RSS Feed for Rusvietpetro: Liên doanh hiệu quả nhất của PVN ở nước ngoài | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 19:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Rusvietpetro: Liên doanh hiệu quả nhất của PVN ở nước ngoài

 - Sau 8 năm hoạt động, sản lượng khai thác của Liên doanh Rusvietpetro giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Dầu khí Zarubezhneft (Liên bang Nga) đạt gần 16 triệu tấn dầu, doanh thu lũy kế ước đạt 7 tỷ USD. Các mỏ của Rusvietpetro đóng góp khoảng 15% sản lượng của PVN hàng năm và là liên doanh hoạt động hiệu quả nhất của PVN ở nước ngoài.

Thủ tướng giao BCT nghiên cứu phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Thông tin chung

Rusvietpetro hiện đang là nhà điều hành theo hình thức liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Dầu khí Zarubezhneft (Liên bang Nga), được thành lập từ 2009. Cơ cấu vốn góp là: Zarubezhneft (51%) và PVN (49%). Rusvietpetro có trụ sở chính tại liên bang Nga và văn phòng đại diện ở Hà Nội.

Như vậy, tương tự Liên doanh Vietsovpetro (VSP), đây cũng là liên doanh giữa PVN và Zerubrezhneft, nhưng hoạt động ở Nga.

Rusvietpetro có giấy phép hoạt động trong 25 năm, kể từ 15/12/2009. Tổng giám đốc là ông Victor Abmaev (công dân Nga); Phó tổng giám đốc là ông Nguyễn Trí Dũng (công dân Việt Nam) (1) và 1 cố vấn công dân Việt Nam.

Theo thông tin mới cập nhật, ông Nguyễn Chí Đức (hiện đang là Trưởng văn phòng đại diện PVN tại Liên bang Nga) sẽ giữ chức Cố vấn Tổng giám đốc Rusvietpetro từ 1/1/2019 đến 30/6/2019. Sau thời hạn 6 tháng, nếu phù hợp, PVN sẽ điều động ông Đức vào chức danh Phó tổng giám đốc Rusvietpetro kể từ 1/7/2019.

Tổng trữ lượng khai thác các mỏ dầu hiện hữu của Rusvietpetro còn vòng đời từ 8 đến 15 năm (tùy từng mỏ), được xác định khoảng hơn 100 triệu tấn. 

Hoạt động khai thác

Tháng 10/2010, Rusvietpetro chính thức đi vào khai thác thương mại và đón dòng dầu đầu tiên tại mỏ Bắc - Khosedai (mỏ thứ nhất), thuộc thành phố Narian Mar - thủ phủ Khu tự trị Nhenhetxky thuộc Nga. Sản lượng mỏ này khoảng 2.000 tấn/ngày.

Ngày 29/7/2011, mỏ Visovoi (mỏ thứ hai) được đưa vào khai thác, có sản lượng hơn 6.000 tấn/ngày (tương đương 44.000 thùng/ngày). Năm 2012, Liên doanh Rusvietpetro bắt đầu khai thác mỏ mới ở Tây Hosedayuskoe (mỏ thứ ba), thuộc khu vực tự trị Nhenhetxky (NAO). Mỏ này cho sản lượng gần 5.600 tấn/ngày (tương đương 40.000 thùng/ngày).

Ngoài 3 mỏ chính nêu trên, Rusvietpetro còn đang khai thác 10 mỏ khác. Sản lượng khai thác của Rusvietpetro khá tốt. Sau 8 năm, sản lượng của Rusvietpetro đạt gần 16 triệu tấn dầu, doanh thu lũy kế ước đạt 7 tỷ USD. Sau khi trừ chi phí thăm dò, OM (2), Rusvietpetro đã đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Tổng trữ lượng khai thác các mỏ dầu hiện hữu của Rusvietpetro còn vòng đời từ 8 đến 15 năm (tùy từng mỏ), được xác định khoảng hơn 100 triệu tấn. Các mỏ của Rusvietpetro đóng góp khoảng 15% sản lượng của PVN hàng năm và là liên doanh hoạt động hiệu quả nhất của PVN ở nước ngoài.

Có thể nói, nếu giá dầu lên mức trên 80 USD/thùng vào năm tới, liên doanh này sẽ đạt đạt lợi nhuận cao hơn nữa khi đã giảm dần các chi phí đầu tư và khấu hao tài sản.

Trước thềm chuyến thăm Liên bang Nga tuần này để tham dự phiên họp liên Chính phủ, sáng 27/10, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Zarubezheft Liên bang Nga - ông Sergey Kudryasov đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đã đề nghị Zarubezheft tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để tìm các giải pháp cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động cho liên doanh Vietsovpetro và Rusvietpetro. Trong đó, hai bên cần tiếp tục tăng cường tìm kiếm các mỏ mới, đồng thời đổi mới công nghệ, phát huy tối đa hiệu quả những mỏ dầu, khí hiện đang khai thác.

Tổng giám đốc Sergey Kudryasov đã cảm ơn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và cho biết, các dự án hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đều đang được triển khai hiệu quả, theo đúng kế hoạch mà hai bên đã thống nhất. Dự kiến trong thời gian tới, các Liên doanh dầu khí sẽ mở rộng tìm kiếm, khai thác, đặc biệt là khai thác các mỏ khí.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Zarubezheft - Sergey Kudryasov.

Những trăn trở

Quay lại các mỏ dầu khí nước ngoài, trừ liên doanh Rusvietpetro, các liên doanh khác hoạt động không được hiệu quả lắm. Về vấn đề này, thiết nghĩ các cấp lãnh đạo Trung ương và Chính phủ nên xem đó là những hoạt động kinh tế đơn thuần mà thôi. Khi mà các FDP (3), FID (4) được xây dựng lúc giá dầu lên đỉnh, OPEX (5) ở mức 60-70 USD/thùng (trừ ở Nga thấp hơn) là hòa vốn thì những năm qua, giá dầu xuống đáy, mức ~40 USD/thùng thì chuyện thua lỗ là đương nhiên.

Ngoài ra, ở đó, các liên doanh đã có PSC và Luật Dầu khí nước sở tại, cũng như trọng tài quốc tế giám sát.

Nghĩa là, Đảng và Chính phủ nên tôn trọng quyền tài phán của PSC để không can thiệp sâu vào hoạt động điều hành nơi đã có đại diện MC (6), OC (7) giám sát. Điều này giúp giảm thiểu những tác động gây chồng lấn về quản lý nhà nước.

Ngoài ra, việc không can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh cũng giúp các lãnh đạo PVN tự tin hơn khi thực thi nhiệm vụ theo nguyên tắc kinh tế thị trường.

Ghi chú: 

(1)   Ngoài các vị trí trên, còn một số vị trí như Phó tổng giám đốc, Chánh kinh tế, Chánh kỹ sư, chúng tôi sẽ cập nhật danh tính sau.

(2)   OM: Vận hành

(3)   FDP: Kế hoạch phát triển mỏ

(4)   FID: Quyết định đầu tư

(5)   OPEX: Chi phí vận hành

(6)    MC: Ủy ban quản lý

(7)   OC: Ủy ban điều hành

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động