RSS Feed for PVN hướng đến mục tiêu khai thác dầu khí ‘phi truyền thống’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 17:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

PVN hướng đến mục tiêu khai thác dầu khí ‘phi truyền thống’

 - Trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng nước sâu, xa bờ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ tích cực nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò các dạng hydrocarbon phi truyền thống (khí hydrate, khí than, khí nông, khí đá phiến sét…) nhằm gia tăng trữ lượng dầu - khí cho phát triển đất nước.


Hoàn thiện thể chế cho ngành Dầu khí Việt Nam theo quan điểm của Bộ Chính trị
Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí



Theo định hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, PVN sẽ đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò, nhằm gia tăng trữ lượng dầu khí; tăng cường đầu tư tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng nước sâu, xa bờ, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Mặt khác, sẽ tăng cường đầu tư cho nghiên cứu tìm kiếm, thăm dò các dạng hydrocarbon phi truyền thống (khí hydrate, khí than, khí nông, khí đá phiến sét…).

Về các dạng hydrocarbon phi truyền thống, theo thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trên thế giới hiện có khoảng 145 nước đang triển khai các hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác. Tuy nhiên, trừ Mỹ và Canada đã bắt đầu khai thác (từ năm 2013), hầu hết các nước còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò.

Dầu khí phi truyền thống được định nghĩa là “dầu khí thông thường/truyền thống tồn tại trong các đá chứa có độ thấm thấp”. Loại đá chứa này có thể là cát, hoặc các loại đá khác rắn chắc, có độ thấm từ 0,0001 - 0,1mD - theo lý thuyết kinh điển gọi là đá chắn.

Đối tượng hydrocarbon phi truyền thống đầu tiên được khai thác là khí methane chứa trong các lớp than đá (gọi tắt là khí than). Vỉa than (một loại “đá” chặt sít) vừa là đá mẹ (nguồn sinh), vừa là đá chứa và đá chắn. Methane được sinh ra đồng thời với than, tồn tại trong mạng tinh thể than, hoặc trong các vi kẽ nứt nhờ lực hấp thụ và áp suất của nước chứa trong lớp than. 

Ở các quốc gia sở hữu tài nguyên than đá lớn, khí methane chủ yếu được khai thác theo phương pháp giảm áp với quy mô công nghiệp. Khí than hóa lỏng hiện đã có mặt trên thị trường thế giới bên cạnh LNG.

Dầu khí trong đá chặt sít đóng vai trò quan trọng nhất trong dầu khí phi truyền thống. Sự thành công trong công nghiệp dầu khí phi truyền thống ở Mỹ và Canada trong thời gian qua đã nâng cao vai trò của Bắc Mỹ trên thị trường dầu khí thế giới, đồng thời mở ra triển vọng phát triển lĩnh vực này ở nhiều quốc gia.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 50 nước trên thế giới triển khai các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí phi truyền thống. Trong đó, việc khai thác thử nghiệm khí hydrate (có trữ lượng lớn ở các vùng biển sâu, đại dương và các vùng băng giá) đang được thực hiện ở các quốc gia có tiềm năng kỹ thuật cao.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia, yếu tố kỹ thuật, giá thành vẫn đóng vai trò to lớn, thậm chí quyết định việc đưa nguồn năng lượng này vào cuộc sống, nên vấn đề phát triển công nghiệp dầu khí truyền thống gặp không ít khó khăn.

Đặc biệt, đối với Việt Nam, ngoài những khó khăn về mặt kỹ thuật, chúng ta còn gặp nhiều trở ngại lớn, khi Luật Dầu khí và văn bản hướng dẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo, không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay./.

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động