RSS Feed for Nỗ lực rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 09:13
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nỗ lực rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng

 - Ngày 2/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị phổ biến Thông tư số 33/2014/TT-BCT, ngày 10/10/2014, quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng.

"Năm 2015, giá điện sẽ tăng giảm theo thị trường"
Sẽ xử lý nghiêm vi phạm hành lang an toàn lưới điện
Tiêu chí mới quy định hộ chính sách được hỗ trợ tiền điện

Phát biểu tại Hội nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), ông Lê Tuấn Phong cho biết: Thông tư số 33/2014/ TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2014. Thông tư quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện có đề nghị đấu nối vào lưới điện trung áp.

Bên cạnh đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xác nhận sự phù hợp với quy hoạch tại Thông tư số 43/2013/TT-BCT, ngày 31/12/2013 của Bộ Công Thương, quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực.

Theo đó, Thông tư quy định thời gian hoàn thành thẩm định hồ sơ điều chỉnh bổ sung quy hoạch là 25 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV, 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với Hợp phần quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV.

Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung thêm một số điều về trình tự, thủ tục thực hiện thỏa thuận đấu nối quy định tại Thông tư số 32/2010/TT-BCT, ngày 30/7/2010 của Bộ Công Thương, quy định hệ thống điện phân phối.

Thông tư quy định đối với khách hàng sử dụng điện có trạm riêng đấu nối vào lưới điện trung áp, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ của khách hàng (rút ngắn được 30 ngày so với quy định cũ là 35 ngày). Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm hoàn thành đàm phán và ký thỏa thuận đấu nối. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đóng điện điểm đấu nối hợp lệ. Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm hoàn thành đóng điện chạy thử, nghiệm thu và đóng điện vào vận hành chính thức cho khách hàng đề nghị đấu nối.

Ngoài ra, Thông tư quy định, căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm ban hành quy định về thời hạn giải quyết đối với thủ tục thỏa thuận vị trí cột/trạm điện và hành lang lưới điện, không quá 5 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp trên không và không quá 10 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp ngầm; ban hành quy định về thời hạn giải quyết đối với thủ tục cấp phép thi công xây dựng công trình điện, không quá 7 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp trên không và không quá 10 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp ngầm.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có cơ hội chia sẻ những thuận lợi, vướng mắc trên thực tế áp dụng các quy định pháp luật về việc thực hiện các thủ tục tiếp cận điện năng, đồng thời đặt câu hỏi về nội dung quy định của pháp luật về việc thực hiện các thủ tục tiếp cận điện năng được quy định tại Thông tư.

Tổng kết Hội nghị, ông Lê Tuấn Phong, nhận định, mặc dù ngày 25/11/2014, Thông tư 33/2014/TT-BCT mới có hiệu lực, nhưng thời gian qua, ngành Điện đã có rất nhiều nỗ lực trong việc giảm thời gian tiếp cận điện năng cho khách hàng. Thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với ngành Điện triển khai hiệu quả Thông tư 33/2014/TT-BCT. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần gửi ngay về Bộ Công Thương để tiếp tục tháo gỡ.

“Bộ Công Thương sẽ có đánh giá kết quả thực hiện các trình tự, thủ tục tiếp cận điện năng theo quy định tại Thông tư 33/2014/TT-BCT. Từ đó tiếp tục nghiên cứu, xem xét và triển khai đồng bộ các giải pháp để có thể rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, đặc biệt là thủ tục thỏa thuận vị trí cột/ trạm điện và hành lang lưới điện, cấp phép thi công xây dựng công trình điện…”, ông Lê Tuấn Phong khẳng định.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong thời gian qua, EVN đã đưa ra các giải pháp cụ thể, quyết tâm rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng theo quy định của Thông tư 33/2014/TT-BCT. Đặc biệt, EVN đã ban hành quy trình cấp điện mới với những quy định cụ thể về thời gian thực hiện từng thủ tục, từng yêu cầu của khách hàng; triển khai cấp điện cho khách hàng theo phương châm “3 dễ” (dễ tiếp cận, dễ tham gia và dễ giám sát); thực hiện chế độ 1 cửa; niêm yết công khai các thủ tục, lưu đồ cấp điện tại phòng giao dịch khách hàng... Cùng với đó, EVN cũng yêu cầu các Tổng công ty phải có những chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các giải pháp cụ thể thực hiện đúng cam kết đối với khách hàng, từ khi nhận đơn đến khi nghiệm thu là 18 ngày...

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động