Ông Nguyễn Văn Mậu chính thức làm Phó Tổng giám đốc PVN
13:18 | 18/11/2019
Ông Nguyễn Văn Mậu được giới thiệu làm Phó tổng giám đốc PVN
Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng và Thành viên HĐTV Phạm Xuân Cảnh trao quyết định và tặng hoa chúc mừng tân Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Mậu. Ảnh Petrotimes.
Phát biểu giao nhiệm vụ, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc PVN chúc mừng tân Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Mậu. Đồng thời nhấn mạnh, ông Mậu là người được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm, năng lực, đã trải qua nhiều cương vị công tác quan trọng và được tập thể lãnh đạo, cán bộ chủ chốt Tập đoàn tín nhiệm, tin tưởng giao trọng trách Phó Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực tài chính, kế toán của Tập đoàn.
Cho rằng, PVN đang triển khai chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, ông Mậu phải thực hiện chương trình hành động đã đề ra, phối hợp cùng lãnh đạo Tập đoàn, các ban chuyên môn, các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ rà soát, đánh giá, quản trị tài chính để phục vụ cho mục tiêu phát triển Tập đoàn trong những năm tới.
Phát biểu tại buổi lễ, tân Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Mậu bày tỏ cảm ơn đối với sự tin tưởng của tập thể lãnh đạo, cán bộ chủ chốt Tập đoàn đã tín nhiệm giao nhiệm vụ mới. Cam kết với trách nhiệm, kinh nghiệm, năng lực của bản thân sẽ nỗ lực, phấn đấu đoàn kết cùng lãnh đạo, tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động hoàn thành nhiệm vụ quản trị, xử lý các vấn đề tài chính, nhằm đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn được thuận lợi, an toàn, hướng đến phát triển bển vững.
Những thách thức
Theo bình luận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam, ông Mậu sẽ phụ trách lĩnh vực kinh tế, tài chính - phụ trách các ban: Tài chính kế toán, Kinh tế đầu tư và Thương mại dịch vụ. Ngoài các ban chuyên môn, ông Nguyễn Văn Mậu còn phụ trách nhóm các tổng công ty, công ty trong chuỗi dịch vụ gồm: PVCombank, Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn, PVI, PVFI, PVOil, PVTrans, PVMR, Petrosetco, PTSC, DQS, PAP, Công ty TNHH Tân Cảng.
Về chuyên môn, chức danh này sẽ lập kế hoạch, tham mưu cho Hội đồng Thành viên và Tổng giám đốc về xây dựng chiến lược, kế hoạch tài chính, kế toán của Tập đoàn và hoàn thiện bộ máy tài chính, kế toán.
Đặc biệt, ở vị trí này, ông Mậu sẽ lên kế hoạch và định hướng chiến lược đối với công tác quản lý, sử dụng vốn, cân đối nguồn vốn, phân tích đầu tư, thu xếp vốn cho các dự án trọng điểm, chính sách phân bổ và cân đối nguồn lực để kiến nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo định hướng "quản trị chặt chẽ tài chính nhằm tối ưu hóa các danh mục đầu tư" - như phát biểu của Tổng giám đốc PVN - ông Lê Mạnh Hùng khi nhậm chức.
Về lĩnh vực thương mại, ông Mậu trực tiếp chỉ đạo công tác phát triển thị trường, phát triển kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm lọc hóa dầu, khí và nhiên liệu sinh học.
Đối với nhóm các tổng công ty về dịch vụ kỹ thuật, đây có thể là tin vui khi ông Mậu từng có nhiều năm quản lý ở PTSC nên hội đủ kinh nghiệm, quản trị tài chính trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật trong bối cảnh PVN chưa cổ phần hóa và thoái vốn như lộ trình trước năm 2022. Lĩnh vực này đang duy trì cơ cấu lớn, gồm nhiều tổng công ty, với hơn 20.000 nhân sự và nhiều tổng công ty đã giao dịch trên sàn chứng khoán, cần tái cơ cấu nhằm bảo đảm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh (và nhiều nhóm chủ đề khác theo phân công của Tổng giám đốc).
Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều thách thức đối với ông Mậu trong bối cảnh giá dầu giảm sâu trong khi các dự án lớn lại đang cần gấp rút thu xếp vốn để thông quan như Lô B, Cá Voi Xanh. Các dự án này, cùng Lạc Đà Vàng sẽ là xương sống thúc đẩy tăng trưởng của toàn ngành. Chưa kể, cơ cấu vốn và bảo lãnh của PVN đối với các đề án tìm kiếm thăm dò của PVEP cần có lối thoát. Đối với các sản phẩm từ các nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, Nghi Sơn sẽ là cơ cấu thị trường và giá bán sản phẩm trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng dầu thị trường Asean sẽ về 0%.
"Nhưng thách thức là để kỳ vọng - kỳ vọng ở sức trẻ, bản lĩnh của người làm công tác quản trị tài chính và đầu tư để đưa các dự án lớn đi vào triển khai thực hiện" - Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam nhìn nhận./.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM