RSS Feed for Dấu ấn Việt Nam trong tư vấn thiết kế dầu khí | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 23:20
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dấu ấn Việt Nam trong tư vấn thiết kế dầu khí

 - Đối với đơn vị chuyên ngành lĩnh vực tư vấn thiết kế dầu khí như Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PVE), việc đào tạo liên tục và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của đội ngũ kỹ sư trẻ là đòi hỏi quan trọng. Với PVE, công tác này luôn là mục tiêu quan trọng trong quản lý điều hành và là chìa khóa thành công của PVE.

Dấu ấn khoa học công nghệ ngành Dầu khí Việt Nam
Các nhà máy khâu sau của PVN sẵn sàng cho cách mạng 4.0

Đặc thù sản phẩm, dịch vụ là chất xám, PVE là đơn vị duy nhất thuộc ngành Dầu khí Việt Nam hoạt động ở mảng dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao chuyên cung cấp các sản phẩm tư vấn thiết kế, quản lý dự án, khảo sát và kiểm định. PVE có Trung tâm tư vấn thiết kế với lực lượng lên tới 300 kỹ sư lành nghề, gồm đầy đủ các lĩnh vực chuyên sâu khác nhau. Không chỉ có khả năng thực hiện các dự án dầu khí, các kỹ sư còn có thể thực hiện tư vấn thiết kế những dự án, công trình công nghiệp khác.

Xác định đào tạo và tự đào tạo là vấn đề trọng yếu để phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp và quốc tế, PVE đã thực hiện những giải pháp tương thích với mọi thời kỳ phát triển. Theo chiến lược phát triển nguồn nhân lực chung của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN), PVE cũng được hưởng lợi và đã chuyển biến tích cực những hỗ trợ từ Tập đoàn.

C:UsershungnqDesktopPVEAnh 1.JPG

Đào tạo và tự đào tạo là định hướng đã được PVE xác định từ lâu.

Những năm trở lại đây, PVE đã đề xuất với PVN về việc chấp thuận triển khai Đề án đào tạo chuyên sâu đội ngũ kỹ sư tư vấn thiết kế (giai đoạn 2014 - 2017), nhằm cung cấp thêm kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế cho cán bộ kỹ sư. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với trình độ thiết kế dầu khí còn khá non trẻ như ở Việt Nam.

Được sự chấp thuận của Tập đoàn, Đề án đào tạo chuyên sâu đã và đang được tổ chức triển khai từ năm 2014 cho đến nay với 20 khóa với sự tham gia của 156 lượt cán bộ, kỹ sư bao gồm các nội dung chính như mô phỏng công nghệ; thiết kế nhà máy chế biến khí, lọc dầu, hóa dầu, giàn khai thác, giàn công nghệ trung tâm, giàn nước sâu neo căng; thiết kế tuyến ống dẫn dầu và khí, đường ống trong các công trình dầu khí.

Ngoài ra, Đề án còn bao gồm các khóa đào tạo về quản lý dự án tại dự án nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Việt Nam), Rapid (Malaysia); các khóa đào tạo về phần mềm SmartPlant3D trong thiết kế các công trình dầu khí; các khóa đào tạo về tư vấn đầu tư, lập dự toán, NDT,…

Các nội dung đào tạo được xây dựng dựa nên nhu cầu thực tế và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, đòi hỏi hàm lượng chất xám cao của PVE nhằm thực hiện mục tiêu vươn lên làm tổng thầu thiết kế, từng bước quốc tế hóa nguồn nhân lực.

Ông Đỗ Mạnh Hào - Phó ban Tổ chức Nhân sự - Phụ trách công tác đào tạo cho biết: "Trước khi triển khai một dự án mới, đặc biệt là các dự án lớn đòi hỏi kỹ thuật cao, các bộ phận chuyên môn sẽ rà soát lại nguồn nhân lực hiện có về khả năng đáp ứng yêu cầu về chuyên môn để kịp thời đề xuất những khóa, buổi đào tạo nhằm trang bị những kiến thức chuyên sâu còn thiếu cho lực lượng kỹ sư dự kiến sẽ tham gia dự án. Điều này sẽ giúp cho dự án đạt chất lượng, hiệu quả và củng cố thêm thương hiệu thiết kế dầu khí của PVE".

Chuyên gia đào tạo cho các khóa học đều đến từ các nước có nền công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới như: Hà Lan, Pháp, Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ,… Các chuyên gia tham gia đào tạo được yêu cầu phải có từ 20-30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế dầu khí nhằm đảm bảo kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tế.

Bên cạnh đó, việc được hợp tác cùng các tổng thầu lớn cũng là cơ hội để PVE nhận biết được năng lực của các chuyên gia và mời họ về đào tạo cho các kỹ sư. Thời gian chuẩn bị cho một khóa đào tạo chuyên sâu khá kỳ công, mất trung bình khoảng 2 tháng cho một khóa học 120 giờ, bao gồm lên chương trình đào tạo, tìm kiếm và đàm phán ký hợp đồng với chuyên gia, trình các cấp lãnh đạo phê duyệt.

Một trong những khó khăn trong công tác triển khai là lựa chọn thời điểm đào tạo vừa phù hợp với lịch của giảng viên và việc triển khai dự án. Ngoài học viên của PVE, các ban của PVN, các đơn vị trong ngành cũng quan tâm cử cán bộ, kỹ sư tham gia các khóa đào tạo.

Hiện tại, PVE đang triển khai khóa đào tạo thiết kế công nghệ chuyên sâu - thiết kế nhà máy lọc dầu. Đây là lĩnh vực mà chưa đơn vị thiết kế nào ở Việt Nam có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện. Giảng viên đào tạo là ông Douglas Molina - chuyên gia công nghệ đến từ Pháp với 27 năm kinh nghiệm, đã từng làm việc cho Technip và tham gia rất nhiều dự án thiết kế nhà máy lọc dầu ở Việt Nam và trên thế giới như: Nghi Sơn, Dung Quất (Việt Nam), Algier (Algeria), La Pampilla (Peru), Leuna (Đức), Algeciras (Tây Ban Nha),...

Khóa đào tạo cung cấp những kiến thức như tổng quan về lọc dầu, nguyên tắc chưng cất dầu thô, quá trình xử lý và bẻ gãy mặt bằng hydro, xử lý amin và thu hồi lưu huỳnh, hệ thống nước biển, nước làm mát, hệ thống cung cấp điện, hệ thống hơi tái sinh, hệ thống khí nhiên liệu, các bể chứa, xử lý dòng thải, hệ thống dầu đốt,…

Ngoài các kỹ sư thiết kế PVE, khóa học còn có sự tham gia của 3 kỹ sư công nghệ từ Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau. Cho đến nay, khóa học đã nhận được những phản hồi tích cực từ các học viên về những kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm cọ xát thực tế của chuyên gia.

Sau khi kết thúc khóa học này, PVE sẽ tiếp tục triển khai lớp đào tạo về thiết kế giàn công nghệ trung tâm vào đầu tháng 7/2017 do chuyên gia công nghệ đến từ Ấn Độ giảng dạy. Ngoài ra, PVE cũng đang đề xuất PVN xem xét, chấp thuận triển khai 2 khóa đào tạo trong quý 3/2017, bao gồm thiết kế nhà máy hóa dầu và thiết kế giàn nước sâu neo căng.

C:UsershungnqDesktopPVEAnh 2.jpg

Các kỹ sư PVE khẳng định thương hiệu thiết kế Việt

Đến nay, các kỹ sư người Việt đã có thể đảm nhận được hầu hết các công việc từ đơn giản đến phức tạp của các dự án mà PVE tham gia. Vì vậy, PVE chỉ thuê một số chuyên gia nước ngoài làm bán thời gian ở một số bộ phận mà người Việt chưa đảm nhận được như thiết kế công nghệ, điều khiển, công trình biển.

Đây là thành công đáng kể của PVE bởi so với giai đoạn 2009 - 2012, PVE là đơn vị phụ thuộc rất lớn vào các chuyên gia nước ngoài. Đỉnh điểm, chi phí thuê 17 chuyên gia trong 6 tháng bằng lương của toàn bộ CBCNV của PVE.

Xác định mục tiêu buộc phải thoát khỏi cái bóng của các chuyên gia nước ngoài và khẳng định thương hiệu thiết kế Việt, bên cạnh việc học hỏi trực tiếp trong quá trình làm việc, PVE còn thỏa thuận với các chuyên gia về việc mở các lớp đào tạo để các kỹ sư vừa làm việc, vừa tích lũy kiến thức, chuẩn bị nền tảng cho những dự án sau này.

Cho đến nay, chiến lược này đã đem lại những tín hiệu tích cực kể trên khi kỹ sư PVE có thể đảm trách ở những phần công việc mà trước đây chỉ dành cho chuyên gia nước ngoài. Việc này đã góp phần xây dựng bộ mặt mới PVE có vai trò ngày càng lớn, ngang tầm với các đơn vị tư vấn thiết kế từ những tập đoàn lớn của thế giới có mặt tại Việt Nam như: Technip, Técnicas Reunidas, JGCS, Samsung Engineering, SK Engineering, Hyundai Engineering, WorleyParsons, ANZ, ATPCE, AKER…Điều này làm cơ sở cho phương châm "người nước ngoài làm được, người PVE cũng làm được" mà PVE vẫn luôn đang đeo đuổi.

Hiện tại, PVE đang chủ động tham gia đấu thầu cạnh tranh ở các dự án lớn tại Việt Nam và khu vực với mục tiêu khẳng định trình độ của trí tuệ dầu khí Việt Nam, tạo dấu ấn trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh với các đơn vị trong ngành nổi tiếng trên thế giới, tạo bước đệm cho những thành công của PVE trong tương lai.

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động