RSS Feed for Về quy định thuê mặt nước trong hoạt động dầu khí ngoài khơi | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 11:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Về quy định thuê mặt nước trong hoạt động dầu khí ngoài khơi

 - Trước những bất cập của Nghị định 123 gây ảnh hưởng đến hoạt động dầu khí ngoài khơi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cũng như đối tác quốc tế, Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển với các quy định về tiền sử dụng khu vực biển, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các hoạt động dầu khí và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/1/2021.


Tổng quan, hiện trạng Dầu khí Việt Nam [Kỳ 1]: Thách thức khâu thượng nguồn


Cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương khẩn trương thống nhất xác định phương án quy định các hoạt động dầu khí có sử dụng khu vực biển không phải nộp tiền sử dụng khu vực biển theo hướng xác định rõ, cụ thể tên các hoạt động, trường hợp chưa xác định được thì giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường (hoàn thành trước ngày 20/1/2021).

Mặt khác, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổng hợp kinh nghiệm của các nước trên thế giới về cơ chế, quy định của pháp luật về quản lý biển, khu vực biển, thu tiền sử dụng khu vực biển để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở kết quả thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự thảo Nghị định trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/1/2021.

Trước đó, Nghị định 123/2017/NĐ-CP (Nghị định 123), có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã gây những quan ngại cho các doanh nghiệp dầu khí của Việt Nam và quốc tế khi phải trả tiền thuê mặt nước trong hoạt động dầu khí trên biển.

Cụ thể, Nghị định 123 đã bổ sung quy định về cho thuê mặt nước, mặt biển với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí (liên quan đến Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, mặt nước), đồng thời bãi bỏ điều khoản loại trừ nghĩa vụ nộp tiền thuê mặt nước trong mẫu hợp đồng dầu khí (liên quan Nghị định 33/2013/NĐ-CP).

Theo tính toán của PVN, với những trường hợp ký hợp đồng dầu khí mới, phần diện tích mặt biển phục vụ hoạt động tìm kiếm, thăm dò thường rất lớn, thậm chí lên tới hàng chục nghìn km2. Do vậy, giá trị tiền thuê mặt nước theo quy định của Nghị định 123 cũng sẽ rất lớn so với chi phí của nhà thầu ở giai đoạn này.

Chẳng hạn, một lô dầu khí có diện tích mặt biển được cấp là 2.576 km2, tổng chi phí cho tiền thuê mặt nước mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà là hơn 16 triệu USD. Với một lô dầu khí khác có diện tích 1.184 km2, tổng chi phí cho tiền thuê mặt nước phải trả cho nước chủ nhà cũng là khoảng 15 triệu USD.

Trong trường hợp gia hạn thời hạn hợp đồng dầu khí, nhà thầu cũng phải trả tới 300 triệu đồng cho 1 km2 diện tích mặt biển thuộc phạm vi được cấp để khai thác.

Theo PVN, diện tích phát triển của một mỏ đang hoạt động được phê duyệt là 150 km2, thì tổng chi phí cho tiền thuê mặt nước mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà khoảng 1,9 triệu USD/năm. Con số này so với chi phí hoạt động (OPEX) của mỏ hiện nay và trong thời gian gia hạn đang được tính toán chỉ là 2 - 3 triệu USD/năm là quá lớn, khiến nhà thầu không mặn mà kéo dài thời gian khai thác, dẫn tới không tận thu được tài nguyên.

Những bất cập của Nghị định này đã được PVN kiến nghị xem xét điều chỉnh từ hồi đầu năm 2019. Đến ngày 5/8/2019, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, cùng PVN nghiên cứu ý kiến của Bộ Tài chính tại Văn bản 7567/BTC-QLCS (ngày 1/7/2019) và Công văn 7100/DKVN-QLHĐ (ngày 20/11/2018), trên cơ sở đó xem xét, cân nhắc sự cần thiết sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động