Mái ấm công đoàn Điện lực Việt Nam: Nhật ký một chuyến đi
08:58 | 17/04/2017
Đồng Nai: Điểm khởi đầu hành trình
Thời tiết trong những ngày đầu tháng 4 oi bức thật khó chịu. Mới 9 giờ sáng mà mỗi người trong Đoàn công tác chúng tôi đều cảm nhận được “cái nóng” khi bước xuống xe. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến là gia đình của đoàn viên Nguyễn Sĩ Thanh Tùng, hiện đang công tác tại điện lực Nhơn Trạch - Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai.
Chỉ với diện tích 14,9 m2 tại Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, ngôi nhà bé nhỏ ấy nay đã khang trang và vững chãi hơn nhiều so với ngày chúng tôi đến khảo sát vào những ngày cuối năm 2016. Sau ba mươi ba (33) năm công tác, đoàn viên Nguyễn Sĩ Thanh Tùng đã dành dụm tiền, mua được căn nhà từ năm 1995. Qua 22 năm sinh sống, ngôi nhà ấy nay đã xuống cấp và hư hỏng nặng do triều cường thường xuyên dâng ngập, gia đình anh phải đóng cửa nhà, đi mướn nhà trọ để ở vì sợ nhà sẽ sập bất cứ lúc nào. Tiền lương chỉ đủ để trang trải cho cuộc sống và không có khả năng để sửa chữa, xây dựng lại. Đứng trước ngôi nhà mới, trong buổi Lễ khánh thành có sự hiện diện của các Cơ quan - Ban Ngành địa phương; Lãnh đạo, Công đoàn EVN; Lãnh đạo, Công đoàn Công ty TNHH MTV điện lực Đồng Nai… anh nghẹn ngào xúc động: “Nếu không được sự hỗ trợ của Công đoàn Ngành thì không biết bao giờ gia đình tôi mới có được căn nhà như thế này”.
Chia tay anh Thanh Tùng, chúng tôi lên đường về đất Long An - Cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - Miền đất “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Điểm đến của Đoàn là ngôi nhà “Mái ấm công đoàn” của đoàn viên Nguyễn Văn Phi tọa lạc tại khu phố 2 thị trấn Thạnh Hóa huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Sau 15 năm công tác tại Điện lực Thạnh Hóa - Công ty điện lực Long An, vợ chồng anh có dành dụm và mua được miếng đất, nhưng lực bất tòng tâm. Hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, bản thân anh là lao động chính, ngoài việc lo “cơm áo, gạo, tiền”, anh còn chi phí để lo cho con ăn học và chăm lo sức khỏe cho vợ thường xuyên bị bệnh nân không thể dành dụm được tiền để sửa chữa xây dựng nhà (gia đình đang thuê nhà trọ để ở). May thay, chương trình “Mái ấm công đoàn” đã kịp thời hỗ trợ gia đình anh xây dựng ngôi nhà mới. “Ngôi nhà được xây dựng hôm nay bằng tấm lòng và công sức đóng góp của hơn 100 ngàn CNVCLĐ của Ngành điện đã là món quà vô giá và là ước mơ bao năm của vợ chồng chúng tôi”. Đó là lời tâm sự của anh Phi tại lễ gắn biển khánh thành nhà “Mái ấm Công đoàn” hôm nay.
Chia sẻ niềm vui với gia đình đoàn viên Nguyễn Văn Phi, chúng tôi tiếp tục hành trình về đất Vĩnh Long - Vùng đất có 3 huyện (Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn), 29 xã, 6 đơn vị 30 cá nhân được tuyên dương Anh hùng và hàng ngàn Bà Mẹ được tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng” ; Vùng "đất học" với những giá trị về văn hoá của "Văn minh miệt vườn", cây trái tươi tốt quanh năm. Điện lực Bình Minh thuộc Công ty điện lực Vĩnh Long, nơi anh Trần Quang Vinh có 15 năm công tác trong Ngành điện vui mừng đón nhận ngôi nhà “Mái ấm Công đoàn” thứ 9 kể từ khi Đơn vị tổ chức triển khai đến nay. Cái nắng miền Tây, tuy đã về chiều nhưng vẫn còn gay gắt lắm ! Vậy mà khi đến nơi, với những cái bắt tay, những câu chào hỏi, những nụ cười thân tình … và những ly nước dừa còn “tươi rói” đã làm cho chúng tôi – những người có mặt đều cảm thấy ấm lòng và vui với niềm vui của anh em Ngành điện khi được Công đoàn Ngành điện hỗ trợ, để có thêm kinh phí xây dựng 01 ngôi nhà ấm cúng, khang trang. Cuộc sống người dân miền tây chân chất, thật thà qua từng cử chỉ và lời nói chân tình trong sự xúc động, nghẹn ngào “Xin cảm ơn lãnh đạo Ngành điện đã cho tôi 01 mái ấm, để tôi thật sự an tâm trong công tác”… cùng với phát biểu của lãnh đạo địa phương và gia đình… mới thấy được tính nhân văn sâu sắc của chương trình mang tên “Mái ấm Công đoàn” của Tập đoàn và Công đoàn Điện lực Việt Nam. Ông Phạm Văn Thành, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Long tâm sự: “Chính chương trình này đã góp phần xóa đói, giảm nghèo theo tiêu chí nông thôn mới tại địa phương - nơi đoàn viên công đoàn Ngành điện chung sống”.
Ngảy thứ nhất trôi qua với quãng đường di chuyển trên 300 km, chúng tôi đã gián tiếp mang niềm vui, hạnh phúc đến với 3 gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở được xây dựng nhà “Mái ấm Công đoàn”.
Mệt, nhưng mọi người trong chúng tôi đều rất vui. Ăn tối và nghỉ ngơi thôi !!!
Về nơi địa đầu của Tổ quốc
Hôm nay chúng tôi phải đi 1 quãng đường rất dài từ Vĩnh Long qua An Giang và về Cà Mau, vì vậy đoàn công tác xuất phát từ lúc 5 giờ 30 sáng. Trời lúc này vẫn còn mờ sương đã mang đến cho chúng tôi một cảm giác thật dễ chịu và bình an.
Điểm đến đầu tiên của ngày hôm nay là phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang tại nhà đoàn viên Trần Việt Dũng. Năm mươi lăm (55) tuổi - 18 năm công tác tại Điện lực Châu Đốc thuộc Công ty điện lực An Giang, ngôi nhà của vợ chồng anh Dũng được xây dựng từ năm 1990 nay đã xuống cấp và hư hỏng nặng, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn không có khả năng sửa chữa, xây dựng lại. Vẫn phải qua những tấm ván gập ghềnh, những cây tràm, cây gỗ bắt tạm, chúng tôi (lần thứ 2) theo chân an hem Điện lực Châu Đốc đến thực hiện Lễ gắn biển khánh thành ngôi nhà “Mái ấm công đoàn” cho vợ chồng anh Dũng (ngôi nhà hôm nay được xem là đẹp nhất xóm). Với kinh phí xây dựng hơn 69 triệu đồng (trong đó được Công đoàn Ngành hỗ trợ 60 triệu), vợ chồng anh đã có ngôi nhà kín đáo, đảm bảo che mưa che nắng và nhất là “không sợ” triều cường dâng cao mỗi ngày. “Ngôi nhà tuy chưa to, chưa đẹp nhưng đã thể hiện tình tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của tập thể CNVCLĐ Ngành điện, như một “lời tri ân”đến với vợ chồng anh Dũng do những đóng góp tích cực của anh trong suốt 18 năm công tác trong Ngành điện” Ông Uông Quang Huy, Trưởng Ban CSPL Công đoàn điện lực Việt Nam phát biểu.
Chia tay gia đình anh Dũng, chúng tôi tiếp tục hành trình đi khảo sát hồ sơ của các đoàn viên Dương Văn Hóa ở huyện Tịnh Biên và Rum Sa Rết ở thị trấn Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang. Với anh Dương Văn Hóa, bản thân là lao động chính, vợ không có việc làm. Sau hơn 30 năm công tác, anh vẫn ở chung với gia đình bện vợ. Thấy hoàn cảnh gia đình anh khó khăn, người anh vợ cho 01 miếng đất nhưng vợ chồng anh không đủ tiền để xây dựng nhà ở; Với anh Rum Sa Rết người dân tộc Khơmè hoàn cảnh còn khó khăn hơn. Cả hai vợ chồng đều là người Khơmè; bố vợ bị ung thư thời kỳ cuối; 02 con còn nhỏ. Vợ chồng anh được Cha Mẹ cho 01 miếng đất, nhưng vì hoàn cảnh còn khó khăn nên không có khả năng xây dựng nhà. Mong muốn của các anh là được Công đoàn Ngành hỗ trợ để có thêm kinh phí để xây dựng nhà theo chương trình “Mái ấm công đoàn”.
Mỗi người, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh và khó khăn riêng, thế nhưng câu nói “an cư, lạc nghiệp” luôn là mong ước của gia đình Nội - Ngoại và vợ chồng anh Hóa, anh Rết; Để các đoàn viên Công đoàn Ngành điện thật sự an tâm trong công tác khi được vui sống trong căn nhà đầy tình nghĩa mang tên “Mái ấm Công đoàn”.
Rời An Giang, chúng tôi tiếp tục “hành quân” về đất mũi Cà Mau, cực Nam đất nước – Nơi gắn bó với những câu chuyện huyền thoại của Bác Ba Phi. Trãi qua hơn 400km, chúng tôi đến Cà Mau khi mặt trời đã khuất. Thành phố Cà Mau hôm nay thật đẹp với đường phố thật đông vui và nhộn nhịp. Chúng tôi tự thưởng cho mình cái lẫu mắm U Minh – Món ăn dân dã và truyền thống của người dân Nam bộ, để thưởng thức cái hương vị cá – mắm ăn chung với các loại rau đồng khác nhau…
Nghỉ ngơi lấy sức để ngày mai tiếp tục “hành quân” !!!.
Đoàn công tác xuất phát từ lúc 06 giờ sáng đi thị trấn Năm Căn gắn biển khánh thành nhà đoàn viên Nguyễn Hải Đăng. Sauk hi tốt nghiệp công nhân ngành điện tại Hóc Môn, anh được phân công về côngb tác tại Điện lực Năm Căn – Vùng đất cực Nam của tỉnh Cà Mau, nơi có vị trí lý tưởng, thuận lợi để nuôi trồng thủy sản và đang phấn đấu để lên đô thị loại IV, từng bước trở thành đô thị động lực mới của tỉnh Cà Mau.
Tấm băng rôn “Lễ gắn biển nhà Mái ấm công đoàn” nổi bật trong xóm đã làm nhiều người dân phải “ngước nhìn” khi chạy xe ngang qua. 11 năm công tác, vợ chồng Nguyễn Hải Đăng đã dành dụm, cộng với sự hỗ trợ của gia đình hai bên, anh đã mua được 01 miếng đất, nhưng do hoàn cảnh khó khăn không xây dựng nhà ở. Hôm nay trước căn nhà khang trang, ấm áp nghĩa tình, gia đình anh vui mừng đón nhận ngôi nhà, như 01 món quà thật ý nghĩa của tập thể CNVCLĐ Ngành điện dành tặng cho. Xúc động không nói nên lời, vợ chồng anh đã thể hiện bằng những cái bắt tay thân tình kèm theo lời cảm ơn sâu sắc dàwnh cho các thành viên trong Đoàn.
Rời Năm Căn, chúng tôi tiếp tục về "xứ đầm lầy có nhiều dơi đậu" mà nay là huyện Đầm Dơi thuộc tỉnh Cà Mau để tổ chức Lễ gắn biển khánh thành nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên Nguyễn Tấn Đạt. Sự cống hiến của anh sau 15 năm công tác đã được đền đáp bằng việc tập thể CNVCLĐ Ngành điện hỗ trợ cho vợ chồng anh có thêm kinh phí để xây dựng nhà ở. Đứng trước ngôi nhà hôm nay bố ruột; Mẹ vợ anh Đạt xúc động bày tỏ niềm vui, hạnh phúc của gia đình khi con mình được Ngành điện hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn” hôm nay. Chị Trần Kim Còn, phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Đầm Dơi đã xúc động và bày tỏ niềm vui cùng gia đình anh Đạt, cũng như đánh giá cao những nỗ lực của Ngành điện trong việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho Người lao động. Chị xúc động cho biết: “mong rằng chương trình này sẽ tiếp tục triển khai để những CNVCLĐ Ngành điện được an cư lạc nghiệp, địa phương sẽ thêm những căn nhà mới mang tên “Mái ấm Công đoàn”.
Rời Cà Mau trong sự lưu luyến của bạn bè và người thân gia đình đoàn viên Nguyễn Tấn Đạt, chúng tôi “hành quân” đến huyện Hồng Dân thuộc tỉnh Bạc Liêu để gắn biển khánh thành nhà đoàn viên Phan Thanh Hóa – Ngôi nhà thứ 7 và cũng là ngôi nhà cuối cùng trong chuyến công tác lần này. Sau 14 năm công tác, vợ chồng anh Hóa đã chính thức xây dựng ngôi nhà của mình bằng sự hỗ trợ của tập thể CNVCLĐ Ngành điện và gia đình. Ngôi nhà vợ chồng anh Đạt hôm nay thật khang trang, ấm áp và đầy ắp tiếng cười, tiếng chúc mừng của anh em đồng nghiệp và bà con thân hữu. Lời phát biểu khi nhận quyết định hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà của Công đoàn điện lực Việt Nam của người công nhân hay lam, hay làm và năng động trong công tác lại rất “kiệm lời”và xúc động khi nói lên 2 tiếng “Cảm ơn”. Vâng ! chúng tôi hiểu được suy nghĩ và tâm tư của người đoàn viên công đoàn khi có được 1 ngôi nhà mang tên “Mái ấm Công đoàn” mà bấy lâu nay vợ chồng anh mong ước.
Chia tay Bạc Liêu, chúng tôi thẳng tiến về thành phố Hồ Chí Minh khi hệ thống đèn đường quốc lộ 1 đã bắt đầu lên đèn. Ngày cuối cùng phải trãi qua hơn 500 km đi về. Mệt, Rất mệt !! nhưng mỗi người trong chúng tôi đều dâng lên một cảm xúc và niềm vui thật khó tả. Đem hạnh phúc, tiếng cười cho người lao động bằng chương trình “Mái ấm công đoàn”, Tập đoàn và Công đoàn điện lực Việt Nam đã tạo điều kiện để tập thể CNVCLĐ Ngành điện thể hiện nét văn hóa trong doanh nghiệp, tình “tương thân tương ái”, “lá lành dùm lá rách”…cùng đóng góp vào Quỹ tương trợ xã hội của Tập đoàn để chăm lo đời sống cho người lao động. Tính nhân văn sâu sắc của chương trình cũng đã góp phần cùng địa phương xóa đói, giảm nghèo; giúp Người lao động đang công tác “an cư lạc nghiệp”, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM