RSS Feed for Chủ tịch HĐTV TKV trả lời phỏng vấn Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 23:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chủ tịch HĐTV TKV trả lời phỏng vấn Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam

 - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một trong 3 tập đoàn kinh tế nhà nước, được Chính phủ giao trọng trách trụ cột trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Năm 2021 - năm thứ hai liên tục vừa chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh năm đầu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, mặc dù gặp nhiều khó khăn chồng chất, nhưng với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” và lao động sáng tạo của Thợ mỏ - Ngành than, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ cùng chính quyền địa phương các cấp trên cả nước, công nhân, cán bộ và người lao động của Tập đoàn đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Nhân dịp xuân Nhâm Dần, Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn về những vấn đề nêu trên, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
TKV vượt khó, hoàn thành thắng lợi mục tiêu năm 2021 TKV vượt khó, hoàn thành thắng lợi mục tiêu năm 2021

Năm 2021 được đánh giá là năm thành công nhất trong 5 năm gần đây của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) với kết quả hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch, sản xuất tăng trưởng bình quân từ 7 - 10% so với năm 2020.


Năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xảy ra năm thứ 2 liên tục một cách nặng nề trên phạm vi cả nước. Xin ông cho biết chỉ tiêu chủ yếu về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh nói chung, sản xuất than và sản xuất điện năm 2021 của Tập đoàn?

Ông Lê Minh Chuẩn: Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn. Do tiếp tục xuất hiện các đợt dịch COVID-19 với những biến chủng mới, kinh tế thế giới còn nhiều bất định và tăng trưởng không vững chắc; buộc chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt hơn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. TKV) có lực lượng lao động xấp xỉ 100 nghìn người, hoạt động tại hầu hết 63 tỉnh thành, trên vai gánh vác nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó là phải luôn đảm bảo sản xuất đủ than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện vận hành ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong bối cảnh đó, phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, đoàn kết trên dưới một lòng; TKV đã kịp thời ban hành các chủ trương, nghị quyết và giải pháp trong công tác phòng, chống dịch nhằm giữ ổn định nhịp độ sản xuất. Nhờ đó, năm 2021 được đánh giá là năm thành công nhất 10 năm gần đây của Tập đoàn. Một số kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ như sau:

Doanh thu ước đạt 128,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch năm; Lợi nhuận dự kiến đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với kế hoạch năm và bằng 113% so với năm 2020; Nộp ngân sách ước đạt 18,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với kế hoạch năm; Giá trị đầu tư ước đạt 10,2 nghìn tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch năm; Tiền lương bình quân ước đạt 12,9 triệu đồng/ng-th, bằng 100% kế hoạch và bằng năm 2020, giữ vững ổn định thu nhập cho người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh nặng nề. Các hệ số tài chính được cải thiện và nâng cao, an toàn tài chính được cải thiện hơn. Góp phần bình ổn giá điện do giảm chi phí mua than của các nhà máy nhiệt điện đốt than khoảng 2 ngàn tỷ đồng (giá bán than bình quân năm 2021 giảm so với năm 2020 khoảng 4%).

Than nguyên khai sản xuất ước đạt 39 triệu tấn, tăng 500 ngàn tấn so với kế hoạch năm và tăng 1% so với năm 2020. Than thương phẩm ước đạt 40,2 triệu tấn, tăng 5% so với kế hoạch tương ứng tăng 1,8 triệu tấn và bằng 107% so với năm 2020. Sản xuất điện ước đạt 10,5 tỷ kWh, tăng 5% so với kế hoạch năm và đạt mức cao nhất trong 10 năm qua.

Trong năm 2021, Tập đoàn đã có những giải pháp gì đối phó, khắc phục đại dịch Covid-19 và những khó khăn về kinh tế - xã hội để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch đề ra, thưa ông?

Ông Lê Minh Chuẩn: Trước hết phải kể đến giải pháp then chốt và xuyên suốt của toàn Tập đoàn, đó là:

Thứ nhất: Tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19; chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế; quyết liệt hành động, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo phương châm nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh, kịp thời với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động là trên hết.

Thứ hai: Bám sát diễn biến thị trường tiêu thụ than, khoáng sản trong và ngoài nước, để từ đó có các giải pháp điều hành thích ứng linh hoạt, giữ vững ổn định sản xuất, giữ vững thị trường.

Thứ ba: Tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho các các đơn vị thành viên gặp khó khăn, hộ trợ tối đa cho người lao động.

Thứ tư: Khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và ổn định, an toàn SXKD, không ngừng nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người lao động; triển khai mạnh mẽ tiêm chủng vắc-xin kịp thời.

Thứ năm: Tăng cường ngoại giao, tìm kiếm mở rộng thêm các bạn hàng trong và ngoài nước. Không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa để có thể đáp ứng tối đa các nhu cầu của bạn hàng, theo đó tạo niềm tin sâu rộng và toàn diện của họ đối với Tập đoàn.

Xin ông cho biết các bài học kinh nghiệm về quản trị sản xuất - kinh doanh của TKV rút ra trong năm 2021 vừa qua?

Ông Lê Minh Chuẩn: Những bài học kinh nghiệm của TKV về quản trị sản xuất, kinh doanh trong năm 2021 gồm có:

Một là: Kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị để triển khai nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương về thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, kiên trì mục tiêu thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh và giảm giá thành sản phẩm.

Hai là: Không ngừng triển khai công nghệ mới, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, xây dựng cải tạo các mỏ than, các mỏ khoáng sản theo hướng “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao” để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Ba là: Kịp thời điều chỉnh phương án kinh doanh phù hợp với diễn biến của thị trường, chủ động trong sản xuất, kinh doanh giúp ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.

Bốn là: Thường xuyên đổi mới công tác quản lý, đặc biệt là từng bước chuyển đổi để tiến tới quản lý số hoá áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành doanh nghiệp .

Năm là: Bám sát các bộ, ngành để báo cáo, đề xuất biện pháp giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động SXKD, đặc biệt là công tác quy hoạch phát triển ngành than, khoáng sản.

Năm 2022, được dự báo là năm kinh tế phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, vậy xin ông cho biết các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu cùng các giải pháp thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn?

Ông Lê Minh Chuẩn: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn và dự báo là năm kinh tế phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, theo đó TKV đã cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, điều hành, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp như sau:

Quan điểm chỉ đạo, điều hành:

(1) Bám sát quan điểm phát triển theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phát huy sức mạnh tập thể; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là chính, ngoại lực là cần thiết, quan trọng.

(2) Đặt sức khỏe, tính mạng của người lao động lên trên hết, trước hết; từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

(3) Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa giữ vững ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động; bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, thông suốt, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành.

(4) Bảo đảm ổn định chính trị nội bộ, tăng cường hợp tác, phối hợp với các địa phương đảm bảo sự phát triển hài hoà trên địa bàn; đặc biệt là phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quản lý ranh giới mỏ, quản lý khai thác, vận chuyển và kinh doanh than, khoáng sản. Sử dụng các sản phẩm dịch vụ của địa phương nơi Tập đoàn hoạt động SXKD trên nguyên tắc chất lượng, tiến độ và giá cả cạnh tranh.

Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu:

(1) Mục tiêu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tốt sức khỏe, tính mạng của người lao động, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho đơn vị thành viên không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết nối thông tin, tự động hóa sản xuất; đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường.

(2) Chỉ tiêu chủ yếu: Doanh thu 131,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 2% so năm 2021; Lợi nhuận 3,5 nghìn tỷ đồng, bằng 100% so với năm 2021; Nộp ngân sách nhà nước 18,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98% năm 2021; Giá trị đầu tư năm 2022 là 9.628 tỷ đồng.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

(1) Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh.

(2) Triển khai nghiên cứu phương án phát triển logistics, khai thác chuỗi giá trị gia tăng sau khai thác mỏ hướng đến việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển Tập đoàn bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, giảm thiểu carbon, vững mạnh và cạnh tranh hơn.

(3) Tăng cường nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo lộ trình phù hợp. Có cơ chế khuyến khích các đơn vị đầu tư nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

(4) Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong đào tạo; đa dạng hóa hình thức tổ chức giảng dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

(5) Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

(6) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ các cơ chế quản lý, điều hành.

(7) Triển khai đồng bộ, có hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần củng cố vị thế, uy tín của TKV trên trường quốc tế.

(8) Đẩy mạnh thông tin truyền thông, kết nối quảng bá thương hiệu của TKV, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá hình ảnh Người thợ mỏ - Người chiến sỹ, theo đó tạo niềm tin và uy tín sâu rộng trong cộng đồng.

Để đảm bảo cung cấp than đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế, nhất là đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện trong những năm tới theo Quy hoạch điện VIII, theo ông ngành than phải tập trung giải quyết những vấn đề gì đối với khai thác than trong nước và đối với nhập khẩu than? Tập đoàn có các kiến nghị Chính phủ giải quyết những khó khăn, vướng mắc gì và cần có các chính sách khuyến khích gì, thưa ông?

Ông Lê Minh Chuẩn: Để đảm bảo được sản lượng than cung cấp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế, nhất là đáp ứng nhu cầu than cho phát điện thì TKV cần phải tập trung giải quyết hai vấn đề trọng yếu và mang tính chiến lược dài hạn như sau:

Giải pháp đảm bảo sản lượng than khai thác trong nước:

Việc khai thác than trong nước thực hiện theo định hướng và các giải pháp như sau:

Đẩy mạnh đầu tư thăm dò một cách hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn và nâng cao mức độ tin cậy của công tác thăm dò nhằm thực hiện mục tiêu nắm chắc tài nguyên, đảm bảo đủ trữ lượng than tin cậy cho việc khai thác theo QH, nhất là tại Bể than Đông Bắc.

Tập trung phát triển các mỏ hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao”. Liên thông các mỏ hầm lò có cùng điều kiện khoáng sàng thành các mỏ có công suất lớn trên 2,0 triệu tấn/năm. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới công nghệ khai thác theo hướng tiên tiến hiện đại gắn liền với cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa; thực hiện đồng bộ các giải pháp với mục tiêu đảm bảo an toàn, tăng năng suất lao động và giảm chi phí.

Phát triển mở rộng các mỏ lộ thiên hiện có theo hướng nâng cao hệ số bóc giới hạn, phù hợp với điều kiện kỹ thuật và giá bán than; nâng cao tối đa năng lực khai thác phù hợp với quy hoạch đổ thải, vận tải, thoát nước và bảo vệ cảnh quan môi trường. Tiếp tục đổi mới đồng bộ và hiện đại hóa thiết bị dây chuyền khai thác, vận tải theo hướng đưa vào sử dụng các thiết bị cơ động công suất lớn, các hệ thống vận tải liên tục phù hợp với điều kiện và quy mô của từng mỏ.

Khai thác tận thu tối đa nguồn tài nguyên than, bao gồm cả phần tài nguyên tại các khu vực trụ bảo vệ các công trình hầm lò, phần tài nguyên còn lại sau khi đã khai thác hầm lò...

Tăng cường băng tải hóa trong vận tải than tiến tới chấm dứt vận tải ô tô trong hệ thống vận tải ngoài tại tất cả các vùng than để giảm thiểu phát thải bụi, khí thải, tiếng ồn, nâng cao năng suất, giảm tai nạn và chi phí.

Tăng cường đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có chính sách, biện pháp thích đáng thu hút công nhân hầm lò, đồng thời đảm bảo an toàn lao động với mục tiêu “tai nạn bằng không”.

Tăng cường hợp lý hóa sản xuất và công tác quản trị chi phí để giảm tiêu hao vật tư, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí và hạ giá thành than.

Tăng cường sự hợp tác chặt chẽ, bền vững, hiệu quả giữa các doanh nghiệp SXKD than, các đơn vị phụ trợ và các hộ sử dụng than, nhất là các NMNĐ than để đảm bảo quá trình sản xuất - tiêu thụ - sử dụng than diễn ra liên tục, ổn định.

Có giải pháp huy động tối đa các nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư để góp phần thúc đẩy tiến độ thi công và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư khai thác than. Đồng thời tăng cường hội nhập và mở rộng hợp tác với các đối tác có tiềm lực mạnh ở nước ngoài.

Chủ động bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển của ngành than thân thiện với môi trường, với mục tiêu đưa ngành than trở thành ngành kinh tế xanh, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua các giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Cân đối định hướng nhập khẩu than phù hợp với năng lực sản xuất trong nước và thích ứng linh hoạt với nhu cầu của thị trường:

Mục tiêu lớn nhất của nhập khẩu than cho sản xuất điện là đảm bảo được nguồn cung ổn định trong dài hạn với giá cạnh tranh trên cơ sở. Đa dạng hoá nguồn cung; Đầu tư chiếm lĩnh thị trường đảm bảo thị phần chắc chắn, ổn định; Áp dụng phương thức mua và định giá than phù hợp.

Tăng cường thương thảo, hợp tác với các đối tác ở In-đô-nê-xi-a, Úc, Nga, U-krai-na, Nam Phi… để nhập khẩu than cho Việt Nam đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu trong nước.

Về hệ thống hạ tầng logistics phục vụ xuất, nhập khẩu than: Để phù hợp yêu cầu phát triển trong thời gian tới cần thiết phải tiếp tục đầu tư xây dựng các cảng, bến bãi rót, pha trộn và vận chuyển than tại các vùng: Đông Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và các vùng khác.

Một số kiến nghị Chính phủ giải quyết những khó khăn, vướng mắc:

Về cơ chế, chính sách khai thác than trong nước:

Đi đôi với nâng cao chất lượng quy hoạch cần ưu tiên thực hiện Quy hoạch ngành than. Các quy hoạch khác không được chồng lấn, hoặc gây cản trở việc thực hiện Quy hoạch ngành than nhằm tạo điều kiện triển khai kịp thời các hoạt động thăm dò, khai thác phần tài nguyên, trữ lượng than đang bị vướng các quy hoạch địa phương.

Khôi phục việc dự trữ than quốc gia để kịp thời đối phó với những rủi ro gián đoạn nguồn cung trong việc nhập khẩu do các biến động thị trường và phi thị trường, cũng như những biến động cực đoan của thời tiết. Đối với ý kiến cho rằng: Trước đây đã từng thiết lập dự trữ than quốc gia nhưng đã bãi bỏ, song đó là điều xảy ra khi nước ta là nước xuất khẩu than ròng không bao giờ thiếu than, còn nay đã là nước nhập khẩu than ròng với mức độ ngày càng cao, theo đó rủi ro cao về gián đoạn nguồn cung do mọi nguyên nhân.

Có chính sách thích đáng, kịp thời khuyến khích nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến, sử dụng than. Đặc biệt, hỗ trợ điều tra, đánh giá tài nguyên, trữ lượng và nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ khai thác tại Bể than Đồng bằng sông Hồng và dưới mức -500 m Bể than Đông Bắc để đảm bảo yêu cầu cho công tác thăm dò, phát triển các dự án khai thác theo Quy hoạch.

Sửa đổi Điểm c Khoản 2 Điều 53 của Luật Khoáng sản 60/2010/QH12 về điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo hướng giảm dần tỉ lệ vốn đối ứng của chủ sở hữu/chủ đầu tư theo quy mô công suất tăng dần của các dự án đầu tư theo trình tự: 30%; 25%; 20% và 15%.

Hiện nay, khai thác than chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong nước nên Nhà nước gộp thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác; đồng thời giảm thuế tài nguyên xuống mức ngang bằng các nước trong khu vực để góp phần hạ giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của than nội địa.

Giá bán than khai thác trong nước đảm bảo bù đắp chi phí và có lãi ở mức hợp lý được xác định trên cơ sở khai thác tận thu tối đa nguồn tài nguyên than, nâng cao tính tự chủ, giảm thiệt hại do rủi ro gián đoạn nguồn cung và hiệu quả kinh tế - xã hội.

Về cơ chế, chính sách nhập khẩu và đầu tư khai thác than ở nước ngoài:

Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, giải pháp đồng bộ nhập khẩu than và đầu tư khai thác than ở nước ngoài. Đảm bảo hài hòa giữa các chính sách ngoại giao năng lượng, thương mại, đầu tư, tài chính và hợp tác với các nước và các tổ chức khai thác, xuất khẩu than.

Cho phép các đơn vị nhập khẩu than được đàm phán giá mua bán than theo thông lệ quốc tế (đa dạng hóa loại hình và kỳ hạn hợp đồng; tăng cường sử dụng loại hợp đồng giá thả nổi gắn liền với chỉ số giá giao ngay; ký hợp đồng bảo hiểm rủi ro với các định chế tài chính để cho phép lựa chọn giá thả nổi cố định bất kỳ khi nào muốn). Cùng với đó là cho phép ký các cam kết dài hạn với các nhà cung cấp than lớn trên thế giới có uy tín để nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện than trong nước đảm bảo ổn định dài hạn với giá cả hợp lý.

Hỗ trợ xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, hệ thống logistics phục vụ nhập khẩu than. Cho phép nghiên cứu xây dựng các trung tâm quản lý than cho mỗi cụm các NMNĐ than (3 - 5 nhà máy) với mục đích quản lý giao nhận, phối trộn và điều hành chuổi cung ứng tập trung cho các NMNĐ than trong cụm.

Về chính sách sử dụng than:

Có chính sách khuyến khích các hộ tiêu dùng than trong nước đầu tư công nghệ mới để nâng cao hiệu quả sử dụng than.

Có chính sách sử dụng tiết kiệm than, tận thu nguồn than chất lượng thấp đưa vào sử dụng, hoặc chuyển sang sử dụng loại than chất lượng thấp hơn.

Cho phép xuất khẩu các chủng loại than chất lượng cao mà trong nước không có nhu cầu hoặc có nhu cầu ít, phù hợp thị trường nước ngoài do doanh nghiệp tự quyết định sau khi ưu tiên cung ứng than cho thị trường trong nước và đảm bảo hiệu quả kinh tế trong việc xuất - nhập khẩu than trên phạm vi nền kinh tế.

Thay thế quy định của Luật thuế BVMT đánh thuế BVMT vào than bằng quy định đánh thuế trực tiếp vào mức độ phát thải khí CO2 theo thực tế của các hộ sử dụng than.

Xây dựng và phát triển thị trường than trong nước được vận hành có sự quản lý chặt chẽ, hợp lý của Nhà nước gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững ngành than.

Vâng, xin cảm ơn ông!

CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động