EVNCPC áp dụng thành công công nghệ sửa chữa điện nóng
09:17 | 05/07/2018
SPC ứng dụng công nghệ nâng cao dịch vụ khách hàng
Công ty Điện lực Đăk Nông thay sứ đường dây 22kV đang mang điện.
Công tác sửa chữa điện nóng được EVNCPC bắt đầu triển khai từ tháng 4/2016 và được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 4/2016 đến tháng 12/2016, triển khai tại 5 Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa và Đăk Lăk. Giai đoạn 2 hoàn thành tháng 11/2017, tại 3 Công ty Điện lực Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai. Đến hết năm 2017, EVNCPC đã có 8 đơn vị triển khai sửa chữa điện nóng. Đến cuối tháng 6/2018, EVNCPC đã hoàn thành giai đoạn 3, giai đoạn triển khai cho các công ty điện lực còn lại gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kon Tum và Đăk Nông.
Ở giai đoạn 3, trong khi các đơn vị Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Ngãi tiếp tục được gửi vào Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh để đào tạo như 8 đơn vị trước, thì 2 đơn vị cuối cùng là Kon Tum và Đăk Nông được EVNCPC tự tổ chức đào tạo. Đây là nỗ lực rất lớn của EVNCPC trong việc chủ động nắm bắt và ứng dụng công nghệ, đồng thời cụ thể hóa hành động của EVNCPC theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về thực hiện chủ đề năm 2018: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”.
Khóa đào tạo sửa chữa điện nóng tại Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung.
Để chuẩn bị cho công tác đào tạo sửa chữa điện nóng, từ năm 2017, bên cạnh việc đầu tư xây dựng hiện trường huấn luyện cũng như trang cấp các dụng cụ sửa chữa điện nóng để phục vụ đào tạo tại Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung, EVNCPC đã thành lập tổ công tác để rà soát, biên soạn, hiệu chỉnh chương trình, giáo trình đào tạo nghề sửa chữa đường dây tải điện đến cấp điện áp 22kV đang vận hành. Giáo trình là tài liệu cơ sở phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện sửa chữa điện nóng và là tài liệu tham khảo để xây dựng các quy trình liên quan đến sửa chữa điện nóng nhằm phục vụ công tác tại các đơn vị. Trên cở sở đó, ngày 19/12/2017, EVNCPC đã khai giảng khóa đào tạo đầu tiên cho 16 cán bộ công nhân viên đội sửa chữa điện nóng thuộc Công ty Điện lực Kon Tum và Đăk Nông. Khóa đào tạo diễn ra trong 4 tháng với các giảng viên đến từ các EVNCPC và có sự hỗ trợ của EVNHCMC. Đến ngày 22/4/2018, các học viên hoàn thành sát hạch, kết thúc đào tạo. Trong hai ngày 29/6/2018 và 3/07/2018 vừa qua, đội sửa chữa điện nóng thuộc Công ty Điện lực Kon Tum và Công ty Điện lực Đăk Nông đã thực hiện công tác sửa chữa điện nóng đầu tiên trên lưới điện.
Công ty Điện lực Kon Tum sửa chữa nóng lưới điện.
Nghề sửa chữa điện nóng có những đặc thù và là một nghề đặc biệt nguy hiểm, bởi chỉ lơ là một tích tắc, người thợ điện không còn cơ hội sửa sai. Vì là nghề đặc biệt nên từ phương tiện đến trang thiết bị hỗ trợ công tác hay các biện pháp thi công cũng rất đặc biệt. Tùy vào tình huống cụ thể mà người thợ sửa chữa điện nóng có thể chọn phương pháp thi công “trực tiếp” hoặc “gián tiếp qua sào cách điện” kết hợp với xe gàu cách điện hoặc bệ đỡ (platform) trong trường hợp không thể sử dụng xe gàu.
Chính vì sự đặc biệt đó, nên được làm người thợ sửa chữa điện nóng là niềm vinh dự và tự hào của những người làm điện nói chung. Để trở thành người thợ sửa chữa điện nóng, những người thợ điện phải trải qua quá trình đào tạo, huấn luyện, sát hạch không điện, có điện tại cơ sở đào tạo. Sau đó tiếp tục về hiện trường của đơn vị để rèn luyện và phải vượt qua kỳ sát hạch không điện, có điện tại đơn vị. Khi vượt qua kỳ sát hạch tại đơn vị, người thợ sửa chữa điện nóng sẽ được cấp thẻ thực hiện công tác sửa chữa điện nóng và chính thức khoác trên mình tấm áo “thợ điện hotline”. Người thợ sửa chữa điện nóng phải thường xuyên ôn luyện các biện pháp tổ chức thi công, biện pháp đảm bảo an toàn của từng công việc cụ thể trong các bài thực hành để rèn luyện kỹ năng thao tác, sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân, điều khiển phương tiện thi công tại hiện trường ở cả trạng thái không điện, có điện. Ngoài ra, không phải lúc nào các tình huống thực tế cũng phù hợp với quy trình đã ban hành, đối với các công việc chưa có trong quy trình thì đội sửa chữa điện nóng cũng phải tự xây dựng, bổ sung rồi tiến hành thực tập tại hiện trường, đánh giá, hoàn thiện và được phê duyệt trước khi tiến hành trên lưới điện.
Các đội sửa chữa điện nóng sau khi đưa vào hoạt động đã chứng tỏ hiệu quả bước đầu, từ tháng 6/2016 đến tháng 11/2017, các đơn vị đã tiến hành 1.712 công tác sửa chữa nóng so với tổng số 113.378 công tác trên lưới, chiếm tỷ lệ 1,51 %, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, đến 30/6/2018, toàn EVNCPC đã thực hiện được 2.138 công tác sửa chữa nóng lưới điện và tổ chức 181 lần thực hành, thực tập SCĐN tại bãi huấn luyện. Thời gian tới, EVNNPC đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển thêm các đội sửa chữa điện nóng thứ hai và có thể thứ ba cho các đơn vị. Đồng thời bổ sung thêm các phương pháp các phương pháp sửa chữa điện nóng lưới điện 22 kV bằng platform, giàn giáo cách điện và mở rộng áp dụng trên lưới 110 kV.
Chuẩn bị công tác sửa chữa nóng lưới điện.
Cùng với việc vệ sinh sứ không cắt điện, việc áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng đã góp phần hạn chế thời gian mất điện khách hàng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, qua đó nâng cao hình ảnh, uy tín của ngành điện miền Trung nói riêng và của ngành điện Việt Nam nói chung.
TRẦN THIÊM - TRƯỜNG THẮNG