Nhiệt điện Phả Lại đủ điều kiện chuyển đổi nhiên liệu và công nghệ
10:18 | 28/04/2025
![]() Trong bài viết dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam phân tích về sự phát triển Cơ chế hỗ trợ giá (FIT) cho năng lượng tái tạo ở nước ta. Cụ thể là xem xét hành trình triển khai (kể từ khi bắt đầu, đến tình trạng hiện tại); đánh giá những thành công và các thách thức phát sinh, kèm theo một vài kết luận về cơ chế này ở Việt Nam. |
![]() Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản gửi các bộ liên quan - theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu và có ý kiến về báo cáo kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về thúc đẩy tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2, gửi Bộ Công Thương tổng hợp. Được biết, hiện các bộ: Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Môi trường... đang nghiên cứu, tổng hợp về nội dung liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |
Theo đó, Nhà máy điện linh hoạt Phả Lại dự kiến có công suất 1.200 MW nằm trong khuôn viên hiện có của Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (tại phường Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương). Nguồn điện linh hoạt sẽ sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thay cho điện than như hiện tại và được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2025-2035.
Báo cáo của đơn vị tư vấn cho thấy: Việc đấu nối với lưới điện sẽ rất thuận lợi, khi Công ty đã có sẵn điểm đấu nối, do vậy không phải đầu tư các hạng mục của hạ tầng này. Dự án cũng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, khi không phát sinh nhu cầu sử dụng đất, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại đang sở hữu Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 1 và Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2 sử dụng nhiên liệu than, với tổng công suất 1.040 MW. Trong đó, các tổ máy của Nhiệt điện Phả Lại 1 đã vận hành thương mại được 40 năm, các tổ máy Nhiệt điện Phả Lại 2 vận hành thương mại hơn 20 năm. Trong suốt quá trình hoạt động, 2 nhà máy đã đóng góp 160 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia.
Để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi từ điện than sang nhiên liệu có mức phát thải thấp hơn, tiến tới dùng nhiên liệu không phát thải, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại đang cùng đơn vị tư vấn lập đề án phát triển dự án tại mặt bằng Nhiệt điện Phả Lại để trình UBND tỉnh Hải Dương thông qua, báo cáo Chính phủ đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII Điều chỉnh.
Dự án sẽ phát triển với 2 giai đoạn: Đến năm 2030, đầu tư 440 MW để thay thế các tổ máy Nhiệt điện Phả Lại 1 và đến năm 2035 sẽ mở rộng quy mô công suất lên 760 MW.
Theo nguồn tin Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Tại hội thảo tham vấn cấp kỹ thuật bổ sung thông tin về các dự án đầu tư triển khai kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP (Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng) được tổ chức hồi tháng 4/2024, lãnh đạo Cục Biến đổi Khí hậu và đại diện Nhóm các đối tác quốc tế, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại được đề xuất trong nhóm các đề xuất dự án đầu tư ưu tiên triển khai thực hiện JETP.
Trên cơ sở tổng hợp các văn bản của Nhóm đối tác quốc tế (IPG), các bộ, ngành, doanh nghiệp nhằm triển khai Tuyên bố JETP, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổng hợp các danh mục đề xuất dự án ưu tiên triển khai thực hiện JETP. Trong đó, Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại nằm trong Nhóm các đề xuất dự án đầu tư ưu tiên triển khai thực hiện JETP.
Theo ông Mai Quốc Long - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại: Mục tiêu tiên quyết của Công ty là giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ khí hậu trái đất, tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện tại việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng nhiên liệu sạch lại gặp những khó khăn, thách thức rất lớn. Do đó, rất cần sự chung tay hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan trong thời gian tới để có cơ chế, chính sách giúp phê duyệt nhanh chóng các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư. Đồng thời đề xuất Nhóm đối tác quốc tế và các bên liên quan khẩn trương hỗ trợ vốn, kỹ thuật trong khuôn khổ JETP để hiện thực hóa mục tiêu, chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam từ nay đến năm 2050.
Các bộ, ngành và các nhóm đối tác quốc tế (IPG, GFANZ) đánh giá rất cao cơ hội chuyển đổi nhiên liệu tại Công ty Cổ phần Nhiệt Điện Phả Lại. Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 1 và 2 tiếp tục nằm trong danh sách Nhóm A - nhóm dự án ưu tiên cao trong quá trình thực hiện chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Thời gian tới, Công ty Cổ phần Nhiệt Điện Phả Lại sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để thảo luận chi tiết về các vấn đề kỹ thuật, phương án, cũng như lộ trình chuyển đổi nhiên liệu tại 2 nhà máy này./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM