RSS Feed for Những sự kiện lịch sử liên quan đến Hiệp định thành lập Vietsovpetro | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 17/11/2024 19:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những sự kiện lịch sử liên quan đến Hiệp định thành lập Vietsovpetro

 - Vietsovpetro tròn 40 năm xây dựng và trưởng thành (19/6/1981-19/6/2021). Trong suốt 40 năm qua, Tập thể Lao động quốc tế Việt Nam - Liên Xô/Nga đã lao động cần cù, sáng tạo trong không khí đoàn kết, gắn bó, cùng nhau chia sẻ những thăng trầm của xí nghiệp và không ngừng phát huy truyền thống hữu nghị vốn có giữa nhân dân hai nước và đã đạt được những thành tích đáng tự hào.


Vietsovpetro: Mô hình hợp tác quốc tế kiểu mẫu thành công ở Việt Nam

Vietsovpetro và các nghiên cứu thầm lặng phía sau 'giọt dầu'


“Lịch sử của Ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và Vietsovpetro nói riêng, một nửa do người Liên Xô/người Nga viết" như nhận định của lãnh đạo Ngành Dầu khí Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định thành lập Vietsovpetro và 35 năm Ngày khai thác tấn dầu thô đầu tiên, nội dung này trích đăng bài viết của nhóm tác giả do ông V. S. Vovk, nguyên Tổng Giám đốc Vietsovpetro làm chủ biên để CBCNV Vietsovpetro, nhất là thế hệ trẻ và bạn đọc hiểu thêm về những sự kiện lịch sử liên quan đến Vietsovpetro.

Các "Lão trượng" của Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô: N. K. Baibakov (ảnh bên phải) ký hiệp định liên chính phủ về hợp tác tìm kiếm dầu, khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam, K. F. Kaitushev (ảnh bên trái) ký hiệp định thành lập XNLD Việt - Xô.

… Ngày 18 tháng 7 năm 1980 là tròn 25 năm quan hệ hợp tác kinh tế giữa Liên Xô và Việt Nam. Sự kiện này vô cùng có ý nghĩa đối với cả hai nước.

Trích điện chúc mừng của Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Lam gửi Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô N. K. Baybakov, ngày 21/ 7/1980:

"Nhân dịp 25 năm ngày ký Hiệp định hợp tác kinh tế giữa CHXHCN Việt Nam và LBCHXHCN Xô - Viết, tôi xin gửi đến Đồng chí lời chúc mừng nồng nhiệt. Trong 25 năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học và kỹ thuật giữa hai nước không ngừng phát triển và mở rộng. Với tất cả tấm lòng, Liên Xô đã và đang giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cũng như trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước trước đây và chống chủ nghĩa bá quyền và bành trướng Bắc Kinh. Hiện nay, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Liên Xô đang phát triển từng ngày trên quy mô lớn hơn, minh chứng cho điều đó là việc ký kết thỏa thuận thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam gần đây".

Qua lịch sử hợp tác lâu dài này chúng ta đã có được kinh nghiệm hợp tác to lớn, việc hai nước xích lại gần nhau về chính trị đã giúp hiểu rõ hơn những khó khăn kinh tế của Việt Nam, đất nước thực sự rất cần sự giúp đỡ. Song sự giúp đỡ này, theo nhận định của các nhà lãnh đạo hai nước, cần có tính chất hệ thống, tập trung vào giải quyết những nhiệm vụ chiến lược. Trong trường hợp này, nhiệm vụ không chỉ là tìm kiếm và khai thác dầu, mà còn là xây dựng nên ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh trong nước.

Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng (ngồi quay lưng ngoài cùng bên trái) nghe báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công nghiệp khí Liên Xô Yu. V. Zaitsev (người đứng cầm gậy thuyết minh) về Luận chứng kinh tế kỹ thuật về Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về Kinh tế đối ngoại Liên Xô E. I. Osadchuk nhớ lại: "Mặc dù nói chung đất nước chúng ta có kinh nghiệm khổng lồ tích lũy được đến thời điểm đó về hợp tác kinh tế quốc tế hiệu quả với nhiều nước, trong đó có lĩnh vực công nghiệp dầu khí, song tất cả chúng tôi, những chuyên gia trong ngành và chuyên gia về quan hệ kinh tế đối ngoại, với tất cả trách nhiệm đều nhận thức được rằng hình thức hỗ trợ kỹ thuật cổ điển, được chấp nhận rộng rãi thật ra không thể chấp nhận được cho một dự án như vậy. Nói một cách hình tượng, theo sự khẳng định của chúng tôi, hình thức đó sẽ dẫn đến việc nguồn tài chính và vật chất khổng lồ, công sức to lớn không thể hình dung được của hàng nghìn hàng nghìn đơn vị và con người của cả hai bên đơn giản sẽ bị "quẳng" xuống biển. Một công việc như vậy đòi hỏi phải có một hình thức sử dụng kinh phí và hợp tác thực sự có trách nhiệm của tất cả các lực lượng, cũng như dành cho người thừa hành quyền tự do cần thiết để nhanh chóng thông qua và thực hiện những giải pháp cấp bách mà không cần những hình thức quan liêu rườm rà và hệ thống thủ tục kinh tế đối ngoại máy móc không cần thiết trong việc này".

Trên toàn thế giới vào thời điểm đó cũng đang tìm kiếm những hình thức hợp tác quốc tế cùng có lợi. Như đã nói ở trên, Việt Nam đã tiến hành một cuộc tìm kiếm như vậy, và các quốc gia khác, cả tư bản lẫn xã hội chủ nghĩa, cũng đang làm đúng như thế. Liên Xô trong quan hệ với các nước tư bản phát triển thực hiện hình thức gọi là hiệp định bù trừ, khi các nhà đầu tư từ các nước khác đầu tư vào các xí nghiệp ở Liên Xô và nhận tiền thanh toán bằng chính sản phẩm của các xí nghiệp đó. Quan hệ giữa Liên Xô và Việt Nam cũng phát triển theo cùng kịch bản như vậy. Tuy nhiên, như các chuyên gia của Liên Xô nhấn mạnh, hình thức này mặc dù hiệu quả, nhưng thật ra chỉ là "áp dụng một lần công nghệ tiên tiến của nước ngoài, chủ yếu là trong giai đoạn đầu thực hiện hợp đồng. Trong suốt thời gian còn lại xí nghiệp vẫn sản xuất dựa trên hạ tầng kỹ thuật cũ. Chính từ thực tế này mà nảy sinh những tiền đề dẫn đến tình trạng lạc hậu trong việc áo dụng các mô hình kỹ thuật và công nghệ tiên tiến nhất". Con đường thoát khỏi tình trạng này đã được tìm ra trong việc thành lập những cơ cấu được gọi là "joint ventures" - "các liên doanh".

Trích báo cáo phân tích của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô "Hợp tác công nghiệp Đông - Tây trên cơ sở sản xuất liên doanh", năm 1980:

"Theo ý kiến của một số chuyên gia Liên Xô, việc phối hợp với các công ty phương Tây để sản xuất thành phẩm có thể được thực hiện trên cơ sở những giao dịch trong thực tiễn quốc tế có tên là "joint venture" - liên doanh sản xuất và tiêu thụ. <…> Có cơ sở sản xuất chung, việc cả hai đối tác đều gánh chịu rủi ro của doanh nghiệp, thu nhập của họ phụ thuộc vào việc mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao tính hiệu quả hoạt động, tạo ra các yếu tố cần thiết để cùng kiểm soát chất lượng sản phẩm, và cuối cùng, là liên tục hiện đại hoá công nghệ được áp dụng trong sản xuất - đó là những nết nổi bật chính của hình thức hợp tác này".

Về thực tiễn thành lập xí nghiệp liên doanh, một nghiên cứu về hợp tác công nghiệp giữa các nước thành viên của Ủy ban kinh tế châu Âu (ECE) lưu ý rằng: "Xí nghiệp liên doanh liên quan ở các mức độ khác nhau đến việc cùng quản lý, cùng sở hữu vốn và cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro. Khi ấy mới chỉ có Nam Tư, Romania và Hungary là các nước xã hội chủ nghĩa duy nhất cho phép thành lập liên doanh trên lãnh thổ của họ theo những điều kiện đặc biệt. Tuy nhiên ở Ba Lan lại nghiên cứu những hình thức liên doanh mới, trong đó quyền sở hữu thuộc về một bên, nhưng cả hai bên đều tham gia vào việc quản lý, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro".

Theo đánh giá của các chuyên gia ECE, "hợp tác công nghiệp dưới hình thức liên doanh sản xuất đang trở thành một nhân tố ngày càng quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa các đối tác phương Đông và phương Tây. Hợp tác sản xuất trên cơ sở chuyên môn hóa trong sản xuất sản phẩm là hình thức hợp tác được lựa chọn trong một số lượng lớn các hợp đồng được ký kết".

Liên Xô đã đề xuất áp dụng với Việt Nam mô hình tương tự để khai thác thềm lục địa nước này. Hình thức này là mới, và trên thực tế, cũng giống như bất kỳ hình thức nào khác - hợp đồng bù trừ hay hợp đồng chia sản phẩm, dĩ nhiên nó đòi hỏi sự hoàn thiện của riêng mình, nhưng trong điều kiện khủng hoảng khi ấy không còn thời gian, do đó chính phủ hai nước quyết định thành lập một "venture" Xô - Việt về thăm dò và khai thác dầu, khí trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam.

Thư của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ủy nhiệm cho K. F. Kaitushev ký hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô.

Sáng sớm ngày 17 tháng 6 năm 1981 có một chuyến bay từ Hà Nội của hãng hàng không Aeroflot đáp xuống sân bay Sheremetyevo. Trên chuyến bay là phái đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ CHXHCN Việt Nam Trần Quỳnh dẫn đầu. Ra sân bay đón các vị khách có: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô K. F. Katushev, E. I. Osadchuk, Yu. V. Zaitsev và những cán bộ khác của các bộ ngành liên quan đến việc ký kết hiệp định. Lễ ký được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 19 tháng 6, do đó các chuyên viên dành thời gian còn lại để hoàn thiện và thảo luận một số mục của hiệp định và điều lệ, thỏa thuận chương trình làm việc.

Ngày 19 tháng 6, trong dinh thự sang trọng của doanh nhân thời cũ Morozov, nhà số 17 phố Alexey Tolstoy, mọi người đang chờ đợi khách. Khoảng một giờ chiều, chiếc xe ô tô "Chaika" tiến vào sân, các quan chức Việt Nam bước ra.

Lễ ký kết "Hiệp định giữa Chính phủ LBCHXHCN Xô viết và Chính phủ CHXHCN Việt Nam về việc thành lập Xí nghiệp liên doanh Việt - Xô tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam CHXHCN Việt Nam" và phụ lục hiệp định là điều lệ của xí nghiệp liên doanh mới đã bắt đầu như thế.

Đặt bút ký văn kiện này là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Phân ban Liên Xô trong Ủy ban liên chính phủ Liên Xô - Việt Nam về Hợp tác kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên hợp và kỹ thuật K. F. Katushev và Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN VN Trần Quỳnh.

Hiệp định liên chính phủ được ký kết quy định việc thành lập một xí nghiệp liên doanh là pháp nhân của Việt Nam trên cơ sở ngang nhau (góp vốn 50:50). Các bên tham gia trên nguyên tắc bình đẳng là Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô và Tổng cục Dầu khí Việt Nam, và để quản lý trên cơ sở ngang nhau và bình đẳng đã thành lập Hội đồng song phương của xí nghiệp liên doanh. Các bên cũng lập quỹ điều lệ hình thành từ việc góp cổ phần bằng nhau. Trong giai đoạn xây dựng và cho đến khi đạt được các chỉ tiêu thiết kế, liên doanh được miễn thuế và phí nộp ngân sách nhà nước và địa phương.

Tiếp sau hiệp định trên, trong ngày hôm đó, 19 tháng 6, đã ký kết một văn bản quan trọng khác, thường không dược công bố rộng rãi. Chủ tịch Ủy ban Nhà nước về Kinh tế đối ngoại S. A. Skachkov và Thứ trưởng Bộ Công nghiệp khí Yu. V. Zaitsev phía Liên Xô, và đồng chí Trần Quỳnh - Phó Thủ tướng, đồng chí Nguyễn Hòa - Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí phía Việt Nam đã ký kết một nghị định thư đặc biệt ("Nghị định thư của Hiệp định về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam CHXHCN Việt Nam ký ngày 19/ 6/1981"), ấn định việc Liên Xô cấp cho Việt Nam một khoản tín dụng trị giá 300 triệu rúp. Phụ lục của Nghị định thư là "Chương trình tiến hành thăm dò địa chất và khảo sát địa chất công trình tổng hợp tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam giai đoạn 1981 - 1985" (Sau đây gọi tắt là "Chương trình-1985").

Trích "Chương trình tiến hành thăm dò địa chất và khảo sát địa chất công trình tổng hợp tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam giai đoạn 1981 - 1985":

"Những nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình là:

- Tiến hành khảo sát tổ hợp địa vật lý và địa chất công trình tại các khu vực số 09 và 16.

- Khoan các giếng thăm dò và giếng vận hành sớm từ giàn khoan nổi và giàn cố định, tiến hành vận hành công nghiệp thí điểm tại mỏ Bạch Hổ để sơ bộ đánh giá trữ lượng dầu và khí, lập sơ đồ công nghệ khai thác mỏ này năm 1983, hoàn thành công việc thăm dò và phê duyệt trữ lượng khai thác công nghiệp năm 1985.

- Khoan giếng thăm dò tại cấu tạo Rồng với mục đích đánh giá sơ bộ trữ lượng dầu năm 1985.

- Khoan giếng thăm dò tại các cấu tạo khác của lô 9 và 16.

- Xây dựng ra các cơ sở sản xuất để đảm bảo thực hiện khối lượng khoan ngoài khơi, gia công và lắp ráp các giàn cố định ngoài khơi.

- Thực hiện công việc khảo sát thiết kế tổ hợp, nghiên cứu khoa học và chế tạo - thử nghiệm. Chương trình cũng đặt kế hoạch trong giai đoạn 1981 - 1985 thực hiện công việc nghiên cứu địa vật lý tổ hợp tại vùng biển của Vịnh Bắc Bộ và bồn trũng Thái Lan ở thềm lục địa Việt Nam".

"Chương trình-1985" nêu ra những công việc chủ yếu sau đây cần được thực hiện:

1/ Công tác địa vật lý tổ hợp (theo vùng, tìm kiếm, chi tiết - gần 57 nghìn km).

2/ Nghiên cứu địa chất công trình (đo biên độ địa chấn và đo độ sâu từ tín hiệu dội - 10 nghìn km, khoan 1 nghìn giếng nhỏ độ sâu dưới 5 mét, giếng).

3/ Khoan địa chất công trình (130 giếng khoan với tổng số mét khoan là 10.250 mét).

4/ Khoan tìm kiếm thăm dò (12 giếng với tổng mét khoan là 37.500 mét, xây dựng 3 giàn khai thác cố định ngoài khơi).

5/ Thử nghiệm vận hành giếng khoan công nghiệp (20 giếng vận hành với tổng mét khoan là 62 nghìn mét).

6/ Tổ chức thí điểm khai thác công nghiệp mỏ (bố trí).

7/ Xây dựng căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ tại thành phố Vũng Tàu để phục vụ các công trình ngoài khơi.

8/ Xây dựng mạng và mạng truyền thông bên ngoài.

9/ Xây dựng các công trình không mang tính chất sản xuất.

10/ Vận chuyển và tiếp nhận hàng hoá.

11/ Công tác nghiên cứu khoa học và chế tạo thử nghiệm.

12/ Đào tạo cán bộ. Chương trình nêu rõ khối lượng, thời hạn, đơn vị thực hiện là xí nghiệp liên doanh hoặc các nhà thầu.

Tổng số vốn đầu tư để thực hiện "Chương trình 1985" ước tính khoảng 970 triệu rúp (gần 1,5 tỷ đô la Mỹ), trong đó giá trị thiết bị vật liệu cung cấp và cử chuyên gia Liên Xô là 372 triệu rúp, công việc do các tổ chức Liên Xô thực hiện theo các hợp đồng thầu là 354 triệu, do các tổ chức Việt Nam thực hiện (vật liệu địa phương, nhân công, nhà ở, dịch vụ, nội tệ, v. v…) là 130 triệu.

Cổ phần của Liên Xô trong tổng vốn đầu tư thực hiện "Chương trình 1985" là 485 triệu rúp (970 : 2 = 485), tín dụng cấp cho Việt Nam lên đến 360 triệu, bao gồm tín dụng nhà nước tới 300 triệu và tín dụng bằng ngoại tệ tới 60 triệu rúp.

Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch trong buổi hội đàm với đồng chí A. N. Kosygin. Ngày 26/6/1981 (Ảnh Tư liệu của Phòng truyền thống Petrovietnam).

* * *

Giai đoạn từ sau khi Việt Nam thống nhất cho đến khi ký kết Hiệp định về việc thành lập Xí nghiệp liên doanh Việt - Xô tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam CHXHCN Việt Nam (ngày 19/ 6/1981) là giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam, cũng như trong lịch sử hợp tác dầu khí giữa hai nước.

Trong giai đoạn này, Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt CHXHCN Việt Nam được thành lập trên cơ sở Liên đoàn địa chất 36. Các tổ chức quân đội và các tổ chức Đảng đều tham gia vào việc xây dựng ngành công nghiệp này, lựa chọn đội ngũ cán bộ quản lý có kinh nghiệm từ đơn vị của mình để xây dựng cơ quan mới.

Sau 20 năm cùng tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt ở đồng bằng sông Hồng, trong những năm tháng này đã hình thành một hình thức hợp tác mới, chặt chẽ hơn giữa hai nước - xí nghiệp liên doanh.

Dưới tác động trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp khí Liên Xô S. A. Orudzhev đã xây dựng đường lối chiến lược chung để khai thác vùng thềm lục địa phía Nam Việt Nam giàu tiềm năng về nguyên liệu hydrocarbon, trong đó bao gồm không chỉ việc phối hợp thăm dò địa chất, mà còn xây dựng tại khu vực này một căn cứ dịch vụ tổng hợp để hỗ trợ các hoạt động ngoài khơi. Và cuối cùng, mọi nỗ lực đều được đền đáp.

Trong một thời gian ngắn chưa từng có, trong điều kiện vô cùng khó khăn vì bị cấm vận kinh tế, trong tình trạng thiếu thốn vật tư và nguồn nhân lực, việc khai thác dầu mỏ ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam đã được khởi động nhờ những nỗ lực của các chuyên gia từ cả hai nước.

Hiệp định đã được ký kết vào giữa năm 1981, năm 1982 là giai đoạn chuẩn bị và thực hiện công tác tổ chức, công việc thực sự chỉ bắt đầu vào năm 1983, vậy mà dến năm 1986 đã khai thác được lô dầu mỏ đầu tiên./.

NGUỒN: VIETSOVPETRO (TRÍCH TRONG "TỚI KHO BÁU RỒNG VÀNG")

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động