EVNNPC tháo gỡ khó khăn các dự án lưới điện tại tỉnh Hà Giang
10:22 | 08/07/2022
EVNNPC chủ động các giải pháp đảm bảo điện an toàn, tin cậy Miền Bắc đang bước vào cao điểm của nắng nóng, phụ tải điện tăng trưởng mạnh. Tổng công ty Điện lực miền Bắc làm gì để đảm bảo cung ứng điện an toàn, tin cậy? Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Trang - Phó Tổng giám đốc EVNNPC để hiểu rõ hơn về vấn đề này. |
EVNNPC đẩy nhanh đóng điện các dự án trọng điểm cấp điện mùa hè Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác tháng 6, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) yêu cầu các Công ty Điện lực đẩy nhanh các dự án đầu tư trung thế để san tải cho các máy biến áp đang mang tải cao. Các Ban Quản lý dự án tập trung đẩy nhanh đóng điện các dự án trọng điểm (trong quý 2/2022) để đảm bảo cấp điện, đặc biệt đối với mùa hè 2022. |
Trong số các dự án này có 5 dự án nhằm mục tiêu chính là giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Các dự án khi đáp ứng tiến độ sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, truyền tải điện cho các phụ tải khu vực phía Bắc trong giai đoạn nguồn điện miền Bắc đang có nhiều khó khăn. Do vậy, bên cạnh việc sát sao trong theo dõi đầu tư xây dựng, quản lý dự án, EVNNPC và các đơn vị trong Tổng công ty mong muốn có sự ráo riết, quyết liệt và kịp thời trong việc phối hợp của các sở ban ngành địa phương để tháo gỡ, xử lý các khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công công trình nhằm đáp ứng tiến độ, đảm bảo mục tiêu đề ra của mỗi công trình khi đưa vào khai thác.
Kiểm tra hiện trường tiến độ dự án. |
Dự án xuất tuyến 110 kV sau TBA 220 kV Bắc Quang (Hà Giang): Góp phần đảm bảo an ninh năng lượng khi vận hành:
Dự án xuất tuyến 110 kV sau TBA 220 kV Bắc Quang trên địa bàn tỉnh Hà Giang có quy mô xây dựng mới và cải tạo tuyến đường dây 110 kV với tổng chiều dài 42,835 km qua địa phận 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình, tỉnh Hà Giang, gồm: Xây dựng đoạn tuyến 4 mạch đi TBA 110 kV Bắc Quang, đi TBA 110 kV Bình Vàng và đi TBA 110 kV Sông Lô 4 và xây dựng đoạn tuyến 2 mạch đi TBA 110 kV Sông Chừng và đi TBA 110 kV Nậm Yên (đi TBA 110 kV Sông Chảy), có kết hợp xây dựng đoạn 2 mạch lên 3 mạch và xây dựng mới 1 mạch được giao cho Ban Quản lý dự án Lưới điện quản lý A đã khởi công vào ngày 30/7/2021.
Hiện nay dự án xuất tuyến 110 kV sau TBA 220 kV Bắc Quang có nhiệm vụ giải tỏa công suất các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang gặp một số khó khăn vướng mắc cần sự phối hợp vào cuộc của chính quyền và nhân dân các xã trên địa bàn có công trình đi qua, cũng như khó khăn trong việc thống nhất đấu nối.
Theo ông Nguyễn Sông Thao - Giám đốc Ban Quản lý dự án Lưới điện (BA1): Tính đến nay, BA1 đã hoàn thành phần lớn khối lượng các hạng mục của công trình dự án xuất tuyến 110 kV sau TBA 220 kV Bắc Quang nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn trong công tác triển khai thi công do vướng mắc tại một số khoảng cột mà các hộ dân chưa đồng thuận với phương án đền bù được duyệt. Mặt khác, Công ty Cổ phần Thuỷ điện Sông Bạc (là doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quản lý) hiện vẫn chưa thống nhất lịch cắt điện đường dây 110 kV lộ 175E22.3 Bắc Quang - 171A22.28 Sông Bạc để thực hiện thi công các vị trí cột 183A, 76A.
Do vậy, ngày 7/7/2022, tại thành phố Hà Giang, dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hà Giang, đoàn công tác Tổng công ty Điện lực miền Bắc do Phó Tổng Giám đốc Lê Minh Tuấn dẫn đầu cùng đại diện các Ban chuyên môn, Ban Quản lý dự án Lưới điện, Công ty Điện lực Hà Giang đã họp bàn việc xử lý vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB) và thống nhất lịch cắt điện thi công đấu nối dự án xuất tuyến 110 kV sau TBA 220 kV Bắc Quang.
Cuộc họp cũng có sự tham gia của đại diện Lãnh đạo UBND huyện Bắc Quang, Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Bạc, Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh Hà Giang. Đoàn công tác cũng đã đi kiểm tra hiện trường để xem xét các biện pháp tổ chức thi công đề sắp xếp hợp lý thời gian ngừng điện khi thi công các ngăn lộ, chuyển đổi đấu nối phù hợp khi trạm 220 kV Bắc Quang vào vận hành.
Làm việc với các đơn vị liên quan, tháo gỡ khó khăn cho các dự án. |
Hài hòa lợi ích các bên vì một mục tiêu chung:
Theo ông Lê Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc EVNNPC: Dự án xuất tuyến 110 kV sau TBA 220 kV Bắc Quang trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được đầu tư xây dựng từ quý 3/2021 là công trình trọng điểm của EVNNPC có nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, an sinh xã hội địa phương, giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện khu vực Hà Giang và các vùng lân cận. Việc hoàn thành đóng điện TBA 220 kV Bắc Quang cùng các xuất tuyến 110 kV sau trạm rất quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án đã chậm tiến độ so với kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến việc góp phần cấp điện an toàn, ổn định cho các khu vực trong tỉnh và chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất của EVNNPC.
Ngày 21/6/2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã họp và ban hành Nghị quyết số 275/NQ-HĐTV, trong đó yêu cầu các đơn vị thuộc EVN rà soát tiến độ các công trình lưới điện phục vụ nhập khẩu điện Trung Quốc và Lào, đưa vào vận hành TBA 220 kV Bắc Quang và đường dây đấu nối (trong tháng 8/2022).
Ông Lê Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc EVNNPC nhấn mạnh: Dự án TBA 220 kV Bắc Quang là trạm 220 kV thứ hai trên địa bàn tỉnh Hà Giang (trước đó trạm 220 kV Hà Giang đã đi vào vận hành truyền tải) chủ yếu phục vụ giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh, nhánh rẽ đường dây sông Chảy, sông Chừng, đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh và các vùng lân cận…
Dự án TBA 220 kV Bắc Quang được ngành điện đầu tư chủ yếu để góp phần truyền tải nguồn thủy điện vừa và nhỏ lên lưới, cung cấp cho hệ thống điện miền Bắc, do vậy theo ông Tuấn, chính quyền tỉnh Hà Giang cần phải ráo riết vào cuộc ngay để kịp thời tháo gỡ các khó khăn liên quan giữa các bên để đảm bảo lợi ích cho tỉnh và các chủ đầu tư nhà máy thủy điện, đảm bảo lợi ích quốc gia.
Ông Tuấn cho rằng: Công ty Điện lực Hà Giang, BA1 cần phải thống nhất cụ thể với các bên liên quan như Nhà máy Thủy điện Sông Bạc, cũng như tuyên truyền nhân dân khu vực có dự án đi qua để thực hiện các thao tác kỹ thuật như cắt điện đấu nối nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích tổng thể cho các bên. Việc ngừng cung cấp điện để thực hiện công tác đấu nối xuất tuyến 110 kV sau TBA 220 kV Bắc Quang cần phải thực hiện ngay trong tháng 7/2022 với thời gian ngắn nhất, đảm bảo hiệu quả cao nhất và giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho các bên liên quan.
Ông Tuấn cũng cho biết, để hoàn thành công trình Xuất tuyến 110kV sau TBA 220kV Bắc Quang, việc phối hợp giữa Công ty Điện lực Hà Giang, BA1 cũng như nhà máy thủy điện Sông Bạc và huyện Bắc Quang trong việc giải quyết các khó khăn về GPMB, cắt điện phục vụ công tác trên lưới cần hết sức khẩn trương, quyết liệt trên tinh thần và mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan.
Với vai trò là đơn vị phụ trách quản lý vận hành và phân phối bán điện tại tỉnh Hà Giang, ông Hoàng Văn Thiện - Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang khẳng định: Dự án xuất tuyến 110 kV sau TBA 220 kV Bắc Quang được đưa vào vận hành có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là phải đóng điện trong tháng 8/2022 nên các công việc liên quan phải gấp rút hoàn thành. Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới, phụ tải tiêu thụ điện thấp nhưng luôn được ngành điện quan tâm đầu tư phát triển. Việc đóng điện xuất tuyến 110 kV sau TBA 220 kV Bắc Quang sớm ngày nào sẽ bảo đảm lợi ích chung của tỉnh, lợi ích chung của quốc gia.
Tham dự cuộc họp tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng và cắt điện đấu nối dự án xuất tuyến 110 kV sau TBA 220 kV Bắc Quang, ông Nguyễn Đàm Thuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang khẳng định với EVNNPC về việc đã tuyên truyền vận động người dân, tuy nhiên hiện nay còn vướng mắc trong việc GPMB của một số hộ dân. UBND huyện Bắc Quang hứa sẽ sớm phê duyệt phương án bồi thường, giải quyết vướng mắc tại các hộ dân còn lại, đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Ông Đỗ Văn Bình - Giám đốc Thủy điện Sông Bạc sau khi trao đổi với EVNNPC, Sở Công Thương tỉnh Hà Giang và BA1 đã đồng ý việc phối hợp để cắt điện phục vụ đấu nối công trình. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp, đề nghị đơn vị thi công tăng cường nhân lực trong tổ chức thi công để giảm thiểu thời gian ngừng phát điện của nhà máy, cố gắng cắt điện phục vụ đấu nối ngắn nhất để hài hòa lợi ích giữa các bên.
Ông Tuấn cũng đề nghị Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh cần có phân định ranh giới đầu tư và quản lý vận hành các dự án điện trên địa bàn tỉnh.
Kết luận cuộc họp họp bàn việc xử lý vướng mắc về giải phóng mặt bằng và thống nhất lịch cắt điện thi công đấu nối dự án xuất tuyến 110 kV sau TBA 220 kV Bắc Quang, ông Đỗ Xuân Phúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đảm bảo sẽ thực hiện trách nhiệm cao nhất của cơ quan quản lý ngành về điện lực trên địa bàn tỉnh, thống nhất cùng EVNNPC, UBND huyện Bắc Quang và Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Bạc có các giải pháp tối ưu tháo gỡ khó khăn để dự án đóng điện vận hành theo tiến độ yêu cầu.
Đối với một số vấn đề khác như đề xuất việc lắp đặt máy biến áp AT2 TBA 220 kV Bắc Quang, Sở sẽ báo cáo tỉnh và các cấp theo đúng thẩm quyền để cùng với ngành điện miền Bắc thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng các công trình điện, góp phần phát triển lưới điện của tỉnh và các khu vực lân cận, cũng như góp phần cùng ngành điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vì mục tiêu phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế xã hội nói chung./.
MAI PHƯƠNG - EVNNPC