RSS Feed for Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết của ngành Dầu khí Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 18/04/2024 23:49
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết của ngành Dầu khí Việt Nam

 - Chiều ngày 11/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về ngành Dầu khí Quốc gia
Dầu khí trong tương lai năng lượng Việt Nam

Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của PVN.

Báo cáo của PVN cho biết: Năm 2018 được đánh giá là một năm có nhiều thành tích nổi bật khi đã hoàn thành thắng lợi, về đích trước thời hạn các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt ở cả chỉ tiêu gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí và các chỉ tiêu tài chính.

Cụ thể, tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 23,98 triệu tấn quy dầu, vượt 5,0% kế hoạch năm (KHN). Trong đó, khai thác dầu thô 13,97 triệu tấn (vượt 735 nghìn tấn, tương đương vượt 5,6% KHN).

PVN đã đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 390 triệu vào ngày 28-4-2018. Khai thác dầu thô ở trong nước hoàn thành kế hoạch cả năm (11,31 triệu tấn) trước 21 ngày, cả năm 2018 đạt 12,0 triệu tấn, (vượt 675 nghìn tấn, vượt 6,0% KHN).

Khai thác dầu thô ở nước ngoài hoàn thành kế hoạch cả năm (1,92 triệu tấn) trước 10 ngày, cả năm 2018 đạt 1,98 triệu tấn (vượt 60 nghìn tấn, vượt 3,1% KHN).

Khai thác khí hoàn thành kế hoạch cả năm (9,60 tỉ m3) trước 15 ngày, cả năm 2018 đạt 10,01 tỉ m³ (vượt 410 triệu m3, vượt 4,3% kế hoạch năm). PVN đạt mốc khai thác m3 khí thứ 140 tỉ vào ngày 27-9-2018.

Sản xuất đạm hoàn thành kế hoạch cả năm (1,54 triệu tấn) trước 18 ngày, cả năm 2018 đạt 1,63 triệu tấn (vượt 88 nghìn tấn, vượt 5,7% kế hoạch năm). PVN đã đạt mốc sản xuất tấn đạm thứ 16 triệu vào ngày 19-7-2018. Đạt mốc sản xuất 170 tỉ kWh điện vào ngày 2-12-2018.

Trong lĩnh vực chế biến, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đạt mốc sản xuất tấn sản phẩm các loại thứ 55 triệu vào ngày 30-8-2018.

Bên cạnh đó, PVN cũng hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch về tài chính. Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 626,8 nghìn tỉ đồng (vượt 96 nghìn tỉ đồng, tương đương vượt 18,1% kế hoạch năm 2018, tăng 25,9% so với năm 2017). Nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 121,3 nghìn tỉ đồng (vượt 47,5 nghìn tỉ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với năm 2017).

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Biểu dương kết quả đạt được của Tập đoàn, Thủ tướng nhìn nhận năm 2018, PVN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh.

PVN là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên hợp nhất các ban của Đảng, đoàn thể với cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ tương đồng.

“Một tin vui lớn là dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, một trong những dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí tại Việt Nam đã chính thức đi vào vận hành thương mại. Dự án có mức đầu tư đến 9 tỷ USD, công suất chế biến 200.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm”, Thủ tướng nói. Nếu đúng công suất này thì tỉnh Thanh Hóa sẽ thu về 30.000 tỷ đồng mỗi năm.

Cho biết đây là lần thứ 3 đến làm việc tại Tập đoàn, Thủ tướng nhắc lại phát biểu tại cuộc làm việc năm 2017 rằng trong khó khăn, càng phải vững vàng, bản lĩnh để vượt qua thử thách.

Theo Thủ tướng, PVN đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất để duy trì sự phát triển. Thủ tướng kể lại việc gặp gỡ, nói chuyện với một số giám đốc doanh nghiệp được luân chuyển, gặp nhiều khó khăn bước đầu, “tuy gia đình, cuộc sống, công việc mới nhưng đều quyết tâm cao, không ngại gian khổ”. Đây là nguyên nhân cốt lõi tạo nên bộ máy lãnh đạo mới của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

“Từ tấn dầu thô đầu tiên được khai thác vào năm 1986, Việt Nam đã chính thức gia nhập các nước sản xuất dầu khí trên thế giới và ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đã trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của Nhà nước. Đến nay, chúng ta có cơ ngơi, sự nghiệp với khối tài sản trên 10 tỷ USD”, Thủ tướng nêu rõ. “Từ chỗ chúng ta không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng dầu khí tới trên 1,4 tỷ tấn quy dầu và đã nghiên cứu, đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6-2,8 tỷ tấn quy dầu, đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới”. Ngành dầu khí Việt Nam hiện bảo đảm cung cấp khí làm nhiên, nguyên liệu để sản xuất khoảng 35% sản lượng điện quốc gia, 70% thị phần phân bón và 64% thị phần khí hóa lỏng phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng cả nước.

Thủ tướng cho rằng “chúng ta không được thành kiến các sai phạm, không “giậu đổ bìm leo” mà phải quyết chí, quyết tâm vượt qua thách thức, khó khăn, xứng đáng là đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Lần trước tôi đã nói, các đồng chí vấp nhưng không ngã”. Vì vậy, PVN phải có khát vọng một tương lai hùng cường trở lại với ngành dầu khí. “Ở đâu có dầu khí, ở đó có khởi sắc. Sau bước thăng trầm, ngành dầu khí phải trở lại là động lực phát triển”.

PVN tiếp tục phải là tập đoàn dầu khí, tập đoàn kinh tế hùng mạnh hàng đầu của đất nước, sánh vai với các đối tác trong khu vực và trên thế giới. Dầu khí cũng không đơn thuần là kinh tế mà còn có vị trí quốc phòng an ninh, ở đâu có dầu khí, ở đó khẳng định chủ quyền của đất nước.

Dẫn lại câu nói “Thời gian không nghiền nát niềm tin”, Thủ tướng cho rằng PVN phải nhận thức được thách thức và sứ mệnh phía trước. Đơn cử, theo tính toán của các chuyên gia, từ năm 2017 trở đi, nếu không đưa vào khai thác những mỏ có trữ lượng lớn thì PVN sẽ bị giảm mỗi năm 2 triệu tấn dầu. Ngành dầu khí cũng chịu ảnh hưởng nhất định từ biến động tình hình thế giới.

Nhấn mạnh ngành dầu khí là ngành kinh tế đặc biệt thực hiện chiến lược biển, Thủ tướng nêu rõ, đất nước cần sự đóng góp của PVN, do đó, Tập đoàn cần tính toán lại các chỉ tiêu sản lượng dầu khí, đạm, các sản phẩm khác của ngành dầu tính, tính lại doanh thu, nộp ngân sách… có mức phấn đấu cao hơn.

Thủ tướng cho rằng PVN cần tập trung thảo luận, tìm biện pháp quyết liệt hơn, quyết tâm, ý chí cao hơn, trong “cái khó ló cái khôn”. Thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình thực tế tiến độ giải ngân các dự án, đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch.

Cần ứng dụng khoa học công nghệ để gia tăng hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Ngành dầu khí cần đi tiên phong, đi tắt đón đầu cuộc cách mạng 4.0. Tuyệt đối tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường.

Tập đoàn cần tập trung chỉ đạo lấy lại tiến độ các dự án trọng điểm đã và đang bị chậm so với yêu cầu; tiếp tục chỉ đạo xử lý các tồn tại của 5 dự án khó khăn, yếu kém.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tích cực Tập đoàn, đặc biệt là các dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, các dự án trọng điểm của Nhà nước về dầu khí mà Tập đoàn đang thực hiện.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động