Hội đồng Vietsovpetro thông qua các chỉ tiêu năm 2018
14:54 | 01/12/2017
Nội lực Vietsovpetro đã vươn tới tầm quốc tế
Các bên đã tiến hành ký văn kiện Kỳ họp Hội đồng Vietsovpetro lần thứ 48
Báo cáo tóm tắt về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 10 tháng năm 2017, ông Từ Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Vietsovpetro cho biết: Vietsovpetro đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu chủ yếu như: kế hoạch khai thác khí và condensate, kế hoạch cung cấp khí vào bờ, xây dựng các công trình biển, doanh thu, nộp ngân sách Việt Nam, lợi nhuận hai phía và tối ưu chi phí.
Trong công tác tìm kiếm thăm dò, năm 2017, sẽ khoan 4 giếng thăm dò gồm BH-48, R-37, MTD-1X và CT-5X. Trữ lượng dầu thu hồi phát hiện tại các giếng này dự kiến đạt trên 2,45 triệu tấn tại lô 09-1 và 2,6 triệu tấn tại lô 09-3/12.
Trong khoan khai thác, cả năm 2017, Vietsovpetro sẽ thực hiện 54,758 nghìn mét khoan (đạt 100,3% kế hoạch), kết thúc thi công 17 giếng (100% kế hoạch), thực hiện sửa chữa lớn 34 lượt giếng khoan (126% kế hoạch), sửa chữa giếng đặc biệt 18/33.107 mét so với kế hoạch 15/31.210 mét.
Về khai thác dầu, dự kiến Vietsovpetro sẽ khai thác được hơn 4,772 triệu tấn dầu/condensate (95,4% kế hoạch) và 234 triệu mét khối khí (124% kế hoạch). Cùng với dầu thô, Vietsovpetro sẽ cung cấp vào bờ hơn 1,6 tỷ mét khối khí (đạt 121,6% kế hoạch).
Kể từ khi khai thác mỏ đến nay, Vietsovpetro đã khai thác trên 227 triệu tấn dầu, cung cấp vào bờ trên 32 tỷ mét khối khí đồng hành.
Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, đã hoàn thành công tác xây lắp và đưa vào hoạt động giàn ThTC-3 (07/5/2017) sớm trước 13 ngày so với kế hoạch. Đã hoàn thành lắp đặt 4 công trình của Bộ Quốc phòng.
Dự kiến năm 2017, Vietsovpetro sẽ tiết giảm được 33,8 triệu USD (kế hoạch là 13,4 triệu USD) nhờ áp dụng các biện pháp như: tăng cường công việc tự thực hiện, giảm thiểu thuê ngoài, quản lý và sử dụng ngân sách tiết kiệm và hiệu quả cũng như giãn tiến độ một số công việc chưa thực sự cần thiết.
Doanh thu dầu - khí - condensate cả năm đạt trên 1,98 tỷ USD (104% kế hoạch). Đến hết năm sẽ nộp Ngân sách Nhà nước hơn 909 triệu USD, đạt 117% kế hoạch (bao gồm kết dư số dư phần dầu để lại trang trải chi phí không sử dụng hết). Lợi nhuận phía Nga hơn 200 triệu USD (141% kế hoạch), phía Việt Nam 206 triệu USD (151% kế hoạch).
Trên cơ sở kết quả làm việc với chuyên viên hai phía trong 10 ngày qua, Vietsovpetro kiến nghị các chỉ tiêu chủ yếu năm 2018 như: khai thác an toàn 4,0 triệu tấn dầu/condensate, trên 126 triệu m3 khí thiên nhiên, thu gom và cung cấp vào bờ khoảng 300 triệu m3 khí từ lô 09-1; khoan tìm kiếm thăm dò 27,42 nghìn mét khoan, kết thúc khoan và thử vỉa 7 giếng ở lô 09-1, khoan 4,085 nghìn mét khoan và kết thúc khoan thử vỉa 1 giếng ở lô 09-3/12. Cạnh đó là sẽ khoan khai thác trên 28,41 nghìn mét khoan, kết thúc thi công 8 giếng mới, tiến hành sửa chữa lớn 37 lượt giếng khoan và cắt thân hai 29,38 nghìn mét tại 15 giếng...
Doanh thu năm 2018 dự kiến ở mức 1,56 tỷ USD. Kế hoạch nộp Ngân sách Nhà nước Việt Nam dự kiến hơn 631 triệu USD, lợi nhuận phía Việt Nam hơn 115 triệu USD và lợi nhuận phía Liên bang Nga gần 111 triệu USD.
Nhân dịp này, Tổng giám đốc Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa đã chân thành cảm ơn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, Lãnh đạo Tập đoàn, Zarubeznheft và Đại sứ quán Nga tại Việt Nam đã luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện kịp thời và hỗ trợ mọi mặt để Vietsovpetro hoàn thành nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn, ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc Vietsovpetro cũng thông báo đến Hội đồng giếng CT-5X mỏ Cá Tầm trong quá trình thử vỉa đã nhận được dòng dầu công nghiệp khoảng 300 m3/ngày ở 2 vỉa đầu tiên. Dự kiến Vietsovpetro phát triển khai thác mỏ Cá Tầm trong Quý IV năm 2018.
Tại kỳ họp, đại diện cho 2 phía trong Hội đồng ghi nhận trong 10 tháng và dự kiến đến cuối năm 2017, Vietsovpetro sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất chính được Hội đồng 47 phê duyệt, trừ chỉ tiêu về sản lượng khai thác dầu thô.
Nguyên nhân của việc không hoàn thành chỉ tiêu về sản lượng là do điều kiện địa chất đặc biệt phức tạp của mỏ Thỏ Trắng cũng như sự lắng đọng muối trong thiết bị lòng giếng của mỏ là nguyên nhân chính dẫn đến việc không hoàn thành kế hoạch năm 2017 của toàn Vietsovpetro.
Ngoài ra, sự suy giảm sản lượng, tăng cao độ ngập nước ở các giếng chuyển tiếp của mỏ Bạch Hổ, Rồng là những mỏ đã khai thác gần 30 năm và không đạt sản lượng gia tăng như tính toán đối với một số giếng mới ở các mỏ này cũng làm ảnh hưởng đến việc không hoàn thành kế hoạch khai thác dầu thô.
Ngoài nhiệm vụ sản xuất, tại kỳ họp lần này Hội đồng cũng xem xét và thông qua một số nội dung khác liên quan đến sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Quy chế nhân viên, việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Vietsovpetro, các biện pháp khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Vietsovpetro.
Phát biểu tại Kỳ họp, Trưởng đoàn 2 phía đã đánh giá cao công tác chuẩn bị tài liệu cho kỳ họp nghiêm túc, khoa học và hiệu quả giúp kỳ họp thành công. Trong kỳ họp này, Hội đồng 2 phía đã xem xét các vấn đề quan trọng về tình hình hoạt động sản xuất hiện nay của Vietsovpetro và đưa ra các biện pháp thực hiện các chỉ tiêu sản xuất cả năm 2018. Đồng thời cụ thể hóa các chỉ tiêu kinh tế - tài chính trên cơ sở thực hiện chương trình tối ưu hóa chi phí, cơ cấu tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả ở mọi mặt hoạt động của Vietsovpetro.
Dự báo trong thời gian tới Vietsovpetro còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là suy giảm sản lượng dầu khai thác, độ ngập nước tăng nhanh… Song, Hội đồng tin tưởng rằng với sự hỗ trợ của chuyên viên hai Phía cùng với nỗ lực của tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro, nhất định sẽ đạt được thành công trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018, vượt qua được giai đoạn khó khăn và phát triển ổn định trong thời gian tới.
Tại kỳ họp lần này, Hội đồng quyết nghị ông Maltsev V. V, công dân LB Nga, thôi giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc thứ nhất Vietsovpetro từ ngày 20/12/2017. Bổ nhiệm ông Bondarenko Vyacheslav Aleksandrovich, công dân Liên bang Nga, đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc thứ nhất Vietsovpetro từ ngày 20/12/2017.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM