RSS Feed for PVTrans đón đầu thị trường vận tải biển | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 16:32
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

PVTrans đón đầu thị trường vận tải biển

 - Nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển trên toàn thế giới trong năm 2019 được dự báo sẽ tăng trưởng 3,0%, đạt mức 12,263 tỷ tấn. Trước những vận hội mới, Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) đã chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo.

Vận tải dầu khí với chiến lược kinh tế biển

Năm 2018, nền kinh tế thế giới có mức tăng trưởng GDP ở mức 3,7%. Nhu cầu vận tải đường biển tăng trưởng 2,7%, giảm so với mức 4,2% của năm 2017 do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm so với dự kiến. Trong khi đó, đội tàu vận tải biển thế giới năm 2018 chỉ tăng trưởng 2,6% (mức thấp nhất trong 18 năm qua, năm 2017 là 3,4%). Tuy nhiên, do chênh lệch cán cân cung cầu, năm 2018 thị trường vận tải đường biển thế giới thực tế có dấu hiệu tăng trưởng tích cực.

Năm qua, thị trường tàu hàng khô bình quân tăng 11% so với 2017. Tàu capsize tăng 4%, tàu panamax tăng 22%. Nhu cầu vận tải hàng khô tăng trưởng 3,0%. Đội tàu hàng khô thế giới tăng trưởng 2,9%. Tuy nhiên, thị trường tàu hàng lỏng năm 2018 bình quân giảm 4% so với 2017. Tàu VLCC giảm 3%, tàu MR giảm 14%.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, thị trường tàu hàng lỏng giảm xuống rất thấp bằng 72% mức bình quân của năm 2017. Sau đó 4 tháng cuối năm, do nhu cầu vận tải hàng lỏng tăng trưởng 3% trong khi đội tàu hàng lỏng thế giới tại thời điểm đó chỉ tăng trưởng 1%, một phần do hoạt động phá dỡ tàu dầu cũ gia tăng mạnh trong năm khiến cán cân cung - cầu mất cân đối, từ đó thị trường có bước nhảy vọt đột biến.

Theo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì các tổ chức này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu năm 2019, 2020 ở mức 3,5% giảm 0,2% so với dự báo trước đó, năm 2020 ở mức 3,6% giảm 0,1% so với dự báo do một phần tác động của xung đột thương mại leo thang.

Ở một số thị trường mới nổi và đang phát triển đã trải qua một năm đầy khó khăn về áp lực tài chính, giảm tăng trưởng, IMF nhận định trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu bị suy yếu bởi các biện pháp thuế quan đối với số hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD mà Mỹ và Trung Quốc áp đặt lẫn nhau, kinh tế thế giới càng trở nên dễ bất ổn với những nguy cơ khác.

Bên cạnh đó, sự cố vỡ đập tại Brazil từ Quý 4/2018 đã có tác động tiêu cực đến mức độ tăng trưởng của thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường biển vào thời điểm cuối Qúy 4/2018 và các tháng đầu năm 2019 (dự kiến Brazil sẽ cắt giảm 70 triệu tấn/233 triệu tấn quặng mỏ xuất khẩu trong năm 2019, tương đương với -1,7% tổng sản lượng quặng mỏ vận chuyển đường biển). Việc áp dụng tiêu chuẩn xử lý nước Ballast, tiêu chuẩn mới về nhiên liệu có hàm lượng sulphur thấp thông qua việc này sẽ có nhiều tàu được đưa lên đà để lắp đặt thêm hệ thống lọc khí thải hoặc sử dụng nhiên liệu theo tiêu chuẩn mới làm gia tăng chi phí, áp lực tài chính lên các chủ tàu.

Tổng sản lượng dầu mỏ thế giới trong năm 2019 dự kiến là 101,1 triệu thùng/ngày, tăng 1% so với 99,7 triệu thùng/ngày của 2018. Trong đó, duy nhất khu vực Mỹ có sản lượng tăng trưởng dương (10%), còn lại các khu vực khác đều dự kiến cắt giảm sản lượng do kế hoạch bảo dưỡng định kỳ trong 2019.

Trước những vận hội mới, PVTrans đã chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo.  

Theo thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu thô Brent thế giới trong tháng 1/2019 ở mức bình quân 59 USD/thùng, tăng 2 USD/thùng so với tháng 12/2018 và thấp hơn 10 USD/thùng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của EIA, trong năm 2019 giá dầu thô sẽ dự kiến ở mức trung bình 61 USD/thùng và đến 2020 là 62 USD/thùng.

Theo đó, dự báo nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển trên toàn thế giới trong năm 2019 sẽ tăng trưởng 3,0%, đạt mức 12,263 tỷ tấn (so với mức tăng trưởng 2,7%/ 11,901 tỷ tấn trong năm 2018). Đội tàu vận tải biển thế giới năm 2019 dự kiến tăng trưởng 3%.

Trong đó, nhu cầu của thị trường vận tải hàng khô dự kiến tăng trưởng khoảng 2,2% trong năm 2019, với tỷ lệ tăng trưởng nhỏ trong phân khúc than do Ấn Độ tăng lượng nhập khẩu (6%). Phân khúc than dự báo có mức tăng trưởng (2%) đạt mức 1,271 tỷ tấn. Phân khúc quặng mỏ dự kiến có mức tăng trưởng (2%) đạt mức 1,499 tỷ tấn. Phân khúc sắt thép thành phẩm dự báo có mức tăng trưởng (1%) đạt mức 1,211 tỷ tấn. Đội tàu hàng khô thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng 3%.

Nhu cầu của thị trường vận tải hàng lỏng trong năm 2019 dự báo tiếp tục đà tăng trưởng ở mức 5% so với năm 2018. Phân khúc dầu thô tăng trưởng 2%/2.075 triệu tấn, dầu sản phẩm 3%/1.156 triệu tấn, LPG 6%/102 triệu tấn, hóa chất 5%/336 triệu tấn. Đội tàu hàng lỏng thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng 3,0%. Theo các dự báo, do sự mất cân đối lớn giữa nguồn cung tàu và nhu cầu vận tải hàng lỏng, thị trường vận tải hàng lỏng năm 2019 được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn năm 2018 do cầu lớn hơn cung.

Đối với thị trường vận tải biển trong nước, năm 2019 là thời điểm Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đi vào hoạt động chính thức. Tuy nhiên do là năm đầu tiên hoạt động nên NSRP dự kiến hoạt động chưa ổn định, có kế hoạch bảo dưỡng 50 ngày. Việc hoạt động của cả 2 nhà máy NSRP và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ có tác động thị trường phân phối sản phẩm dầu và gián tiếp tác động đến thị trường vận tải. Các dự án điện than chậm tiến độ đưa vào hoạt động sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư và hiệu quả khai thác đội tàu trong nước. Thị trường mua bán tàu biển có xu hướng tăng nhẹ nhưng vẫn đang ở mức thấp, hợp lý, là cơ hội của các doanh nghiệp vận tải biển mua đầu tư nếu có nguồn lực tài chính tốt.

Với dự báo ngành vận tải biển nói chung và vận tải dầu khí nói riêng trước những thuận lợi cũng như nhiều thách thức như vậy, Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) đã chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức khai thác tàu phù hợp, đảm bảo vận chuyển an toàn, kịp thời toàn bộ nguyên liệu dầu thô đầu vào và sản phẩm đầu ra của NMLD Dung Quất phục vụ các đơn vị trong ngành, cung ứng dịch vụ liên quan cho các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVTrans cũng sẽ tận dụng tối đa mọi cơ hội dành quyền tham gia vận chuyển tối thiểu 25% sản lượng dầu thô đầu vào, 40% sản lượng dầu sản phẩm cho Nhà máy LHD Nghi Sơn; đồng thời tiếp tục tham gia vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu, khí trên thị trường trong và ngoài nước cũng như cho thuê tàu trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, PVTrans cũng tiếp tục triển khai công tác tái cấu trúc; chủ động tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển đội tàu; tăng cường cung cấp đa dạng các dịch vụ vận tải hàng hóa trên cơ sở năng lực hiện có của Tổng công ty và các đơn vị thành viên.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

 

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động