RSS Feed for An ninh năng lượng quốc gia và vai trò của ngành Dầu khí | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 23/04/2024 13:58
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

An ninh năng lượng quốc gia và vai trò của ngành Dầu khí

 - Ngày 18/7/2019, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ban Kinh tế Trung ương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn với chủ đề: “Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia - Vai trò của ngành Dầu khí”.

Vì sao các công ty dầu khí cần xem xét lại mô hình hoạt động cơ bản?
Dầu khí trong tương lai năng lượng Việt Nam

Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh cho biết: Cùng với than, thủy điện, dầu khí luôn là nguồn năng lượng chính bảo đảm cho sự ổn định của các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dân sinh.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, ngay sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài đã hình dung và đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí mạnh để làm nền tảng, động lực cho công nghiệp hóa và phát triển kinh tế đất nước.

Niềm tin và ước vọng của Bác đã thành hiện thực khi mỗi bước phát triển của ngành Dầu khí đã góp phần tạo chuyển biến cho nền kinh tế đất nước. Đến nay, ngành Dầu khí đã khai thác được gần 400 triệu tấn dầu và 150 tỷ m3 khí đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), 55 triệu tấn sản phẩm xăng dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu cả nước).

Tỷ trọng đóng góp của dầu khí trong cơ cấu năng lượng Việt Nam rất cao, bình quân 40% tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay.

Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí. Tính đến năm 2018, tổng doanh thu đạt trên 374 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 105 tỷ USD.

Tập đoàn đã xây dựng được đội ngũ trên 60.000 người có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước.

Liên tục nhiều năm liền, ngành Dầu khí đóng góp cho tăng trưởng GDP với tỷ trọng trên 20%, chiếm trên 30% tổng thu ngân sách nhà nước và khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. 

“Qua 60 năm không ngừng nỗ lực từ những sơ khai ban đầu để xây dựng và phát triển được một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu và phân phối tiêu thụ, ngành Dầu khí đã thực hiện được ý nguyện của Bác Hồ, chiến lược của Đảng và Nhà nước, trở thành biểu tượng năng lượng cho phát triển đất nước” - Ông Trần Sỹ Thanh khẳng định.

TS. Nguyễn Hồng Minh - Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết: Liên tục nhiều năm liền ngành dầu khí đã đóng góp cho tăng trưởng GDP với tỷ trọng trên 20%, chiếm trên 30% tổng thu ngân sách nhà nước, khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

TS. Nguyễn Hồng Minh khẳng định, kể cả trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước suy giảm nghiêm trọng thì ngành dầu khí vẫn duy trì tăng trưởng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.

Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại khẳng định, an ninh năng lượng tác động rất lớn đến an ninh lương thực, an ninh tài chính. Vì vậy, Luật Dầu khí cần sớm được sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh mới, nhằm tạo động lực cho một ngành rất quan trọng và rất nhiều rủi ro, cả rủi ro truyền thống và rủi ro phi truyền thống. 

TS. Ngô Thường San - Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam.

TS. Ngô Thường San - Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam, cho biết: Dầu khí là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc biệt, gắn liền không chỉ bài toán năng lượng mà là chuỗi giá trị kinh tế trong chiến lược phát triển đất nước, liên quan đến chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo sự tự chủ về nhiên liệu, đảm bảo nguồn năng lượng sạch, nguyên liệu đầu vào cho các ngành kinh tế công nghiệp, hóa dầu, nông nghiệp, và đặc biệt là động lực phát triển kinh tế vùng, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đóng góp ngân sách nhà nước. 

Theo TS. Ngô Thường San, mặc dù trên đường xây dựng và phát triển ngành dầu khí Việt Nam, đã có những sai sót, vấp ngã, thiệt hại, nhưng nhìn lại 60 năm quá trình thực hiện ý nguyện của Bác, những thành tựu kỳ diệu của ngành dầu khí rất đáng tự hào, và trân trọng. Đó là thành quả của tầm nhìn vĩ đại, thiên tài của Bác, là trí tuệ và quyết tâm, sự chỉ đạo sáng suốt kịp thời của Bộ Chính trị, Chính phủ, là kết quả của lao động sáng tạo, kiên trì, lòng kính yêu đối với Bác của nhiều thế hệ người dầu khí.

"Chúng tôi rất mong và tin tưởng Nghị Quyết 41 của Bộ Chính trị trở thành hiện thực, là kim chỉ nam cho hoạt động của ngành dầu khí Việt Nam, là nền tảng thống nhất hành động hiệp lực của tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ với mục tiêu cao cả - thực hiện ý nguyện của Bác Hồ - xây dựng nền công nghiệp dầu khí phát triển hiện đại, vượt qua những khó khăn thách thức hiện nay, đóng góp tích cực cho sư phát triển kinh tế - xã hội đất nước" - TS. Ngô Thường San nhấn mạnh.

Hội thảo đã tập trung thảo luận những nhóm vấn đề chính:

Nhóm vấn đề thứ nhất: Làm rõ vai trò của năng lượng và việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Vai trò của ngành Dầu khí trong bảo đảm an ninh năng lượng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nhóm vấn đề thứ hai: Đánh giá tổng quan ngành Dầu khí Việt Nam sau 60 năm thực hiện ý nguyện của Bác Hồ (23/7/1959 - 23/7/2019), trong đó làm rõ vai trò của ngành Dầu khí trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Nhóm vấn đề thứ ba: Trên cơ sở làm rõ những cơ hội, thách thức, tồn tại, bất cập trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia của ngành Dầu khí, Hội thảo đề xuất những định hướng, giải pháp và kiến nghị cụ thể đối với Đảng, Nhà nước trong việc xác định vị trí, vai trò của ngành Dầu khí trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và xu hướng phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo trên thế giới.

MAI THẮNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động