RSS Feed for Lãnh đạo EVNGENCO 1 trả  lời phỏng vấn chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 13:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Lãnh đạo EVNGENCO 1 trả lời phỏng vấn chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam

 - Năm 2020 là năm hoạt động sản xuất, kinh doanh điện gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao - là đơn vị có thành tích dẫn đầu trong khối các Tổng Công ty Phát điện (GENCOs), tiến tới cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Nhân dịp này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Huấn - Phó Tổng giám đốc EVNGENCO 1 về những thành tựu đạt được và mục tiêu hướng tới trong những năm tiếp theo.


Tám nhiệm vụ trọng tâm của EVNGENCO 1 năm 2021


Ông Nguyễn Mạnh Huấn - Phó Tổng giám đốc EVNGENCO 1.


Là một đơn vị thành viên quan trọng của EVN, xin ông cho biết vai trò và vị trí của EVNGENCO 1 trong cân bằng cung - cầu về điện của nền kinh tế trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Mạnh Huấn: EVNGENCO 1 có tổng công suất đặt trên 7.121,5 MW với đa dạng các nguồn phát: Nhiệt điện than, thủy điện và điện mặt trời. Sản lượng điện năm 2019 đạt 37.544 triệu kWh, chiếm tỷ trọng 28,3% sản lượng điện sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); chiếm 16% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống sản lượng điện. Năm 2020, sản lượng điện đạt 36.783 triệu kWh, chiếm 26,81% sản lượng điện sản xuất của Tập đoàn và các Tổng Công ty Phát điện, chiếm 15,4% sản lượng điện sản xuất và mua của toàn hệ thống, góp phần đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt của nhân dân.

Khối thủy điện với công suất đặt 2.147,5 MW (chiếm 30% tổng công suất đặt của Tổng Công ty), các NMĐ được đặt tại các khu vực quan trọng trong hệ thống điện quốc gia (khu vực phía Nam và Tây Nguyên), các NM thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai… của EVNGENCO 1 đã tham gia rất hiệu quả trong việc ổn định hệ thống lưới điện thông qua cung cấp các dịch vị điều tần, điều áp.

Đối với khối các NMNĐ: Tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải, EVNGENCO 1 sở hữu 2 nhà máy (Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3, công suất 2.490 MW) và cung cấp dịch vụ quản lý vận hành cho Nhà máy NĐ Duyên Hải 3 MR (688 MW). Từ khi Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3 được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành, cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia 16 tỷ kWh/năm. Sau 5 năm đi vào vận hành, đến ngày 19/3/2020, các nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3 đã sản xuất được 50 tỷ kWh, góp phần quan trọng đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia, phát triển kinh tế, xã hội, tăng hệ số an toàn, ổn định, hiệu quả kinh tế cung cấp điện cho 21 tỉnh thành phía Nam và TP. Hồ Chí Minh.

Với địa bàn hoạt động trải dài từ Bắc vào Nam, xin ông cho biết những ý kiến về công tác tổ chức và điều hành của ngành điện theo hướng hoàn thiện và phát triển thị trường điện cạnh tranh?

Ông Nguyễn Mạnh Huấn: Theo Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ (thay thế Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/1/2006), thị trường điện lực được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ.

Công tác tổ chức và điều hành của ngành điện theo hướng hoàn thiện và phát triển thị trường điện cạnh tranh trong các năm vừa qua đã đảm bảo đúng lộ trình, có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện, giúp hệ thống điện và thị trường điện được vận hành an toàn, ổn định, tin cậy, đảm bảo an ninh cung cấp điện, tăng cường tính minh bạch, công bằng trong việc lập lịch, huy động các nhà máy điện, góp phần tối ưu chi phí toàn hệ thống, từng bước tạo được sự tin tưởng của các nhà đầu tư, các thành viên tham gia thị trường điện.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang chủ động triển khai đề án thị trường bán lẻ điện cạnh tranh 3 giai đoạn theo Quyết định số 2093/QĐ-BCT ngày 8/8/2020. (Tổng Công ty Phát điện 1 cũng đã tích cực tham gia góp ý xây dựng đề án Thị trường điện bán lẻ điện cạnh tranh).

EVNGENCO 1 được thành lập theo Quyết định số 3023/QĐ-BCT ngày 1/6/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, tương tự như các GENCOs khác thực hiện nhiệm vụ quản lý vận hành các đơn vị phát điện trực thuộc, các công ty con và liên kết trải dài từ Bắc vào Nam mà không tập trung theo vùng miền, góp phần nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch trong việc chào giá trên thị trường điện giao ngay, tránh lũng đoạn. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành vẫn còn một số hạn chế, khó khăn đối với các đơn vị phát điện, cụ thể:

Một là: Tỷ lệ nguồn trực tiếp tham gia thị trường điện còn thấp (44%) dẫn đến chưa phản ánh đầy đủ tính chất cạnh tranh của thị trường điện.

Hai là: Trong 2 năm trở lại đây, chi phí nhiên liệu than trong nước tăng cao, chủng loại than khác thiết kế làm tăng chi phí biến đổi của các nhà máy nhiệt điện, khiến các nhà máy chào giá không thu hồi đủ chi phí, cũng như giảm tính cạnh tranh, mất chi phí cơ hội trên thị trường điện.

Ba là: Việc phát triển không đồng bộ giữa năng lượng tái tạo (NLTT) và lưới điện thời gian vừa qua, ưu tiên hàng đầu trong thứ tự huy động đã gây quá tải đường dây, ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn điện truyền thống, thay đổi giờ cao điểm thực tế cũng như giá truyền tải điện.

Trong thời gian tới, để đảm bảo tiếp tục phát triển bền vững, ngành điện cần phải quy hoạch đồng bộ nguồn và lưới điện, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường, giá điện phải do thị trường quyết định và phải phản ánh đúng, đầy đủ tất cả các chi phí đầu vào hợp lý, hợp lệ, tạo động lực cho các nhà máy tham gia thị trường điện, cũng như khuyến khích đầu tư nguồn mới làm tăng tính cạnh tranh. Mặt khác, tiến tới hình thành thị trường nhiên liệu sơ cấp cạnh tranh làm cơ sở giảm giá bán điện

Mục tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh - đầu tư xây dựng của EVNGENCO 1 năm 2021 là gì, Tổng Công ty đã có những biện pháp gì để hoàn thành kế hoạch đặt ra?

Ông Nguyễn Mạnh Huấn: Bước vào năm 2021, bên cạnh những thuận lợi như năng lực quản trị và tài chính của Tổng Công ty đã được cải thiện; các tổ máy nhiệt điện vận hành ổn định, tin cậy, có hệ số khả dụng cao; năng lực cung ứng và điều phối nhiên liệu sơ cấp đã được nâng cao v.v… Tổng Công ty tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức, tồn tại đã được nhận diện trong năm 2020. Cụ thể, tình hình thủy văn các hồ chứa không thuận lợi, dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, thời tiết cực đoan. Đặc biệt là việc đối mặt với nhu cầu tăng trưởng phụ tải của toàn hệ thống thấp (6,62%), nhiều nguồn năng lượng tái tạo mới được đưa vào vận hành trong thời gian ngắn dẫn đến khả năng huy động các tổ máy nhiệt điện của Tổng Công ty không đạt thiết kế với mức khoảng 6.000h/năm, nguy cơ không thu hồi được chi phí đầu tư theo phương án giá điện, ảnh hưởng rất lớn đến tài chính của Tổng Công ty...

Tuy nhiên, với kết quả đạt được đáng khích lệ trong năm 2020 và để tạo tiền đề tốt cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Tổng Công ty đề ra các chỉ tiêu và mục tiêu nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch 2021 như sau:

Thứ nhất: Đảm bảo vận hành sản xuất điện an toàn, ổn định và đáp ứng yêu cầu huy động của hệ thống; đảm bảo cung ứng đủ nhiên liệu cho sản xuất điện.

Thứ hai: Đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công các dự án; đảm bảo hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư, đặc biệt là các dự án/công trình hoàn thiện sau đầu tư tại TTNĐ Duyên Hải; tiếp tục triển khai nghiên cứu và đầu tư các dự án nguồn điện mới.

Thứ ba: Tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh có hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tổng Công ty thông qua việc giảm giá thành sản xuất điện, đặc biệt là NMNĐ Duyên Hải 1 và Nghi Sơn.

Thứ tư: Thực hiện chủ đề năm “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, gắn liền với việc nâng cao hiệu quả trong SXKD - ĐTXD của Tổng Công ty.

Thứ năm: Hoàn thành công tác cổ phần hóa theo kế hoạch được phê duyệt.

Thứ sáu: Tăng cường quản trị doanh nghiệp đảm bảo tăng doanh thu, giảm chi phí để nâng cao hiệu quả SXKD, phát triển bền vững Tổng Công ty Phát điện 1, hướng tới mô hình công ty cổ phần đại chúng.

Thứ bảy: Bảo đảm công tác an ninh - quốc phòng; tích cực thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ.

Năm 2021, sản lượng điện EVNGENCO 1 được giao là 39.749 triệu kWh. Để hoàn thành nhiệm vụ này, EVNGENCO 1 phấn đấu đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch sửa chữa lớn, triển khai công tác đầu tư xây dựng đúng tiến độ được phê duyệt. Tổng Công ty cũng đã xây dựng bộ giải pháp cung ứng và điều phối than, quản lý chất lượng than và nâng cao năng suất bốc dỡ tại cảng Duyên Hải… Trong công tác cổ phần hóa, EVNGENCO 1 nỗ lực thực hiện theo lộ trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tổng Công ty cũng nỗ lực thực hiện các giải pháp để đạt được các chỉ tiêu được giao năm 2021 về nâng cao hiệu quả vận hành, các chỉ tiêu về tài chính, đầu tư xây dựng và năng suất lao động để đảm bảo các tổ máy phát điện ở trạng thái sẵn sàng tham gia phát điện khi có yêu cầu, hoạt động SXKD điện có lợi nhuận

Được biết, nhiệm vụ phát triển sản xuất điện trong thời gian đến năm 2025 của EVNGENCO 1 có nhiều khó khăn và thách thức lớn. Xin ông cho biết những giải pháp cơ bản để hoàn thành nhiệm vụ này?

Ông Nguyễn Mạnh Huấn: Nhiệm vụ phát triển sản xuất điện trong thời gian tới của EVNGENCO 1 sẽ rất nặng nề, với nhiều khó khăn và thách thức lớn. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ EVN giao và nhất là đảm bảo phát triển EVNGENCO 1 thành Tổng Công ty hàng đầu về lĩnh vực năng lượng, phát triển bền vững, chúng tôi đề ra và tổ chức triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất: Giải pháp trong sản xuất, kinh doanh: Tổng Công ty lắp đặt bổ sung các thiết bị giám sát trực tuyến tại các tổ máy phát điện và xây dựng trung tâm phân tích chuẩn đoán từ xa; thực hiện công tác bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) theo RCM tại các tổ máy thủy điện vào năm 2021. Cùng với đó là chủ động thực hiện BDSC theo RCM tại các tổ máy nhiệt điện trong giai đoạn 2021 - 2025; thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược với các nhà cung cấp các vật tư thiết bị, các nhà thầu cung cấp dịch vụ BDSC trọng yếu...

Đồng thời, thay thế các thiết bị phụ trợ có hiệu suất thấp, các máy biến áp, động cơ điện cũ, hiệu suất thấp, tổn hao cao và áp dụng công nghệ biến tần đối với các thiết bị trong hệ thống gió, khí nén và đảm bảo chất lượng than đầu vào, thường xuyên theo dõi chế độ cháy trong lò, hiệu suất lò hơi, kịp thời hiệu chỉnh để đảm bảo hiệu suất lò hơi vận hành theo thiết kế.

Thứ hai: Giải pháp cho đầu tư xây dựng: Đầu tư hoàn thiện các dây chuyền sản xuất, nâng cấp cải tạo những thiết bị lạc hậu.

Thứ ba: Giải pháp về đảm bảo tài chính: Tiết kiệm chi phí thường xuyên, kiểm soát chi phí O&M phù hợp phương án giá điện; tiếp tục thực hiện chương trình tiết kiệm, chống lãng phí. Cụ thể, tiết kiệm 10% chi phí vật tư vật liệu trong sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ các khoản chi phí dịch vụ mua ngoài, các loại chi khác bằng tiền, chi phí mua sắm trang thiết bị văn phòng, chi phí tổ chức các sự kiện, hoàn thành xử lý 100% vật tư thiết bị ứ đọng, kém phẩm chất.

Ngoài ra, Tổng Công ty tăng cường công tác quản trị dòng tiền, cân đối vốn lưu động theo năm, theo tháng, theo tuần. Từ đó có những giải pháp kịp thời để tối ưu hóa dòng tiền, đảm bảo dòng tiền luôn an toàn, hiệu quả, đảm bảo cân đủ nguồn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng.

Thứ tư: Ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động: Tăng cường hợp tác với các đơn vị/tổ chức trong nước, có trình độ cao về khoa học/CNTT. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào việc thực hiện công tác quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh, cải cách hành chính để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng Công ty; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp điện tử và Văn phòng điện tử trong EVNGENCO 1 theo kế hoạch triển khai chung trong EVN.

Tiếp tục chủ động liên hệ, phối hợp với các nhà sản xuất thiết bị nổi tiếng thế giới để tổ chức các buổi hội thảo, giới thiệu thiết bị công nghệ mới, xem xét áp dụng thực tế vào công tác vận hành, sửa chữa nhằm đem lại hiệu quả cao.

Tiếp tục triển khai Đề án "Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động SXKD của Tổng Công ty". Mục tiêu đặt ra là xây dựng EVNGENCO 1 có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại, phát triển hiệu quả, bền vững; đảm bảo vận hành các nhà máy điện an toàn, tin cậy và ổn định; nâng cao khả năng cạnh tranh của EVNGENCO 1 trong thị trường bán buôn cạnh tranh; xây dựng mô hình tổ chức, quản trị chuyên nghiệp hướng đến hiệu quả cao nhất, phù hợp với mô hình công ty đại chúng.

Thứ năm: Giải pháp về quản lý, tổ chức, phát triển nguồn nhân lực: Tổng Công ty tiếp tục tập trung đào tạo nâng cao năng lực quản trị theo hướng công ty cổ phần, gắn với hoạt động thị trường điện; đẩy mạnh hệ thống đào tạo nội bộ, đầu tư nguồn lực để hình thành đơn vị quản lý chuyên trách công tác đào tạo, nghiên cứu phát triển; và xây dựng hệ thống đào tạo LMS đa dạng nhiều hình thức dài hạn, ngắn hạn, trực tuyến, cố vấn (mentoring), huấn luyện (coaching), E-learning... bao gồm khung chương trình đào tạo cho các hệ thống chức danh. Ngoài ra, chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực kỹ thuật trực tiếp SXKD, đào tạo chuyên gia kỹ thuật; đào tạo đổi mới tư duy đội ngũ cán bộ quản lý bắt kịp yêu cầu quản trị nhân sự hiện đại, quản trị công ty cổ phần gắn với bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

Cùng với đó, EVNGENCO 1 tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện tốt quy chế dân chủ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực hiện các chương trình an sinh xã hội, đảm bảo việc làm, thu nhập người lao động.

Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

HỘI ĐỒNG KHOA HỌC - BIÊN TẬP TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động