RSS Feed for Kiến - giải thách thức nguồn than cho sản xuất điện | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 27/04/2024 08:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kiến - giải thách thức nguồn than cho sản xuất điện

 - Có ý kiến cho rằng, thế giới có xu hướng giảm sử dụng than và nhiệt điện than, điều đó là chưa đúng thực tế, mà một số nước giảm, nhưng có một số nước tăng tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng nước. Đối với Việt Nam, theo chúng tôi, cần phải tiếp tục phát triển than và nhiệt điện than là tất yếu - là nhiệm vụ sống còn để đáp ứng nhu cầu điện, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo dự báo, nhu cầu than của nền kinh tế và cho sản xuất điện nói riêng ở nước ta sẽ tăng cao trong thời gian tới, nhưng vẫn ở mức chấp nhận được và có tính khả thi (xét trên phương diện sự cần thiết, khả năng đáp ứng và mức độ phát thải khí nhà kính). Tuy nhiên, để hiện thực hóa khả năng đáp ứng nhu cầu đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao của Nhà nước và doanh nghiệp trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ để khai thác tài nguyên than trong nước và nhập khẩu than từ nước ngoài, kể cả đầu tư ra nước ngoài khai thác than đưa về nước.

Than Indonesia trong cân bằng năng lượng Việt Nam

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

NHU CẦU THAN CHO SẢN XUẤT ĐIỆN

"Quy hoạch điều chỉnh phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030" được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quy hoạch điện VII - điều chỉnh) đã đề ra định hướng phát triển nhiệt điện than.

Cụ thể: "Khai thác tối đa nguồn than trong nước cho phát triển các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên sử dụng than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện khu vực miền Bắc. Đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than; năm 2025, tổng công suất khoảng 47.600 MW, sản xuất khoảng 220 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than; năm 2030, tổng công suất khoảng 55.300 MW, sản xuất khoảng 304 tỷ kWh, chiếm khoảng 53,2% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than. Do nguồn than sản xuất trong nước hạn chế, cần xây dựng một số nhà máy nhiệt điện tại các trung tâm điện lực: Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Long An, vv... sử dụng nguồn than nhập khẩu".

Theo số liệu cập nhật mới [4], nhu cầu than cho sản xuất điện có thể cao hơn số dự báo nêu trên. Theo đó, năm 2020: 66,8 triệu tấn, năm 2025: 107,8 triệu tấn, năm 2030: 135,3 triệu tấn và nhu cầu than của toàn nền kinh tế là: năm 2020: 94 triệu tấn, năm 2025: 138 triệu tấn, năm 2030: 165 triệu tấn.

Nhu cầu than gia tăng nêu trên của nền kinh tế nói chung và cho sản xuất điện nói riêng là cần thiết và hoàn toàn có thể chấp nhận được - xét trên mọi phương diện: nhu cầu điện, mức sử dụng than, vai trò của than trong đảm bảo an ninh năng lượng và mức phát thải khí nhà kính (CO2) của nước ta.

Chẳng hạn, đến 2016 sản lượng điện bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ đạt 1.995 kWh, bằng 56,65% bình quân của thế giới và 69% bình quân của Thái Lan [5]; đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 4.500 kWh/người, chỉ cao hơn khoảng 35% so với bình quân của thế giới năm 2016, khi đó tỉ trọng nhiệt điện than chiếm khoảng 53,2% tổng sản lượng điện sản xuất, vẫn còn rất thấp so với nhiều nước hiện nay. Ví dụ như: Nam Phi 93,8%, Ba Lan 86,7%, Trung Quốc 79%, Hồng Kông 71,2%, Úc 68,6%, Ấn Độ 67,9%, vv... [7].

Hoặc, mức sử dụng than tính theo bình quân đầu người năm 2016 của Việt Nam là 0,23 TOE, bằng 45,7% bình quân của thế giới và rất thấp so với Úc, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, vv... kể cả sau khi các nước này giảm sử dụng than theo mục tiêu đã đề ra [5], và với nhu cầu than dự báo nêu trên thì đến năm 2030 mức tiêu hao than bình quân đầu người của Việt Nam cũng chỉ bằng mức của Nhật Bản hiện nay.

Hoặc, tổng phát thải khí CO2 năm 2016 của Việt Nam là 167 triệu tấn, chiếm 0,5% của thế giới và chỉ bằng 40% bình quân đầu người của thế giới và rất thấp so với các nước công nghiệp phát triển, chỉ bằng 10,9% bình quân đầu người của Mỹ [5].

Có một số ý kiến cho rằng, thế giới có xu hướng giảm sử dụng than và nhiệt điện than, điều đó là chưa đúng thực tế, mà một số nước giảm, nhưng có một số nước tăng tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng nước.

Cụ thể là, sau quá trình tăng liên tục thì từ 2015 sản lượng than sử dụng của toàn thế giới giảm, nhưng chủ yếu là do Trung Quốc và Mỹ. Năm 2015, thế giới giảm 104,7 triệu TOE so với 2014. Trong đó, Trung Quốc giảm 40,9 và Mỹ giảm 61,7 triệu TOE (tổng cộng 2 nước giảm 102,6 triệu TOE), số giảm còn lại của một số nước khác chỉ là 2,1 triệu TOE. Năm 2016 toàn thế giới giảm 52,7 triệu TOE so với 2015. Trong đó, Trung Quốc giảm 26,0 triệu TOE và Mỹ giảm 33,4 triệu TOE (tổng cộng 2 nước giảm 59,4 triệu TOE).

Như vậy, có một số nước sử dụng tăng thêm gần 7 triệu TOE. Trung Quốc giảm chủ yếu là vì đã sử dụng quá mức, gây ô nhiễm trầm trọng ở trong nước. Tuy nhiên, mức sử dụng than bình quân đầu người vẫn khoảng 2,5 tấn. Nước Mỹ giảm chủ yếu là do tăng sử dụng dầu và khí đốt có lợi thế hơn sử dụng than (năm 2016 so với 2015: dầu tăng 6,6 triệu TOE và khí đốt tăng 5,8 triệu TOE). Tuy nhiên, mức sử dụng than bình quân đầu người vẫn trên 2 tấn, quá cao so với bình quân đầu người của thế giới (khoảng 1 tấn). Còn một số nước giảm chủ yếu là do nguồn tài nguyên than trong nước suy giảm.

Nói chung, việc sử dụng than của các nước chủ yếu tuy thuộc vào tiềm năng tài nguyên năng lượng sơ cấp nói chung và tài nguyên than nói riêng của từng nước. Các nước có tiềm năng tài nguyên than vẫn ưu tiên sử dụng than, thậm chí một số nước không, hoặc có ít tài nguyên than như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaixia, Philipin, vv... vẫn gia tăng sử dụng than.

Tóm lại, trường hợp giảm sử dụng than và nhiệt điện than của Mỹ và Trung Quốc có thể ví như một đại gia và một trung niên quá "béo phì" cần phải giảm ăn để giảm "béo" - đó là lẽ đương nhiên, không có gì đáng để cổ súy như một số phương tiện thông tin đại chúng đã làm. Hơn nữa, trên thực tế việc giảm sử dụng than và nhiệt điện than của hai nước này đang trong giai đoạn "tuyên truyền" là chính.

Đặc biệt, vừa qua, Mỹ đã hủy bỏ quy định hạn chế khai thác than và dầu, đồng thời hủy bỏ cam kết COP21-Pari. Còn Việt Nam có thể ví mới chỉ như "một thiếu niên gầy gò đang tuổi ăn, tuổi lớn" không thể bắt chước Trung Quốc và Mỹ "giảm ăn" để "giảm béo" - đó chỉ là sự tự hủy diệt mà thôi.

Đối với Việt Nam phải tiếp tục phát triển than và nhiệt điện than là tất yếu - là nhiệm vụ sống còn để đáp ứng nhu cầu điện, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thực hiện mục tiêu "Dân giàu, Nước mạnh" như đã đề ra. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, trong quá trình phát triển sắp tới, Việt Nam cần phải lưu ý bài học kinh nghiệm của các nước đi trước. 

KHẢ NĂNG ĐÁP ỨNG NHU CẦU THAN CHO SẢN XUẤT ĐIỆN

Theo Quy hoạch điều chỉnh "Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030" (phê duyệt theo Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ - sau đây viết tắt là QH 403/2016), sản lượng than thương phẩm trong giai đoạn đến năm 2030 dự kiến là: năm 2020: 47-50 triệu tấn; năm 2025: 51-54 triệu tấn; năm 2030: 55-57triệu tấn. Trong đó, sản lượng than chủ yếu cho sản xuất điện.

Cụ thể là: năm 2020: 39,0 triệu tấn; năm 2025: 38,9 triệu tấn; năm 2030: 44,4 triệu tấn.

Phần nhu cầu than cho sản xuất điện còn lại sẽ được đáp ứng từ nguồn than nhập khẩu và đầu tư khai thác than ở nước ngoài đưa về phục vụ trong nước, với mức sản lượng dự kiến là: đến năm 2020: 24 triệu tấn, năm 2025 triệu tấn: 56,5 triệu tấn và đến 2030: 84 triệu tấn.

Cả hai nguồn than trong nước và nhập khẩu tuy sẵn có về tiềm năng, nhưng đều có những điểm nghẽn nghiêm trọng.

Một là: Về nguồn than trong nước.

Việc khai thác than trong nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nếu không có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ sẽ khó có thể đạt được mức sản lượng đề ra trong Quy hoạch 403/2016. Chẳng hạn, sản lượng đề ra cho năm 2016 là 41-44 triệu tấn, nhưng thực tế chỉ đạt 38,5 triệu tấn [6], khi đó lại càng thiếu than cho đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là nhu cầu than cho sản xuất điện.

Thứ nhất: Nguồn tài nguyên than có tiềm năng trung bình, nhưng mức độ thăm dò còn rất hạn chế, độ tin cậy rất thấp, đặc biệt tại các vùng mỏ truyền thống đã có dấu hiệu bước vào thời kỳ suy giảm. Theo Quy hoạch 403/2016, tổng tài nguyên than đã được điều tra đánh giá và thăm dò tính đến 31/12/2015 là 48,88 tỉ tấn. Trong đó, trữ lượng (TL) là 2,26 tỉ tấn (chiếm 4,62%), tài nguyên (TN) chắc chắn: 161 triệu tấn (chiếm 0,33%) và TN tin cậy là 1.137 triệu tấn (chiếm 2,33%). Tổng cộng là 7,23%, còn lại là TN dự tính là 2,7 tỉ tấn (chiếm 5,5%), TN dự báo 42,6 tỉ tấn (chiếm 87,2%), tổng cộng là 92,77%. Trong khi đó, việc đầu tư thăm dò nâng cấp trữ lượng có nhiều rào cản từ việc cấp phép, chồng lấn quy hoạch của địa phương nên thực hiện chậm so với tiến độ đề ra trong Quy hoạch 403/2016.

Tuy nhiên, than vẫn là nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp giữ vai trò quan trọng nhất trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chỉ riêng phần trữ lượng và tài nguyên chắc chắn + tin cậy có thể đảm bảo khai thác trên 50 năm với mức sản lượng 50 triệu tấn/năm.

Thứ hai: Hiện nay phần trữ lượng than có điều kiện khai thác thuận lợi đã cạn kiệt, hầu hết các mỏ than đều khai thác xuống sâu và đi xa hơn nên mức độ nguy hiểm và rủi ro ngày càng tăng. Cạnh đó, hệ số bóc đất đá và cung độ vận chuyển ở các mỏ khai thác lộ thiên bình quân toàn ngành tăng lên 10,6 m3/tấn và hơn; cung độ vận chuyển đất đá thải tăng lên trên 4 km; ở các mỏ hầm lò, ngày càng xuống sâu dưới mực nước biển, tới -450m, điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp do áp lực mỏ lớn, phay phá, khí, nước nhiều dẫn đến suất đầu tư tăng (suất đầu tư/tấn công suất mỏ than hầm lò từ gần 50 USD/tấn đã tăng lên khoảng 150¸180 USD/tấn).

Ngoài ra, chính sách thuế, phí đối với than tăng cao cũng làm cho giá thành than ngày càng tăng cao. Hiện nay, mức thuế suất thuế tài nguyên than cộng với tiền cấp quyền khai thác của nước ta vào loại cao nhất thế giới. Cụ thể là, theo tính toán của Quy hoạch than 403/2016 thì giá thành than bình quân toàn ngành giai đoạn 2016-2030 là:

 

2016

2017

2018

2019

2020

2025

2030

b/q

Giá thành SX (103 đ/tấn)

1.532

1.568

1.580

1.595

1.611

1.718

1.918

1.702

 

Giá thành than nêu trên nếu tính thêm thuế tài nguyên than từ 1/7/2016 tăng thêm 3% so với trước thì còn cao hơn nữa và cao hơn nhiều giá bán than bình quân thực tế của TKV năm 2015 (1.522 ngàn đồng/tấn) và năm 2016 (1.471,5 ngàn đồng/tấn).

Thứ ba: Giá thành than ngày càng tăng cao, dẫn đến nguy cơ thua lỗ, trong khi nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển rất cao và chịu nhiều tác động bất lợi của thị trường. Theo dự tính trong Quy hoạch 403/2016 từ năm 2016 đến 2030 toàn ngành than cần tổng nhu cầu vốn đầu tư là 269.006 tỷ đồng (bình quân 17.934 tỷ đồng/năm). Với tình trạng giá thành than cao hơn giá bán như đã nêu trên cho thấy, ngành than sẽ có nguy cơ thiếu vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển.

Thứ tư: Thời gian tới chuyển sang khai thác hầm lò là chủ yếu. Đây là loại hoạt động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nhiều rủi ro, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của người lao động, gây ra nhiều bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, cho nên rất khó thu hút lao động, trong khi thời gian đào tạo công nhân hầm lò tương đối dài (2-3 năm).

Ngoài ra, việc đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác hầm lò nói chung và nâng cao mức độ cơ giới hóa nói riêng, nhất là cơ giới hóa đồng bộ gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2016 tỉ lệ than khai thác bằng cơ giới hóa đồng bộ mới chỉ đạt khoảng 5-6% tổng sản lượng than khai thác hầm lò. Vì thế năng suất lao động còn thấp, tỷ lệ tổn thất than trong khai thác và giá thành cao.

Thứ năm: Chịu áp lực cạnh tranh gay gắt của nguồn than nhập khẩu hiện có giá thấp hơn trong ngắn hạn, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi việc thực hiện hợp đồng cung cấp - mua bán than trong nước còn nhiều bất cập, một số hộ tiêu thụ than trọng điểm, nhất là nhiệt điện than chưa chấp hành nghiêm chỉnh hợp đồng mua bán than dài hạn đã ký kết, mà đang chạy theo lợi ích "giá thấp" trước mắt, nhưng ẩn chứa nhiều bất định, chưa vì lợi ích đảm bảo cung cấp than ổn định trong lâu dài với giá cả hợp lý - hai bên cùng có lợi.

Thứ sáu: Việc sử dụng than còn chưa hoàn toàn đảm bảo hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là than antraxit đang chủ yếu làm chất đốt có giá trị gia tăng thấp thay vì lẽ ra dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất, luyện kim, vv... có giá trị gia tăng cao hơn nhiều lần.

Thứ bảy: Chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh than và tiêu thụ, sử dụng than còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa phù hợp với kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước gắn liền với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, cơ chế sản xuất than trong nước đang theo nguyên tắc kế hoạch hóa (theo quy hoạch và kế hoạch hàng năm) nhưng việc tiêu thụ than và giá cả lại đang theo cơ chế "nửa vời" nhập nhằng giữa kế hoạch hóa và thị trường. Thậm chí "thả nổi, thao túng" theo kiểu mạnh ai nấy quyết - vì lợi ích ngắn hạn, làm biến dạng thị trường than, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển ổn định, bền vững của ngành than, cũng như của các doanh nghiệp sản xuất than lớn hiện nay.

Cụ thể là chúng ta chưa tạo khung pháp lý cho việc vận hành và quản lý thị trường than trong nước theo yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Chính sách không nhất quán, lại luôn thay đổi - nhất là chính sách thuế, phí ngày càng tăng cao theo hướng tận thu tài chính cho ngân sách Nhà nước, đi ngược lại với chính sách khai thác tận thu khoáng sản, ảnh hưởng đến mục tiêu khai thác tận thu, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản được coi là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chưa xác định rõ vai trò, nhiệm vụ cụ thể của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh than nói chung và trong nhập khẩu than, đầu tư khai thác than ở nước ngoài theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước gắn liền với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Hai là: Về nguồn than nhập khẩu từ nước ngoài:

Tiềm năng tài nguyên than trên thế giới rất lớn. Đến hết năm 2016 tổng trữ lượng than toàn thế giới là 1.139.331 triệu tấn, trong đó than antraxít và bitum 816.214 triệu tấn (chiếm 71,6%), than ábitum và than non 323.117 triệu tấn (chiếm 28,4%), với mức sản lượng năm 2016 có thể còn khai thác trong 153 năm [5]. Xét trên mọi phương diện thì có 4 nước là Indonesia, Australia, Nga và Nam Phi được đánh giá cao nhất về khả năng cung cấp than nhiệt cho sản xuất điện của Việt Nam trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu than và đầu tư khai thác than ở nước ngoài đưa về phục vụ trong nước với khối lượng lớn hàng chục triệu tấn đến gần 100 triệu tấn mỗi năm là vô cùng phức tạp, khó khăn, khó lường và có nhiều rào cản.

Thứ nhất: Chưa có chính sách "ngoại giao" năng lượng nói chung và than nói riêng với các nước có tiềm năng về tài nguyên năng lượng sơ cấp và tài nguyên than để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tăng cường hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực khai thác và kinh doanh than ở nước ngoài.

Thứ hai: Chưa có chính sách đồng bộ giữa việc nhập khẩu than và tiêu thụ, sử dụng than nhập khẩu, cũng như cho việc mua mỏ và đầu tư khai thác than ở nước ngoài đưa về nước.

Thứ ba: Hệ thống hậu cần phục vụ nhập khẩu than (bao gồm vận chuyển quốc tế, chuyển tải, kho bãi, vận chuyển nội địa, vv...) còn nhiều yếu kém, bất cập; việc giao nhận than tại các cơ sở sử dụng than, nhất là tại các nhà máy nhiệt điện than còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thứ tư: Tổ chức các đơn vị nhập khẩu than còn phân tán, dàn trải, chưa có sự hợp lực, hợp tác với nhau cũng như chưa có sự hợp lực, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị sử dụng than nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp các nguồn lực trong nước, trong khi cơ sở vật chất, kinh nghiệm, năng lực tài chính còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Thứ năm: Chưa có chính sách đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ than quốc gia trong bối cảnh nhu cầu than tăng cao, nhập khẩu than khối lượng lớn, thị trường than thế giới có nhiều biến động mạnh, khó đoán định.

Thứ sáu: Đến nay Việt Nam mới tham gia thị trường nhập khẩu than nhiệt (steam coal), trong khi thị trường này đã được các tập đoàn tài chính - thương mại lớn trên thế giới hình thành, sắp đặt, chi phối từ lâu. Cho nên Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn than với khối lượng lớn, ổn định, lâu dài; hạn chế về năng lực và kinh nghiệm đầu tư khai thác than ở nước ngoài, vv... Chẳng hạn, hiện nay với việc nhập khẩu (thông qua đấu thầu) vừa nhỏ lẻ (dưới 1 triệu tấn), vừa ngắn hạn (6-9 tháng), các dự án nhiệt điện than của Việt Nam chỉ có thể mua được than từ nguồn trôi nổi theo các hợp đồng giao ngay - "spot" ở Indonesia.

Thứ bảy: Đặc biệt, đối với 4 nước tiềm năng cung cấp than nhiệt cho Việt Nam có một số vấn đề như sau:

1/ Indonesia là nước có điều kiện thuận lợi nhất: nguồn than chi phí thấp, nằm không xa bờ biển, cảng xuất khẩu than và dịch vụ hậu cần thuận lợi, có vị trí địa lý gần. Song có vấn đề là các mỏ than chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ để khai thác than đưa về cho nước họ. Nhu cầu than cho sản xuất điện của Indonesia sắp tới cũng tăng cao (Indonesia có kế hoạch xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 35.000 MW trong vòng 20 năm tới [9]).

Bên cạnh đó là sự cạnh trạnh rất lớn của các nước nhập khẩu than trong khu vực từ lâu đã thâm nhập thị trường này như: Trung Quốc (hiện chiếm thị phần 25%), Nhật Bản (14%), Ấn Độ (14%), Hàn Quốc (10%), Đài Loan (9%), Malaixia (6%), Hồng Kông (6%), Thái Lan (4%), Philípin (3%), vv... Trong tương lai, Ấn Độ sẽ gia tăng nhập khẩu than và sẽ trở thành nhà nhập khẩu than Indonesia lớn nhất với thị phần lên tới 38%, trong khi thị phần tổng cộng của Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông sẽ giảm từ 40% xuống còn 31% [8].

2/ Nga và Australia có than chất lượng tốt, giá thành thấp (ở Nga) nhưng có bất lợi là cung độ vận chuyển than từ các mỏ ra cảng biển quá xa, việc đấu nối các khâu: mỏ - đường sắt - cảng và vận tải biển rất khó khăn, vị trí địa lý xa, khí hậu khắc nghiệt (ở Nga).

3/ Nam Phi có than chất lượng tốt, chi phí thấp, nhưng chính sách không ổn định, cơ sở hạ tầng vận tải còn hạn chế và vị trí địa lý xa. Than của Nga, Nam Phi và Australia có thể pha trộn với than chất lượng thấp của Việt Nam để tạo ra loại than hợp lý cho sản xuất điện.

GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Đối với doanh nghiệp

1/ Đẩy mạnh đầu tư thăm dò một cách hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn và nâng cao chất lượng (mức độ tin cậy) của công tác thăm dò nhằm thực hiện mục tiêu nắm chắc tài nguyên.

Tập trung đẩy mạnh công tác thăm dò bể than Đông Bắc nhằm nâng cấp tài nguyên, trữ lượng than từ mức -300m trở lên và chuẩn xác tài nguyên, trữ lượng than dưới mức -300m để chuẩn bị đủ trữ lượng và tài nguyên than tin cậy phục vụ huy động vào khai thác theo Quy hoạch đã duyệt, cũng như gối đầu cho kỳ quy hoạch tiếp theo.

Cạnh đó, kiên quyết tìm cách nâng cao chất lượng thăm dò bằng cách tăng cường áp dụng công nghệ, thiết bị, phương pháp thăm dò tiên tiến, hiện đại và giám sát chặt chẽ quá trình thăm dò theo đúng phương châm "đảm bảo độ tin cậy cao là số 1" nhằm nâng cao mức độ tin cậy của trữ lượng huy động vào lập dự án, thiết kế, đầu tư, khai thác để giảm thiểu rủi ro cho quá trình đầu tư. Thông qua đó giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng mỏ, đảm bảo công suất thiết kế và nâng cao hiệu quả đầu tư. Theo đó,

2/ Đẩy mạnh đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao vật tư và tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác.

Cụ thể là tăng cường thực hiện đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ cơ giới hóa. Nhất là cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác than hầm lò và công nghệ chế biến than một cách hiệu quả hơn, chủ động hơn trên tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới cách làm theo hướng thay vì chủ yếu dựa vào nhập khẩu thiết bị chuyển sang tự chủ sản xuất, chế tạo thiết bị trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong nước thông qua phương thức xã hội hóa đầu tư và với các đối tác nước ngoài thông qua phương thức cùng hợp tác đầu tư chế tạo thiết bị tại Việt Nam.

3/ Nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ khai thác tài nguyên, trữ lượng than dưới các công trình trên bề mặt cần bảo vệ, các khu vực chứa nước đảm bảo an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

4/ Nghiên cứu các giải pháp công nghệ khai thác phù hợp, đảm bảo an toàn và hiệu quả để xem xét huy động phần tài nguyên, trữ lượng than trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định.

5/ Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ cần tận dụng tối đa khả năng khai thác lộ thiên ở các khu vực mỏ có điều kiện cho phép để tận thu tối đa tài nguyên than.

6/ Tăng cường nghiên cứu khai thác tận thu khoáng sản đi kèm và thu hồi, tái chế các chất thải của quá trình khai thác than vừa giảm thiểu chất thải, giảm thiểu tác động môi trường và khai thác tận thu tối đa tài nguyên.

7/ Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ tuyển tận thu than từ xỉ thải và bùn than của các nhà máy sàng, tuyển than. Phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác hầm lò xuống 20% và sau năm 2020 dưới 20%, tỷ lệ tổn thất than khai thác lộ thiên xuống 5% và sau năm 2020 dưới 5% như mục tiêu đã đề ra trong Quy hoạch than 403/2016.

8/ Tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động theo tinh thần kiên định với mục tiêu "Tai nạn bằng không". Thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về công tác an toàn, nâng cao ý thức chấp hành quy trình kỹ thuật, quy phạm và biện pháp an toàn, kỷ luật lao động của người lao động, nhất là công nhân hầm lò. Đẩy mạnh thực hiện văn hóa an toàn thợ mỏ "An toàn là số 1".

Cạnh đó, cần xây dựng hệ thống tổ chức (bộ máy và nhân lực) làm công tác an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với quy mô, điều kiện hoạt động sản xuất của từng mỏ và toàn ngành nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn lao động.

Đặc biệt là tăng cường mọi nỗ lực để áp dụng các giải pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát được các yếu tố rủi ro gây mất an toàn trong quá trình khai thác than như: cháy nổ khí, phụt khí, bục nước, sập đổ lò, trượt lở tầng, sạt lở bãi thải, nổ mìn, điện giật... và các yếu tố có hại như nóng, bụi, ồn, rung, hoá chất độc hại, bức xạ... Để từ đó có biện pháp phòng tránh phù hợp và giảm thiểu tối đa tai nạn lao động.

9/ Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế, xây dựng các giải pháp đồng bộ phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa hình, thời tiết, địa chất thủy văn ở từng mỏ và vùng mỏ để chủ động ứng phó một cách hiệu quả đối với các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.

Cụ thể: Đối với các mỏ hiện có cần nghiên cứu, thiết kế bổ sung các giải pháp ứng phó với tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa, bão lớn dài ngày, lũ quét, vv... Đến năm 2020, bên cạnh việc sử dụng băng tải thay thế ô tô vận chuyển ngoài mỏ, tiếp tục đổi mới đồng bộ thiết bị mỏ theo hướng tiên tiến, công suất lớn để tăng năng suất, giảm phát thải. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Sử dụng thuốc nổ tiên tiến ít phát thải khí nhà kính. Thực hiện các giải pháp giảm khí nhà kính trong khí mỏ thải ra môi trường.

Đối với các mỏ mới, ngay từ đầu trong thiết kế phải tính đến các giải pháp ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, kể cả nguy cơ ngập nước do nước biển dâng. Đầu tư trang thiết bị, chuẩn bị lực lượng, xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với mưa bão, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và các tình huống thiên tai khác.

Ngoài ra, ngành than cần tăng cường đầu tư để giảm thiểu và tiến tới ngăn chặn các tác động xấu của hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than đối với môi trường. Đặc biệt, đẩy mạnh áp dụng công nghệ sạch và sản xuất sạch hơn theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

10/ Tăng cường đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Có chính sách, biện pháp thích đáng thu hút công nhân hầm lò và chuẩn bị nhân lực cho đầu tư khai thác than ở nước ngoài.

Đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân lao động ngành than có chất lượng cao, đủ về số lượng với cơ cấu hợp lý phù hợp với yêu cầu của từng doanh nghiệp. Trung đầu tư đào tạo công nhân hầm lò chất lượng cao và khẩn trương xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật đồng bộ và lành nghề phục vụ cho chiến lược đầu tư ra nước ngoài khai thác than.

Phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp cho tất cả các khâu từ tuyển dụng, đào tạo - bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ. Đặc biệt, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của thợ mỏ, tăng cường chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa và điều trị bệnh nghề nghiệp, phục hồi chức năng... nhất là đối với công nhân hầm lò.

Phấn đấu đến năm 2020, năng suất lao động bình quân theo sản lượng quy đổi đạt khoảng 555 tấn than/người/năm; năm 2025 khoảng 640 tấn than/người/năm; năm 2030 khoảng 740 tấn than/người/năm như đã đề ra trong Đề án Tái cơ cấu ngành than Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phê duyệt tại Quyết định số 12750/2015/QĐ-BCT ngày 20/11/2015 của Bộ Công Thương.

11/ Tăng cường hợp lý hóa sản xuất và công tác quản trị chi phí để tận dụng tối đa tài nguyên than, giảm tiêu hao vật tư, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí trên cơ sở giảm thất thoát, lãng phí trong sử dụng vật tư, giảm tồn kho, quay nhanh vòng vốn.

12/ Căn cứ vào nhu cầu than của thị trường và đặc điểm tài nguyên than của từng mỏ, từng vùng mỏ xây dựng kế hoạch khai thác và pha trộn than hợp lý trên phạm vi từng vùng và toàn ngành để tận dụng tối đa các nguồn than có chất lượng thấp, hàm lượng lưu huỳnh cao và giá thành cao, nhất là than vùng miền Tây Quảng Ninh.

13/ Tăng cường công tác quản trị một cách đồng bộ ở tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư (từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, quản lý kết quả kinh doanh) nhằm giảm thiểu các lãng phí, thất thoát.

14/ Hoàn thiện, đổi mới hệ thống quản trị chi phí theo công đoạn. Tăng cường áp dụng các giải pháp thích hợp để quản lý chặt chẽ phương tiện vận chuyển than trong mỏ và trên đường tiêu thụ. Giảm tồn kho sản phẩm và vật tư.

15/ Thiết lập một hệ thống hữu hiệu các quy trình, phương pháp nhận dạng, đánh giá, phòng ngừa, xử lý rủi ro trong các công đoạn sản xuất than theo mô hình quản trị rủi ro "Hai phòng tuyến bốn nhóm giải pháp". Trong đó, Phòng tuyến 1 gồm nhóm giải pháp phòng ngừa rủi ro và nhóm giải pháp khắc phục rủi ro khi rủi ro xảy ra và Phòng tuyến 2 gồm nhóm giải pháp phòng ngừa thiệt hại khi rủi ro xảy ra và nhóm giải pháp khắc phục thiệt hại xảy ra do rủi ro.

16/ Tăng cường sự hợp tác chặt chẽ, bền vững, hiệu quả giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh than và các hộ sử dụng than, nhất là các nhà máy điện chạy than trên các mặt dưới đây.

Thứ nhất: Hợp lực với nhau trong việc nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc dân nói chung và cho sản xuất điện nói riêng.

Thứ hai: Cần đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu tiềm năng tài nguyên than và cơ hội đầu tư, pháp luật quốc tế về thương mại, đầu tư, văn hóa bản địa, nguồn nhân lực, vv... của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước có tiềm năng tài nguyên than như: Indonesia, Úc, Nga, Nam Phi, vv... Trên cơ sở đó xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược đầu tư ra nước ngoài khai thác than với sự hợp tác, hợp lực chặt chẽ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh than, các đơn vị sử dụng than, nhất là các nhà máy nhiệt điện chạy than và tổ chức tài chính.

Thứ ba: Các hộ sử dụng than phải tăng cường đổi mới công nghệ sử dụng than theo hướng công nghệ sạch giảm thiểu phát thải bụi, khí nhà kính (CO2), tái chế tro xỉ, chất thải từ than và giảm thiểu các tác động xấu khác trong quá trình sử dụng than.

Thứ tư: Cam kết cung cấp than và sử dụng than theo đúng hợp đồng dài hạn mà đôi bên đã ký kết, tránh tình trạng "ăn xổi, ở thì" với chiêu bài thị trường "đâu trả giá cao thì bán", hoặc ngược lại "đâu giá rẻ thì mua". Vì hòn than không phải như mớ rau ngoài chợ có thể thay thế bằng rau này rau nọ, hoặc để khai thác được hòn than phải mất hàng mấy năm trời, thậm chí cả chục năm từ thăm dò, chuẩn bị đầu tư và xây dựng mỏ. Việc phải ngừng khai thác than để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với mỏ và nguồn nhân lực; sau đó muốn khôi phục lại đòi hỏi thời gian dài, chi phí rất lớn.

17/ Có giải pháp huy động tối đa các nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư để góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư khai thác than.

18/ Đi đôi với giải pháp tạo vốn đầu tư từ nội bộ của sản xuất than, các doanh nghiệp ngành than cần phải đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư nhằm huy động mọi thành phần kinh tế trong nước tham gia đầu tư phát triển than.

"Xã hội hóa đầu tư" đối với doanh nghiệp khai thác than được hiểu là "doanh nghiệp kêu gọi" và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thực hiện một hoặc một số công đoạn, tiểu công đoạn, công việc trong chuỗi giá trị sản phẩm than thay vì doanh nghiệp phải đầu tư từ A đến Z. Việc thực hiện chủ trương huy động mọi nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư phải tuân thủ nguyên tắc "cái gì xã hội làm được và làm có hiệu quả hơn thì để xã hội làm", các doanh nghiệp khai thác than chủ yếu chỉ nắm quyền chỉ huy, điều hành và nắm đầu ra thông qua nắm quyền chủ mỏ.

19/ Tăng cường hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh hội nhập và tăng cường hợp tác sâu rộng với các đối tác nước ngoài thực sự có tiềm lực mạnh trong việc: (1) đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến than, nhất là công nghệ khai thác than Đồng bằng Sông Hồng, công nghệ khai thác tài nguyên than tại vùng than Đông Bắc nằm dưới các khu vực cần bảo vệ các công trình trên bề mặt như thành phố, khu dân cư, hệ thống đường giao thông, sông suối, hồ nước, khu di tích, khu bảo tồn, làng mạc, đồng ruộng; (2) đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng và trình độ cao; (3) nâng cao an toàn lao động, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; (4) nhập khẩu than và hợp tác đầu tư khai thác than ở nước ngoài.

Đối với Nhà nước

1/ Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan khẩn trương khắc phục các vướng mắc để đẩy nhanh việc cấp phép thăm dò; khắc phục những bất cập, chồng chéo trong một số quy hoạch của địa phương gây cản trở đối với việc thực hiện quy hoạch than, nhất là tại Quảng Ninh nhằm tạo điều kiện triển khai kịp thời các hoạt động thăm dò, khai thác phần tài nguyên, trữ lượng than đang bị vướng các quy hoạch của địa phương.

2/ Nâng cao chất lượng cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác, kinh doanh than theo đúng quy hoạch phát triển than đã phê duyệt và quy định của pháp luật.

3/ Kiên quyết khắc phục triệt để các hoạt động khai thác, kinh doanh than trái phép dưới mọi hình thức, nhất là tại vùng than Quảng Ninh.

4/ Nhà nước cần kịp thời điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách tiền lương, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội, nhà ở, bảo hiểm để thu hút lao động vào làm tại các mỏ than hầm lò.

5/ Nhà nước xem xét giảm thuế, phí một cách hợp lý phù hợp với đặc điểm của khai thác than vừa để tạo điều kiện cho ngành than có lợi nhuận đủ trích lập quỹ đầu tư phát triển, vừa khuyến khích khai thác tận thu tối đa tài nguyên theo đúng chính sách về khai thác tài nguyên khoáng sản.

Trước hết, Nhà nước cần bỏ khoản tiền cấp quyền khai thác vì thực chất khoản thu này trùng với thuế tài nguyên và xem xét giảm thuế tài nguyên xuống mức tối thiểu để khuyến khích khai thác tận thu tài nguyên: đối với than hầm lò là 4% và than lộ thiên là 6%.

6/ Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và PVN chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong năm 2017, việc cấp than từ các hộ khác cho EVN và PVN chỉ thực hiện từ năm 2018. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động SXKD than. Chính phủ cần có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn than antraxit sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu loại than này trong điều kiện đang bất bình đẳng về thuế, phí để tạo điều kiện cho các đơn vị ngành than tiêu thụ hết sản lượng than sản xuất theo kế hoạch được giao.

7/ Cho phép và tạo điều kiện ngành than xuất khẩu một cách ổn định, lâu dài một số loại than không phụ thuộc vào hạn ngạch mà trong nước không, hoặc có nhu cầu thấp theo nguyên tắc đảm bảo hiệu quả kinh tế và ưu tiên đáp ứng nhu cầu than trong nước khi cần thiết.

Về biện pháp nâng cao năng lực nhập khẩu than và đầu tư khai thác than ở nước ngoài:

1/ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có biện pháp, chính sách thích hợp đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu các tiềm năng tài nguyên than và cơ hội đầu tư, pháp luật quốc tế về thương mại và đầu tư, văn hóa bản địa, nguồn nhân lực, vv... của các nước có tiềm năng tài nguyên than, trên cơ sở đó xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược đầu tư ra nước ngoài khai thác than.

2/ Nhà nước thực hiện, hoặc có chính sách, giải pháp thích hợp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và hậu cần phục vụ sản xuất kinh doanh và cung ứng than, kể cả phục vụ nhập khẩu than.

3/ Có biện pháp thúc đẩy, liên kết và hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh than hợp tác, hợp lực với các doanh nghiệp sử dụng than trong nước và các tổ chức tài chính trong việc nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than.

4/ Có biện pháp, chính sách khuyến khích, thúc đẩy các đơn vị ngành than đẩy mạnh hội nhập và tăng cường hợp tác sâu rộng với các đối tác nước ngoài.

Về biện pháp phát triển thị trường than trong nước gắn với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia:

1/ Xây dựng lộ trình, các điều kiện và tái cơ cấu ngành than để phát triển thị trường than vận hành theo yêu cầu công khai, minh bạch, thông thoáng, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

2/ Xây dựng lộ trình thực hiện sản xuất kinh doanh than theo cơ chế thị trường gắn với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

3/ Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống kho dự trữ than quốc gia nhằm đảm bảo cung cấp than ổn định cho nền kinh tế, đặc biệt là các hộ sử dụng than trọng điểm trong bối cảnh thị trường than, dầu mỏ và tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, khó lường.

Về biện pháp tăng cường sử dụng than hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và phát triển nhiệt điện than đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường:

1/ Ban hành chính sách sử dụng than hợp lý, nhất là về chủng loại và chất lượng phù hợp cho các hộ sử dụng than: điện, xi măng, phân bón, giấy và các hộ khác. Đặc biệt ưu tiên sử dụng than khai thác trong nước nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành than ổn định sản xuất than và đầu tư phát triển than bền vững trong lâu dài.

2/ Có biện pháp chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện các dự án nhiệt điện than ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch theo tiến độ đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Tóm lại, nhu cầu than của nền kinh tế và cho sản xuất điện nói riêng ở nước ta sẽ tăng cao trong thời gian tới là tất yếu, nhưng vẫn ở mức chấp nhận được và có tính khả thi xét trên phương diện sự cần thiết, khả năng đáp ứng và mức độ phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khả năng đáp ứng nhu cầu đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao của Nhà nước và doanh nghiệp trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ để khai thác tài nguyên than trong nước và nhập khẩu than từ nước ngoài, kể cả đầu tư ra nước ngoài khai thác than đưa về nước.

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

Tài liệu tham khảo:

1. Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

2. “Đề án Tái cơ cấu ngành than Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” phê duyệt tại Quyết định số 12750/2015/QĐ-BCT ngày 20/11/2015 của Bộ Công Thương.

3. Điều chỉnh “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030” được phê duyệt theo Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3/2016.

4. Khái quát Quy hoạch than 403/2016 và cập nhật nhu cầu than cho nền KTQD đến năm 2030, những khó khăn và thách thức, đề xuất các giải pháp. Tập thể tác giả. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đáp ứng nhu cầu than của nền kinh tế - Hiện trạng và giải pháp” của Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam. Nhà xuất bản Công Thương, tháng 8/2017.

5. BP Statistical Review of World Energy June 2017.

6. Niên giám Thống kê Việt Nam 2016.

7. PGS.TS. Trương Duy Nghĩa: Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường. Kỷ yếu hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ơe Việt Nam” do Ủy ban KH,CN & MT Quốc hội và Hội KHKT Nhiệt Việt Nam tổ chức ngày 29/8/2017.

8. Phan Ngô Tống Hưng: Than Indonesia trong cân bằng năng lượng Việt Nam. Năng lượng Việt Nam online 13.35h ngày 23/8/2017.

9. Phan Ngô Tống Hưng: Thị trường than ASEAN và những rủi ro của Việt Nam. Năng lượng Việt Nam online 7.3h ngày 18/8/2017.

nangluongvietnam.vn/

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động