau mọc lên như nấm sau mưa trên khu đất vàng do ngành Than để lại, thì cả ngành Than (tồn tại cùng địa danh “Hòn Gai”, “Bãi Cháy” đến nay đã gần 120 năm) “theo qui hoạch đô thị” vẫn chỉ “được duyệt” có một miếng đất “cắm dùi” nhỏ đến mức chẳng đáng để xây trụ sở cho ngang tầm với “kỳ quan thiên nhiên thế giới” mới.

 

Cái giá sẽ phải trả của việc di dời lần 2

Câu chuyện chưa có hồi kết. Nhu cầu phát triển đô thị thì vô hạn, nhưng tầm nhìn của con người thì rất hữu hạn. Vì thế, Nhà máy sàng - tuyển than Nam Cầu Trắng (tên gọi theo địa chỉ mới của Nhà sàng Hòn Gai) là một công trình công nghiệp có tuổi thọ 50 - 75 năm, mới đi vào hoạt động từ 1995, nhưng đến nay (chưa được 20 năm) đã, đang có nguy cơ phải tiếp tục “di dời” cũng lại vì sự nghiệp phát triển đô thị.

Theo “ý kiến chỉ đạo”, Nhà máy sàng - tuyển than Nam Cầu Trắng được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) dự kiến di dời tới vị trí của phương án 1 (trong số 4 “phương án lựa chọn”) thuộc phường Hà Khánh, cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 7km. Điều rất đáng quan ngại, cũng như lần di dời trước đây (di dời Nhà sàng Hòn Gai kéo theo di dời của Cảng than Hòn Gai), di dời Nhà máy sàng - tuyển than Nam Cầu Trắng lần này cũng sẽ phải thực hiện đồng thời với việc di dời cả Cảng xuất than Nam Cầu Trắng.

Việc di dời lần này của Nhà sàng và Cảng than Nam Cầu Trắng sẽ dẫn tới “được” và “mất” lớn hơn rất nhiều lần.

Cái “được” khá hấp dẫn: khu đất nằm sát biển (hơn 34,2 ha) của Nhà sàng và Cảng than Nam Cầu Trắng hiện nay có đơn giá (theo thị trường đất ở) cũng vài chục triệu đồng/m2. Nhiều “nhà đầu tư” ngoài ngành Than đang nhòm ngó. Nhưng, cái “mất” của ngành Than sẽ lớn hơn nhiều: việc “di dời” nhà sàng tốn khoảng vài trăm tỷ đồng, nhưng cùng với việc di dời nhà máy sàng - tuyển than, TKV sẽ phải thiết lập một cảng than mới trên sông Diễn Vọng (dự kiến phía thượng lưu của Cầu Bang - khu cảng Làng Khánh) với chi phí vô cùng lớn, gấp khoảng 10 lần chi phí di dời nhà máy (khoảng năm nghìn tỷ đồng). Dự án tiêu cả núi tiền này của ngành Than đang được cơ quan tư vấn ngoài ngành nghiên cứu lập báo cáo đầu tư.

Khi cảng than bên bờ sông Diễn Vọng này đi vào hoạt động, cái “mất” sẽ còn lớn hơn nhiều. Đó là Cửa Lục của Vịnh Hạ Long - một trong bảy “kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới” sẽ trở thành cái “ao than”. Các bãi tắm biển của “khu đô thị mới” văn minh, hiện đại Hà Khánh A, Hà Khánh B vừa được thiết lập của thành phố Hạ Long sẽ thành “bể bơi” của các đoàn tàu, sà lan chở than, và cầu Bãi Cháy thơ mộng vừa xây xong sẽ trở thành “dây đàn than”.

Hãy hy vọng và cầu mong các quan chức của UNESCO quan liêu sẽ không nhìn thấy những nguy cơ bị ô nhiễm của Cửa Lục, Bãi Cháy và sẽ không ai dám động đến danh hiệu 2 lần là “di sản thế giới” của Hạ Long.

Cảng Nam Cầu Trắng hiện tại

Xin đừng coi các mỏ than là “nồi cơm Thạch Sanh”

Chi phí khai thác than hiện nay ở Quảng Ninh đã cao gấp 2 lần mức bình quân của thế giới. Ngành Than Việt Nam hiện nay đang đứng trước muôn vàn khó khăn và thử thách. Tính cạnh tranh của ngành Than Việt Nam đang bị đè nén nhiều chiều. Chu kỳ xảy ra khủng hoảng của ngành Than đang ngày càng bị rút ngắn. Bắt đầu từ năm 2008 đến nay và từ nay trở đi, các mỏ than ở vùng Quảng Ninh đã không còn là “nồi cơm Thạch Sanh” nữa rồi.

Sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh đến trước năm 2037 - 2040 cho dù có “lan tỏa và hội tụ” kiểu gì vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào ngành Than.

Nếu sản phẩm nổi tiếng thế giới của ngành Than là “Hongai Anthracite” không có đường “lan tỏa” vượt qua di sản Hạ Long thì việc “hội tụ” của tiền xuất khẩu than về ngân sách sẽ rất khó.

Thực tế đã và đang chứng minh, vì ở vùng Quảng Ninh rất thiếu nước ngọt, khó có ngành công nghiệp nào có thể phát triển hiệu quả hơn ngành khai thác than và cũng không có ngành kinh tế nào có thể phát triển mà không dựa vào than. Đặc biệt, các dự án điện và xi măng trên địa bàn Quảng Ninh nếu không nương nhờ vào than giá rẻ thì cũng sẽ lần lượt đóng cửa và bán sắt vụn vì chẳng thể “di dời” đi đâu.

Cách đây không lâu, tỉnh Quảng Ninh đã có nghị quyết cấm vận chuyển than bằng sà lan qua Cửa Lục và hạn chế chở than trên vịnh Hạ Long. Đó là một nghị quyết đúng vì môi trường khu vực vịnh và đang được ngành Than hết mình thực thi. Nghị quyết này tuy đã ráo mực, nhưng vấn đề môi trường của “kỳ quan thiên nhiên mới” vẫn chưa cũ.

Có thể, cùng với việc di dời Nhà máy sàng - tuyển và Cảng than Nam Cầu Trắng vào phường Hà Khánh, việc vận chuyển than trên hai “di sản thế giới” đã được tỉnh Quảng Ninh “bật đèn xanh”, nhưng ngành Than sẽ lỗ vì phải trả giá cao cho việc di dời lần này.

Chúng ta chưa thể đánh giá hết tầm nhìn vĩ đại của “chủ trương” di dời Nhà máy sàng - tuyển và Cảng than Nam Cầu Trắng vào phường Hà Khánh nếu chưa có dịp lội xuống sông Diễn Vọng khi thủy triều rút. Người viết bài này, cách đây khoảng 10 năm (đã đi khảo sát tìm vị trí xây dựng cho dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh hiện nay), tuy không biết bơi nhưng cũng đã liều lội xuống sông Diễn Vọng.

Do tính chất công nghệ, tuổi thọ của các nhà máy sàng - tuyển than phải trên 50 năm (Nhà máy sàng than Cửa Ông (trước đây) được người Pháp xây dựng bên bờ vịnh Bái Tử Long cách đây gần 107 năm vẫn đang tiếp tục được sử dụng theo Qui hoạch mới nhất vừa được phê duyệt).

Nếu chỉ sau 17 năm vận hành, Nhà máy sàng - tuyển than Nam Cầu Trắng lại phải di dời thì đó là chủ trương của những người thừa tiền, lắm của. Phương án di dời lần này lại gắn với một cảng than nông trên sông Diễn Vọng, nằm sâu trong Cửa Lục là sự lựa chọn "không giống ai".

TKV sẽ không chỉ lãng phí vốn đầu tư (vài trăm tỷ xây dựng nhà máy mới và vài nghìn tỷ xây cảng than mới) mà sẽ còn phải chi hàng năm vài trăm tỷ đồng để nạo vét luồng lạch (vì cảng than phải xây dựng ở vị trí “chẳng giống ai” nơi bãi sú vẹt). Khi đó, giá than xuất khẩu có cao đến mấy, và giá than trong nước có được nâng lên bằng giá xuất khẩu thì các mỏ than cũng phải sớm đóng cửa vì lỗ.

Hãy tôn trọng ý kiến phản biện

Nếu như trước đây, cả Bộ Năng lượng và tỉnh Quảng Ninh dũng cảm dẹp sang một bên sĩ diện để tiếp thu ý kiến phản biện của chúng tôi, và tỉnh táo chấp nhận phương án di dời Nhà sàng than Hòn Gai sang bên kia Đèo Bụt (xuống Cửa Ông), thì chúng ta đã dành ra được gần 6.000 tỷ đồng vốn đầu tư để phát triển và duy trì ngành Than đang phải lo “chạy ngược xuôi” “vay từng đồng” cho mỗi dự án.

Hiện nay, muộn còn hơn không bao giờ, hãy cùng nhau minh bạch, lắng nghe các ý kiến phản biện, trao đổi một cách thiện chí dù chỉ một lần để cân nhắc, xem xét trước khi... “chém gió”!

Là người gắn bó hơn 30 năm với vùng than Hòn Gai, đã từng chủ trì lập quy hoạch ngành, chúng tôi sẵn sàng đề xuất công khai phương án tối ưu, khác hẳn với các quyết định đã được thông qua.

Lần di dời nhà sàng trước đây, chỉ vì nói trái nghị quyết của lãnh đạo Bộ Năng lượng người viết bài này đã bị “mời” ra khỏi Văn phòng Bộ. Lần này, nếu thực sự “chủ nghĩa nhiệm kỳ” và “lợi ích nhóm” cần phải bị loại bỏ (theo tinh thần NQ TW 4 khóa XI).

Và nếu được cấp có thẩm quyền lắng nghe, chúng tôi sẵn sàng đưa ra phương án tiết kiệm 6.000 tỷ đồng để mọi người cùng trao đổi.

TS. Nguyễn Thành Sơn

 

Tìm hiểu thêm về chủ trương di dời Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng ra khỏi thành phố Hạ Long

Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa công bố sẽ di dời Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng của Công ty tuyển than Hòn Gai  từ trung tâm thành phố Hạ Long ra khu vực khai thác của mỏ Suối Lai, thuộc phường Hà Khánh (cách trung tâm thành phố 7km).

Theo đó, địa điểm xây dựng của nhà máy mới nằm ở khu vực tập trung các mỏ khai thác than và các hộ tiêu thụ (như Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, cảng Làng Khánh…) thuận lợi trong việc vận tải than về nhà máy, vận tải than sạch đi tiêu thụ, cũng như đổ thải.

Vịnh Hạ Long là di sản - kỳ quan thiên nhiên của thế giới, tuy nhiên đang bị một số nhà máy công nghiệp như ximăng, nhiệt điện, khai thác than, chế biến dầu thực vật... bao quanh, dẫn đến nguy cơ bị ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng xấu tới sự phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh.

Vì vậy, việc di dời nhà máy công nghiệp ra khỏi trung tâm đô thị du lịch nhằm đảm bảo môi trường, phát triển không gian đô thị, tạo cảnh quan tốt, cải thiện môi trường du lịch Hạ Long nói riêng và du lịch tỉnh Quảng Ninh là yêu cầu cấp bách.

Dự án Nhà máy sàng tuyển than Hòn Gai có công suất 4 triệu tấn/năm. Nhu cầu sử dụng đất của nhà máy là 38,9ha, trong đó diện tích vành đai cây xanh bảo vệ môi trường là 7,4ha.

Vinacomin đã cam kết với tỉnh Quảng Ninh sẽ đầu tư công nghệ sàng tuyển than hiện đại, tuyển than trong môi trường nước, hệ thống xử lý bùn nước theo công nghệ khép kín, sử dụng tối đa nước tuần hoàn.

Việc vận chuyển than vào và ra khỏi nhà máy bằng băng tải có mái che, tại các khu vực có tuyến băng qua khu dân cư, sử dụng băng tải có bao che kín.

Hệ thống kho chứa than của nhà máy tuyển được tối ưu hóa theo địa hình trong khu vực, được bao che xung quanh phù hợp nhằm ngăn chặn tối đa việc phát tán bụi ra xung quanh.

Các phương tiện vận tải than bằng đường thủy qua sông Cửa Lục sẽ được che đậy kín, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường trong khu vực.

NangluongVietnam

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động