Từ đầu năm đến nay, ngành Dầu khí Việt Nam không ít lần phải đối phó với việc giá dầu giảm sâu tới dưới 30 USD/thùng kéo dài đã ảnh hưởng đến nhiều mặt hoạt động của PVN.
Tuy nhiên, tổng sản lượng khai thác quy dầu trong 9 tháng của PVN đạt tới 21,1 triệu tấn, vượt hơn 10% kế hoạch, tương đương tới 82,3% sản lượng kế hoạch cả năm 2016. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp của PVN đạt 369,5 nghìn tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch đã góp phần quan trọng vào mức tăng GDP của cả nước. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 327,4 nghìn tỷ đồng và nộp Ngân sách Nhà nước tới 64.000 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí và các dự án trọng điểm của Tập đoàn được kiểm soát chặt chẽ. Trong 9 tháng đầu năm, PVN đã hoàn thành đầu tư và đưa công trình RC-9 (lô 9-1) vào khai thác từ ngày 6/6/2016, vượt tiến độ 1 tháng 9 ngày so với kế hoạch đề ra; lắp đặt thành công cụm máy phát tổ máy số 2 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào ngày 12/4/2016, hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 5 vào ngày 12/8/2016; hạ thủy thành công khối thượng tầng (topside) giàn khai thác khí BK Thiên Ưng vào ngày 12/9/2016.
Trong những tháng cuối năm 2016, PVN sẽ tiếp tục thực hiện khai thác khoảng 3,88 triệu tấn dầu thô (với 3,38 triệu tấn trong nước và 0,5 triệu tấn tại các mỏ nước ngoài) và 2,61 tỉ m3 khí. Về các sản phẩm khác như điện sẽ đạt 5,8 tỉ kWh điện thương phẩm, 417.000 tấn đạm và 1.469 tấn xăng dầu các loại.
Như vậy, riêng chỉ tiêu tài chính của PVN trong năm nay sẽ đạt khoảng 514,5 nghìn tỉ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước khoảng 104,2 nghìn tỉ đồng (tương đương 5 tỉ USD).
Về lĩnh vực chế biến dầu khí, với nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ cũng đang ngày càng chứng tỏ hiệu quả cao và vị trí quan trọng trong nền kinh tế khi chiếm thị phần lớn về xăng dầu và phân đạm.
NangluongVietnam Online