Đa dạng hóa nguồn vốn để phát triển ngành Than
07:06 | 01/09/2016
Công bố điều chỉnh Quy hoạch ngành Than Việt Nam
Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết thông tin trên ngày 31/8, sau khi Bộ Công Thương vừa chính thức công bố điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.
Thời gian tới, ngành Than tập trung cho mục tiêu khai thác hiệu quả phục vụ tốt nhu cầu trong nước. Ảnh: Lao động
Trong Quy hoạch này, đầu tư vào ngành Than sẽ được triển khai theo phương thức nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Khắc Thọ: Quy hoạch mới này nhằm xây dựng ngành Than trở thành ngành phát triển, có sức cạnh tranh cao, có trình độ công nghệ tiên tiến, đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.
Theo đó, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành trong các giai đoạn của quy hoạch: khoảng 41-44 triệu tấn vào năm 2016; 47-50 triệu tấn vào năm 2020; 51-54 triệu tấn vào năm 2025 và 55-57 triệu tấn vào năm 2030.
Để đảm bảo nguồn vốn các dự án đầu tư phát triển ngành Than, trong các giải pháp thực hiện sẽ chú trọng hơn đến giải pháp đa dạng hóa hình thức huy động vốn, như BOT, PPP…
Do than là một trong những tài nguyên quốc gia nên trong quá trình cổ phần hóa cũng như đa dạng hóa các hình thức đầu tư, sẽ tập trung chủ yếu vào cơ sở hạ tầng, như cảng biển, các hệ thống vận chuyển than…, còn khai thác than vẫn do Nhà nước quản lý.
Mục tiêu phát triển ngành Than bền vững được thể hiện như thế nào trong Quy hoạch?
- Ông Nguyễn Khắc Thọ: Mục tiêu chính trong thời gian tới của ngành Than là khai thác hiệu quả phục vụ tốt nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ngành Than đang đối mặt với rất nhiều thách thức.
Hiện tại ngành Than đang khai thác trong điều kiện khó khăn, dù toàn ngành đã và đang thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, cũng như nâng cao quản trị doanh nghiệp để tiết kiệm tối đa.
Phải thấy rằng, những năm gần đây ngành Than bị ảnh hưởng bởi giá than thế giới giảm sâu và kéo dài. Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã phải có những thay đổi trong điều hành sản xuất, kinh doanh để vừa đảm bảo phát triển ngành Than, vừa sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, đảm bảo việc làm cho cán bộ, công nhân mỏ.
Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), từ nay đến năm 2020, công suất nhiệt điện than tăng từ 33,4% lên 42,7% tổng công suất nguồn. Mặc dù đã giảm 5,3% so với Quy hoạch điện VII, nhưng nhiệt điện than trong Quy hoạch điều chỉnh vẫn chiếm tỉ trọng đáng kể.
Như vậy, nhiệt điện than trong giai đoạn từ nay đến 2030 vẫn là giải pháp cơ bản để đảm bảo an ninh năng lượng, nên việc xây dựng và ban hành Quy hoạch than mới là vô cùng quan trọng.
Năm 2017, dự kiến sẽ nhập khẩu 4 triệu tấn than cho nội địa và tăng dần đến năm 2030. Tuy nhiên, giá than trên thị trường vẫn lúc lên, lúc xuống, trong khi chi phí khai thác than thì ngày càng tăng do ngày càng xuống sâu, điều kiện vận tải ngày càng xa.
Về mặt quản lý nhà nước, trên cơ sở xây dựng quy hoạch than này, chúng tôi cũng đã lường đến bối cảnh giá than trên thị trường lúc lên, lúc xuống.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đang xây dựng một cơ chế đặc thù, đảm bảo đủ điều kiện cho ngành Than phát triển theo Quy hoạch, bởi chỉ khi đảm bảo Quy hoạch này mới có thể cơ bản đảm bảo nhu cầu than cho phát triển kinh tế, xã hội.
Bộ Công Thương cũng đã có chỉ đạo để TKV có những giải pháp giảm được chi phí sản xuất xuống mức thấp nhất, cạnh tranh được trên thị trường.
Như ông nói, nước ta sẽ phải nhập khẩu than. Vậy, tới đây, việc nhập khẩu than sẽ được thực hiện như thế nào?
- Ông Nguyễn Khắc Thọ: Thủ tướng gần đây đã có văn bản cho ba đơn vị đầu mối được nhập khẩu cấp than cho các nhà máy điện là TKV, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Tại sao lại có những quy định như thế, nhất là khi kinh doanh than là kinh doanh có điều kiện, ai đủ điều kiện thì phải được kinh doanh?
- Đây không phải kinh doanh thuần túy. Ở đây, cái chúng ta quan tâm là nguồn than cho phát triển kinh tế, nhất là các nhà máy điện. Nhập khẩu than không phải chuyện nay có, mai không, mà phải đảm bảo sự ổn định lâu dài, bởi nó liên quan đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Bên cạnh việc công bố Quy hoạch than mới, chúng tôi đang xây dựng đề án cấp than cho điện, vì trên thực tế nhiệt điện than vẫn là nguồn chủ đạo.
Vấn đề an ninh năng lượng sẽ được đảm bảo như thế nào trong bối cảnh phải nhập khẩu than, thưa ông?
- Ông Nguyễn Khắc Thọ: Một khi đã nói về đảm bảo an ninh năng lượng thì chúng ta phải đi trước một bước.
Trên thực tế, năng lực khai thác có hạn cho nên sản lượng trong bản Quy hoạch này được cân đối trên cơ sở phát triển bền vững. Cho nên, sau khi cân đối nhu cầu của các hộ tiêu thụ trong nước, thiếu than nên phải tính đến phương án nhập khẩu.
Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương thành lập Ban chỉ đạo về nhập khẩu than để thu xếp lượng than nhập khẩu sau này, đáp ứng cho nhu cầu trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.
Vấn đề đầu tư công nghệ phù hợp với khai thác xuống sâu được Bộ Công Thương và ngành Than tính toán như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Khắc Thọ: Không riêng ngành Than mà tất cả các ngành khác cũng đang tập trung cho đầu tư công nghệ. Đầu tư công nghệ mang nhiều ý nghĩa, nhưng đối với ngành Than, việc đầu tư sẽ giúp nâng cao sản lượng và có điều kiện điều chỉnh nguồn nhiệt điện than trong cơ cấu năng lượng quốc gia và đây là điểm mới của Quy hoạch Than lần này.
Trước đây, trong Quy hoạch Than 60 không có mục tiêu sản xuất than, nhưng Quy quy hoạch mới có đưa thêm nội dung này, bởi tài nguyên than ngày càng cạn kiệt, khai thác ngày càng xuống sâu, nên một trong những giải pháp là đảm bảo nguồn để khai thác tối đa.
Đây cũng là giải pháp đảm bảo môi trường, nâng cao hiệu suất lao động, nâng cao hệ số an toàn cho người lao động trong quá trình khai thác.
Một điểm nữa, Quy hoạch than mới cũng xem xét đến hiệu quả tổng thể, đảm bảo phát triển hài hòa kinh tế, xã hội ở địa phương.
Cảm ơn ông!
SONG ANH ghi