RSS Feed for Ký thỏa thuận khung hợp đồng mua bán khí cho dự án Nhiệt điện Ô Môn 2 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 20:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ký thỏa thuận khung hợp đồng mua bán khí cho dự án Nhiệt điện Ô Môn 2

 - Sáng ngày 22/2/2023, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận khung hợp đồng mua bán khí cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản).
Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn và các chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của Nhà nước Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn và các chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của Nhà nước

Như chúng ta điều biết, do gặp nhiều khó khăn, thậm chí là bế tắc, nên Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn đã chậm tiến độ hơn 10 năm nay. Vì vậy, ngày 4/1/2023, Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí đã có kết luận đốc thúc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PVN, EVN, MOECO, PTTEP đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, ký hợp đồng EPC cùng các thỏa thuận thương mại, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, hoàn thiện phương án thu xếp vốn v.v... ngay trong những tháng đầu năm 2023.

Ký thỏa thuận khung hợp đồng mua bán khí cho dự án Nhiệt điện Ô Môn 2
Lễ ký kết.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên, nằm trong Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn (thuộc bể khí Malay - Thổ Chu), với công suất dự kiến 1.050 MW, được xây dựng tại Trung tâm Điện lực Ô Môn (phường Phước Thới, quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ).

Chủ đầu tư dự án là Liên danh nhà đầu tư Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng - WTO (Việt Nam) và Marubeni (Nhật Bản). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD. Thời hạn hợp đồng mua bán điện (PPA) là 25 năm với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp tiên tiến bậc nhất hiện nay, đáp ứng các yêu cầu cao về đảm bảo môi trường.

Ký thỏa thuận khung hợp đồng mua bán khí cho dự án Nhiệt điện Ô Môn 2
Ông Shino Moroo - Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành của Marubeni Asian Power Singapore.

Phát biểu tại lễ ký, ông Shino Moroo - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Marubeni Asian Power Singapore (phụ trách phát triển và quản lý các dự án điện của Tập đoàn tại châu Á - Thái Bình Dương) cho biết: Marubeni đã có hơn 50 năm hoạt động trong ngành năng lượng tại Việt Nam, đóng góp hơn 5 GW vào hệ thống điện quốc gia.

Cụ thể, Nhà máy điện Trà Nóc (Cần Thơ) được hoàn thành vào những năm 1970 là dự án điện đầu tiên, đánh dấu cho sự phát triển của Marubeni về năng lượng tại Việt Nam. Hiện nay, Nhà máy điện Trà Nóc vẫn đang hoạt động tốt. Bên cạnh đó, dự án Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa) đã đi vào vận hành thương mại, tiếp tục đóng góp vào lưới điện quốc gia trong 25 năm tới. Đây là những dự án mang tính biểu tượng cho sự đóng góp lâu dài của Marubeni trong ngành điện Việt Nam.

Ưu tiên tiếp theo của Marubeni là phát triển Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 - dự án này sẽ là một bước ngoặt cho các dự án IPP (dự án nguồn điện độc lập) thế hệ mới. Tiến độ của Chuỗi các dự án khí - điện Lô B - Ô Môn là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành điện Việt Nam sử dụng mỏ khí trong nước. Vì vậy, Chuỗi dự án này được phát triển dựa trên lịch sử hợp tác lâu đời và thành công giữa Việt Nam - Nhật Bản.

Theo ông Shino Moroo, việc ký kết thỏa thuận khung hợp đồng bán khí sẽ là cơ sở quan trọng để hai bên tiếp tục hoàn tất các thỏa thuận chi tiết khác cho dự án. Đồng thời, mong muốn được tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để sớm ký kết hợp đồng mua bán khí cho dự án - một yếu tố quan trọng để đi đến quyết định đầu tư cuối cùng của dự án khí Lô B. Nhà đầu tư dự án sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ phát triển chung của dự án (bao gồm các thỏa thuận khác như hợp đồng mua bán điện với EVN và đồng bộ hóa với tiến độ chung của Chuỗi dự án).

“Công ty liên doanh - Công ty Điện khí Ô Môn 2, do Marubeni và WTO đồng sở hữu vừa được thành lập và chính thức được Thành phố Cần Thơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty này sẽ là nền tảng vững chắc để đẩy nhanh hơn nữa các hoạt động phát triển bằng cách chia sẻ những thế mạnh của Marubeni và WTO” - Ông Shino Moroo chia sẻ thêm.

Ký thỏa thuận khung hợp đồng mua bán khí cho dự án Nhiệt điện Ô Môn 2
Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc PVN.

Phát biểu tại lễ ký, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc PVN khẳng định: Việc ký kết thỏa thuận khung hợp đồng mua bán khí cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 là một bước quan trọng để các bên tiếp tục triển khai các công việc cần thiết nhằm đảm bảo tiến độ Chuỗi dự án khí - điện Lô B.

Theo thỏa thuận, các bên thống nhất các nguyên tắc và các điều khoản chính trong Hợp đồng bán khí (GSA) đầy đủ và làm cơ sở để các bên thúc đẩy tiến độ đầu tư toàn bộ các dự án trong Chuỗi khí - điện Lô B. Tiến độ nhận khí của Nhiệt điện Ô Môn 2 sẽ đồng bộ với tiến độ phát triển mỏ của dự án khí Lô B thượng nguồn.

Lô B - 48/95 và 52/97 (gọi tắt là Lô B) nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Nam Việt Nam, thuộc khu vực vùng trũng Bể Malay - Thổ Chu (vùng Thềm lục địa Việt Nam, cách bờ biển Cà Mau khoảng 300 km, cách Trung tâm Điện lực Ô Môn khoảng 400 km, với độ sâu nước biển khoảng 77 m).

Toàn bộ nguồn khí Lô B sẽ được vận chuyển bằng đường ống về khu vực quận Ô Môn (TP Cần Thơ) cung cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện: Ô Môn 1, Ô Môn 2, Ô Môn 3 và Ô Môn 4 (với tổng công suất khoảng 3.810 MW). Trong giai đoạn bình ổn nguồn khí Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5,06 tỷ m3 khí để sản xuất khoảng 21,2 tỷ kWh điện, đáp ứng một phần nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.

Dự án Nhiệt điện Ô Môn 2 khi đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ khoảng 1,35 tỷ m3 khí/năm. Về tiến độ thực hiện dự án, nhà máy sẽ hoàn thành đầu tư và chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2026 - 2027, bảo đảm phù hợp với tiến độ chung của Chuỗi dự án khí - điện Lô B.

Khi Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 2 đi vào hoạt động sẽ sản xuất khoảng 6.300 GWh mỗi năm, góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia.

Theo ông Lê Mạnh Hùng: Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, với mục tiêu đạt được Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào tháng 6/2023. Để đảm bảo tiến độ khai thác và có dòng khí Lô B đầu tiên vào cuối năm 2026, PVN mong muốn các nhà thầu dầu khí, các chủ đầu tư cần nỗ lực hết mình, chủ động quyết định để triển khai chuỗi dự án theo đúng tiến độ./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động