Công bố Quy hoạch kho chứa LNG trên phạm vi cả nước
11:09 | 04/01/2016
Ký hợp đồng khung mua bán LNG dự án kho cảng Thị Vải
PV Gas có sản lượng khí tiêu thụ cao nhất từ khi thành lập
Chiến lược phát triển hạ tầng năng lượng đến năm 2020 của PVN (Kỳ 1)
Chiến lược phát triển hạ tầng năng lượng đến năm 2020 của PVN (Kỳ 2)
Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) vừa tổ chức Hội thảo công bố "Quy hoạch địa điểm kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".
Theo Tổng cục Năng lượng, để thực hiện chủ trương của Chính phủ về đa dạng hóa nguồn năng lương sơ cấp sử dụng cho sản xuất điện, đảm bảo an ninh năng lượng sơ cấp sử dụng cho sản xuất điện, đảm bảo an ninh năng lượng cho tương lai, việc nhập khẩu LNG là một hướng đi cần thiết và đúng đắn. Quy hoạch địa điểm kho chứa LNG trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3029/QĐ-BCT, ngày 30/3/2015 trên một số nguyên tắc chính như sau:
Thứ nhất, phù hợp với chính sách chung của Nhà nước về đa dạng hóa nguồn nhiên liệu cho phát điện (than, dầu, khí, thủy điện, điện hạt nhân, năng lượng tái tạo...) với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ hai, phát triển hiệu quả và bền vững ngành điện, đáp ứng mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường và phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Thứ ba, bù đắp lượng khí thiếu hụt do sản lượng khai thác trong nước có xu hướng suy giảm.
Thứ tư, kích thích phát triển thị trường cho các hộ công nghiệp trong nước sử dụng công nghệ cao với nguồn nhiên liệu sạch.
Trên cơ sở phân tích các yếu tố về mặt vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên môi trường, kỹ thuật và kinh tế, các địa điểm được ưu tiên lựa chọn cho Quy hoạch kho cảng LNG bao gồm: miền Bắc là Cát Hải (Hải Phòng); miền Trung là Mỹ Giang (Khánh Hòa); miền Nam là Sơn Mỹ (Bình Thuận), Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Hòn Khoai (Cà Mau).
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Nguyễn Việt Sơn, bản Quy hoạch được thông qua thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Công Thương đối với sự phát triển cơ sở hạ tầng của ngành công nghiệp khí, phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam nhằm cung cấp nguồn khí ổn định, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, để Quy hoạch đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực còn rất nhiều việc phải làm, cùng với đó là không ít khó khăn, vướng mắc. Ông Nguyễn Việt Sơn đã đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu của Quy hoạch địa điểm kho LNG trên phạm vi cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam, Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Lãnh đạo Tổng cục Năng lượng cũng đề nghị các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu - khí thực hiện kế hoạch phát triển phù hợp với Quy hoạch được duyệt; đồng thời đề xuất các giải pháp cần thiết, trình cấp có thẩm quyền quyết định nhằm thực hiện Quy hoạch có hiệu quả.
Tại Hội thảo, đại diện Viện Năng lượng - đơn vị tư vấn Đề án đã trình bày tổng quan quá trình thực hiện. Theo đó, quy hoạch địa điểm kho LNG trên phạm vi cả nước gồm: giai đoạn từ 2015 - 2020 (02 dự án: tại Sơn Mỹ thuộc tỉnh Bình Thuận, quy mô 3 triệu tấn/năm; tại Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, quy mô 1 triệu tấn/năm) và giai đoạn từ 2020 - 2030 (4 dự án: tại Cát Hải - Hải Phòng, quy mô 3 triệu tấn/năm; tại Vân Phong - Khánh Hòa quy mô 3 triệu tấn/năm; tại Sơn Mỹ - Bình Thuận quy mô 6 triệu tấn/năm; tại Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau quy mô 3 triệu tấn/năm).
NangluongVietnam Online