RSS Feed for Cần bổ sung nguồn khí từ mỏ Kèn Bầu để giảm lệ thuộc nhập khẩu LNG | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 20:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cần bổ sung nguồn khí từ mỏ Kèn Bầu để giảm lệ thuộc nhập khẩu LNG

 - Cần bổ sung nguồn điện sử dụng khí đốt từ mỏ Kèn Bầu, đưa vào vận hành giai đoạn 2031 - 2040. Không phát triển các dự án nguồn điện sử dụng LNG và nhiệt điện than (dự án Quảng Trị) tại khu vực miền Trung để giảm lưới điện truyền tải... Đây là một trong những nội dung kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan mới đây của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA).


Phương án nguồn điện nào thay thế khi chuỗi Cá Voi Xanh, Lô B ‘lỡ hẹn’?


Trong văn bản kiến nghị, ngoài những nội dung liên quan đến việc chậm tiến độ Chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh và Lô B - Ô Môn, VEA đã đưa ra nhận định về những rủi ro trong việc phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở Việt Nam.

Theo VEA, ngoại trừ kho - cảng LNG Thị Vải và các dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư đã được thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư từ nhiều năm nay, hiện đang tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà thầu EPC cho dự án, còn các dự án khác chỉ mới được bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đề xuất đưa vào Quy hoạch điện VIII.

Về phát triển các dự án điện khí LNG, VEA cũng lo ngại rằng: Từ trước đến nay Việt Nam chưa có tiền lệ xây dựng một dự án điện khí LNG, kể cả việc xúc tiến mua khí LNG từ nước ngoài (nguồn khí, giá khí), lựa chọn địa điểm xây dựng cảng, kho, hệ thống đường ống, công nghệ chuyển đổi sang khí để đưa vào nhà máy và địa điểm đặt các nhà máy. Vì vậy, chưa thể đánh giá được mức độ tốt, xấu để cân nhắc một cách tốt nhất cho các dự án sử dụng khí LNG hợp lý, từ đó xác định tiến độ các dự án LNG.

Do đó, trong dài hạn, VEA đã đề xuất bổ sung nguồn điện sử dụng khí từ Kèn Bầu vào giai đoạn 2031-2040, sau khi có kết quả chắc chắn về trữ lượng, nhằm tăng cường tự chủ nhiên liệu và an ninh năng lượng, giảm bớt phụ thuộc nhập khẩu LNG.

Còn theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, với trên 7.400 MW các nhà máy điện khí hiện tại, cộng với 18.950 MW các dự án trong quy hoạch, tổng cộng sẽ có khoảng 26.400 MW công suất tua bin khí hỗn hợp đi vào vận hành trước năm 2030. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức trong duy trì các nhà máy đang vận hành, cũng như triển khai các dự án mới.

Cụ thể, cụm tua bin khí hỗn hợp Phú Mỹ và Bà Rịa đã, đang thiếu hụt khí do nguồn khí khu vực Nam Côn Sơn suy giảm nhanh, dự kiến sẽ thiếu khí cấp vào khoảng 2023 trở đi. Nếu không chuẩn bị nguồn khí bổ sung (LNG nhập khẩu) thì sẽ không đảm bảo đủ nhiên liệu khí cho phát điện.

Như vậy, cân đối nhu cầu khí cho sản xuất điện và cho các hộ tiêu thụ ngoài điện sẽ thiếu hụt đáng kể vào 2023. Tổng cung khí vào khoảng trên 8 tỷ m3, trong khi tổng cầu là cho điện gần 8 tỷ m3/năm và nhu cầu khác khoảng 2 tỷ m3/năm.

Còn theo số liệu cập nhật trong báo cáo về Quy hoạch điện VIII, khu vực Đông Nam bộ cần bù khí từ năm 2022 bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu.

Với cụm tua bin khí hỗn hợp miền Trung, khí từ mỏ Cá Voi Xanh chỉ đủ cấp cho 5 nhà máy 750 MW như trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), sẽ không có khí cho hóa dầu như quy hoạch ngành khí (dự kiến khoảng 1 tỷ m3/năm) tại khu Lọc dầu Dung Quất.

Mặt khác, theo tiến độ kế hoạch tổng thể phát triển mỏ Cá Voi Xanh đã được phê duyệt, dự kiến giữa năm 2025 sẽ có dòng khí đầu tiên vào bờ, nhưng thực tế cho thấy việc triển khai có nhiều vướng mắc, nên dự án này có thể tiếp tục chậm tiến độ.

Cụm nhiệt điện khí Ô Môn được cấp khí từ Lô B đã chậm nhiều năm do không thương thảo được giá khí. Hiện giá khí của cụm dự án này cao hơn nhiều so với vùng Đông Nam bộ (khoảng 11 USD/triệu BTU) sẽ tác động đến tính khả thi của các dự án tua bin khí hỗn hợp, nhất là dự án Ô Môn 2 được đầu tư theo hình thức IPP. 

Để giải quyết mâu thuẫn này, cần thực hiện giải pháp chuyển ngang giá khí sang các nhà máy điện để đảm bảo phát triển cả chuỗi nhiên liệu - phát điện.

Theo phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, với dự kiến đến năm 2030 sẽ xây dựng mới khoảng 12.500 MW tua bin khí hỗn hợp LNG; xây dựng khoảng 1.400 MW động cơ đốt trong - Internal Combustion Engine, hoặc tua bin khí chu trình đơn dùng LNG, chúng ta cần khoảng trên 8 triệu tấn LNG, cùng với khoảng 2 triệu tấn LNG nhập khẩu bù thay thế dần khí Đông Nam bộ cho các nhà máy điện Phú Mỹ, Bà Rịa (hơn 4.100 MW). Nếu chúng ta không xác định rõ hạ tầng cảng và kho cho nhập LNG, sẽ không đủ khí cấp cho các nhà máy điện kể từ năm 2022.

Riêng với các chuỗi dự án điện khí Ô Môn, Cá Voi Xanh, Nhà nước cần đưa các dự án này vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia. Bởi từ khâu thượng nguồn (khai thác khí) đến trung nguồn (đường ống - nhà máy xử lý khí) và hạ nguồn (nhà máy điện), nếu cứ mỗi bước triển khai lại vướng mắc quy định, thủ tục, các bộ, ngành lại đùn đẩy, sợ trách nhiệm, Chính phủ thiếu quyết liệt thì sẽ lại trượt tiến độ như lâu nay.

Thông tin về mỏ khí Kèn Bầu:

Với thông tin mới về phát hiện tiềm năng, trữ lượng khí lớn tại mỏ Kèn Bầu (cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km), với ước tính có thể tới 200-:-250 tỷ m3, hy vọng rằng, sau khi được khẳng định chắc chắn về trữ lượng, giai đoạn từ năm 2030 chúng ta sẽ có thêm một nguồn nhiên liệu bổ sung quan trọng, giải quyết bài toán cân đối cung cầu năng lượng trong dài hạn.

Nguồn tin Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, nhà điều hành - Eni Vietnam B.V. đã tiến hành thử 2 khoảng vỉa, thu thập khá nhiều tài liệu về mẫu chất lưu cho thấy tích tụ hydrocarbon đáng kể tại phát hiện Kèn Bầu, ước tính từ 7 đến 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf) tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng condensate.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, từ tháng 5/2019, giếng khoan thăm dò cam kết 114 - Kèn Bầu - 1X đã được mở lỗ, đạt chiều sâu 3.603 mét và gặp tất cả các vỉa sản phẩm dự kiến với dấu hiệu dầu khí tốt trong khi khoan.

Đến năm 2020, giếng thẩm lượng 114 - Kèn Bầu - 2X được khoan cách giếng đầu tiên 1X là 2 km, giếng khoan được mở lỗ ngày 29/2/2020, thi công trong vòng 150 ngày, đạt độ sâu 3.690 mét và gặp một số vỉa chứa có tổng chiều dày 110 mét tại nhiều khoảng trong cát kết tuổi Miocence.

Sau đó, Eni Vietnam B.V. đã tiến hành thử 2 khoảng vỉa, thu thập khá nhiều tài liệu về mẫu chất lưu cho thấy tích tụ hydrocarbon đáng kể tại phát hiện mỏ khí Kèn Bầu.

Kết quả khoan giếng 114 - Kèn Bầu - 1X năm 2019 và 114 - Kàn Bầu - 2X năm 2020 đã khẳng định hệ thống dầu khí tại khu vực cấu tạo Kèn Bầu nói riêng, khu vực Lô 114 và các Lô phụ cận.

Với kết quả này, các bên nhà thầu của hợp đồng đồng chia sản phẩm (PSC) Lô 114 (Eni Vietnam B.V. và ESSAR E&P Limited) đang xây dựng kế hoạch thẩm lượng tổng thể phát hiện Kèn Bầu trong những năm tiếp theo và khoan thăm dò các cấu tạo tương tự tại Lô hợp đồng. Sau đó, Eni Vietnam B.V. sẽ tiến hành lập Báo cáo trữ lượng, Báo cáo phát triển mỏ.

Theo dự kiến, phát hiện Kèn Bầu có thể đưa vào phát triển khai thác từ năm 2028./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động