RSS Feed for Nhân lực cho Nhà máy Xử lý khí Cà Mau đã sẵn sàng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 23:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhân lực cho Nhà máy Xử lý khí Cà Mau đã sẵn sàng

 - Với nhiệm vụ “tiếp nhận vận hành và bảo dưỡng Nhà máy Xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau)”, Công ty Khí Cà Mau (KCM) đã và đang trải qua quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng mọi công tác để sẵn sàng tiếp nhận vận hành an toàn và hiệu quả nhà máy.

Lắp thành công tháp tách khí dự án xử lý Khí Cà Mau
Dự án NM xử lý khí Cà Mau đạt mốc 0,5 triệu giờ an toàn

Tập thể Khí Cà Mau chuẩn bị tiếp nhận GPP Cà Mau

Công tác chuẩn bị được hoạch định gồm các nội dung lớn: Tuyển dụng nhân sự, thành lập bộ phận GPP Cà Mau, xây dựng lộ trình và tổ chức đào tạo, xây dựng và cập nhật hệ thống quy trình, thành lập bộ phận tiếp nhận dự án, đánh giá ảnh hưởng thay đổi, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm vận hành bảo dưỡng với các đơn vị, chuẩn bị cơ sở vật chất…   

Ngày 20/1/2015, ngay sau khi được Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) chính thức ra quyết định phê duyệt định biên lao động đến tháng 5/2016, KCM lần lượt tiến hành tổ chức 4 đợt tuyển dụng và tuyển chọn được 113 học viên trên tổng số 2.270 hồ sơ dự tuyển (tỷ lệ chọn 5%), bao gồm kỹ sư và công nhân các chuyên ngành công nghệ, cơ khí, điện điều khiển, điện công nghiệp, an toàn.     

Quá trình tuyển chọn học viên rất khắt khe, bao gồm, phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Tốt nghiệp đại học các trường Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Bách khoa Đà Nẵng, Sư phạm Kỹ thuật từ loại khá trở lên, độ tuổi không quá 27, phù hợp với văn hóa doanh nghiệp của KCM, tiếng Anh TOEIC không dưới 500 điểm. Học viên đã trúng tuyển trải qua quá trình đào tạo, đánh giá liên tục hằng tháng, hằng quý để tiếp tục sàng lọc nhằm tăng tính cạnh tranh, tạo động lực phấn đấu. Sau cùng, có 87 học viên (83% trong tổng số học viên) đủ tiêu chuẩn ký hợp đồng lao động chính thức. 

Vào đầu tháng 4/2016, bộ phận vận hành GPP Cà Mau được thành lập, với số lượng nhân sự 57 người, trong đó Ban quản đốc và các đốc công, trưởng ca đều là các cán bộ trẻ có trình độ quản lý tốt, kiến thức chuyên môn sâu, có kinh nghiệm tham gia vận hành công trình PM3 - Cà Mau, sẵn sàng làm việc ngày đêm. Bộ phận GPP Cà Mau có nhiệm vụ tổ chức hoạt động vận hành GPP Cà Mau ngay sau khi được tiếp nhận từ Ban Quản lý Dự án GPP Cà Mau.    

Xác định việc xây dựng một đội ngũ nhân sự đủ năng lực là điều then chốt để tiếp nhận và vận hành GPP Cà Mau trong tương lai, KCM đã xây dựng lộ trình đào tạo bài bản, tối thiểu chi phí, tối đa hóa nguồn lực hiện có, với phương châm “kế thừa” sử dụng những nhân sự có nhiều kinh nghiệm của KCM đào tạo cho nhân viên mới. 

Quá trình đào tạo nhân sự cho GPP Cà Mau được chia làm 4 giai đoạn chính: Giai đoạn 1, bắt đầu từ tháng 12/2015, học viên vừa được đào tạo, vừa vận hành và bảo dưỡng tại hai site là Trung tâm Phân phối khí Cà Mau (GDC) và Trạm tiếp bờ (LFS) thuộc công trình PM3-Cà Mau.

Giai đoạn 2, từ tháng 4 - 12/2016, đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư KCM được đưa đi thực tập, làm việc thực tế tại Công ty Chế biến khí Vũng Tàu (KVT) và Công ty Dịch vụ khí (DVK). Lực lượng thực tập bao gồm hơn 60 cán bộ, học viên kỹ sư, công nhân vận hành và bảo dưỡng được phân bố đều các ca đi vận hành cùng KVT và hỗ trợ công tác bảo dưỡng sửa chữa với DVK tại 2 site Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố và Kho cảng Thị Vải.

Giai đoạn 3, là giai đoạn đào tạo theo hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) bao gồm các khóa đào tạo ngắn hạn 5-10 ngày tại Malaysia/Singapore và đào tạo On job training (đào tạo trực tiếp tại công trường GPP Cà Mau).

Giai đoạn 4, là giai đoạn đào tạo chuyên sâu về công nghệ chế biến khí của Tập đoàn UOP (nhà cung cấp bản quyền công nghệ và chế tạo các cụm thiết bị chính cho Dự án GPP Cà Mau) cho cán bộ chủ chốt vận hành, dự kiến thực hiện trong quý I/2017, bao gồm 2 tuần đào tạo tại Việt Nam, sau đó tuyển chọn cán bộ xuất sắc tiếp tục thực tập 2 tháng tại Mỹ trong các nhà máy chế biến khí của UOP.

Tháng 11/2016, KCM thành lập bộ phận “Chuẩn bị tiếp nhận GPP Cà Mau” bao gồm 79 nhân sự là cán bộ quản lý, các kỹ sư có nhiều kinh nghiệm từ Phòng kỹ thuật, Phòng an toàn môi trường và bộ phận vận hành GPP Cà Mau tham gia trực tiếp cùng nhà thầu từ giai đoạn lắp đặt, tiền chạy thử (pre-commisioning) và chạy thử (comissioning). Bộ phận dự án này chỉ thực hiện chuyên trách các công việc của dự án nhằm đảm bảo công tác chuẩn bị tiếp nhận vận hành, bảo dưỡng và quản lý an toàn GPP Cà Mau được hiệu quả, nhịp nhàng và tập trung.

“Chuẩn bị tiếp nhận GPP Cà Mau” gồm 3 nhóm có nhiệm vụ chính: Nhóm an toàn phối hợp cùng BCM đảm nhiệm giám sát an toàn, chuẩn bị hồ sơ yêu cầu về pháp lý phục vụ tiếp nhận dự án từ BCM và xây dựng quy trình quản lý an toàn cho GPP Cà Mau; Nhóm hỗ trợ lắp đặt và tiền chạy thử phối hợp cùng BCM thực hiện giám sát trong quá trình lắp đặt thiết bị, thực hiện tiền chạy thử; Nhóm hỗ trợ chạy thử phối hợp cùng BCM tham gia chạy thử, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chạy thử để đảm bảo quá trình cấp khí liên tục cho khách hàng trong quá trình chạy thử, triển khai xây dựng hoàn thiện hệ thống quy trình vận hành GPP Cà Mau. 

KCM cũng chủ động tổ chức nhiều hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị trong PV Gas như: Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm vận hành nhà máy xử lý khí với KVT - đơn vị có gần 20 năm quản lý, vận hành an toàn Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố, Kho cảng Thị Vải; Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tiếp nhận, chuyển giao dự án với Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn…    

2 năm miệt mài hoạch định và chuẩn bị, mục tiêu ban đầu đã dần đi đến đích. Giám đốc Công ty Khí Cà Mau Nguyễn Phúc Tuệ chia sẻ: “KCM rất tự hào vì đã xây dựng và phát triển được đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư trẻ về tuổi đời nhưng có nền tảng kiến thức vững chắc, được đào tạo bài bản và rèn dũa kinh nghiệm thực tế trong nhiều môi trường khác nhau, tác phong mang đậm văn hóa doanh nghiệp KCM; chính tài sản con người quý giá này đã làm nên chất của KCM ngày hôm nay. Với chiến lược hoạch định dài hạn, sự chuẩn bị kỹ càng, cùng sự quyết tâm cao độ lãnh đạo và đội ngũ KCM tự tin sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ “Tiếp nhận và vận hành an toàn công trình GPP Cà Mau”, công trình đánh dấu sự trưởng thành của “KCM - 10 năm tự hào một sức trẻ”.

Nhà máy Xử lý khí Cà Mau (GPP Cà Mau) được xây dựng tại Khu Công nghiệp Khánh An, ngay sát cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau thuộc xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, với 100% vốn đầu tư từ Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas).

GPP Cà Mau dự kiến đi vận hành từ tháng 6-2017, với công suất xử lý 6,2 triệu m3 khí tự nhiên/ngày để sản xuất ra 600 tấn LPG/ngày, 34 tấn Condensate/ngày và 5,7 triệu m3 khí khô/ngày.   

Khi đi vào vận hành chính thức dự kiến trong quý II/2017, GPP Cà Mau sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng của khí tự nhiên từ cụm mỏ PM3; Giải quyết tình trạng thiếu hụt LPG tại thị trường Việt Nam, giảm lượng LPG phải nhập khẩu hằng năm (dự báo năm 2025 thiếu hụt hơn 2 triệu tấn LPG và lượng LPG sản xuất tại GPP Cà Mau sẽ bổ sung khoảng 15% nhu cầu thị trường trong nước); Đóng góp thêm cho ngân sách địa phương; Tạo động lực thúc đẩy các ngành nghề liên quan đến các sản phẩm khí khô, LPG, condensate tại Cà Mau.       

DUY TRUNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động