RSS Feed for Những vùng quê nghèo đổi thay nhờ có điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 20:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những vùng quê nghèo đổi thay nhờ có điện

 - Dự án “Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh” được triển khai hoàn thành năm 2012, đến nay qua 3 giai đoạn cấp điện khoảng 34.934 hộ dân, tổng vốn đầu tư 447,86 tỷ đồng.

Để thợ điện sông nước yên tâm “bám” nghề

Trở lại xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải (trước đây huyện Duyên Hải), dưới những cơn mưa tầm tã những ngày cuối tháng 6/2016, chúng tôi ngỡ ngàng sự thay da đổi thịt của mảnh đất này. Diện mạo vùng quê nghèo đã có nhiều đổi mới. Những con đường thẳng tắp đổ bê tông đi vào tận các ấp, những chiếc ô tô đậu trước những ngôi nhà cao tầng khang trang, những ao nuôi mới được xây dựng quy mô và đường xá tấp nập xe cộ qua lại. Đi sâu vào trong từng ấp, những ngôi nhà mái lá được thay bằng mái ngói đỏ tươi, nền lót gạch bông sáng bóng, nhà nhà đều có vỏ máy đuôi tôm để đi lại. Trò chuyện cùng những người dân ấp Giồng Giếng, xã Long Toàn, chúng tôi được biết sự thay đổi lớn này là nhờ vào giá trị kinh tế của con tôm đem lại. Trong những năm gần đây, rất nhiều hộ nuôi tôm đã trở thành tỷ phú. Và ấp Giồng Giếng cũng là những vùng nuôi tôm trọng điểm của xã.

Vui vẻ tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trung (46 tuổi), ấp Giồng Giếng, xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải, cho biết, hơn 4 năm nay khi có điện lưới quốc gia từ Dự án cấp điện cho các hộ dân Khmer, sau khi tìm hiểu kinh nghiệm các hộ nuôi tôm trên địa bàn, tui mua “mô tơ”, chuyển sang nuôi công nghiệp, năm 2014-2015 nuôi tôm thẻ chân trắng, cứ thế sau mỗi vụ trúng mùa, tui lại tiếp tục tăng sản lượng. Với 3 hồ tôm, vụ nuôi năm 2015 gia đình tui lãi gần 800 triệu đồng…

Ông Nguyễn Văn Trung, nông dân ấp Giồng Giếng đang cho tôm ăn.

Trao đổi với tôi ông Ngũ Minh Việt - Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Toàn, cho biết, khi được cấp điện từ dự án của ngành điện, phần nhiều các hộ dân chuyển sang nuôi tôm công nghiệp, hiệu quả cao, nhiều hộ dân vươn lên làm giàu, năm 2015 toàn xã có 2.281 hộ nuôi tôm, thì có đến 1.737 hộ lãi, chiếm tỷ lệ trên 76%.

Rời Duyên Hải, chúng tôi đến huyện Trà Cú, trên những con đường trải nhựa, bê tông hóa, những phum sóc xa xôi, cách trở đã bừng sáng ánh điện. Dọc theo những con đường các ấp Trà Tro A, Trà Tro B, Trà Tro C thuộc xã Hàm Giang, tiếng đục, cưa, gọt vỏ tre cứ âm vang liên hồi. Nghề đóng giường tre được hình thành đến nay trên 50 năm, buổi đầu chỉ vài hộ làm, dần dần người biết chỉ người chưa biết, theo thời gian hình thành nên cả làng nghề. Tuy nhiên, những người thợ đóng giường tre nơi đây đã trải qua không ít những năm tháng khó khăn ở thập niên 90, khi sản phẩm tre trúc bị “thoái trào” bởi các sản phẩm bằng nhôm, nhựa. Trong những năm gần đây, hàng trăm người thợ dân tộc Khmer ở làng nghề đóng giường tre xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã vượt qua hoàn cảnh nghèo túng, có được cuộc sống khá sung túc, tất cả có phần đóng góp không nhỏ từ Dự án “Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer”.

Sử dụng máy khoan thay cho đục thủ công, rút ngắn một nửa thời gian làm ra sản phẩm.

Trò chuyện với tôi, ông Thạch Trì Cảnh, 41 tuổi, Chủ Tổ kinh tế hợp tác đóng gường tre Trì Cảnh, thuộc ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang cho biết: khi điện kéo về, ban đầu với số tiền 40 triệu đồng có được từ việc vay thế chấp 03 công đất do cha mẹ cho mượn; tui mua sắm máy cưa, máy bào, máy khoan… Nhờ sử dụng điện kết hợp đưa máy móc hỗ trợ thay thế thủ công, cộng với tay nghề, nên sản phẩm làm ra đẹp và nhiều: salon tre, bàn ghế tre do tui làm ra nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận. Từ chỗ sản xuất gia đình, nay trở thành cơ sở sản xuất Trì Cảnh, với qui mô sản xuất mỗi năm 1.500 sản phẩm salon, bộ bàn ghế. Cùng với đó là có hơn 20 kiểu mẫu salon, bộ bàn ghế được thiết kế hiện nay không chỉ có mặt ở đồng bằng sông Cửu Long mà còn vươn tới thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu… giá mỗi bộ salon tre từ vài triệu đồng đến chục triệu đồng và thời gian sử dụng trên 15 năm, nhờ việc xử lý thuốc chống mối mọt; không thua kém giá 01 bộ salon gỗ đang có mặt trên thị trường. Cơ sở giải quyết việc làm cho 30 người thợ đóng giường tre, với mức lương 3 triệu đồng/tháng, giúp những người thợ nghèo đóng giường tre ở làng nghề có việc làm ổn định, cải thiện cuộc sống gia đình.

Ông Thạch Ngọc Điệp - Trưởng Ban nhân dân Ấp Trà Tro B cho biết, ấp có trên 250 hộ dân, trong đó người Khmer chiếm đến 98%. Làng nghề này có khoảng 100 hộ, hàng năm sản xuất hàng ngàn sản phẩm. Nhờ có điện lưới những năm gần đây đời sống người dân thay da đổi thịt, ngoài trồng lúa ra, nghề đóng giường tre được mọi người biết đến; bên cạnh những sản phẩm chỉ tiêu thụ cho đối tượng là những khách hàng dùng làm kệ kê hàng buôn bán tại các chợ. Mà sản phẩm này còn tham gia vào mặt hàng cao cấp với các tên gọi như salon tre, bàn ghế tre được sơn pê-u, đã vươn xa ra khỏi lũy tre làng.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Trà Vinh, ông Đặng Văn Dình cho biết, ngoài Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer, qua 3 giai đoạn đến nay đã đưa số hộ dân toàn tỉnh Trà Vinh lên 98,63%, trong đó số hộ vùng nông thôn đạt 98,45% . Không dừng lại, Công ty còn triển khai Dự án thành phần cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh Trà Vinh (DPL3), tổng vốn đầu tư 103 tỷ đồng, cấp điện cho 5.779 hộ nuôi trồng thủy sản. Việc đưa điện về nông thôn không phải chỉ thắp sáng sinh hoạt, mà còn để phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, giúp bà con thoát nghèo và tiến đến làm giàu trên chính quê hương đầy tiềm năng, nhưng chưa được khai thác hết của mình.

Rời Trà Cú, trên con đường rợp mát bóng tre của xã Hàm Giang, tiếng đục, tiếng cưa, tiếng gọt vỏ tre cứ âm vang liên hồi như phum sóc nơi đây đang vào hội. Ðiện về không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng, mà còn làm thay đổi cuộc sống của hàng nghìn hộ dân đồng bào dân tộc Khmer trên các phum sóc, vùng xa xôi của tỉnh Trà Vinh.

ĐẶNG HUY HOÀNG, Công ty Điện lực Trà Vinh

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động