RSS Feed for Chuyện chưa kể về dự án tổ hợp than - điện Na Dương | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 12:01
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chuyện chưa kể về dự án tổ hợp than - điện Na Dương

 - Là nhà máy nhiệt điện chạy than đầu tiên của Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và cũng là nhà máy nhiệt điện chạy than đầu tiên không thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - dự án Nhiệt điện Na Dương đã từng được triển khai trong muôn vàn khó khăn, gian khổ.

Việt Nam không cần xây thêm nhà máy nhiệt điện than mới?
Đề xuất định hướng cơ cấu nguồn điện cho Quy hoạch điện VIII


TS. NGUYỄN THÀNH SƠN (*)

Mỏ than Na Dương được xây dựng từ những năm 1960 để cung cấp than có chất bốc cao cho nhà máy xi măng Hải Phòng trong điều kiện chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ trên miền Bắc ngày càng ác liệt, đã cản trở việc nhập khẩu than ngọn lửa dài từ Trung Quốc khi đó. Sau này, khi Nhà máy xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) được Liên Xô giúp xây dựng, Bộ Điện và Than đã đề nghị Liên Xô giúp cải tạo mở rộng mỏ than Na Dương và xây dựng tuyến đường sắt Mai Pha - Na Dương để cung cấp đủ than cho cả hai nhà máy xi măng (Hải Phòng và Bỉm Sơn).

Vào đầu những năm 1980, khi Nhà máy xi măng Hải Phòng đã đóng cửa và Nhà máy xi măng Bỉm Sơn chuyển sang công nghệ "khô", không còn dùng than Na Dương nữa, mỏ than Na Dương khi đó có hơn 800 công nhân đã được Bộ Năng lượng chuẩn bị cho đóng cửa. Thứ trưởng Nguyễn Đức Phan đã chủ trì nhiều cuộc họp để bàn về đóng của mỏ than Na Dương.

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Na Dương.

Trước tình hình như vậy, tôi và anh Nguyễn Lý Tỉnh (bạn học thời sinh viên ở cùng phòng với nguyên Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng tại Trường Năng lượng Moscow), nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Khoa học Kỹ thuật của Bộ Năng lượng đã đề xuất bằng văn bản với Bộ trưởng Thái Phụng Nê về việc sử dụng than Na Dương để phát điện.

Đang "chết đuối vớ phải cọc", Bộ trưởng Thái Phụng Nê đã giao cho anh Đặng Anh Tuấn - Vụ phó Vụ Kỹ thuật ra văn bản thông báo ý kiến chấp thuận của Bộ về việc nghiên cứu dùng than Na Dương để phát điện.

Nhận được văn bản của anh Đặng Anh Tuấn ký, tôi và anh Nguyễn Lý Tỉnh đã nhanh chóng "sáng tác" kịp thời một "Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng tổ hợp than - điện Na Dương" (PFS) dày khoảng 200 trang để trình Bộ Năng lượng.

Khi Bộ tổ chức "nghe" về PFS "tổ hợp than - điện Na Dương", các chuyên gia của ngành điện, trong lòng thì phản đối, nhưng ngoài miệng thì "băn khoăn", không ủng hộ vì lý do "dự án chưa có trong quy hoạch chung của ngành điện".

Dự án "chưa đâu vào đâu" thì anh Đinh Văn Lạp - Thứ trưởng thường trực ký quyết định cử tôi về làm Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế của Viện Khoa học Kỹ thuật mỏ (khi đó vẫn còn qui định văn bản điều động cán bộ có học vị PTS phải do Bộ trưởng ký). Anh Trần Xuân Hòa - chuyên viên Vụ Tổ chức của Bộ mang quyết định từ số 18, phố Trần Nguyên Hãn sang số 54, phố Hai Bà Trưng để "giao" cho tôi.

Chợt nghĩ, nếu tôi chấp nhận về Viện thì dự án điện Na Dương sẽ "đi vào dĩ vãng" ngay (sau này anh Nguyễn Lý Tỉnh cũng nói như vậy), nên tôi nói với anh Trần Xuân Hòa: "Anh mang quyết định trả lại cho anh Lạp" với lý do là tôi đã "không được Bộ tham khảo ý kiến cá nhân trước khi ra quyết định về nhân sự".

Mấy ngày sau, anh Hòa hỏi tôi: "Thế ông thích về đâu?" Tôi nói: "Nếu Bộ không muốn bố trí tôi trở lại Vụ Kế hoạch, cho tôi về Xí nghiệp Thăm dò khảo sát và Dịch vụ KHKT (do anh Nguyễn Trí Thịnh làm Giám đốc), hoặc mỏ Na Dương, cũng của Công ty Than Nội địa". Sau đó, Bộ ra quyết định cử tôi về Công ty Than Nội địa, và anh Đoàn Văn Kiển - Giám đốc Công ty cử tôi về làm cố vấn cho anh Thịnh ở Xí nghiệp Thăm dò khảo sát.

Tôi về Công ty Than Nội địa chưa kịp "ấm chỗ" thì hai tổng công ty nhà nước đầu tiên (về than và về điện) đã được thành lập theo các Nghị định 13 (thành lập Tổng công ty Than Việt Nam - TVN, do anh Nguyễn Viết Hòe làm Chủ tịch và anh Đoàn Văn Kiển làm Tổng giám đốc) và Nghị định 14 (thành lập Tổng công ty Điện lực Việt Nam). Ngay khi còn đang chỉ đạo soạn thảo Điều lệ và Quy chế hoạt động của TVN, anh Nguyễn Viết Hòe nhân dịp đang họp Quốc hội đã viết thư tay mời tôi lên Nhà khách Quốc hội ở số 8 phố Chu Văn An để "đả thông tư tưởng" trước khi ra quyết định "điều động" tôi từ Công ty Than Nội địa về làm việc tại "Ban chuẩn bị các dự án đầu tư" của TVN để, như anh Hòe nói: "Tiếp tục làm dự án than - điện Na Dương".

Ở Ban Chuẩn bị các dự án đầu tư của TVN (được tách ra từ Ban Chuẩn bị đầu tư của Bộ Năng lượng), anh Nguyễn Khắc Quảng (kỹ sư mỏ Bách khoa khóa 1) được phân làm Trưởng ban, còn tôi làm phó. Với sự quan tâm và động viên của anh Kiển và anh Hòe, chúng tôi lại tiếp tục hoàn chỉnh PFS của dự án than - điện Na Dương (có thêm sự tham gia của anh Bảo "đen" - kỹ sư điện). Khi đó, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (UBKHNN) đang thẩm định Tổng sơ đồ (Quy hoạch) phát triển ngành điện. Anh Kiển đã cử tôi thay mặt TVN tham gia Hội đồng thẩm định (theo lời mời của UBKHNN) với nhiệm vụ, như anh Kiển giao: "Cố gắng đưa cái dự án than - điện Na Dương của mình vào Quy hoạch của ngành điện". Khi họp Hội đồng thẩm định (do anh Đỗ Quốc Sam chủ trì), tôi đã chính thức thay mặt TVN đề nghị bổ sung vào Quy hoạch điện dự án than - điện Na Dương.

Đến lượt mình, khi được mời phát biểu, anh Lê Liêm (đại diện cho ngành điện) đã lại phản đối việc đưa dự án than - điện Na Dương của TVN vào Quy hoạch, với lý do "dự án chưa có PFS được phê duyệt". Vì anh Lê Liêm từng là Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, nên tôi không dám tranh luận "làm mất mặt" anh ấy, mà chỉ nói: "Báo cáo Hội đồng, khi còn ở Bộ Năng lượng, chúng tôi đã trình PFS của dự án này, nhưng không được Bộ phê duyệt vì "chưa có trong quy hoạch", chắc anh Liêm cũng rõ".

Hôm sau, khi anh Kiển hỏi: "Tình hình dự án điện Na Dương thế nào? Tôi báo cáo ngay: "Lại ‘con gà, quả trứng’ rồi. Khi duyệt PFS thì người ta đòi phải "có trong quy hoạch", nay duyệt Quy hoạch thì người ta lại đòi phải có PFS!". Anh Kiển trừng mắt hỏi: "Người ta là ai?" Tôi nói: "Là đồng hương của anh đấy". Anh Kiển cười, nhưng vẫn cáu: "Là ai?" Tôi nói: "Lê Liêm".

Sau đó, tôi viết một bài báo nhan đề "Nội bộ đang cản trở nội lực" (khi đó, Đảng đang có nghị quyết về "phát huy nội lực") với nội dung: ngành than và ngành điện là "hai anh em sinh đôi"; có than thì mới có điện; ngành than đã hy sinh, chấp nhận giá than cấp cho điện thấp hơn giá thành trong hàng chục năm qua; bình quân mỗi năm, lợi nhuận của ngành than đã chuyển sang thành lợi nhuận của ngành điện tới vài trăm tỷ; bây giờ ngành than gặp khó khăn trong việc "cứu" hơn 800 công nhân mỏ Na Dương thì đang bị ngành điện cản trở, v.v...

Trước khi gửi cho các báo, tôi gửi một bản cho anh Phạm Thế Duyệt (khi đó đang là Ủy viên Thường Vụ, Thường trực Ban Bí thư và cũng là người xuất thân từ ngành than) với hy vọng nhận được sự ủng hộ (tôi đã nhờ anh Thành lái xe riêng trực tiếp bỏ vào hòm thư của bác Duyệt). Vì bài viết đề cập đến quan hệ tế nhị giữa hai ngành "ruột thịt" và liên quan đến chủ trương "phát huy nội lực" của Đảng, nên trước đó, một lần cùng đi ra sân bay, trên ô tô tôi đã đưa bản thảo bài báo gửi anh Duyệt cho anh Kiển đọc và hỏi: "Có nên gửi không?" Đọc xong anh Kiển vừa cười (chắc tỏ ý đồng tình) vừa trả lời: "Tùy cậu!"

Bẵng đi một thời gian, anh Kiển có "rủ" tôi lên Văn phòng Chính phủ để cùng dự hội nghị về Quy hoạch điện do Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc chủ trì. Sau khi anh Nguyễn Mạnh Hiến - Viện trưởng Viện Năng lượng trình bày tóm tắt Quy hoạch, chuyển sang phần "trao đổi", anh Kiển đã báo cáo Phó Thủ tướng về dự án than - điện Na Dương và đề nghị chính thức đưa vào Quy hoạch.

Tôi nhớ rõ, trong kết luận hội nghị của mình, Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc có nói: "Làm quy hoạch điện thì phải xuất phát từ lợi ích chung của các ngành kinh tế. Anh phó tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn đã nói đúng. Anh Phạm Thế Duyệt đã chuyển cho tôi và anh Đặng Vũ Chư bài viết của anh Sơn, tôi không biết anh Sơn là ai, nhưng người ta viết thế là khách quan đấy".

Khi ra về, anh Kiển hỏi: "Cậu đã gửi bài báo đó thật đấy à?". Tôi thú nhận: "Vâng, nhưng em chỉ gửi cho bác Phạm Thế Duyệt thôi, chưa gửi cho các báo, để xem thế nào đã".

Cuối cùng, PFS, rồi FS của dự án điên chạy than Na Dương đã được phê duyệt để chuyển sang các bước tiếp theo.

(*) - Nguyên Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Điện Than - TKV

     - Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động