Về thông tin Dự thảo Quy hoạch điện VIII ‘vẽ đường’ cho năng lượng ‘bẩn’
06:30 | 27/09/2021
99% nhà máy điện than mới tại Việt Nam không có lợi nhuận (?) Mới đây trên nhiều trang báo của Việt Nam đồng loạt đăng tải thông tin của tổ chức tài chính Carbon Tracker nói rằng: “99% nhà máy điện than mới tại Việt Nam không có lợi nhuận”. Trước sự quan tâm của dư luận xã hội về nội dung này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam xin trao đổi lại một số vấn đề dưới đây. Rất mong nhận được sự chia sẻ, góp ý, phản biện của bạn đọc. |
“Đề án quy hoạch điện VIII đi ngược xu thế thế giới” (?) Ngày 8/6/2021, ông Nguyễn Đức Thắng (sâu đây gọi là Tác giả) đã có bài “Đề án quy hoạch điện VIII là đi ngược xu thế thế giới” gửi tới Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và được một số tổ chức, cá nhân ủng hộ, tán thưởng... Tuy nhiên, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng: Cách nhìn nhận, đánh giá trên đây là chưa khách quan và cũng không đúng sự thật. Dưới đây chúng tôi sẽ làm rõ một số nội dung mà Tác giả nhận định là “đi ngược xu thế” của thời đại. Rất mong nhận được sự chia sẻ, góp ý và phản biện của các quý vị. |
Trong nội dung thông tin trên báo chí về Dự thảo Quy hoạch điện VIII đều cho rằng: Theo Tờ trình mới nhất “cơ cấu nguồn điện than đến năm 2030 sẽ tăng thêm 3000 MW so với nội dung dự thảo tại Tờ trình số 1682/TTr-BCT của Bộ Công Thương ngày 26/03/2021, số liệu công suất tại bản dự thảo lần này đã thể hiện sự “giật lùi”, khi cắt giảm đáng kể sản lượng của nguồn năng lượng tái tạo”.
“Đáng chú ý, nội dung của bản dự thảo này cũng không đồng nhất với tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11 tháng 02 năm 2020, thay vì khuyến khích phát triển công suất của nguồn năng lượng sạch từ điện gió, điện mặt trời... thì Dự thảo lại tăng công suất điện than là 3076 MW vào năm 2030 và tăng thêm 531 MW vào năm 2045”.
Sau đây chúng tôi sẽ nêu một số ý kiến trao đổi về thông tin nêu trên:
Trước hết, về chủ trương trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đã đưa ra những mục tiêu cụ thể: Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỉ kWh.
Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.
Về nhiệm vụ và giải pháp chiến lược:
Đối với điện gió và điện mặt trời: Ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.
Đối với nhiệt điện than: Phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ siêu tới hạn trở lên; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Rà soát tổng thể và có kế hoạch sớm triển khai nâng cấp công nghệ của các nhà máy điện than hiện có để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; kiên quyết đóng cửa đối với các nhà máy không thực hiện nâng cấp công nghệ theo quy định.
Như vậy, theo Nghị quyết 55, để đáp ứng nhu cầu về năng lượng, chủ trương trong thời gian tới đều phát triển điện gió, điện mặt trời và điện than với các mức độ khác nhau. Trong đó, đối với điện gió và điện mặt trời: “Ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý”, đối với điện than: “Phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ siêu tới hạn trở lên; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”.
Về mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) và kết quả thực hiện:
Trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) được phê duyệt theo Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016. Theo đó:
1/ Tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không kể nguồn thủy điện lớn và vừa, thủy điện tích năng) đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030.
2/ Công suất điện gió đề ra khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.
3/ Công suất điện mặt trời khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện mặt trời chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% năm 2020, khoảng 1,6% vào năm 2025 và khoảng 3,3% vào năm 2030.
4/ Tỷ trọng điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng sinh khối đạt khoảng 1% vào năm 2020, khoảng 1,2% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.
Đến năm 2020, có những bổ sung vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) như sau:
Tổng công suất điện gió tới năm 2025 được bổ sung trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) vào tháng 6/2020 đã là 11.800 MW (gấp 5,9 lần so với công suất được phê duyệt ban đầu); tổng công suất điện mặt trời đã lắp đặt là 16.500 MW (gấp 19,4 lần so với công suất được phê duyệt).
Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2020 so với tổng công suất nguồn của toàn hệ thống khoảng 69.280 MW, tỷ trọng công suất điện mặt trời trong hệ thống đã đạt gần 24%; sản lượng đạt 10,6 tỷ kWh. Trong đó, riêng điện mặt trời mái nhà là 1,16 tỷ kWh, chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng toàn hệ thống điện quốc gia.
Như vậy, so với Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) năm 2016, điện mặt trời thực tế năm 2020 đã tăng 19,4 lần về công suất và tăng 8,6 lần về tỷ trọng sản lượng.
Việc bổ sung công suất nguồn điện mặt trời “bùng nổ” nêu trên đã dẫn đến nhiều khu vực xuất hiện tình trạng quá tải cục bộ trên lưới điện 500 kV, 220 kV và 110 kV các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Tây Ninh, An Giang [1]. Hậu quả đó, cùng với nhu cầu điện tăng chậm do đại dịch Covid, đang tác động đến sự cắt giảm mạnh lượng điện phát từ các nguồn điện nói chung, nhất là điện mặt trời trong năm 2021.
Về tình hình thế giới [2]:
Tiêu thụ năng lượng sơ cấp (NLSC) tính theo bình quân đầu người năm 2020 của toàn thế giới là 71,4 GJ/người, giảm đáng kể so với 2019 là 5,5%.
10 nước có mức tiêu thụ NLSC bình quân đầu người cao nhất là (GJ/người): Singapore 583,9; UAE 423,7; Canada 361,1; Ả Rập Xê-ud 303,3; Mỹ 265,3; Hàn Quốc 229,9; Úc 218,4; Đài Loan 202,3; Hà Lan 196,8; Nga 194,0. Trong số các nước đại diện chỉ có Trung Quốc có mức tiêu thụ bình quân đầu người tăng 1,7% so với năm 2019, còn lại tất cả các nước đều bị giảm.
Việt Nam đến năm 2020 tiêu thụ NLSC bình quân đầu người chỉ đạt 42,0 GJ/người, giảm 3,0% so với 2019, bằng 70,5% bình quân của châu Á - Thái Bình Dương, 58,8% bình quân của thế giới, rất thấp so với nhiều nước trong khu vực chỉ bằng 7,2% của Singapore, 19,2% của Úc, 18,3% của Hàn Quốc, 20,8% của Đài Loan, 31,2% của Nhật Bản, 33,0% của Malaysia, 41,5% của Trung Quốc, 57,3% của Thái Lan.
Sự giảm tiêu thụ NLSC của Việt Nam và các nước năm 2020 chủ yếu là do tác động của đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới và ở Việt Nam.
Về sản xuất, tiêu thụ và cơ cấu nguồn điện:
Năm 2020 tiêu thụ điện bình quân đầu người (kWh/người) của thế giới là: 3.424 (điện than 1.203). Trong đó, của một số nước cần quan tâm là: Mỹ: 12.913 (2.543); Đức: 6.919 (1.631); Ba Lan: 4.172 (2.935); Kazakhstan: 5.782 (3.865); Nam Phi: 4.013 (3.392); Úc: 10.343 (5.573); Trung Quốc: 5.397 (3.412); Nhật Bản: 7.959 (2.367); Malaysia: 4.900 (2.751); Hàn Quốc: 11.193 (4.066); Đài Loan: 11.739 (5.286); châu Á - Thái Bình Dương: 3.040 (1.738).
Còn của Việt Nam là: 2.384 (1.206).
Qua đó cho thấy, quy mô điện năng nói chung và điện than nói riêng tính theo đầu người của Việt Nam còn rất thấp so với các nước nêu trên. Vấn đề của Việt Nam không phải là giảm nhiệt điện than mà là trong thời gian tới có sự gia tăng hợp lý để đảm bảo phù hợp với khả năng chi trả của xã hội, cũng như mức phát thải CO2 ở mức chấp nhận được và có xu thế giảm dần theo hướng sạch hơn.
Mức phát thải CO2 bình quân đầu người toàn thế giới là 4,121 tấn/người. Trong đó, các nước có mức phát thải CO2 trên 10 tấn/người gồm có: Singapore 35,922; UAE 24,749; Ả Rập Xê-ud 16,278; Úc 14,520; Canada 13,659; Mỹ 13,427; Kazakhstan 12,761; Đài Loan 11,575; Hàn Quốc 11,267; Hà Lan 10,254; Nga 10,160. Các nước có mức phát thải CO2 < 2 tấn/người gồm có: Pakistan 0,879; Ấn Độ 1,630; Indonesia 1,984; Ai Cập 1,978; Brazil 1,958.
Như vậy, mức phát thải giữa nước cao nhất (Singapore) và thấp nhất (Pakistan) gấp nhau gần 41 lần.
Xét mức phát thải CO2/GDP thì nhiều nước đang phát triển có mức phát thải cao, nhất là (kg/10000 USD GDP): Nam Phi 1.537,6; Kazakhstan 1.454,2; Ukraina 1.247,1; Iran 1.110,6; Nga 1.012,4; Algeri 1.008,7. Con hầu hết các nước công nghiệp phát triển có mức phát thải CO2/GDP < 200 kg/1000 USD, nhất là các nước Tây Âu.
Việt Nam có mức phát thải CO2 rất thấp, chỉ 2,886 tấn/người, bằng 70% của thế giới và rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam thuộc trong số các nước có mức phát thải CO2 trên GDP tương đối cao, tới 833,6 kgCO2/1000 USD GDP. Điều này cần lưu ý trong quá trình phát triển sắp tới. Cụ thể là đi đôi với việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cần phải quan tâm cơ cấu năng lượng theo hướng sạch hơn.
Về Dự thảo Quy hoạch điện VIII:
Cho rằng: “Đáng chú ý, nội dung của bản dự thảo này (tức QHĐ VIII) cũng không đồng nhất với tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11 tháng 02 năm 2020, thay vì khuyến khích phát triển công suất của nguồn năng lượng sạch từ điện gió, điện mặt trời... thì Dự thảo lại tăng công suất điện than là 3076 MW vào năm 2030 và tăng thêm 531 MW vào năm 2045”.
Chúng tôi nhận thấy, ý kiến nêu trên là chưa phù hợp do thiếu phân tích cụ thể, rõ ràng:
Thứ nhất: Việc tăng công suất nhiệt điện than là phù hợp với định hướng đã nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW: “Phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý”. Với việc tăng công suất điện than nêu trên thì đến năm 2030 tổng công suất điện than đạt khoảng 40.600 MW, tăng hơn 19.000 MW so với công suất thực tế năm 2020, nhưng đã giảm tới 15.000 MW, chỉ bằng khoảng 73% tổng công suất đề ra trong Điều chỉnh Quy hoạch điện VII (55,200 MW vào năm 2030). Quy mô nhiệt điện than trong Dự thảo QHĐ8 đến năm 2045 cũng chỉ tới hơn 50.000 MW, chiếm 19,4% tổng công suất đặt hệ thống năm 2045, thấp hơn năm 2030 của Điều chỉnh Quy hoạch điện VII. Đây là một bước tiến lớn về xu hướng phát triển “sạch hơn”.
Qua đó cho thấy, nhiệt điện than tuy tăng, nhưng:
(1) Giảm mạnh so với Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) cả về công suất, sản lượng, tỷ trọng và còn thấp hơn nhiều so với các nước như đã nêu trên đây.
(2) Tốc độ tăng thấp hơn nhiều so với điện năng lượng tái tạo và điện khí. Trong giai đoạn 15 năm, từ 2031-2045, Điện than chỉ tăng khoảng 1,5%/năm, trong khi điện mặt trời tăng bình quân 7%/năm và điện gió 13%/năm.
(3) Phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và tự nhiên của Việt Nam.
Thứ hai: Về điện mặt trời, ý kiến cho rằng: Từ nay đến năm 2025 chỉ có 2.000 MW điện mặt trời được đưa vào quy hoạch. Trên thực tế, nếu cộng với tổng công suất đã vào hoạt động đến năm 2020 là 16.500 MW thì tổng công suất điện mặt trời đến năm 2025 là 18.500 MW, tăng gấp 4,6 lần công suất đề ra trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) năm 2016.
Như vậy, từ thực tế thực hiện trong thời gian qua (như đã nêu trên), Dự thảo Quy hoạch điện VIII lần này đã có sự cân đối lại hợp lý hơn sự phát triển của điện mặt trời cho phù hợp với yêu cầu đề ra trong Nghị quyết 55 là: “Ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý”.
Rõ ràng, Dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo một cách phù hợp theo định hướng nêu trên, tránh bị những bất cập của phát triển “quá nóng” năng lượng tái tạo vừa qua cản trở định hướng này. Để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo bền vững, không chỉ quan tâm đến số lượng công suất được đưa vào hệ thống, mà cần có sự hài hòa giữa 2 loại nguồn “chạy nền” và nguồn năng lượng tái tạo “biến động”, đảm bảo hiệu quả, lợi ích thực sự của các chủ đầu tư.
Thứ ba: Điều quan trọng là từ nay đến năm 2045, kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ ngày càng phát triển, theo đó, ngành năng lượng và ngành điện Việt Nam cùng phát triển một cách phù hợp theo hướng ngày càng sạch hơn./.
PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo:
[1] ThS. Vũ Đức Quang: Năng lượng tái tạo và vấn đề tích hợp hệ thống điện. NLVN kỳ 1 08:06 |31/05/2021, kỳ 2, kỳ cuối.
[2] BP Statistical Review of World Energy, 2021.