RSS Feed for Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam: Một mốc son lịch sử | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 28/12/2024 15:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam: Một mốc son lịch sử

 - Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam là công trình không chỉ giúp hệ thống điện của 3 miền đất nước thống nhất, đây còn là bước ngoặt quan trọng thể hiện tầm nhìn thời đại trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống điện Việt Nam, góp phần to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước. Hướng tới kỷ niệm tròn 22 năm xây dựng, vận hành và 20 năm vận hành an toàn, hiệu quả đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam (mạch 1), Tòa soạn Năng lượng Việt Nam/ Nangluongvietnam.vn trân trọng đăng tải bài viết của ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (nguyên Phó Trưởng Ban chỉ đạo công trình đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam).

TRẦN VIẾT NGÃI - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam 
(nguyên phó Trưởng Ban chỉ đạo đường dây siêu cao áp 500kV Bắc Nam)

Ý tưởng táo báo, đột phá

Tết Tân Mùi năm 1991 Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp lãnh đạo Bộ Năng lượng, trong đó có Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải, Thủ tướng đặt vấn đề miền Nam thiếu điện, miền Bắc thừa điện, Bộ Năng lượng tìm cách đưa điện từ Bắc vào Nam. Những năm 1990, 1991 bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, lúc đó miền Trung chỉ có một số điểm phát điện bằng diezel như Đồng Hới, Liên Trì, và các thị trấn, thị xã khác, đến năm 1990 miền Trung nhận được điện từ miền Bắc chuyển vào qua đường dây Đồng Hới-Huế-Đà Nẵng. Còn miền Nam ngoài nhà máy thủy điện Trị An công suất 440MW, thủy điện Đa Nhim 100MW và một số cơ sở phát điện bằng diezel như Trà Nóc, Thủ Đức… Tổng công suất điện cả miền Trung và miền Nam hồi đó chỉ khoảng trên 1.000 MW điện.

Nhận được chủ trương của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã cho triển khai ngay các thủ tục để xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV dài khoảng 1.500km, trong lúc đó trên thế giới đường dây dài nhất cũng chỉ từ 700-800km và phải xây dựng trong 7-8 năm.

Trong một thời gian ngắn đã hình thành ra một loạt vấn đề quan trọng, Bộ trưởng giao cho Viện Năng lượng lập báo cáo khả thi, giao Công ty Khảo sát thiết kế Điện 1 chọn phương án thiết kế đường dây và cử cán bộ đi kiểm tra xác định khảo sát địa chất, địa hình kết hợp với Công ty Khảo sát thiết kế Điện 2 và Phân viện thiết kế Điện Nha Trang để tập trung việc khảo sát và xác định tuyến đường dây. Có nhiều phương án lựa chọn, nhưng phương án đường dây đi theo dọc dãy núi Trường Sơn là phương án tối ưu nhất. Bộ Năng lượng mời Công ty Tư vấn PPI (Úc) làm tư vấn cho công trình này.

Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý để triển khai xây dựng đường dây 500kV. Trong một thời gian ngắn, mọi công việc đã được chuẩn bị một cách khẩn trương và từng bước hoàn thiện, Bộ trưởng Bộ Năng lượng báo cáo với Thủ tướng cho triển khai thực hiện. Vấn đề đặt ra công trình này phải xây dựng từ 8 đến 10 năm, nhưng ở đây Thủ tướng yêu cầu xây dựng trong 2 năm vì miền Nam thiếu điện nghiêm trọng, sớm được ngày nào quý ngày đó.

Khi có chủ trương này thì một số cán bộ cao cấp và một số nhà khoa học không đồng tình, trong đó có nhiều yếu tố như về mặt kỹ thuật giao động ¼ bước sóng (với đường dây dài như vậy thì cuối đường dây điện áp sẽ tăng và không vận hành được); đường dây dài, chủ yếu đi theo đồi núi do vậy vấn đề đảm bảo an toàn không tốt, không thể thi công trong 2 năm được và nhiều lý do khác nữa. Nhưng với tư tưởng và quyết tâm lớn, Thủ tướng đã quyết định cho triển khai xây dựng. Trong một cuộc họp Thủ tướng có nói “Ai đồng tình thì đứng vào hàng ngũ để cùng đi, ai không đồng tình thì đứng ra ngoài không được gây cản trở”.

Làm thế nào để xây dựng đường dây trong vòng 2 năm?

Để xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam, một loạt giải pháp được đặt ra một cách chi tiết và cụ thể, trong đó việc lập tiến độ để triển khai xây dựng công trình, bố trí lực lượng từ khảo sát thiết kế, từ thi công xây lắp, giám sát, thu xếp vốn, kí kết hợp đồng, mua sắm vật tư thiết bị được bố trí một cách chặt chẽ, sắp xếp logic với tốc độ hết sức khẩn trương.

Công trình được chia ra 4 cung đoạn để khảo sát thiết kế và xây lắp. Cung đoạn 1 từ Hòa Bình đến Nghệ An do Công ty Xây lắp Điện 1 đảm nhận; Cung đoạn 2 từ Hà Tĩnh vào Đaklei (Kon Tum) do Công ty Xây lắp Điện 3 đảm nhận; Cung đoạn 3 từ Kon Tum vào đến Đắc Lắc do Công ty Xây lắp Điện 4 đảm nhận; và Cung đoạn 4 từ Đắc Lắc vào đến Phú Lâm do Công ty Xây lắp Điện 2 đảm nhận. Trong 4 cung đoạn đó thì cung đoạn 2 từ Hà Tĩnh vào Kon Tum dài trên 600km là cung đoạn khó khăn phức tạp nhất, trong đó có khoảng 400km đồi núi, rừng già cùng với nhiều khoảng vượt sông lớn… Trong nhiều cuộc họp giao ban, nói về tiến độ Thủ tướng đều nhắc “Nếu cung đoạn của Công ty Xây lắp Điện 3 xong thì toàn tuyến xong”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trường đường dây 500 kV Bắc - Nam. (Trong ảnh: Ông Trần Viết Ngãi - Phó Trưởng Ban chỉ đạo công trình đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam, Tổng giám đốc Công ty Xây lắp điện 3 đang giới thiệu về thiết bị an toàn lao động với Thủ tướng).  

Vấn đề ở đây là chặt cây rừng già tạo đường lên núi để vận chuyển vật tư thiết bị hết sức khó khăn, phải huy động hàng vạn lao động địa phương, lực lượng quân đội từ Quân khu 4, Quân khu 5, Binh đoàn 15 để giải phóng rừng, mở đường tạo hành lang tuyến… Phải mua sắm nhiều xe máy thiết bị chuyên dùng để phục vụ cho công việc thi công, xây lắp. Trong đó một sáng kiến có giá trị lớn là Bộ Năng lượng cho mua một bộ thiết bị kéo dây của Nhật Bản khoảng 10 triệu USD, vì kinh phí hồi đó rất thiếu nên Ban chỉ đạo giao 4 Công ty Xây lắp “copy” bộ thiết bị đó để về tự chế tạo ra hàng loạt thiết bị tương tự, với chất lượng tốt để phục vụ công tác thi công kéo dây sau này, tùy chiều dài và mức độ khó khăn của từng cung đoạn để mỗi Công ty Xây lắp tự sáng chế lấy số lượng thiết bị cho mình.

Bước vào thi công đường dây 500kV hàng loạt thiết bị như phương tiện vận tải, máy thi công, phương tiện thông tin liên lạc được các Công ty Xây lắp mua sắm tăng lên rất nhiều so với trước đó để đủ đảm bảo máy móc cho việc thi công đúng tiến độ.

Một loạt những yếu tố quyết định tiến độ trong 2 năm đó là:

Sử dụng quân chính quy (cán bộ, kỹ sư và công nhân lành nghề) kết hợp với nhân dân địa phương, bộ đội, công an, các doanh nghiệp để làm tất cả các việc liên quan tới tiến độ cho từng giờ từng ngày và từng tháng. Ví dụ trước đây Công ty Xây lắp Điện 3 thi công đường dây 220kV Vinh - Đồng Hới dài 200km kéo dây vượt sông Gianh phải dùng hàng trăm chiếc thuyền kết lại để dây không nhúng nước mặn. Thi công bằng phương pháp cuốn chiếu, mặc dù là công trình trọng điểm nhưng cũng phải mất tới 2 năm mới hoàn thành. Nhưng ở đây trên từng cung đoạn được chia nhỏ ra nhiều đơn vị phụ trách, có thể mỗi đơn vị phụ trách từ 5 đến 10 km trên toàn tuyến; tất cả các cung đoạn nhỏ đều xong trong thời gian 2 năm, có nghĩa là tổ chức các đơn vị xây lắp tăng lên rất nhiều trên toàn công trình.

Yếu tố khác là việc động viên, khen thưởng kịp thời tổ chức khoán công việc cho từng tổ, từng đội, từng tổng đội, từng xí nghiệp được làm rất kịp thời, kết hợp giữa lực lượng chính quy, lực lượng địa phương và các lực lượng khác. Suốt trong 2 năm không kể ngày đêm, chủ nhật, ngày lễ, mưa rét, bão lụt tất cả dồn sức để chỉ đạo và thực hiện đúng tiến độ. Có rất nhiều vị trí máy móc không thể đưa lên được phải huy động người dân tộc, người các địa phương gùi từng bao xi măng, từng bao cát lên đỉnh núi cheo leo để đúc móng như đỉnh đèo Hải Vân, đồi núi Đại Lộc, Giằng, Khâm Đức, đèo Lò Xo… Cán bộ công nhân suốt trong 2 năm đều sống trong các lán trại, hoặc một số nơi nhờ nhà dân ở không kể muỗi đốt, rắn cắn, sốt rét và kể cả hy sinh tính mạng. Lực lượng hậu cần như vận chuyển lương thực, thực phẩm cho hàng vạn người lao động trên các vùng đồi núi, sông suối vô cùng khó khăn gian khổ.

Việc giải quyết vốn cho công trình hết sức quan trọng, Ban quản lý công trình thường xuyên làm việc với các Vụ của Bộ Năng lượng, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước ngoài việc tạo cơ chế thuận lợi thì việc cấp phát vốn luôn luôn kịp thời. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng Thứ trưởng Bộ Tài chính lúc đó được giao nhiệm vụ trực tiếp giải quyết vốn cho công trình, đồng chí đã đi kiểm tra nhiều điểm thi công trên công trường như đèo Hải Vân, đèo Lò Xo, đèo Phước Tượng, Phú Gia…

Vai trò chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ trưởng Bộ Năng lượng, của Ban chỉ huy công trình, Ban quản lý và lãnh đạo các đơn vị thực hiện hết sức quan trọng. Ở Bộ giao ban hàng tuần để kiểm tra tiến độ của công trình, trong đó nhiều cuộc họp có Thủ thướng tham dự và chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc.

Ở các đơn vị xây lắp thực hiện việc giao ban hàng ngày trên tất cả toàn tuyến do đó mọi công việc chậm trễ, ách tắc được giải quyết kịp thời. Bộ Năng lượng đã cho 4 Công ty Xây lắp mua thiết bị thông tin liên lạc bằng Icom (máy vô tuyến điện) để liên lạc từ chỉ huy đến các tổ đội, các đơn vị thi công. Việc hợp tác giữa các đơn vị thiết kế với các công ty xây lắp hết sức khoa học chặt chẽ; để rút ngắn thời gian cho bàn giao tim, mốc tuyến công ty thiết kế chỉ bàn giao các vị trí cột néo, cột vượt, cột góc còn tất cả phóng tuyến để xác định các vị trí trung gian đều do các công ty xây lắp thực hiện. Như vậy, việc xác định khoảng 3.600 vị trí móng, cột chỉ giải quyết trong một thời gian ngắn.

Việc khai thác cung cấp cát, sỏi, đá, sắt thép, xi măng để giải quyết đúc móng được giao cho các đơn vị xây lắp tự quyết định, do đó đã chủ động tìm địa điểm khai thác, hợp đồng khai thác, vận chuyển tới hàng triệu tấn sắt thép, xi măng, hàng triệu m3 cát, sỏi, đá, phục vụ công tác đúc móng.

Ngày 27/5/1992 Thủ tướng quyết định khởi công đúc móng một vị trí ở Mãn Đức (Hòa Bình), một vị trí ở Hòa Sơn - Hòa Vang (Đà Nẵng) và một vị trí ở Phú Lâm. Sau gần 1 năm thi công việc đúc móng trên toàn tuyến đã hoàn thành. Móng nhỏ nhất khoảng 300 m3 bê tông (móng cột đỡ), móng cột néo bình quân từ 1.000 - 1.500 m3 bê tông tùy theo từng loại cột, móng cột vượt thì cao hơn. Đồng nghĩa với việc công tác đào đất lên tới hàng chục triệu mét khối.

Nhờ nhân dân đồng tình, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng nên công tác đền bù giải phóng mặt bằng thuận lợi, mặc dù đi qua hàng chục tỉnh từ Bắc vào Nam. Duy nhất có một địa điểm đó là xã Nam Lộc, Nam Tân (Nam Đàn, Nghệ An) vùng công giáo toàn tòng, Thủ tướng đã trực tiếp vào gặp bà con để giải quyết Thủ tướng nói: “ Chính phủ đang xây dựng đường dây 500kV để cấp điện cho bà con, do đó bà con phải ủng hộ”. Sau đó mọi công việc giải phóng hàng chục vị trí ở vùng này được suôn sẻ. Trên đường về Thủ tướng thăm nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Sen, Thủ tướng nói: “Thưa Bác, chúng cháu đang xây dựng đường dây 500kV Bắc Nam, Bác phù hộ độ trì cho công trình được suôn sẻ”.

Trong suốt 2 năm chỉ đạo xây dựng công trình Thủ tướng đã trực tiếp đi tới nhiều nơi trên công trường để kiểm tra động viên cán bộ, công nhân, trong đó cứ vào miền Trung Thủ tướng yêu cầu “gánh hát” của Công ty Xây lắp Điện 3 đến biểu diễn.

Về cung cấp vật tư thiết bị:

Cột thép 60% nhập của Ucraina, 40% do 4 Công ty Xây lắp tự chế tạo trong nước, dây dẫn nhập từ Ucraina, sứ phụ kiện đường dây nhập ở Pháp, toàn bộ thiết bị của 5 trạm biến áp nhập từ Memagelal của Pháp đều được cung cấp kịp thời đảm bảo đúng tiến độ. Duy nhất có dây cáp quang do Việt Nam ký hợp đồng chậm 6 tháng nên khi kiểm tra tiến độ phát hiện ra vấn đề này, Thủ tướng đã cử đồng chí phó Ban chỉ đạo và đồng chí Trưởng ban quản lý công trình sang Nhật để giải quyết. Nhờ cách ngoại giao và quan hệ tốt việc xử lý tiến độ cáp quang đã được khắc phục (Chủ tịch Tập đoàn Nicsoywai cho phép lấy cáp quang đã sản xuất của nước khác để cấp trước cho Việt Nam).

Đến khoảng tháng 3 năm 1993 việc dựng cột (khoảng 3.600 cột) trên toàn tuyến đã hoàn thành. Trong việc thi công 5 trạm biến áp thì trạm Pleiku chậm tiến độ 1 tháng, phó Ban chỉ đạo đã ứng tiền của Công ty Xây lắp Điện 3 lên thưởng động viên kịp thời để tất cả đơn vị thi công, thí nghiệm làm ngày đêm đảm bảo đúng tiến độ.

Trên công trình đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam (mạch 1). (Ảnh: TTXVN)

Việc thi công kéo dân dẫn, dây cáp quang lắp đặt sứ, phụ kiện được hoàn thành vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1994, sau đó là công tác hiệu chỉnh, thí nghiệm và kiểm tra của điều độ quốc gia để chuẩn bị hòa điện tại trạm Đà Nẵng vào ngày 27 tháng 5 năm 1994.

Trong suốt 2 năm thi công, hàng vạn người lăn lộn với công trình trong đó có gần 300 người đã hy sinh với nhiều lý do khác nhau như ốm đau, bệnh tật, chết đuối, đổ cột, sập hầm… Một điều còn áy náy là chưa làm được một nghĩa trang, một tượng đài kỷ niệm để tri ân những người đã hy sinh cho công trình thế kỷ này.

Hiệu quả kinh tế của công trình

Công trình siêu cao áp 500kV Bắc Nam được hoàn thành đã thống nhất được hệ thống điện của 3 miền, cung cấp điện cho miền Trung đặc biệt cho miền Nam để phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới đất nước. Công trình có tổng dự toán là 3.800 tỷ đồng, nhưng do quá trình quản lý và thi công, do khảo sát thiết kế hợp lý, giám sát công trình chặt chẽ nên quyết toán chỉ hết 3.550 tỷ đồng đã làm lợi cho nhà nước 250 tỷ đồng. Sau 3 năm vận hành đã khấu hao hết toàn bộ vốn của công trình.

Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam thành công cần nêu một số tấm gương điển hình có công lớn với công trình. Đó là vai trò của Thủ tướng Võ Văn Kiệt người đưa ra chủ trương, quyết định, quyết đoán và là trực tiếp chỉ đạo để công trình thành công tốt đẹp. Cùng với một số đồng chí như Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải, Thứ trưởng Lê Liêm, Bộ trưởng Thái Phụng Nê, đồng chí Trương Bảo Ngọc, đồng chí Lê Quang Huyến, đồng chí Lê Nguyên Đính, đồng chí Nguyễn Viết Xuân, đồng chí Nguyễn Văn Châu, đồng chí Hồ Anh Tô, đồng chí Trần Viết Ngãi, đồng chí Đậu Đức Khởi, đồng chí Hồ Văn Thái, đồng chí Lê Văn Tạo, đồng chí Nguyễn Bá Hòa, đồng chí Đinh Miên, đồng chí Hồ Thị Bích Phượng, GS.TS Trần Đình Long… xứng đáng là những người anh hùng của công trình thế kỷ này.

Việc hoàn thành đường dây siêu cao áp 500kV Bắc Nam cũng là lúc ra đời Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), 4 công ty truyền tải điện đã vận hành khai thác an toàn, hiệu quả cao của hệ thống đường dây này. Suốt 20 năm qua công trình đã truyền tải hàng trăm tỷ kWh cung cấp điện cho miền Trung và miền Nam. Mặc dù sau 20 năm vận hành, nhưng chất lượng công trình vẫn đảm bảo giữ nguyên giá trị của nó. Việc xây dựng xong đường dây siêu cao áp 500kV mạch 1 đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. 22 năm nhiều thế hệ lãnh đạo của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tập trung chỉ đạo xây dựng được rất nhiều nguồn điện, rất nhiều hệ thống đường dây và trạm từ lưới truyền tải, lưới phân phối, đưa điện về nông thôn, vùng sâu vùng xa hải đảo đến nay đã cung cấp điện đến 96% các xã và 98% hộ dân với công suất điện lên tới 34.000MW và sản lượng điện 132 tỷ kWh vào năm 2013.

Sau đường dây 500kV mạch 1 đã mở ra nhiều triển vọng để xây dựng đường dây 500kV mạch 2, đặc biệt năm 2008 EVN đã thành lập Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT). Từ đó đến nay với sự lãnh đạo của EVN và sự chỉ đạo trực tiếp của NPT không những vận hành, khai thác các đường dây 500kV mà còn nâng cấp cải tạo các trạm biến áp, các tụ bù, nâng công suất của các trạm biến áp như Phú Lâm, Pleiku, Đà Nẵng lên gấp đôi; đã xây dựng các đường dây 500kV Sơn La-Hà Nội, Lai Châu-Sơn La, các trạm 500kV như Dốc Sỏi, Thường Tín, Quảng Ninh… Mặc dù nguồn vốn khó khăn nhưng EVN và NPT đã tìm mọi cách giải quyết đủ vốn để đầu tư phát triển hệ thống lưới truyền tải từ đường dây 500kV, trạm 500kV, đường dây 220kV và trạm 220kV đến khắp 62 tỉnh thành.

Đặc biệt ngày 5 tháng 5 vừa qua, sau 30 tháng xây dựng, NPT đã chỉ đạo hoàn thành và đóng điện đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông dài 445km và trạm 500kV Cầu Bông để cung cấp điện vào mùa khô năm nay cũng như cấp điện lâu dài cho khu vực miền Nam.

Trong chặng đường 20 năm qua, ngành Điện đã bứt phá tăng tốc trong việc xây dựng nguồn và lưới điện để thường xuyên đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế xã hội, góp phần thúc đẩy sự nghiệp Công nghiệp hóa đất nước vào 2020. Hiện nay ngành Điện đang tập trung sự nghiệp phát triển điện theo Tổng sơ đồ Điện VII để đến năm 2020 công suất điện được nâng lên khoảng 70.000MW và điện lượng 330-360 tỷ kWh, lúc đó điện đầu người đạt trên 3.000kWh/người/năm. Hiện nay ngành Điện đang tập trung vào các mục tiêu nhiệm vụ quan trọng như tối ưu hóa chi phí trong sản xuất kinh doanh, vận hành, xây dựng cơ bản… để làm giảm giá thành điện, mặt khác đang tập trung cho nhiệm vụ tiết kiệm điện, giảm tổn thất điện năng ngày càng tốt hơn, phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực để xứng đáng một Tập đoàn kinh tế hàng đầu trong ngành Năng lượng Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

NangluongVietnam.vn

SỰ KIỆN BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Nước cờ tàn của Hoa Kỳ ở Ukraine
Ông Trần Xuân Giá và phiên tòa lịch sử
"Bầu" Kiên thực sự có bao nhiêu tiền?
Ukraine: Lối rẽ nội chiến, hay Nhà nước Liên bang?
Đâu là sự khác biệt giữa Crimea và Kosovo?
Campuchia trước chính sách nước đôi của Trung Quốc
Chủ tịch Kim Jong-Un qua lời kể của ngư

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động