RSS Feed for Đề xuất phương án cổ phần hoá PVOIL | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 18:41
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đề xuất phương án cổ phần hoá PVOIL

 - Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án cổ phần hoá Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Điểm đáng chú ý của tờ trình là việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia, hoặc có cam kết đầu tư vào dự án lọc hoá dầu tại Việt Nam được mua toàn bộ số cổ phần PV Oil chào bán thông qua IPO (20%) và cháo bán cho nhà đầu tư chiến lược (44,7%).

Finance Asia bình luận về "tự do hóa" ngành năng lượng Việt Nam
Lọc hóa dầu Việt Nam: Triển vọng tăng trưởng và cơ hội đầu tư
PV Oil góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Theo Bộ Công Thương, phương án cổ phần hoá PV Oil đã tiếp thu ý kiến của các bộ, được hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung một số điều so với phương án cổ phần hoá đã trình Thủ tướng Chính phủ trước đó như về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, kiến nghị cho phép PV Oil chuyển thẳng niêm yết trên sàn giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) trong vòng 1 năm kể từ thời điểm IPO, phương án sắp xếp lao động.

Bên cạnh đó, không tính vào chi phí cổ phần hoá chi phí tư vấn bán cho nhà đầu tư chiến lược với mức phí tối đa là 0,75% trên tổng giá trị chào bán thành công và việc thoái vốn của PV Oil tại Tổng công ty CP Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC).

Về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, Bộ Công Thương cho biết, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, phương án cổ phần hoá PV Oil bổ sung, điều chỉnh một số nội dung liên quan đến năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiến lược, cam kết về đầu ra cho sản phẩm, chế tài xử lý để đảm bảo cam kết.

Cụ thể, về năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược từ 2.000 tỷ đồng trở lên, số liệu báo cáo tài chính được kiểm toán tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký.

Nhà đầu tư phải cam kết để PV Oil tham gia tiêu thụ sản phẩm của các Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn nhằm đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ bao tiêu sản phẩm của 2 nhà máy trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thị trường trong hoạt động của PV Oil sau cổ phần hoá, giá bán sản phẩm được quy định là theo thị trường.

Về chế tài xử lý để đảm bảo thực hiện các cam kết, sẽ được quy định cụ thể trong hợp đồng giữa PV Oil và nhà đầu tư chiến lược khi các bên tiến hành đàm phán hợp đồng mua bán cổ phần đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, hiện còn một số nội dung vướng mắc hoặc ý kiến không thống nhất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết. Chẳng hạn, về cơ cấu bán cổ phần, phương án cổ phần hoá của PV Oil tỷ lệ cổ phần đấu giá công khai (IPO) là 20%, cổ phần ưu đãi theo chế độ người lao động của PV Oil đăng ký mua là 0,18%. Như vậy tỷ lệ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược còn 44,72%.

Việc dành một lượng cổ phần đủ lớn để chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là cần thiết, vì PV Oil là doanh nghiệp có quy mô lớn, cần lựa chọn được đối tác chiến lược phù hợp, có đủ năng lực, kinh nghiệm và cam kết lâu dài đồng hành cùng PV Oil thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sau cổ phần hoá. Mặt khác, việc chào bán lượng lớn cổ phần 64,72% giá trị theo mệnh giá là trên 6.694 tỷ đồng thông qua IPO có thể làm thị trường không hấp thụ hết, dẫn đến khả năng giá đấu không thành công và hiệu quả bán cổ phần không cao.

Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại PV Oil, tỷ lệ sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ.

Giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu với giá 13.400 đồng/cổ phần, phương án sử dụng đất sau cổ phần hoá với 40 lô đất PV Oil đang quản lý sử dụng cũng là những nội dung chưa được thống nhất.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần tại PV Oil, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia hoặc có cam kết đầu tư vào dự án lọc hoá dầu tại Việt Nam được mua toàn bộ số cổ phần PV Oil chào bán thông qua IPO (20%) và cháo bán cho nhà đầu tư chiến lược (44,7%).

Theo Bộ Công Thương, quy mô chào bán cổ phần của PV Oil cho các nhà đầu tư bên ngoài khá lớn, nên bên cạnh các nhà đầu tư trong nước cần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia để tăng tính cạnh tranh, đảm bảo thành công của việc giảm tỷ lệ nắm giữ phần vốn của PVN tại PV Oil như phương án đề ra.

Về thời gian hoàn thành bán cổ phần lần đầu, Bộ Công Thương đề xuất kéo dài thêm, thay vì hoàn thành các thủ tục bán cổ phần lần đầu theo quy định trong quý IV/2017.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động