40 năm thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro
20:28 | 04/06/2021
Vietsovpetro và những dấu ấn trong 40 năm xây dựng, phát triển
Liên doanh dầu khí của Việt Nam tại Nga ‘hoạt động ổn định’
Sau khi Chính phủ Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp định về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam (ngày 3-7-1980), Hiệp định Liên Chính phủ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô (ngày 19-6-1981), ngày 19-11-1981, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu ký Quyết định số 136/HĐBT cho phép Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô chính thức khai thác trên thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Lúc mới thành lập, biên chế của Xí nghiệp Liên doanh có 168 người, trong đó 58 người là công dân Việt Nam và 110 người là chuyên gia và công nhân Liên Xô. Ban Tổng Giám đốc đầu tiên (giai đoạn 1981-1984) gồm Tổng Giám đốc Đ.G. Mamedov, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Nguyễn Hòa, các Phó Tổng Giám đốc Ngô Thường San (phụ trách địa chất), E.X. Xaturov (phụ trách cung ứng vật tư), Nguyễn Đình Vũ (phụ trách xây dựng cơ bản), V.M. Trerniak (phụ trách kinh tế), V.Ph. Laptev (phụ trách thương mại), M.I. Zverev (phụ trách công tác cán bộ), Nguyễn Ngọc Sớm (phụ trách nội chính). Lãnh đạo Phía Việt Nam trong Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ký bổ nhiệm.
Tính đến năm 2010, quá trình phát triển của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được chia ra hai giai đoạn. Giai đoạn I từ năm 1981 đến hết năm 1990 và giai đoạn II từ năm 1991 đến năm 2010. Sở dĩ chia như vậy là vì từ ngày 1-1-1991, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro hoạt động theo Hiệp định Liên Chính phủ về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí trong khuôn khổ Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đến năm 2010 ký ngày 16-7-1991, trong đó có nội dung sửa đổi, thay thế Hiệp định ngày 19-6-1981. Hiệp định này hết hiệu lực vào ngày 31-12-2010.
Có một sự kiện cũng cần nhắc đến trong giai đoạn sơ khai này, đó là phương án đầu tư khai thác sớm mỏ Bạch Hổ… được xây dựng trên tài liệu của Mobil khoan giếng BH-1X và kết quả khảo sát địa chấn do Tổng công ty Dầu khí Việt Nam thuê Công ty Geco (Nauy) thu nổ năm 1978. Có quá rủi ro và phiêu lưu với các cơ sở thăm dò quá nghèo nàn này không?...
Có lẽ nên bắt đầu từ bối cảnh của Hiệp định về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam (ký ngày 3-7-1980). Nhiều người cho điểm xuất phát của Hiệp định là từ mệnh lệnh trái tim, hay nói cách khác từ tình hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Liên Xô, từ nhiệm vụ chính trị với quyết tâm sớm xây dựng cho Việt Nam một ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh từ khai thác đến lọc dầu, để Việt Nam tự giải quyết vấn đề năng lượng của mình.
Tư tưởng này được thể hiện trong sự chỉ đạo của Bộ Công nghiệp Khí (Liên Xô) và cũng với quan điểm đó “Báo cáo kinh tế - kỹ thuật về phát triển và khai thác thử công nghiệp mỏ Bạch Hổ” được hình thành trên cơ sở nghiên cứu và đánh giá lại các tài liệu có được lúc đó là tài liệu địa chấn Geco mạng 1km x 1km năm 1978 và tài liệu giếng khoan mỏ Bạch Hổ-1X (BH-1X) của công ty Mobil khoan năm 1975, với nội dung cơ bản là sẽ tiến hành khai thác sớm mỏ Bạch Hổ bằng hai giàn khai thác cố định MSP-1, MSP-2 và 6 giếng thăm dò thẩm lượng BH-1, 2, 3, 4, 5, 6, trong đó có hai giếng BH-1, 2 sẽ được khoan từ giàn cố định MSP-1, 2, sau đó chuyển sang khai thác. Dầu sẽ được chuyển bằng đường ống đến khu xử lý dầu thô KPN ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu…
Có thể nhiều người sẽ thắc mắc có quá phiêu lưu và duy ý chí đến khó hiểu nếu chỉ dựa vào tài liệu địa chấn và một giếng khoan thăm dò của Mobil mà đã đầu tư xây dựng khu căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ, khu nhà ở 5 tầng và quan trọng hơn là xúc tiến xây ngay 2 giàn MSP, là quá rủi ro chăng?
Đúng thế, câu hỏi này luôn ám ảnh lãnh đạo của Vietsovpetro nhiều năm và gay gắt nhất vào năm 1987-1988, cho đến tháng 9-1988 khi khai thác được tấn dầu công nghiệp đầu tiên từ tầng móng mỏ Bạch Hổ. Giả thiết nếu không gặp dầu trong móng thì từ câu hỏi trên sẽ là đầu đề của một “xì căng đan” lớn dầu khí, một bài học kinh nghiệm quá đắt trong lịch sử dầu khí Việt Nam, khi một đất nước đang dè sẻn từng hạt gạo phải dốc hết sức để hy vọng đổi lấy dầu nay trở thành ảo vọng! Tại sao không thuê khoan một giếng tìm kiếm trước để kiểm tra lại số liệu của Mobil?
Những câu hỏi như thế không phải các chuyên gia Liên Xô lúc bấy giờ không biết đến và không đề cập. Làm việc với cán bộ Việt Nam, ông O.O. Seremeta (Trưởng tổ chuyên viên kỹ thuật) thẳng thắn hỏi và đồng thời cũng để trả lời: “Thế các anh có muốn Việt Nam sớm có dầu không? Các anh thử chỉ cho xem ở Việt Nam còn cấu tạo nào triển vọng hơn Bạch Hổ để phía Liên Xô có thể đầu tư khai thác sớm? Hai nước chúng ta không có ngoại tệ để thuê giàn di động đến khoan, Liên Xô hiện đang đóng một giàn khoan di động để khoan cho cả đề án Việt Nam và Xakhalin. Chúng ta không thể chờ đến khi có giàn, vì theo kế hoạch giữa năm 1983 mới đóng xong và cũng không thể chờ khoan xong giếng tìm kiếm rồi mới kiểm tra lại tài liệu Mobil để đến lúc đó mới triển khai xây dựng các cơ sở khai thác! Việt Nam sớm phải có dầu vẫn là mục tiêu thôi thúc đoàn công tác Liên Xô. Nhưng nếu không có dầu, thì cũng có khu nhà ở 5 tầng, một khu cảng cho Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và nếu rủi ro thì chỉ ở 2 giàn MSP”.
Phía Liên Xô thường nhắc đến lịch sử xây dựng khu “Neftianư Kamni” - đó là công trình xây dựng sau Cách mạng Tháng Mười Nga, trong hoàn cảnh rất khó khăn và còn rủi ro hơn Bạch Hổ hiện nay, khi chưa có một tài liệu địa chấn tin tưởng nào ở biển Caspien mà còn mang đá ra đổ ngoài biển để xây dựng “Neftianư Kamni”. Nhưng nay “Neftianư Kamni” trở thành thành phố dầu lửa giữa biển ở Adécbaigian. Bạn rất tự tin vào trí tuệ, vào sự nhạy cảm địa chất của họ. Vấn đề thoạt tưởng không lôgíc nhưng trong bối cảnh này, đó là giải pháp tối ưu... Hai chuyên gia hàng đầu và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực địa chất và công nghệ mỏ của Bộ Công nghiệp Khí Liên Xô - Ovanhetsov và Zavrev tham gia đoàn lãnh đạo “Liên Bộ” của phía Liên Xô rất tin ở triển vọng mỏ Bạch Hổ…
Sau khi Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đi vào hoạt động, trong giai đoạn từ năm 1981 đến tháng 3-1990, Hội đồng Xí nghiệp Liên doanh đã tiến hành 11 lần họp để triển khai việc bổ nhiệm các nhân sự lãnh đạo và quản lý của Xí nghiệp; phê chuẩn các quy chế, điều lệ hoạt động; kiểm điểm, đánh giá kết quả việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm trước; phê duyệt nhiệm vụ kế hoạch năm sau…
Theo Hiệp định ngày 19-6-1981, trong giai đoạn I (1981-1990), Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô hoạt động với nhiệm vụ được cụ thể hóa và thể hiện bằng 2 chương trình công tác: 1981-1985 và 1986-1990 như sau:
- Tiến hành khảo sát tổ hợp địa vật lý, địa chất công trình và khoan tìm kiếm, thăm dò, xác định trữ lượng dầu và khí của hai lô 09 và 16.
- Xây dựng căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ.
- Tổ chức khai thác sớm mỏ Bạch Hổ.
- Đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân dầu khí Việt Nam. Những nhiệm vụ trên đã được tập thể lao động quốc tế của Xí nghiệp Liên doanh Việt - Xô thực hiện với sự nỗ lực cao và đạt được kết quả ban đầu../.
NGUỒN: VIETSOVPETRO/ LỊCH SỬ NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM