Đổ thải trên bờ và nhận chìm ngoài khơi: Phương án nào tối ưu?
15:00 | 22/08/2017
1. Luật pháp quốc tế và Việt Nam về nhận chìm chất nạo vét ở biển
Vào tháng 11 năm 1972, tại Hội nghị Liên chính phủ tổ chức tại thành phố Luân Đôn (Vương quốc Anh), Công ước về phòng ngừa ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác ở biển (Công ước Luân Đôn 1972) được thông qua. Hiện nay đã có 89 nước phê chuẩn Công ước. Để hiện thực hóa Chương trình Nghị sự 21, tăng cường bảo vệ môi trường biển phục vụ phát triển bền vững, tại cuộc họp đặc biệt của các nước thành viên Công ước Luân Đôn 1972 vào năm 1996 tại Luân Đôn, Nghị định thư về Công ước về phòng ngừa ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác ở biển (Nghị định thư Luân Đôn 1996) được thông qua (và sửa đổi, bổ sung năm 2006, 2009, 2013).
Trong Công ước Luân Đôn 1972 và Nghị định thư Luân Đôn 1996 đều quy định chất nạo vét ở đáy biển là chất được phép đổ xuống biển. Cơ sở của quy định này là chất nạo vét là chất được đưa lên từ đáy biển và việc đưa nó trở lại biển là một việc rất tự nhiên nếu nó không chứa những chất độc hại có khả năng làm môi trường biển thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
Nhiều luật pháp quốc tế về môi trường, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, các Nghị quyết Đại hội đồng Liên Hợp quốc về Đại dương và Luật biển cũng luôn đề cập tới các hoạt động nhận chìm xuống biển. Đặc biệt, các nước Bắc Âu và Tây Âu đã cùng nhau xây dựng Công ước về bảo vệ môi trường biển Đông Bắc Đại Tây dương (Công ước OSPAR) quy định rất rõ những điều kiện nhận chìm.
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (bản dịch do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2012), sự nhận chìm là (i) mọi sự trút bỏ có ý thức xuống biển các chất thải, hoặc các chất khác từ tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc công trình bố trí ở biển; (ii) mọi sự đánh chìm tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi, hoặc công trình khác được bố trí ở biển.
Việc nhận chìm chất nạo vét xuống biển được luật pháp nhiều nước trên thế giới cho phép và thực hiện rất phổ biến. Chẳng hạn, Cục Khí tượng và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA), Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA), Ủy ban Công ước OSPAR (khu vực Đông Bắc Đại Tây dương), v.v. đều viết rõ rằng hầu hết chất nạo vét yêu cầu được nhận chìm ở biển. Báo cáo đánh giá đại dương thế giới lần 1 do Liên hợp quốc ban hành năm 2016 nêu rõ vào năm 2010, riêng nước Bỉ đã nhận chìm khoảng 52 triệu tấn chất nạo vét (tính theo khối lượng khô) xuống biển. Báo cáo của Ủy ban Công ước OSPAR năm 2010 cho thấy từ năm 1990 tới 2010, các nước ở khu vực Đông Bắc Đại Tây dương đã nhận chìm hàng năm từ 80 đến 150 triệu tấn chất nạo vét tính theo khối lượng khô xuống biển.
Theo báo cáo đánh giá Đại dương Thế giới do Liên Hợp quốc (năm 2016), chỉ có ít hơn 50% thành viên Công ước Luân Đôn 1972 báo cáo nhận chìm. Tuy vậy, trong báo cáo về nhận chìm năm 2016 của IMO, vào năm 2012 các nước trên thế giới đã cấp phép và nhận chìm khoảng 650 triệu tấn chất nạo vét tính theo khối lượng khô xuống biển. Với con số hơn 50% các nước thành viên Công ước Luân Đôn 1972 (87 nước vào năm 2012) không báo cáo như nêu ở trên và những nước không tham gia công ước cũng không báo cáo, có thể ước tính rằng số lượng thực của chất nạo vét được nhận chìm xuống biển vào năm 2012 nằm trong khoảng từ 800 triệu tấn đến 1 tỷ tấn. Một thí dụ rất điển hình về nhận chìm cát nạo vét là bãi biển Palm, Florida, Hoa Kỳ. Đây là bãi biển đẹp và đắt giá nhất Hoa Kỳ. Bãi này bị xói lở do cát bị vận chuyển dọc bờ theo hướng sóng thịnh hành và lắng đọng ở phía cuối của bãi. Để duy trì bãi, người ta đã nạo vét cát ở cuối bãi, chở lên “nhận chìm” ở đầu bãi.
Tại Việt Nam, Luật bảo vệ môi trường 2014 đã cho phép nhận chìm, đổ thải ở biển. Việc nhận chìm ở biển đã được quy định chi tiết trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 và Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Danh mục các chất được phép nhận chìm ở biển quy định trong Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ hoàn toàn trùng khớp với danh mục các chất, bao gồm cả chất nạo vét được đổ xuống biển quy định trong Công ước Luân Đôn 1972 và Nghị định thư Luân Đôn 1996. Như vậy, luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam đều cho phép nhận chìm ở biển. Mục đích là để quản lý tốt hơn và giảm thiểu tác động môi trường do nhận chìm ở biển, đồng thời giảm chi phí nhận chìm, đổ thải, tạo điều kiện để phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả nhất.
Một quy định rất chặt chẽ trong luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về nhận chìm ở biển là phải thực hiện thẩm định và cấp phép để đảm bảo kiểm soát và hạn chế thấp nhất những thiệt hại về môi trường, sinh thái do các hoạt động nhận chìm gây ra. Theo đó, phải đảm bảo khu vực nhận chìm không phải là khu vực có tầm quan trọng cao về môi trường, sinh thái và hoạt động nhận chìm ở biển không được gây ra những tác động có hại tới các khu vực biển có tầm quan trọng cao về môi trường sinh thái ở xung quanh khu vực nhận chìm.
2. Thành phần của chất nạo vét ở Vĩnh Tân và khả năng ảnh hưởng tới môi trường khu vực dự kiến nhận chìm
Theo Báo cáo dự án nhận chìm chất nạo vét ở Vĩnh Tân, độ dày lớp đất cát nạo vét điển hình khoảng 14,5 m. Trong đó có một lớp cát pha bùn sét với hàm lượng đất, bùn, sét không vượt quá 5%. Các lớp khác chủ yếu là cát và có rất ít bùn sét. Một số lượng đất trong chất nạo vét đã được nèn chặt qua nhiều năm nên khi bị nhận chìm xuống biển rất khó có khả năng bị hòa tan trong nước biển.
Khu vực dự kiến nhận chìm được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép có diện tích 30 ha. Kết quả khảo sát hiện trường trình bày trong Báo cáo dự án nhận chìm và kết quả khảo sát độc lập của Viện Hải dương học cho thấy nền đáy biển khu vực nhận chìm chất nạo vét tại khu vực vũng quay tàu và luồng vào cảng biển Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chủ yếu là nền cát với rất ít sinh vật sinh sống. Khi nhận chìm, hầu hết các sinh vật sinh sống ở đáy biển hoặc là bơi đi nơi khác, hoặc là có khả năng xuyên qua lớp đất, cát để lên mặt và không bị chết. Sau khi dự án nhận chìm kết thúc, các sinh vật này sẽ nhanh chóng quay trở lại và hệ sinh thái ở đây sẽ được phục hồi. Vì vậy, hoạt động nhận chìm sẽ ảnh hưởng không đáng kể tới đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản ở khu vực này.
Khi nhận chìm, bùn, sét và các chất độc (nếu có) trong chất nạo vét có thể hòa tan vào nước và được dòng chảy biển mang đi, ảnh hưởng tới các khu vực xung quanh. Theo kết quả phân tích đối với dự án nhận chìm chất nạo vét tại Vĩnh Tân do Trung tâm công nghệ xử lý môi trường, Bộ Tư lệnh Hóa học thực hiện một cách độc lập, trong thành phần của chất nạo vét không thấy có chất độc hại như: kim loại nặng, hoặc các chất độc hại khác vượt quá mức cho phép. Như vậy, vấn đề cần quan tâm khi nhận chìm chất nạo vét chỉ là nước đục chứ không phải là hàm lượng của các chất độc hại.
3. Tác động có thể có của hoạt động nhận chìm tới môi trường bãi cạn Breda và khu bảo tồn biển Hòn Cau
Hoạt động nhận chìm chất nạo vét cảng biển trong dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có thể có tác động tới môi trường của các khu vực xung quanh, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau và bãi cạn Breda là những khu vực có các rạn san hô quý hiếm và hệ sinh thái rạn san hô với đa dạng sinh học rất cao. Nếu chất nạo vét bị vận chuyển tới và lắng đọng tại các khu vực này, thiệt hại về môi trường, sinh thái sẽ rất lớn. Ngoài ra, khu vực ven bờ biển là khu vực lấy nước nuôi tôm giống nên cũng cần tránh nước đục. Vì vậy, dự án cần được thực hiện sao cho nước đục không ảnh hưởng không đáng kể tới các khu vực nêu trên.
Vùng biển Bình Thuận có một hệ thống dòng chảy rất phức tạp. Mùa hè, dưới tác dụng của gió mùa Tây Nam, dòng mặt chảy ven bờ rất mạnh và có hướng từ Tây Nam lên Đông Bắc và hướng ra ngoài biển khi vượt qua Bình Thuận sang Ninh Thuận. Mùa đông, dòng chảy mặt chủ yếu có hướng từ Bắc xuống Nam. Cần chú ý rằng, hệ thống dòng chảy biển là tổng hợp của dòng chảy do gió gây ra, dòng chảy do chênh lệch mật độ và cao độ mặt nước và dòng chảy do lực hấp dẫn gây ra (dòng chảy triều). Ngoài ra, vùng biển khu vực này còn chịu ảnh hưởng của hiện tượng nước trồi.
Các kết quả đo đạc hiện trường và tính toán bằng các mô hình toán hiện đại (do PGS, TS. Vũ Thanh Ca, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và nhóm nghiên cứu của GS.TS. Đinh Văn Ưu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện) cho thấy tại khu vực biển ngoài khơi Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa có xoáy nghịch tạo ra do hoàn lưu biển và tại tâm xoáy có vùng nước trồi cách bờ trong khoảng từ trên 100km đến 150km. Nước trồi là nước từ dưới độ sâu hàng trăm mét nổi lên trên mặt biển nên có nhiệt độ nước thấp và độ muối cao. Vì vậy, nước này nặng hơn nước biển ven bờ. Khi nổi lên mặt biển ở khu vực tâm xoáy, nước này sẽ chảy vào gần bờ tại khu vực Mũi Né và men theo bờ đi lên phía Bắc trước khi chảy chếch ra ngoài khơi theo hướng Đông Bắc ở khu vực ranh giới tỉnh Bình Thuận sang tỉnh Ninh Thuận. Chính hệ thống nước trồi này đã làm cho vùng biển Khánh Hòa, Bình Thuận và Ninh Thuận vào mùa hè rất mát và gây ra khô hạn ở Ninh Thuận. Khi vào gần bờ, nước này sẽ chìm xuống (vì nặng hơn nước gần bờ), xáo trộn mạnh mẽ với nước mặt và tạo ra một lớp nước gần như đồng nhất từ mặt biển tới độ sâu khá lớn, có thể tới cả trăm mét. Trong lớp nước đồng nhất này, dòng chảy có vận tốc lớn sẽ tăng cường trao đổi động lượng giữa mặt nước và các lớp nước bên dưới, làm hầu như toàn lớp này nước chảy theo một hướng - đó là hướng từ Tây Nam lên Đông Bắc. Chính động lượng rất lớn của lớp nước này đã tạo ra vùng nước quẩn ở vùng biển từ Khánh Hòa tới Ninh Thuận với dòng chảy ven bờ rất yếu từ Bắc xuống Nam, nhưng dòng chảy này chỉ dừng ở khu vực biển giữa tỉnh Ninh Thuận mà không tới ranh giới giữa hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.
Như vậy, hiện tượng nước trồi ở ngoài khơi Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa không làm thay đổi hướng dòng chảy mùa hè từ Tây Nam lên Đông Bắc tại khu vực ven biển Bình Thuận, đặc biệt là tại khu vực nhận chìm chất nạo vét. Vì nước đục là do dòng chảy vận chuyển nên cũng được vận chuyển lên Bắc, do vậy không thể ảnh hưởng tới bãi cạn Breda và khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Tuy nhiên, nếu xảy ra gió mùa Đông Bắc với thời gian dài, dòng chảy tại khu vực nhận chìm sẽ thay đổi hướng và nước đục sẽ có khả năng ảnh hưởng tới khu bảo tồn biển Hòn Cau và bãi cạn Breda. Vì giấy phép nhận chìm của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ cho phép đổ vào mùa hè và đầu thu (từ 23/6/2017 tới 31/10/2017), khả năng xảy ra gió mùa Đông Bắc với cường độ lớn, thời gian dài trong thời gian này khá hiếm. Với hệ thống trạm quan trắc quy định như trong giấy phép, nếu xảy ra hiện tượng nước đục lan tới ranh giới khu bảo tồn biển Hòn Cau trong gió mùa Đông Bắc thì sẽ dừng ngay hoạt động nhận chìm để chờ gió đổi sang hướng Nam, Đông Nam, hoặc Tây Nam. Đồng thời, cần xây dựng các phương án ứng phó sự cố môi trường nếu sự cố xảy ra trong quá trình nhận chìm.
Trong điều kiện bão, các sóng bão có chu kỳ khá dài có thể tác động tới đáy biển nơi nhận chìm chất thải nạo vét. Tuy vậy, do sóng biển là quá trình thế, không xoáy nên dưới tác động của sóng cát biển sẽ chỉ dịch chuyển được một đoạn rất ngắn do hiệu ứng phi tuyến và không thể cuốn lên để trùm lên san hô tại Hòn Cau, hoặc Breda. Bùn có thể bị cuốn lên, nhưng động lực mạnh mẽ tại rạn san hô trong bão sẽ không cho phép bùn lắng đọng ở đây và gây hại cho san hô. Thực tế là trong bão, bùn từ trong lục địa chảy ra rất nhiều, làm đục cả dải nước biển ven bờ, nhưng không ảnh hưởng gì đến các rạn san hô.
Theo các kết quả nghiên cứu trên thế giới, bùn là những hạt có kích thước nhỏ hơn 60 micromét, có cấu tạo dạng bản và tích điện trái dấu ở giữa bản (điện âm) và xung quanh (điện dương) nên nó có xu hướng kết bông (tiếng Anh gọi là flocculation hay aggregation) do tích điện trái dấu và hút nhau giữa cạnh hạt bùn và giữa hạt bùn. Các khối bông kết bùn giúp bùn lắng đọng nhanh hơn, nhưng khá yếu trong nước ngọt. Tuy vậy, khi ra đến biển, nước biển có chứa rất nhiều i-ôn. Các i-ôn này sẽ làm các khối bông kết của bùn vững chắc hơn rất nhiều. Chính các khối bông kết này giúp bùn nhanh chóng lắng đọng xuống đáy ở vùng cửa sông, ven biển để tạo ra các đồng bằng châu thổ.
Với lý do này, chỉ khu vực gần cửa sông mùa lũ là có nước đục, còn biển ngoài khơi luôn trong xanh. Đó cũng là lý do tại sao sau các trận mưa lớn, nước sông tải ra biển thậm chí hàng tỉ m3 nước đục nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó nước biển trở thành trong sạch rất nhanh. Khi lắng đọng xuống đáy, bùn sẽ hấp thụ các chất nhiễm bẩn khác và làm sạch nước biển.
Như vậy, trong gió mùa (mùa hè), bùn trong dòng nước đục do hiện tượng nhận chìm chất nạo vét gây ra sẽ bị vận chuyển lên phía Đông Bắc, ra ngoài xa và nhanh chóng lắng đọng xuống đáy biển và không thể tồn tại từ lâu dài để bị vận chuyển qua lại và lắng đọng xuống khu bảo tồn biển Hòn Cau cũng như các khu vực khác có tầm quan trọng về môi trường, sinh thái cao.
Tóm lại, việc nhận chìm chất nạo vét ở Vĩnh Tân không có gì đáng lo ngại và nếu được kiểm soát tốt sẽ không gây hại cho khu bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda và các khu vực lấy nước nuôi tôm giống ven bờ.
4. Tại Vĩnh Tân cần thiết phải đầu tư nạo vét cảng để tiếp nhận tàu chở than có tải trọng lớn nhằm giải quyết bài toán kinh tế
Bờ biển khu vực Bình Thuận dài, nhưng nông. Tỉnh Bình Thuận có lợi thế rất cơ bản về “mặt tiền” - bờ biển. Tổng chiều dài bờ biển của Bình Thuận khoảng 192km. Tính trung bình “mặt tiền” của Bình Thuận khoảng 24,58m/km2 (gấp 2,36 lần mức bình quân của Việt Nam và gấp 10,3 lần mức bình quân của thế giới). Tuy nhiên, bờ biển Bình Thuận nhìn chung nông và bị bồi lấp nhanh do có nhiều cửa sông (với mật độ trung bình 15km bờ biển có một cửa sông. Vì vậy, ngoài lĩnh vực du lịch, việc phát triển các dự án sản xuất công nghiệp có nhu cầu giao thông đường biển ở Bình Thuận rất khó khăn. Đặc biệt, các dự án nhiệt điện có nhu cầu bắt buộc phải tiếp nhận khối lượng than rất lớn (than khai thác trong nước cũng như than nhập khẩu) bằng đường biển.
Ví dụ, theo báo cáo của Xí nghiệp Khảo sát Hàng hải miền Nam, trước khi nạo vét, cảng biển tạm của dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (2x600MW) có các thông số như sau: (i) Trong phạm vi luồng tàu vào ra bến (có chiều dài 870m, rộng 30m), điểm có độ sâu nhỏ nhất (cách mặt bến 70m) là -3,2m; (ii) Trong phạm vi khu nước trước bến, điểm có độ sâu nhỏ nhất là -2,8m nằm ở giữa khu và cách bến khoảng 5m về phía biển. Vì vậy, nếu không nạo vét cảng, dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 chỉ có thể tiếp nhận được xà lan tải trọng 3.000 DWT.
Như vậy, nếu các dự án nhiệt điện không đầu tư nạo vét cảng biển, và chỉ sử dụng xà lan 3.000 DWT để chuyển tải và cập bến bốc than, khả năng bị ách tắc và gián đoạn trong khâu cấp khoảng 3,7 triệu tấn than/năm để phát điện là không tránh khỏi. Vì vậy, theo Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013, Cảng than của Vĩnh Tân 4 phải được nạo vét để có thể tiếp nhận được tàu có tải trọng 100.000 DWT.
Theo thiết kế được phê duyệt, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân có nhu cầu tiếp nhận than từ phía biển (“mặt tiền”) khoảng 15 triệu tấn/năm. Vì vậy, để giảm chi phí phát điện, các dự án nhiệt điện thuộc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân cần phải nạo vét đáy biển khu vực gần bờ để xây dựng các cảng nhập than có mớm nước càng sâu càng tốt nhằm tiếp nhận được các loại tàu chở than có tải trọng càng lớn càng tốt.
Trên thực tế, việc cấp than cho các dự án điện bằng tàu biển có tải trọng trên 5÷6 vạn DWT so với loại tàu có tải trọng dưới 3 vận tấn (DWT) sẽ giảm được chi phí vận tải (gồm cước thuê tàu, chi phí xếp và dỡ hàng) khoảng 5÷7U$/tấn than, chưa kể còn giảm được thất thoát trong quá trình xếp dỡ. Tuy vậy, việc thiết lập các cảng than sâu cho các dự án điện ở khu vực Vĩnh Tân rất khó khăn. Ví dụ, dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (đang vận hành), mặc dù chi phí đầu tư cảng than rất lớn (ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong), nhưng độ sâu luồng vào chỉ có 11,7m và độ sâu trước bến bốc chỉ có 11,3m. Vì vậy, hiện nay cảng nhận than của Vĩnh Tân 2 chỉ tiếp nhận được tàu chở than có tải trọng 22.000÷30.000 DWT.
Như vậy, nếu xây dựng được cảng than nước sâu ở Bình Thuận để có thể tiếp nhận tàu chở than tải trọng trên 50.000 DWT, cụm các NMNĐ ở Vĩnh Tân sẽ tiết kiệm (giảm chi phí sản xuất điện) được không dưới 90 triệu U$/năm. Nếu tính cho cả đời dự án (điện và cảng 40 năm) sẽ tiết kiệm được 3,6 tỷ U$. Con số này tương đương với tổng mức đầu tư của cả 2 dự án Vĩnh Tân 1 (2x600MW) và dự án Vĩnh Tân 4.
5. Tại Vĩnh Tân phải nhận chìm chất nạo vét trong bờ ra khu vực biển sâu ngoài bờ
Chính vì những lý do nêu trên, Bộ Công Thương đã phê duyệt hạng mục đầu tư “Bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1”, với độ sâu mớm nước theo thiết kế -12,7m, có khả năng tiếp nhận tàu chở than tải trọng 30.000÷50.000 DWT. Để thực hiện nhiệm vụ thiết kế này, chủ đầu tư buộc phải thi công nạo vét đáy biển ở các khu vực trước bến và vũng quay tàu với khối lượng lớn.
Ngoài ra, sau này trong quá trình vận hành, cũng như mọi cảng biển khác, để duy trì độ sâu mớm nước, cảng than của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 hàng năm phải nạo vét khối lượng bồi lấp ở đáy biển khoảng 0,268 triệu m3/năm. Toàn bộ khối lượng nạo vét được Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt và UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp nhận cho chủ đầu tư được nhận chìm ngoài biển, ở khu vực có diện tích 30 ha, độ sâu trung bình hơn 36m, cách cảng hơn 10km và cách vùng lõi khu bảo tồn biển Hòn Cau khoảng 8 km.
6. Tại Vĩnh Tân đưa chất nạo vét từ biển lên bờ không khả thi về mặt kinh tế và không có nhu cầu
Trong khi cả thế giới đều chấp thuận việc nhận chìm ngoài khơi các chất thu được trong quá trình nạo vét xây dựng cảng biển, gần đây, có ý kiến đề cập đến việc đưa chất nạo vét ở Vĩnh Tân lên bờ. Trước hết, đây chỉ là ý kiến hoàn toàn “cảm tính”, không có cơ sở khoa học.
Phải khẳng định rằng, “trên bờ” và “ngoài khơi” là hai môi trường đổ thải/nhận chìm hoàn toàn khác nhau. Nếu chất nạo vét được đổ lên bờ, về nguyên tắc, bãi thải trên bờ cần được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn của một “bãi thải” để vừa không được ảnh hưởng tới hệ sinh thái trên bờ, vừa không được ảnh hưởng tới sinh thái dưới biển. Như vậy, ở Vĩnh Tân đòi hỏi phải xây dựng kè bao cũng như bảo vệ, chống thấm rất tốn kém và ảnh hưởng tới môi trường, xã hội rất lớn. Ngoài ra, việc thiết lập bãi thải trên bờ ở Vĩnh Tân sẽ đòi hỏi chi phí đổ thải lớn hơn so với trường hợp đổ thải từ trên bờ xuống, ví dụ như ở mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh. Vì còn phát sinh chi phí cho công đoạn dỡ tải từ xà lan mở đáy đưa chất nạo vét từ biển lên bờ (ở Thạch Khê đưa chất thải từ trên bờ xuống biển). Ngoài ra, tại khu vực Bình Thuận, ở trên bờ có rất nhiều cát sạch có thể sử dụng cho mục đích san lấp tạo mặt bằng với chi phí thấp hơn nhiều (chỉ bằng 10%) so với việc hút bùn cát từ đáy biển lên.
Về mặt kỹ thuật, việc nạo vét đáy biển được thực hiện chủ yếu bằng tàu hút bùn, kết hợp với xà lan mở đáy. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay, việc bơm các vật liệu nạo vét ngược từ dưới biển lên bờ để san lấp tạo mặt bằng chỉ có thể thực hiện được trong phạm vi bán kính 1-2km.
Hơn nữa, tại khu vực huyện Tuy Phong, nơi có nhu cầu nạo vét đáy biển, hiện không có nhu cầu san lấp ở trên bờ.
Phương án xây kè đổ thải chất nạo vét để lấn biển là không khả thi về kỹ thuật và kinh tế và môi trường, sinh thái vì các lý do như sau:
Các khu vực bờ biển hiện nay đang ở vị trí cân bằng và các yếu tố động lực (như sóng và dòng chảy biển) và vận chuyển bùn cát đang ở trạng thái duy trì cân bằng đó. Đối với các khu vực bờ biển đang bị xói lở, để bảo vệ bờ biển, chống xói lở người ta phải xác định cán cân bùn cát để có giải pháp can thiệp, bù thêm bùn cát nếu như bị thiếu hụt. Làm kè đổ cát lấn biển tại một khu vực như đề xuất của Bình Thuận sẽ làm thay đổi trường sóng, dòng chảy, ngăn chặn dòng vận chuyển cát và do vậy phá vỡ cân bằng hiện có. Ngoài ra, kè lấn biển còn phá vỡ khả năng tự bảo vệ tự nhiên của bờ biển. Các nghiên cứu cho thấy bãi cát tự nhiên như ở Bình Thuận có khả năng tiêu tán đến 90% năng lượng sóng, trong khi kè lấn biển chỉ tiêu tán được 10% đến 30% năng lượng sóng. Do vậy, công trình ven bờ biển thông thường (như kè) chỉ có thể bền vững nếu có bãi cát phía trước. Vì khu vực lấn biển không có bãi cát, sóng sẽ đánh trực tiếp vào kè và làm sập kè, để lại một vùng bờ biển hoang tàn và mang khoản đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng, xuống biển. Hơn nữa, do phá vỡ cán cân cát, công trình lấn biển sẽ gây xói lở ở các khu vực bờ biển cạnh đó. Kinh nghiệm xói lở tại Hội An cho thấy rằng, kè do các resort xây dựng không thể ngăn nổi sóng và một số resort bị xói lở, phá hoại tới mức thậm chí bị bỏ hoang; hoặc thực trạng sụt lở, xói mòn tại một số bãi biển ở phía Nam cũng chứng tỏ điều đó. Hơn nữa, lấn biển là phá hoại vĩnh viễn một vùng biển. Khác với nhận chìm, nếu là đáy cát, tại khu vực nhận chìm hệ sinh thái sẽ phục hồi khá nhanh sau khi việc nhận chìm hoàn thành.
Để bảo vệ bờ biển, lấn biển, cần phải thuận theo tự nhiên. Nhật Bản, Singapore có lấn biển nhưng họ thuận theo tự nhiên, dùng công trình để thay đổi trường sóng và đổ cát để nuôi bãi, tạo bãi để lấn biển. Lấn biển theo cách này vừa có bãi, vừa bảo vệ bờ, nhưng phải chấp nhận chi phí vô cùng tốn kém.
Mặt khác, thời gian qua, việc thải tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân theo thiết kế cũng đang gặp khó khăn về địa điểm (do phải đổ thải trên bờ). Trong tương lai, do không có vị trí thải tro - xỉ trên bờ phù hợp, các dự án nhiệt điện ở Vĩnh Tân sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ sẽ phải dừng sản xuất. (Trường hợp tương tự đang xảy ra đối với dự án Nhiệt điện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh).
7. Kết luận
Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm chất nạo vét đáy biển ra khu vực biển đã xác định ngoài khơi là hợp lý: Đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn; khả thi về mặt kỹ thuật và môi trường; hiệu quả về kinh tế và phù hợp với thực tế của địa phương. Cụ thể như sau:
Thứ nhất: Luật pháp quốc tế và Việt Nam cho phép nhận chìm chất nạo vét ở đáy biển ra biển. Trên thế giới, hầu hết chất nạo vét luồng và cảng biển được nhận chìm ở biển vừa vì lý do kỹ thuật, vừa vì lý do kinh tế.
Thứ hai: Về mặt kỹ thuật, việc nhận chìm thực chất chỉ là xê dịch lớp cát, đất bùn trên đáy biển ở khu vực này chồng lấp lên lớp cát, đất, bùn trên đáy biển ở khu vực khác.
Thứ ba: Trong quá trình nhận chìm: Chiều cao lớp bùn đáy biển ở khu vực nhận chìm chỉ tăng thêm khoảng 3,3m. Khu vực đổ thải này có độ sâu hơn 36m. Thực tế, chất nạo vét được chuyên chở và nhận chìm bằng xà lan mở đáy, và các công việc này chỉ được chủ đầu tư thực hiện trong thời gian sóng biển có chiều cao không quá 2m. Với trình tự nhận chìm, cường độ nhận chìm và thời gian, kỹ thuật nhận chìm hợp lý, việc nhận chìm sẽ không có ảnh hưởng đáng kể tới đa dạng sinh học biển tại khu vực nhận chìm. Việc nhận chìm chỉ được thực hiện trong điều kiện gió mùa Tây Nam; do vậy nước đục sẽ được vận chuyển lên phía Đông Bắc, ra xa và lắng đọng xuống đáy biển, không thể ảnh hưởng tới khu bảo tồn biển Hòn Cau và bãi cạn Breda.
Thứ tư: Nếu nhận chìm ở độ sâu như tại khu vực nhận chìm ở biển Bình Thuận, sau này sóng dài từ đại dương truyền vào sẽ dần mang lớp cát dưới đáy biển vào gần bờ để bồi đắp cho bờ bãi quốc gia. Do vậy, cát nhận chìm dưới đáy biển không mất đi mà vẫn là một phần của lãnh thổ quốc gia.
Thứ năm: Trong điều kiện cụ thể của cảng than Vĩnh Tân tại biển Bình Thuận, việc “nhận chìm” ngoài khơi là giải pháp không thể tránh khỏi (phù hợp với điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế cũng như ít thiệt hại về môi trường sinh thái nhất). Tuy nhiên, công việc tiếp theo cần lưu ý là quan trắc và giám sát để xử lý các vấn đề có thể phát sinh trong tổ chức thực hiện.
HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM