RSS Feed for Bàn giải pháp đa dạng hóa đầu tư lưới truyền tải điện ở Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 03/01/2025 10:08
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bàn giải pháp đa dạng hóa đầu tư lưới truyền tải điện ở Việt Nam

 - Sáng ngày 3/12/2020, tại Hà Nội, Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội thảo khoa học về: “Những vấn đề về đấu nối các dự án nguồn điện và cơ chế, chính sách đa dạng hóa đầu tư lưới điện truyền tải ở Việt Nam”.


Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực cho biết: Trong 20 năm qua, ngành điện đã có sự phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu điện cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, công suất hệ thống điện đã đạt khoảng 58.000 MW, với 3 đường trục truyền tải 500 kV từ Bắc - Nam, điện lưới quốc gia đã tới được 100% số xã, 99.26% số hộ dân nông thôn. Sản lượng điện thương phẩm trên đầu người năm 2019 đã đạt gần 2.500 kWh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế với tốc độ cao trong những thập kỷ qua.

Trong sự phát triển của ngành điện, đặc biệt là việc phát triển nguồn điện những năm vừa qua, ngoài vai trò nòng cốt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), của các tập đoàn kinh tế nhà nước, còn có sự đóng góp tích cực của khu vực tư nhân trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực.

Hiện nay, trong cơ cấu nguồn điện của cả nước, tỷ trọng công suất các nhà máy điện do khối tư nhân đầu tư (IPP và BOT) đã chiếm 34,4%. Trong số này, chỉ tính trong 2 năm vừa qua (đến tháng 10/2020), số lượng các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo do tư nhân đầu tư vào vận hành, gồm 11 nhà máy điện gió (công suất 494 MW) và 106 nhà máy điện mặt trời (công suất 5.853 MW). Đây là thông điệp rõ ràng về chủ chương đúng đắn của Nhà nước trong huy động nguồn lực xã hội trong đa dạng hóa đầu tư nguồn điện.

Tuy nhiên, việc tham gia của các dự án điện theo IPP, BOT trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề lớn cần giải quyết trong thời gian tới, trong đó có vấn đề về sự đồng bộ giữa đầu tư nguồn và lưới truyền tải.

Theo các quy định hiện nay, lưới truyền tải điện thuộc độc quyền tự nhiên của nhà nước. Toàn bộ lưới truyền tải theo quy hoạch điện quốc gia được giao cho EVN đầu tư. Trên thực tế vừa qua, hầu hết các đoạn đường dây đấu nối các nhà máy điện IPP đến lưới điện quốc gia đều do nhà đầu tư nguồn điện xây dựng. Tuy nhiên, nhiều trục truyền tải do EVN quản lý vận hành bị quá tải, hoặc không kịp đầu tư, làm ảnh hưởng đến giải tỏa công suất các nhà máy điện, nhất là của các nguồn điện mặt trời, điện gió. Với tình huống này, gần đây một số nhà đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép tự đầu tư một số đường truyền tải điện 500 kV vào hệ thống điện quốc gia (như đấu nối 500 kV điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam - Vĩnh Tân; 500 kV điện mặt trời Éasup - Pleiku và một số đấu nối 220 kV khác).

Theo thống kê, đến nay, các dự án IPP đã được bổ sung vào Quy hoạch điện quốc gia và Quy hoạch điện các tỉnh có tiến độ vận hành trước năm 2021, gồm 187 dự án điện gió (công suất 11.419 MW), 135 dự án điện mặt trời (công suất 13.617 MW). Ngoài ra, còn khoảng 320 dự án điện mặt trời với công suất 34.000 MW và 300 dự án điện gió với công suất khoảng 74.000 MW đang được các nhà đầu tư và các địa phương đề xuất bổ sung Quy hoạch trước năm 2021-2023.

Về điện khí LNG, đến nay có 11 dự án nhà máy điện khí LNG đã được bổ sung quy hoạch (tổng công suất 16.100 - 16.400 MW).

Vì vậy, việc đấu nối các nguồn điện này vào lưới điện quốc gia và nâng cấp bổ sung lưới truyền tải để giải tỏa công suất các nhà máy này là một thách thức không nhỏ đối với ngành điện.

Cũng theo ông Hoàng Trọng Hiếu, hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn chỉnh việc xây dựng Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8). Sơ bộ, để đáp ứng nhu cầu điện trong 10 năm (đến năm 2030), trung bình mỗi năm cần đưa vào vận hành từ 7.500 - 8.000 MW công suất nguồn điện các loại; về lưới truyền tải cần đưa vào vận hành 1.200 km ĐZ 500 kV (trung bình hiện nay 400 km/năm), 2.000 km ĐZ 220 kV (trung bình hiện nay 1.048 km/năm), 8.000 MVA công suất TBA 500 kV (hiện nay là 2.800 MVA/năm) và 8.400 MVA công suất TBA 220 kV (hiện nay là 5.800 MVA/năm). Tổng vốn đầu tư trung bình mỗi năm trên 13 tỷ USD/năm; tỷ lệ cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 72/28.

Như vậy, đầu tư lưới truyền tải 500 - 220 kV giai đoạn 2021 - 2030 sẽ là thách thức rất lớn cho ngành điện, khối lượng đầu tư trung bình hàng năm cao gấp khoảng 2 lần so với hiện nay.

“Với chủ trương phát triển thị trường điện cạnh tranh với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực trong xã hội trong khi Chính phủ chủ trương giảm tối đa các cam kết, bảo lãnh của nhà nước vào phát triển các dự án nguồn điện và nghiên cứu khả năng đa dạng hóa đầu tư lưới điện như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã nêu, việc xây dựng khuôn khổ pháp lý đầy đủ, toàn diện để thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và từng phạm vi của lưới điện truyền tải nói riêng là rất cần thiết” - Ông Hoàng Trọng Hiếu khẳng định.

Tiếp đó, tại hội thảo, các nhà đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước như EVN, PVN và các nhà đầu tư tư nhân (ngoài EVN) cũng như các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện, nhiệt điện khí, điện than, điện sinh khối… đã trình bày, trao đổi về hiện trạng và nhu cầu phát triển hạ tầng lưới điện, khả năng tham gia đầu tư lưới điện nói chung, cũng như lưới truyền tải điện nói riêng, nhằm chia sẻ gánh nặng ngân sách nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án, công trình nguồn điện của mình (hoặc một cụm nguồn điện do nhiều nhà đầu tư) tham gia vào hệ thống cung cấp điện chung của quốc gia, với quy mô và vai trò ngày càng lớn hơn.

Đồng thời, các nhà đầu tư cũng trình bày những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất bổ sung, điều chỉnh các nội dung về khung pháp lý, cơ chế, chính sách, quy định về kinh tế - kỹ thuật - tài chính trong việc tham gia phát triển các dự án lưới truyền tải, đấu nối các nguồn điện ngoài EVN (bao gồm các dự án thuộc doanh nghiệp nhà nước và tư nhân) vào hệ thống hạ tầng chung, phù hợp với định hướng Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo nhấn mạnh: Để hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, Bộ Công Thương, cũng như các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương cập nhật tình hình thực tế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các văn bản hướng dẫn, đề xuất, tham mưu với cấp thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các dự án nguồn điện IPP.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư lưới điện đấu nối tại các dự án nguồn điện và đa dạng hóa đầu tư lưới truyền tải điện hiện nay còn rất nhiều rào cản và bất cập. Do vậy, trong thời gian tới đây, Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, Bộ Công Thương sẽ có các ý kiến với cấp thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh khung pháp lý và các quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian sắp tới. Cụ thể là:

Thứ nhất: Về lưới đấu nối nguồn điện vào hệ thống truyền tải:

Về phạm vi đầu tư: Cơ bản thống nhất kiến nghị việc các nhà đầu tư tư nhân đầu tư nguồn điện IPP có thể tham gia làm chủ đầu tư các thành phần dự án lưới điện đấu nối nguồn điện như là một thành phần của dự án nguồn điện (không phân biệt cấp điện áp đấu nối) và thực hiện theo thỏa thuận đấu nối giữa nhà đầu tư và EVN/EVNNPT.

Về thu hồi vốn đầu tư của lưới đấu nối: Đối với các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo hưởng giá FIT: Việc đầu tư lưới điên truyền tải từ nguồn điện đến “hệ thống truyền tải điện quốc gia” thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư. Nhà đầu tư nguồn điện phải cân đối hiệu quả đầu tư trong việc lựa chọn vị trí đầu tư (liên quan đến khoảng cách đầu nối với hệ thống truyền tải) và mức giá FIT được Chính phủ quy định.

Đối với các dự án nguồn điện khác: Lưới điện truyền tải từ nguồn điện đến hệ thống truyền tải được coi như một thành phần của dự án nguồn điện, nằm trong chi phí đầu tư nguồn điện và được tính toán vào giá PPA theo các cơ chế đàm phán về giá điện được Chính phủ quy định. Trong trường hợp lưới đấu nối phục vụ cho một cụm nhà máy, việc chia sẻ chi phí đầu tư cơ bản tính theo nguyên tắc tỷ lệ của công suất đặt tương ứng với cùng một loại hình nguồn điện. Còn về lâu dài, Bộ Công Thương cần xem xét xây dựng giá đấu nối để phù hợp với tính minh bạch của thị trường điện và rõ ràng cho việc thu hồi vốn, hoặc tính toán hiệu quả đầu tư.

Về quản lý vận hành: Nhà đầu tư nguồn điện quản lý vận hành nhà máy điện và phải đảm nhiệm công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư, đủ năng lực để tự quản lý vận hành, hoặc thuê vận hành. Cần xem xét việc thống nhất quy định nội dung bàn giao vận hành của lưới đấu nối của nhà đầu tư với EVNNPT trong trường hợp lưới đấu nối phục vụ cho cụm các dự án nguồn, hoặc sau này trở thành luới truyền tải liên vùng, hoặc lưới truyền tải cung cấp điện phụ tải.

Thứ hai: Về lưới truyền tải trục chính, liên vùng, phục vụ cung cấp điện:

Trong giai đoạn trung hạn, Nhà nước vẫn độc quyền, giao cho EVNNPT chịu trách nhiệm đầu tư. Nhưng về lâu dài, trong các giai đoạn dài hạn sẽ xem xét thí điểm việc tham gia dần của các nhà đầu tư tư nhân trên cơ sở đã xây dựng giá đấu nối và giá sử dụng truyền tải.

Thứ ba: Về những vấn đề pháp lý:

Một là: Kiến nghị tổ chức xây dựng sửa đổi Luật Điện lực và các văn bản pháp luật về làm rõ nội dung “nhà nước độc quyền truyền tải điện”, theo hướng phân định nhà nước trách nhiệm đầu tư xây dựng các dự án truyền tải trục chính, liên vùng và lưới điện truyền tải phục vụ cung cấp điện (gọi chung là lưới truyền tải điện quốc gia). Đa dạng hóa đầu tư với lưới truyền tải đấu nối (không phân biệt cấp điện áp) các dự án nguồn vào hệ thống truyền tải quốc gia. Đồng thời bổ sung quy định về giá truyền tải và giá phân phối điện trong Luật Điện lực.

Hai là: Kiến nghị giao Bộ Công Thương tổ chức xây dựng sửa đổi quy định về giá truyền tải, theo cấu trúc có giá đấu nối và giá sử dụng hệ thống truyền tải, đồng thời tổ chức xây dựng giá phân phối điện.

Ba là: Về công tác quy hoạch, yêu cầu lưới đấu nối giải tỏa công suất cần được quy hoạch đồng bộ với dự án nguồn (không tách rời quy hoạch). Việc quy hoạch các dự án nguồn và lưới đấu nối cần tổng thể theo cụm, không tách rời, hoặc thiếu đồng bộ.

Ngoài ra, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo cũng đề nghị “khơi thông” một số nội dung như:

- Rà soát các quy định pháp luật liên quan đến công tác đầu tư, xây dựng, quy hoạch, quản lý đất đai, đấu thầu... từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung những vần đề còn chồng chéo, chưa thống nhất. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu, hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện những quy định mới của pháp luật, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đúng pháp luật cho các nhà đầu tư.

- Các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, giảm thiểu tác hại tới môi trường cũng cần sớm được nghiên cứu, ban hành.

- Các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng.

- Các chủ đầu tư cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu để nắm rõ quy định pháp luật liên quan đến công tác đầu tư, xây dựng và pháp luật về đất đai. Phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn thuộc các bộ, ngành và địa phương để chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, chất lượng, tránh ảnh hưởng tiến độ các dự án. Mặt khác, đảm bảo đủ năng lực tài chính, năng lực về nhân sự thực hiện dự án; thực hiện tốt công tác thi công, xây lắp, đảm bảo chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường và hiệu quả của dự án.

“Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến đóng góp, các đề xuất kiến nghị của các nhà đầu tư và các nhà quản lý trong Hội thảo để đề xuất báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương đưa ra các giải pháp tốt nhất, nhanh nhất đáp ứng nhu cầu thực tế, tháo gỡ các khó khăn cho các dự án truyền tải và lưới điện đấu nối nguồn điện vào hệ thống truyền tải quốc gia” - Ông Nguyễn Tuấn Anh kết luận.

Một số hình ảnh tham luận, thảo luận tại hội thảo:

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề xuất tháo gỡ những vướng mắc trong bàn giao tài sản Sân phân phối 500 kV Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Nhiệt điện Sông Hậu 1.

Ông Trần Hồng Phương - Trưởng phòng giá điện và phí - Cục Điều tiết Điện lực trình bày tổng quan một số kinh nghiệm quốc tế điển hình về cơ chế giá truyền tải điện, phân phối điện và quy định hiện hành của Việt Nam.

Ông Mạc Quang Huy - Thành viên HĐQT Tập đoàn Trường Thành Việt Nam trình bày tham luận về việc cần “xoá bỏ mọi rào cản để thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng” và bước đi cụ thể của Bộ Công Thương theo hướng nghiên cứu “xây dựng cơ chế huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế - xã hội để đầu tư phát triển lưới điện truyền tải”.

Ông Nguyễn Ngọc Tân - Thành viên HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia trình bày về một số các nội dung liên quan đến các quy định về đầu tư, về yêu cầu kỹ thuật lưới điện truyền tải điện, quy định đấu nối lên hệ thống truyền tải điện quốc gia; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và quản lý vận hanh lưới điện truyền tải trong thời gian qua cũng như một số đề xuất, kiến nghị để xử lý những khó khăn, bất cập. Qua đó có thể phát huy được tốt nhất các nguồn lực của đất nước trong việc đầu tư phát triển lưới điện truyền tải theo đúng chủ trương và định hướng của Đảng và Chính phủ. 

Tập đoàn Trung Nam giới thiệu dự án Trạm biến áp 500 kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW, tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Tập đoàn Enterprize Energy giới thiệu về dự án điện gió lớn nhất thế giới tại Việt Nam - Thăng Long Wind - được đề xuất đầu tư trên biển Kê Gà (Hàm Thuận Nam - tỉnh Ninh Thuận) với công suất đề xuất 3.400 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 12 tỷ đô la. 

Ông Phạm Đăng Thành - Sở Công Thương Ninh Thuận đề xuất tháo gỡ các vướng mắc cụ thể tại các dự án lưới truyền tải đấu nối ở Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Tùng Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu Phát triển CADIVI. 

Ông Kim Jong Pil - Tổng giám đốc Công ty LS VINA Cable & System Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Vinh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vân Phong thảo luận và phản biện tại hội thảo. 

NHÓM PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động