RSS Feed for EVN trước thách thức biến đổi khí hậu và tình trạng El nino kéo dài | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 17:05
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

EVN trước thách thức biến đổi khí hậu và tình trạng El nino kéo dài

 - Năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, do hậu quả của biến đổi khí hậu và hiện tượng El nino đã gây hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên. Hiện tượng này đã gây nhiều tác hại nghiêm trọng như: việc sụt giảm sản lượng, năng suất lúa, cây ăn trái và các giống cây trồng khác khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trên nửa triệu người thiếu nước sinh hoạt; khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tình trạng hạn hán cũng kéo dài nghiêm trọng, dẫn đến những hậu quả rất phức tạp… trước những thách thức đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những giải pháp để đảm bảo cung cấp đủ điện cho các khu vực bị hạn hán và xâm nhập mặn.

Giai đoạn 2011-2015: Tăng 18,1 nghìn MW công suất nguồn
Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia

TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Theo EVN, năm 2015, do hạn hán kéo dài nên tình hình nước các hồ chứa thủy điện trên toàn hệ thống bị sụt giảm nhiều, đặc biệt là các hồ thủy điện khu vực miền Trung từ Thanh Hóa trở vào, hầu hết các hồ này không xuất hiện lũ và tổng lượng nước về thiếu hụt khoảng 40 - 60 % so với trung bình nhiều năm.

Tính đến ngày 11/03/2016, lượng nước còn lại trong các hồ chứa thủy điện khá thấp, tổng lượng nước cò lại khoảng 23,4 tỷ m3 (tương ứng 69,1% tổng dung tích hữu ích của các hồ). Trong đó lượng nước của các hồ khu vực miền Trung và miền Nam xuống thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2015, nhiều hồ có mức nước thấp hơn như: Hủa Na thấp hơn 3,29m; Bình Điền 3,75m; A Vương 3,43m; Vĩnh Sơn 3,31m; Pleikrong 4,65m; An Khê - Kanak 2,92m; Buôn Tua Srah 1,3m; Đồng Nai 3 6,15m; Đăk Rinh 1,92m; Thác Mơ 2,37m; Hàm Thuận 3,11m; Đại Ninh 4,24m, Trị An 4,22m… đặc biệt hồ Ialy và hồ Cửa Đạt có mức thấp hơn lần lượt là 12,60m và 14,6m.

Trước tình trạng này, EVN đã đề ra nhiều phương án đối phó, bằng việc cân đối đủ các nguồn điện để cung cấp cho các khu vực này.

Thứ nhất, trong cân đối nguồn điện, EVN cho khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than, kể cả các nhà máy mới đưa vào ở khu vực miền Nam như Vĩnh Tân, Duyên Hải; khai thác tối đa các trung tâm nhiệt điện khí như: Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch, Ô Môn, Cà Mau… tiếp đó, là tăng cường việc truyền tải điện đưa từ miền Bắc cấp cho miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong tính toán và cân đối của EVN trong kế hoạch năm 2016 thì việc bù đắp lượng điện thiếu hụt do hạn hán kéo dài EVN phải khắc phục việc bố trí cân đối khai thác tối đa các nguồn điện hiện có, đồng thời đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng các nguồn điện đang triển khai, kể cả nhiệt điện than để kịp thời đáp ứng cho việc thiếu hụt công suất và sản lượng điện trong kế hoạch 2016. Bằng cách tính toán đó, EVN phải thu xếp lại lịch bảo dưỡng trung, đại tu các nguồn điện, nhất là nhiệt điện than ở khu vực phía Bắc, các trung tâm nhiệt điện khí ở khu vực miền Nam; kể cả phương án sử dụng khai thác nguồn điện bằng dầu, EVN đã chuẩn bị sẵn sàng.

Thứ hai, việc cần thiết là phải củng cố lại hệ thống đường dây và trạm biến áp truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam của các đường dây 500kV, 220kV, đảm bảo công suất các trạm biến áp 500kV, 220kV. Vai trò của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia giai đoạn này cực kỳ quan trọng, cần tập trung cao độ cho việc đảm bảo vận hành an toàn, liên tục cung cấp điện ổn định cho miền Trung, Tây Nguyên và đặc biệt miền Nam, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt khác, trong kế hoạch đã và đang triển khai xây dựng mới nhiều công trình truyền tải 500kV, 220 kV của các đường dây và trạm trong cả 3 miền cần phải được đẩy mạnh, đảm bảo vượt tiến độ để nâng công suất truyền tải cung cấp điện cho các khu vực nói trên. Bên cạnh đó, EVN cần phải tập trung xây dựng, hoàn thành các nhà máy thủy điện như: Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Trung Sơn…để tăng thêm nguồn điện vào các khu vực đang thiếu điện nghiêm trọng.

Thứ ba, trong nhiều năm qua, EVN đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền thực hiện tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, theo mục tiêu quốc gia của Chính phủ, song kết quả còn hạn chế, hơn bao giờ hết, không những trước mắt mà lâu dài, nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện mục tiêu kế hoạch tiết kiệm điện trong toàn quốc phải xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong tiết kiệm điện cần tập trung và quan tâm nhiều tới các hộ phụ tải tiêu thụ điện lớn trong sản xuất công nghiệp như: luyện cán thép, xi măng, hóa chất, phải có những biện pháp lắp đặt các tụ bù, lắp các thiết bị để nâng coφ và giao kế hoạch chỉ tiêu tiết kiệm điện cho từng nhà máy của các ngành công nghiệp, đồng thời phải có chế tài thưởng, phạt nghiêm minh.

Đối với các hộ dân và đặc biệt là các công sở, khách sạn và dịch vụ khác, hạn chế sử dụng điều hòa, bình nước nóng và các thiết bị khác vào giờ cao điểm. Vận động nhân dân và các cơ quan thay đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện, như đèn Led…bên cạnh đó, cần đưa ra nhiều giải pháp để nâng chỉ tiêu tiết kiệm điện tăng cao so với những năm qua.

Đối với những nhà máy phát điện, cần sử dụng tiết kiệm điện tự dùng. Đối với các tổng công ty điện lực, điện lực địa phương cần kiện toàn và củng cố lưới điện phân phối nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo… để giảm được tổn thất điện năng, cùng với EVN NPT kiện toàn, củng cố lưới truyền tải để toàn hệ thống giảm tổn thất điện năng thấp hơn những năm trước, đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Thứ tư, vai trò chỉ đạo, lãnh đạo từ Tập đoàn đến các tổng công ty, công ty, đơn vị thành viên khác cần phải cải tiến lề lối, phương pháp chỉ đạo, lãnh đạo, tiếp cận thường xuyên giải quyết dứt điểm những vướng mắc khó khăn ở từng khâu, từng giai đoạn, nguồn, lưới, cho tới các nhiệm vụ nêu trên. Tuyệt đối không để bất kỳ một nguyên nhân chủ quan nào để xảy ra mất điện, thiếu điện.

EVN NPT cần phải thống nhất với các địa phương nơi đường dây và trạm truyền tải đi qua, để khắc phục tình trạng đốt nương, rừng… gây ra sự cố lưới điện.

Thứ năm, do tình hình nắng hạn kéo dài nêu trên, việc giảm sút sản lượng điện là thấy rõ, do đó kế hoạch kinh doanh năm nay của EVN  về mặt lợi nhuận có thể bị giảm nhiều, thậm trí còn bị lỗ,EVN phải có phương án cân đối tài chính để cung cấp cho các dự án, công trình đang triển khai xây dựng. Đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho EVN về một số cơ chế đặc thù, đặc biệt, giải quyết tạo nguồn vốn cho EVN để đầu tư vào các dự án trọng điểm.

Song song với các nhiệm vụ nêu trên, EVN đang triển khai nhiều mục tiêu chiến lược quan trọng như: dịch vụ chăm sóc khách hàng, tiếp cận điện năng, phát triển nguồn, lưới điện, triển khai xây dựng các dự án theo Tổng sơ đồ điện VII (hiệu chỉnh) để đảm bảo từ nay đến năm 2030 và sau năm 2030 EVN thường xuyên hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân; làm động lực để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Với mức tăng trưởng bình quân trên 10%/năm, với tốc độ đó thì so với GDP gần như gấp đôi, vậy đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc trong toàn ngành điện, để đảm bảo thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, luôn luôn xứng đáng là một Tập đoàn mạnh, hàng đầu, giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời trở thành một trong những tập đoàn lớn của các nước khu vực ASEAN và tiến tới là khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thường xuyên là người bạn đồng hành, luôn luôn theo dõi, sẵn sàng ủng hộ, kiến nghị, phản biện tới Đảng, Chính phủ, Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho EVN và mong muốn EVN thành công trong những thử thách mới, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động