RSS Feed for Tổng giám đốc Vietsovpetro chia sẻ với bạn đọc Tạp chí Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 04/10/2024 05:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng giám đốc Vietsovpetro chia sẻ với bạn đọc Tạp chí Năng lượng Việt Nam

 - Trước thềm năm mới - xuân Giáp Thìn 2024, ông Vũ Mai Khanh - Tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã có những chia sẻ với bạn đọc Tạp chí Năng lượng Việt Nam về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2023 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đặc biệt là thông tin chi tiết về Lô 09-1, kế hoạch mở rộng tìm kiếm, thăm dò gia tăng trữ lượng, biện pháp tăng cường thu hồi dầu khí từ các mỏ cũ, cũng như những thách thức và công tác đổi mới quản trị, số hóa, xây dựng nhân sự cho tương lai tới.
Vietsovpetro tổng kết hoạt động sản xuất, kinh doanh 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 Vietsovpetro tổng kết hoạt động sản xuất, kinh doanh 2023, triển khai kế hoạch năm 2024

Tại TP. Vũng Tàu, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro vừa tổ chức thành công hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để đánh giá những kết quả đã đạt được trong năm 2023, đồng thời đưa ra những mục tiêu, kế hoạch và giải pháp thực hiện trong năm 2024.

Liên doanh Vietsovpetro sau 42 năm chính thức đi vào hoạt động Liên doanh Vietsovpetro sau 42 năm chính thức đi vào hoạt động

Liên doanh Vietsovpetro (gọi tắt là Vietsovpetro) là pháp nhân hợp pháp của nước CHXHCN Việt Nam, được thành lập năm 1981 (đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại Việt Nam​. Ngày 19/11/1981, Vietsovpetro chính thức đi vào hoạt động và bắt tay vào công tác nghiên cứu tài liệu địa chất - địa vật lý, xây dựng chiến lược và chương trình thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam.

Trước hết, xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của Vietsovpetro năm 2023 và những mục tiêu cho năm 2024?

Ông Vũ Mai Khanh: Năm 2023, Vietsovpetro đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức ở hầu hết các chỉ tiêu sản xuất và tài chính của năm 2023. Cụ thể:

- Khai thác dầu thô/condensate Lô 09-1, đã hoàn thành sản lượng 2.750 nghìn tấn vào ngày 11/12/2023 (về đích sớm 20 ngày), cả năm 2023 đạt trên 2,9 triệu tấn (đạt 105,5% kế hoạch).

- Khai thác khí thiên nhiên đã về đích sớm 102 ngày, sản lượng cả năm đạt 73,0 triệu m3 (đạt 134,6% kế hoạch).

- Vietsovpetro đã hoàn thành kế hoạch doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách Nhà nước (nhờ tận dụng lợi thế giá dầu tăng cao) sớm 3 - 4 tháng. Doanh thu bán dầu, khí và condensate cả năm đạt trên 1,9 tỷ USD (đạt 126,9% kế hoạch). Tổng thuế nộp ngân sách Nhà nước Việt Nam đạt gần 1 tỷ USD, lợi nhuận hai Phía đạt hơn 400 triệu USD.

- Đối với hoạt động dịch vụ ngoài và mở rộng lĩnh vực hoạt động: Tổng doanh thu từ hoạt động dịch vụ ngoài và các hoạt động khác dự kiến là 241,55 triệu USD. Trong đó, doanh thu từ cung cấp dịch vụ cho bên ngoài là 217,2 triệu USD và lợi nhuận sau thuế hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.​

- Gia tăng trữ lượng thu hồi của Lô 09-1 đạt 4.184 nghìn tấn. Hoàn thành vượt mức kế hoạch gia tăng trữ lượng năm 2023, góp phần giúp Vietsovpetro vượt qua đà suy giảm sản lượng, đạt hệ số bù trữ lượng dầu khí ở mức 1,4 lần, qua đó tạo tiền đề vững chắc cho kế hoạch khai thác các năm về sau.

- Hoàn thành và đưa vào khai thác trước thời hạn cả 3 công trình xây dựng cơ bản trọng điểm: Giàn RC-8 - FO sớm hơn 1 tháng, giàn BK-22 - FO sớm hơn 28 ngày và giàn BK-4A - FO sớm hơn 12 ngày. Việc hoàn thành vượt tiến độ các công trình này trong bối cảnh giá cả biến động, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi yếu tố địa chính trị đã khẳng định ý chí quyết tâm, vững vàng vượt qua khó khăn thách thức của Vietsovpetro, góp phần quan trọng ngăn chặn đà suy giảm sản lượng dầu khai thác, cũng như góp phần gia tăng sản lượng khai thác dầu của Vietsovpetro trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Còn về nhiệm vụ kế hoạch sản xuất chính năm 2024, hai Phía đã giao cho Vietsovpetro như sau:

- Khai thác dầu/condensate khoảng 2,79 triệu tấn. Trong đó, Lô 09-1 là 2,7 triệu tấn, Lô 09-3/12 (phần của Vietsovpetro 55%) là hơn 90 nghìn tấn.

Ngoài ra, Hội đồng còn giao cho Vietsovpetro 1 nhiệm vụ bổ sung của Lô 09-1 để phấn đấu khai thác thêm 100 nghìn tấn và trên cơ sở kết quả thực hiện của nửa đầu năm 2024 có thể sẽ xác định thêm nhiệm vụ bổ sung số 2 không ít hơn 50 nghìn tấn.

- Sản lượng khí thiên nhiên khoảng 44 triệu m3.

- Kết thúc thi công 7 giếng thăm dò thẩm lượng với kế hoạch gia tăng trữ lượng đạt 2,5 triệu tấn.

- Đảm bảo tiến độ xây dựng các công trình BK-23, RC-11, BK-24 và đưa công trình BK-23 vào hoạt động đúng kế hoạch.

- Kế hoạch doanh thu bán dầu khí đạt 1,53 tỷ USD trên cơ sở giá dầu 75 USD/thùng (bao gồm phụ phí).

- Kế hoạch nộp thuế vào ngân sách Nhà nước 671 triệu USD và lợi nhuận hai Phía là 221 triệu USD.

Về công tác mở rộng vùng hoạt động, thực hiện nhiệm vụ trong chương trình công tác và ngân sách đã được phê duyệt, cũng như các nghĩa vụ đối với các lô hiện có, đồng thời tiếp tục nghiên cứu tiềm năng dầu khí và khả năng tham gia của Vietsovpetro vào các lô mới.

Về công tác dịch vụ ngoài, năm 2024 Vietsovpetro sẽ tiếp tục cung cấp cho các đối tác truyền thống, đồng thời tìm kiếm và mở rộng thêm các dịch vụ ở lĩnh vực khác mà Vietsovpetro có thế mạnh.

Tổng giám đốc Vietsovpetro chia sẻ với bạn đọc Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Vietsovpetro đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức ở hầu hết các chỉ tiêu sản xuất và tài chính của năm 2023.

Ông có thể cho biết chi tiết hơn về việc tăng trữ lượng ở Lô 09-1 và kế hoạch mở rộng tìm kiếm thăm dò trữ lượng trong năm tới?

Ông Vũ Mai Khanh: Về tăng trữ lượng ở Lô 09-1 và kế hoạch mở rộng tìm kiếm thăm dò trữ lượng trong năm tới, tôi xin liệt kê một số kế hoạch triển khai cụ thể như sau:

- Về việc gia tăng trữ lượng ở Lô 09-1: Trong năm 2024 dự kiến khoan 7 giếng thăm dò thẩm lượng với gia tăng trữ lượng ước đạt 2,5 triệu tấn dầu.

- Về kế hoạch mở rộng tìm kiếm thăm dò trữ lượng trong năm tới: Vietsovpetro tiếp tục triển khai các dự án mở rộng vùng hoạt động tại Việt Nam ở các lô có vốn đầu tư của Vietsovpetro (gồm 09-3/12, 16-1/15, 09-2/09 và các lô mở như 17, 05-2/10, 09-2/10, 10/11 và 10&11-1, 04-3/23).

- Đối với các lô 09-3/12, 16-1/15, 09-2/09: Tiếp tục triển khai các công tác nghiên cứu địa chất - địa vật lý, đánh giá tài nguyên trữ lượng, cập nhật chương trình tìm kiếm thăm dò. Tại Lô 09-3/12 tiến hành lập cơ sở địa chất và thiết kế thi công giếng khoan thăm dò, khai thác CT-212XP.

- Đối với các lô 17, 05-2/10: Tham gia đấu thầu/tiến hành đàm phán để ký kết Hợp đồng chia sản phẩm.

- Lô 09-2/10: Tiến hành đàm phán với PVEP về các điều kiện để tham gia vào Hợp đồng dầu khí.

- Lô 10/11 và 10&11-1: Tham gia vào vòng đấu thầu do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức để lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí mới.

- Lô 04-3/23: Tiếp tục đánh giá tiềm năng dầu khí Lô 04-3/23 cùng các khu vực lân cận và khả năng tham gia đấu thầu ký kết Hợp đồng dầu khí chung cho các lô này.

- Tiếp tục tiến hành nghiên cứu, đánh giá tiềm năng dầu khí các lô mở, các lô dầu khí triển vọng khác trên thềm lục địa Việt Nam để xem xét tính khả thi đầu tư mở rộng vùng hoạt động của Vietsovpetro.

Được biết, trong năm vừa qua các xí nghiệp thuộc Liên doanh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình khi đưa 3 công trình khai thác vào hoạt động trước thời hạn. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về năng lực chế tạo cơ khí và công tác quản lý, thi công các công trình trên biển của các đơn vị thành viên. Vậy, Vietsovpetro có kế hoạch nào để các xí nghiệp thuộc Liên doanh tăng cường cung cấp dịch vụ cho các đối tác trong và ngoài nước, thưa ông?

Ông Vũ Mai Khanh: Đúng là sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam nói chung và của Vietsovpetro nói riêng đang suy giảm nhanh chóng. Đối với Vietsovpetro, nhiệm vụ tăng cường công tác cung cấp dịch vụ cho khách hàng bên ngoài (cả trong và ngoài nước) là hết sức quan trọng. Nguồn doanh thu từ công tác dịch vụ ngoài mang lại đang bù vào phần sản lượng dầu khí suy giảm và góp phần tích lũy tài chính để Vietsovpetro củng cố, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Vietsovpetro đã và đang thực hiện các công việc sau đây để thúc đẩy công tác dịch vụ ngoài:

Thứ nhất: Tăng cường quảng bá năng lực của Vietsovpetro, marketing đến các thị trường ngoài ngành dầu khí và nước ngoài như: Myanmar, Maylaysia, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan v.v...

Thứ hai: Chúng tôi đang hợp tác với các đối tác lớn, có uy tín trên thế giới để cùng nhanh chóng thực hiện hiệu quả các dự án lớn (cả trong và ngoài nước) như: Burmi Amanda, PTTEP, POSCO E&C, DOOSAN, DEME, Jan De Nul, Mitsubishi…

Thứ ba: Chúng tôi đang tập trung mở rộng thị trường vào mảng năng lượng tái tạo, nhất là lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Đây là lĩnh vực mà Vietsovpetro có năng lực và nhiều kinh nghiệm đã tích lũy được trong suốt quá trình hơn 42 năm hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi của Vietsovpetro. Điều này cũng phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Chúng tôi coi đây là lĩnh vực mới, rất tiềm năng, thu hút nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ nước ngoài và Vietsovpetro đặt ra mục tiêu phải chiếm lĩnh được thị trường này.

Thứ tư: Chúng tôi cũng đang từng bước đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc để đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe theo chuẩn quốc tế từ phía khách hàng.

Thứ năm: Vietsovpetro đang tăng cường công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực và công tác quản trị, quản lý dự án, nhằm đưa tới cho khách hàng một dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng với giá thành được tối ưu hóa, thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Song song đó, chúng tôi cũng sẽ từng bước thay đổi quy định nội bộ, nhằm tạo áp lực và khuyến khích các đơn vị trực thuộc, người lao động tham gia công tác dịch vụ ngoài. Tuyên truyền để tất cả cán bộ công nhân viên, người lao động hiểu được tầm quan trọng trọng và tự giác tham gia công tác dịch vụ ngoài.

Thưa ông, sở hữu khu vực đã khai thác lâu năm, Liên doanh đã có những biện pháp nào để tăng cường thu hồi dầu khí từ các mỏ cũ? Những biện pháp đó tận dụng nguồn kiến thức khoa học của Việt Nam, Nga và quốc tế ra sao?

Ông Vũ Mai Khanh: Hiện nay, hầu hết các mỏ dầu và khí thuộc Vietsovpetro đang có sản lượng khai thác hàng năm suy giảm nhanh, trong khi hiệu quả từ việc áp dụng các giải pháp địa chất - kỹ thuật, tối ưu chế độ khai thác/bơm ép, cũng như đưa vào khai thác các khu vực phát hiện mới ngày càng hạn chế. Bên cạnh đó, các công trình khai thác hiện hữu có thời gian vận hành cận, hoặc vượt thời gian thiết kế, thời gian vận hành an toàn các công trình biển không còn nhiều, trong khi đó theo các sơ đồ công nghệ phát triển mỏ cho thấy dầu còn lại sau khi kết thúc giai đoạn khai thác tương đối lớn. Trước bối cảnh trên, Vietsovpetro đã nhận thức rõ công tác nghiên cứu áp dụng các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu là vô cùng cấp thiết và cần được ưu tiên hàng đầu.

Vietsovpetro đã tiến hành tổ chức nghiên cứu các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu từ năm 2007, tuy nhiên mức độ và quy mô nghiên cứu còn mang tính cục bộ, nhỏ lẻ. Đến thời điểm 2014, Vietsovpetro đã xây dựng một chương trình tổng thể áp dụng các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu cho Lô 09-1. Theo đó, phương pháp bơm ép hóa phẩm (Surfactant - Polymer) và phương pháp bơm khí nước luân phiên (Water alternating gas) được xác định là các phương pháp phù hợp cho các đối tượng trầm tích. Đối với thân dầu Móng mỏ Bạch Hổ, phương pháp khai thác tiệm cận/dưới áp suất bão hoà đang cho thấy tiềm năng trong nâng cao thu hồi dầu.

Do hầu hết các dự án nâng cao hệ số thu hồi dầu đều có tính phức tạp cao trong công tác nghiên cứu, triển khai thực tế, do đó trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã tập trung tối đa nguồn lực, trí tuệ, cũng như tổ chức hội thảo và thảo luận với các công ty trong và ngoài nước nhằm tham khảo, học hỏi về công nghệ, kinh nghiệm triển khai các dự án nâng cao hệ số thu hồi dầu, đặc biệt cho các mỏ dầu ngoài khơi.

Bên cạnh đó, do đây cũng là một lĩnh vực đặc thù, chi phí cho mỗi thùng dầu bổ sung từ giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu tương đối lớn và chưa có quy định cụ thể trong Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 và Nghị định số 45/2023/NĐ-CP, nên để có thể thực hiện hiệu quả các dự án nâng cao hệ số thu hồi dầu cần phải có các cơ chế khuyến khích phù hợp.

Trong năm 2024, Vietsovpetro sẽ thực hiện đề án nghiên cứu với nội dung này và trình các cấp có thấp quyền xem xét sau khi được thông qua.

Tổng giám đốc Vietsovpetro chia sẻ với bạn đọc Tạp chí Năng lượng Việt Nam
Trong bối cảnh các công trình khai thác hiện hữu có thời gian vận hành cận, hoặc vượt thời gian thiết kế, thời gian vận hành an toàn các công trình biển không còn nhiều, trong khi đó theo các sơ đồ công nghệ phát triển mỏ cho thấy dầu còn lại sau khi kết thúc giai đoạn khai thác tương đối lớn, do đó, giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu là vô cùng cấp thiết và ưu tiên hàng đầu của Vietsovpetro trong thời gian sắp tới.

Dù đã đứng vững 42 năm, qua nhiều thời kỳ sóng gió của thị trường dầu khí, cũng như địa chính trị, Vietsovpetro gặp những thách thức và chuẩn bị ra sao cho đổi mới quản trị, số hóa, xây dựng nhân sự cho tương lai, thưa ông?

Ông Vũ Mai Khanh: Năm 1981 Vietsovpetro ra đời, đặt nền móng phát triển cho ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt vừa đi qua. Trải qua nhiều thử thách, nhiều thời kỳ sóng gió của thị trường dầu khí và địa chính trị từ ngày đầu thành lập cho đến nay, Vietsovpetro đã phát triển lớn mạnh, giữ vững vị thế chủ lực, tiên phong của ngành Dầu khí Việt Nam.

Tuy nhiên, với nhu cầu năng lượng toàn cầu được dự báo sẽ gia tăng 30 - 40% đến năm 2040 so với hiện nay. Bên cạnh việc dầu khí vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng của thế giới, năng lượng xanh, hay năng lượng tái tạo đang phát triển và sẽ dần chiếm tỉ trọng đáng kể so với những năng lượng hóa thạch (như dầu mỏ, khí tự nhiên và than đá). Sự quan tâm về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường đã thúc đẩy các quốc gia cân nhắc nghiêm túc hơn trong những định hướng kinh doanh, tạo cơ hội, cũng như sức ép đến các công ty trong ngành năng lượng phải chuyển đổi để có thể thích ứng với chiến lược trong phát triển năng lượng. Vietsovpetro cũng sẽ không ngoại lệ và để làm chủ được cuộc chơi về năng lượng của tương lai, Vietsovpetro sẽ chủ động tham gia vào những định hướng mang tính chuyển đổi này.

Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2033, Liên doanh Vietsovpetro xác định sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ như sau:

Một là: Tiếp tục tận thăm dò và khai thác dầu khí, đặt mục tiêu duy trì sản lượng khai thác dầu/condensate ở mức ổn định, tăng cường đầu tư mở rộng vùng hoạt động trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trong và ngoài nước.

Hai là: Mở rộng mô hình hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo và phạm vi hoạt động ra thị trường trong nước và quốc tế.

Ba là: Hoàn thiện tổ chức và nâng cao năng lực quản trị biến động, duy trì lực lượng lao động cốt lõi, sử dụng tối ưu các nguồn lực.

Với xu hướng chuyển dịch năng lượng tái tạo và công nghệ số phát triển mạnh mẽ, Vietsovpetro cần thích ứng linh hoạt, quản trị mọi biến động, đổi mới để nắm bắt các cơ hội, tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực, tiên phong trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và là đối tác tin cậy trong lĩnh vực dầu khí, tập trung mở rộng đầu tư, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Mặt khác, tận dụng những nền tảng lợi thế cạnh tranh vững chắc và độc đáo của Vietsovpetro để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Và để hiện thực các mục tiêu đề ra, thì sự đổi mới công tác quản trị, số hóa và xây dựng nhân sự cho tương lai đối với Vietsovpetro là hết cấp thiết. Đây là một nhiệm vụ đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc truyền thống, thế mạnh, bản sắc và tầm nhìn chiến lược mới phù hợp với bối cảnh hiện nay để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Theo đó, Vietsovpetro sẽ triển khai ba nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất: Đổi mới quản trị.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang biến đổi mạnh mẽ, cùng các tác động ảnh hưởng từ địa chính trị, thì việc đổi mới quản trị là yếu tố sống còn. Vietsovpetro cần thiết lập một hệ thống quản trị hiện đại, linh hoạt, có khả năng thích ứng nhanh chóng với các thay đổi của thị trường, cũng như các tác động ảnh hưởng của địa chính trị. Điều này bao gồm việc cập nhật các chính sách, hoàn thiện các quy trình quản lý dựa trên những phân tích dữ liệu chính xác, đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong quản lý.

Thứ hai: Số hóa.

Chuyển đổi số toàn diện là chìa khóa để tăng cường hiệu quả hoạt động trong ngành dầu khí và năng lượng. Vietsovpetro sẽ tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi khía cạnh của hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ quản lý chuỗi cung ứng, quản lý sản xuất, cho đến quản lý rủi ro và quản trị trải nghiệm khách hàng qua các dịch vụ mà Vietsovpetro đã và sẽ cung cấp cho thị trường năng lượng).

Sự chuyển đổi số không chỉ giúp tăng cường hiệu suất làm việc, mà còn mở ra cơ hội cho việc khai thác cơ sở dữ liệu lớn đang có và ứng dụng công nghệ để dự báo, tối ưu hóa quyết định trong các hoạt động kinh doanh của Vietsovpetro. Những giải pháp mới từ việc chuyển đổi số sẽ giúp nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh của Vietsovpetro trên thị trường năng lượng.

Thứ ba: Xây dựng nhân sự cho tương lai.

Trong kỷ nguyên số, nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định. Vietsovpetro sẽ đầu tư vào việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và kiến thức phù hợp với các xu hướng mới. Điều này bao gồm việc đào tạo, phát triển kỹ năng cho đội ngũ hiện tại, cũng như thu hút và giữ chân nhân tài có khả năng thích ứng và đổi mới.

Song song với việc tiếp tục đào tạo nâng cao, chuyên sâu, phát triển chuyên gia trong các lĩnh vực dầu khí truyền thống, Vietsovpetro sẽ đầu tư đào tạo và xây dựng đội ngũ mạnh về năng lực số, tiếp cận các công nghệ mới để đón đầu xu thế chuyển dịch năng lượng.

Vietsovpetro cũng tập trung xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý có tư duy sáng tạo, thích ứng linh hoạt, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có năng lực quản trị theo chuẩn quốc tế. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực sẽ được kết hợp chặt chẽ với văn hóa doanh nghiệp, hướng tới gìn giữ và phát huy các giá trị cốt lõi của Vietsovpetro và của con người Vietsovpetro.

Ngoài ra, trong bối cảnh quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu, Vietsovpetro cũng cần chú trọng nguồn nhân lực vào việc nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng sạch, bền vững. Điều này không chỉ giúp Vietsovpetro tiếp tục phát huy năng lực hiện nay của các đơn vị, mở ra các cơ hội kinh doanh mới trong một thế giới ngày càng ưu tiên vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông. Nhân dịp chuẩn bị chào đón xuân Giáp Thìn, xin chúc ông và tập thể Người lao động Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và sớm về đích các mục tiêu đã định trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024!

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động