Lọc hóa dầu Bình Sơn: Hướng đến phát triển bền vững
14:08 | 04/07/2018
Dấu mốc mới của Lọc dầu Dung Quất
Tăng trưởng khả quan
6 tháng đầu năm 2018, BSR dự kiến sản xuất khoảng 3,57 triệu tấn sản phẩm nhưng tiêu thụ đến 3,60 triệu tấn, đạt 57,2% kế hoạch năm. Doanh thu ước đạt 55.359 tỷ đồng, thực hiện 70,9% kế hoạch năm, nộp NSNN đạt 5.809 tỷ đồng, đạt 69,7% kế hoạch năm. Công ty ước lợi nhuận sau thuế thu khoảng 2.947 tỷ đồng, tương đương 84,7% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2018.
Để có được những thành công đó, từ đầu năm đến nay, mặc dù khoảng cách giá dầu thô và giá sản phẩm bị thu hẹp hơn so với kế hoạch nhưng do Nhà máy luôn hoạt động an toàn, ổn định ở công suất tối ưu. Đồng thời, BSR kiểm soát rất tốt mức tiêu hao dầu thô. Thêm vào đó, do thực hiện tốt công tác tối ưu hóa, công tác quản trị và thực hiện tốt công tác tiết kiệm chống lãng phí luôn được chú trọng đã góp phần làm giảm giá thành sản phẩm cũng là các nguyên nhân tích cực làm tăng lợi nhuận cho Công ty.
Tiến độ trước EPC đạt 83,55%, cụ thể, công tác chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn thành 99,8%. BSR đang phối hợp với Nhà thầu thiết kế tổng thể, Tư vấn lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường để cập nhật báo cáo theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên Môi trường. Hồ sơ mời thầu giai đoạn 1 Gói thầu EPC đã được phát hành từ ngày 13/11/2017. Hiện nay, Ban Quản lý dự án NCMR NMLD Dung Quất đang tiến hành xem xét trả lời và làm rõ cho tất cả các nhà thầu. Theo kế hoạch, công tác lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng EPC hoàn thành trong năm 2019.
Sau nâng cấp mở rộng, NMLD Dung Quất kỳ vọng đảm bảo chất lượng sản phẩm tương đương EURO V và đáp ứng tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt nhất. Việc nâng cấp sẽ phép chế biến các hỗn hợp dầu thô chua - nặng nhằm tăng độ linh động trong lựa chọn dầu thô và tăng cơ hội giảm chi phí dầu thô đầu vào. Với các mục tiêu trên, NMLD Dung Quất sẽ chủ động hơn khi ứng phó các diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu thế giới góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Nhà máy với các nhà máy trong và ngoài nước.
Tái cơ cấu theo lộ trình
Với mục tiêu của việc tái cơ cấu BSR để trở thành doanh nghiệp mạnh, năng động và có năng lực cạnh tranh trong nước cũng như trên trường quốc tế trong lĩnh vực lọc - hóa dầu, trong đó sản xuất sản phẩm từ lọc hóa dầu là trọng tâm. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng quy mô, nâng công suất NMLD Dung Quất, tập trung lĩnh vực hóa dầu; chế biến sâu dầu thô tăng thêm giá trị gia tăng và tạo ra các sản phẩm mới. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững, đảm bảo thực hiện hoàn thành chiến lược phát triển BSR 5 năm 2016 - 2020 và các kế hoạch 5 năm tiếp theo. Hoàn thành công tác cổ phần hóa để chuyển đổi mô hình hoạt động là công ty cổ phần trong năm 2018.
BSR cho biết, tháng 1/2018, BSR đã tiến hành cổ phần hóa thành công. Đồng thời, BSR cũng đang tiến hành thoái vốn tại một số đơn vị thành viên, đơn vị có vốn góp nhằm tập trung mọi nguồn lực vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, hướng tới phát triển bền vững.
Theo đó, ngày 18/4/2018, Hội đồng thành viên BSR đã ban hành Nghị quyết số 1235/NQ-BSR về việc phê duyệt kết quả xác định giá trị góp vốn và phương án thoái vốn của Công ty BSR tại Công ty CP Nhà và Thương mại Dầu khí (PV Building). Tổng giá trị tài sản của PV Building được xác định là 271.394.131.204 đồng.
Kế hoạch thoái vốn nằm trong lộ trình tái cơ cấu Công ty BSR giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt theo Nghị quyết số 2616/NQ-DKVN ngày 31/12/2016 của Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo đó, BSR sẽ thoái vốn tại PV Building xuống còn 51% vốn điều lệ và thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2018.
Sẽ có 5.652.919 cổ phần sẽ được bán ra thị trường trong quý II/2018 (tương đương 32,26% cổ phần PV Building). Giá khởi điểm 12.672 đồng/cổ phần (căn cứ theo kết quả xác định giá trị cổ phần do Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC thực hiện). Hình thức bán cổ phần sẽ là đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Những năm gần đây, Công ty PV Building có tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2017 doanh thu thuần đạt 607,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 13,6 tỷ đồng, bằng 110,24% lợi nhuận sau thuế năm 2016. Trong cơ cấu lợi nhuận của Công ty, hoạt động kinh doanh bao bì chiếm tỷ trọng lớn. Nhìn chung, hoạt động của PV Building rất ổn định, lợi nhuận tăng trưởng qua các năm.
Tiếp đó, ngày 08/5/2018, Hội đồng thành viên BSR đã ban hành Nghị quyết số 1474/NQ-BSR về việc phê duyệt kết quả xác định giá trị phần vốn góp và phương án thoái vốn của BSR tại Công ty Cổ phần Bảo dưỡng và Sửa chữa Công trình Dầu khí (PMS). Tổng giá trị tài sản của PMS tại thời điểm 31/12/2017 được xác định là 192.594.522.794 đồng.
PMS được thành lập theo Quyết định số 1258/QĐ-DKVN ngày 29/4/2009 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ngày 29/6/2009, Công ty Cổ phần Bảo dưỡng và Sửa chữa Công trình Dầu khí được Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu số 4300468798 và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 16 ngày 10/8/2017 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, số vốn thực góp là 80 tỷ đồng, với tỷ lệ góp vốn như sau: Tổng Công ty Bảo dưỡng - Sửa chữa Công trình Dầu khí - CTCP: 53,75%; Hiap Seng Engineering Company Limited: 25%; Công ty TNHH một thành viên Lọc - Hóa dầu Bình Sơn: 8,75%; Công ty TNHH Phát triển Công nghệ: 6,25%; Công ty TNHH JGC Việt Nam: 6,25%.
Kế hoạch thoái vốn nằm trong lộ trình tái cơ cấu BSR giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt theo Nghị quyết số 240/NQ-DKVN ngày 09/01/2018 của Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo đó, BSR sẽ thoái toàn bộ vốn góp tại PMS năm 2018.
BSR sẽ bán đấu giá công khai 700.000 cổ phần sẽ được bán ra thị trường trong quý III/2018 (chiếm tỷ lệ 8,75% tổng số cổ phần đã phát hành theo vốn thực góp trong vốn điều lệ). Giá khởi điểm 13.762 đồng/cổ phần (căn cứ theo kết quả xác định giá trị cổ phần do Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC thực hiện).
Doanh thu thuần của Công ty tăng khá mạnh trong giai đoạn 2016 - 2017. Năm 2017, doanh thu thuần của Công ty đạt 226,756 tỷ đồng, tăng 29,54% so với mức 175,044 tỷ đồng năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Công ty lại giảm do mức trích lập dự phòng năm 2017 của Công ty tăng cao so với năm 2016. Năm 2016, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Công ty đạt 3,838 tỷ đồng và bước sang năm 2017, mức này giảm 73,11% xuống còn mức 1,032 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Công ty tăng khá tốt, tăng 25,71% so với năm 2016, đạt 2,083 tỷ đồng.
Sau hơn 9 năm đi vào hoạt động, cho tới nay, Lọc dầu Dung Quất đã sản xuất được hơn 52,1 triệu tấn sảm phẩm các loại; tổng doanh thu đạt 914,6 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD); nộp ngân sách Nhà nước 149,17 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 7 tỷ USD); lợi nhuận sau thuế đạt 19,17 nghìn tỷ đồng.
TIẾN SỸ