EVN lên phương án đảm bảo cấp điện ổn định dịp tết Tân Sửu
19:00 | 05/02/2021
EVN cũng đã yêu cầu các đơn vị tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, công an, quân đội tại địa phương, xây dựng và triển khai các phương án bảo vệ an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ cho các công trình điện, trụ sở cơ quan, kho tàng...
Trong các ngày Tết Nguyên đán 2021 (từ 0h00 ngày 10/02/2021 tức ngày 29 Tết đến hết 24h00 ngày 14/02/2021 tức ngày mùng 03 Tết) không thực hiện các công tác cắt điện trên lưới, ngoại trừ trường hợp cắt điện để xử lý sự cố.
Công nhân Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi xử lý sự cố.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, EVN cũng yêu cầu các đơn vị quan tâm thực hiện các biện pháp việc đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng địa phương.
Phụ tải xuống thấp, tiết giảm các nguồn điện để đảm bảo an toàn hệ thống
Theo quy luật hàng năm, phụ tải của toàn hệ thống điện quốc gia vào dịp Tết nguyên đán sẽ xuống thấp đáng kể so với ngày thường. Đồng thời, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành phố càng làm cho tình hình tiêu thụ điện xuống thấp hơn.
Theo dự báo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa trong kỳ nghỉ Tết Tân Sửu có thể xuống chỉ còn khoảng từ 13.000MW - 15.000MW. Trong khi đó, tổng công suất lắp đặt nguồn toàn hệ thống hiện nay đã ở mức khoảng 69.000MW với hơn 21.600MW năng lượng tái tạo. Riêng công suất điện mặt trời (ĐMT) đã hơn 16.000MW, cao hơn cả công suất phụ tải thấp điểm trưa dự báo của ngày Tết.
Để đảm bảo vận hành an toàn và ổn định hệ thống điện quốc gia trong những ngày Tết, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia bắt buộc phải duy trì công suất quay dự phòng tối thiểu từ các nguồn điện truyền thống như thủy điện, turbine khí,...
Với tình hình phụ tải xuống thấp, khi các nguồn năng lượng truyền thống đã giảm phát đến giới hạn kỹ thuật mà tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu phụ tải, việc tiết giảm công suất huy động từ tất cả các loại hình nguồn điện, kể cả từ các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, ĐMT nối lưới, ĐMT mái nhà) là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo vận hành an toàn đối với hệ thống điện quốc gia.
Cuối tháng 1/2021, EVN đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương cụ thể các vướng mắc và đề xuất giải pháp vận hành nguồn năng lượng tái tạo (NLTT). Cụ thể, Tập đoàn kiến nghị Bộ Công Thương xem xét sớm ban hành nguyên tắc huy động nguồn NLTT khi thừa nguồn theo nguyên tắc:
- Giảm công suất các nhà máy NLTT bao gồm: điện gió, điện mặt trời (bao gồm ĐMT nối lưới và ĐMT mái nhà nối lưới trung áp)…. Tỷ lệ cắt giảm theo tỷ lệ công suất công bố của từng nhà máy.
- Cho phép dịch chuyển khung Giờ cao điểm trưa theo quy định đối với các nhà máy thủy điện áp dụng Biểu giá chi phí tránh được về từ 6h00 đến 8h00 hàng ngày.
Ngày 5/2/2021, EVN tiếp tục có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị Bộ trưởng xem xét chỉ đạo sớm việc ban hành nguyên tắc vận hành nguồn NLTT như EVN đã báo cáo và đề xuất tại văn bản trước đó. Đồng thời, trong thời gian chờ Bộ Công Thương có văn bản chấp thuận, EVN cũng kiến nghị cho phép Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia và các Tổng Công ty Điện lực thực hiện việc tiết giảm huy động đối với Điện gió, Điện mặt trời nối lưới và Điện mặt trời mái nhà nối lưới trung áp, nhằm đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện trong thời gian phụ tải thấp, đặc biệt vào dịp Tết nguyên đán Tân Sửu tới đây./.
NGUỒN: EVN