RSS Feed for Trao đổi của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về phát triển điện hạt nhân | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 21/01/2025 04:55
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trao đổi của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về phát triển điện hạt nhân

 - Trong bối cảnh tiến tới phát thải CO2 bằng không, giá nhiên liệu tăng cao do thế giới phục hồi sau đại dịch và cấm vận liên quan đến khủng hoảng Nga - Ucraina, điện hạt nhân được nhiều chính phủ quan tâm trở lại. Mặc dù chưa được coi là năng lượng tái tạo, nhưng điện hạt nhân là nguồn năng lượng ít phát thải khí nhà kính, có tính ổn định và mức an ninh năng lượng cao.
Điện hạt nhân ở Việt Nam - Nên tiến, hay lùi? Điện hạt nhân ở Việt Nam - Nên tiến, hay lùi?

Tiến hay lùi, với điện hạt nhân của Việt Nam sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định. Nhưng PGS, TS. Vương Hữu Tấn [*] - người có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này cho rằng: Điện hạt nhân là cần thiết với nước ta, đặc biệt khi Chính phủ đã cam kết zero carbon vào năm 2050.

Làm thế nào để điện hạt nhân phù hợp với chính sách năng lượng của quốc gia? Làm thế nào để điện hạt nhân phù hợp với chính sách năng lượng của quốc gia?

Điện hạt nhân là nguồn cung cấp điện năng ổn định, cạnh tranh, ít thải cacbon, thân thiện với môi trường, nhưng nhiều quốc gia vẫn còn đắn đo. Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu cực đoan và mục tiêu trung hòa carbon đến gần thì điện hạt nhân lại càng bức thiết.

Giai đoạn gần đây cho thấy giá cả các loại nhiên liệu hoá thạch (than, dầu, khí) ngày càng tăng cao. Các dự báo về trữ lượng khai thác cho thấy các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ nhanh chóng bi cạn kiệt. Các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo đang được nhiều nước quan tâm xem xét để đảm bảo cho việc phát triển bền vững và an ninh cung cấp năng lượng.

Điện hạt nhân mặc dù chưa được coi là năng lượng tái tạo, nhưng nhiều nước coi đây là nguồn năng lượng cận tái tạo và là lựa chọn của nhiều quốc gia, khi mà các nguồn năng lượng gió, mặt trời, thuỷ triều.... khó có thể đáp ứng ở mức công suất lớn tới hàng ngàn MW, cũng như giá cả đầu tư hợp lý và nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định.

Khó có thể nói rằng ngành năng lượng hạt nhân đang hồi sinh, nhưng sau năm 2005 ngày càng có nhiều nhà máy điện hạt nhân được xây dựng, cũng như có nhiều nhà máy có kế hoạch chắc chắn được xây dựng.

Nhìn chung bối cảnh quốc tế là thuận lợi cho việc phát triển điện hạt nhân, đặc biệt là sự phát thải rất ít khí CO2 gây ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu toàn cầu của nhà máy điện hạt nhân.

Trong thời gian gần đây vấn đề phát triển điện hạt nhân ngày càng được các quốc gia và dư luận đặc biệt quan tâm. Dự án điện hạt nhân là một dự án đặc thù bởi nó phức tạp không những về mặt công nghệ mà còn phức tạp do có khả năng ảnh hưởng mạnh tới môi trường, xã hội cũng như qui mô tài chính to lớn. Vấn đề hiện nay đang được bàn cãi không phải là “có xây điện hạt nhân hay không” mà là sự bàn cãi, tranh luận tích cực về vấn đề “cần phải phát triển công nghiệp điện hạt nhân như thế nào?” Đối với một số quốc gia, quan tâm mạnh mẽ tới vấn đề kế hoạch, tiến độ ra sao? Các vấn đề gì sẽ là thách thức khi phát triển dự án điện hạt nhân?

Trong giai đoạn ban đầu, thường vấn đề lựa chọn công nghệ vẫn đang để mở. Lựa chọn công nghệ phù hợp nhất cho một quốc gia, tính tới điều kiện đặc thù tự nhiên, kinh tế, xã hội, thể chế cũng sẽ là một thách thức lớn cho những người có trách nhiệm đặt nền móng cho ngành công nghiệp điện nguyên tử, bởi vì chi phí phê duyệt, xây dựng, vận hành và sửa chữa sẽ được giảm đáng kể cho các nhà máy tiếp theo. Xây dựng là một trong số các khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, vấn đề vận hành và bảo dưỡng NM ĐHN an toàn trong một thời gian dài từ 40 - 60 năm mới là nỗi quan tâm lo lắng nhất của các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư.

Xu hướng gần đây cho thấy lò nước nhẹ công suất lớn (bao gồm cả lò nước sôi và lò nước áp lực) đang chiếm ưu thế trong các dự án đang được xây dựng, cũng như các dự án có kế hoạch xây dựng. Trên thế giới hiện hình thành 3 liên minh cung cấp thiết bị lớn là Westinghouse - Toshiba (Mỹ), Areva (Pháp) - Mitshubishi (Nhật), General Electric (Mỹ) - Hitachi (Nhật). Ngoài ra, Atomstroi của Nga cũng là nhà thầu có nhiều dự án đang xây dựng ở nước ngoài.

Với sự quay trở lại của điện hạt nhân tạo nên nhu cầu lớn về cung cấp thiết bị và nhân lực, cần phải tìm một hướng đi đúng trong việc lựa chọn công nghệ để có thể tranh thủ được sự hậu thuẫn tối đa về công nghệ và nhân lực của nước ngoài. Điều này lại đặc biệt quan trọng nếu tính đến triển vọng xây dựng các nhà máy ĐHN tiếp theo để giảm chi phí xây dựng và vận hành sửa chữa.

Tuy nhiên, dưới góc độ dự án thì không thể không đề cập tới vấn đề thu xếp tài chính cho dự án. Đây là dự án có qui mô đầu tư rất lớn, tới hàng tỷ USD cho một tổ máy, với thời gian xây dựng dài lên tới 6 - 7 năm, cùng nhiều rủi ro, nên việc thu xếp tài chính không đơn giản. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lãi suất tăng cao.

Đối với dự án điện hạt nhân hiện nay trên thế giới các định chế tài chính như WB, IMF, ADB... không hỗ trợ các dự án phát triển điện hạt nhân, nên phần lớn vốn đầu tư được vay qua hình thức tín dụng xuất khẩu (ECA) với sự bảo lãnh của chính phủ. Các đàm phán, thu xếp tài chính này thường kéo dài và vô cùng phức tạp do liên quan đến rất nhiều đối tác. Do vậy, việc thu xếp tài chính sẽ đóng vai trò không nhỏ trong việc thành công của dự án và giảm chi phí tài chính.

Sự đồng thuận của công chúng là một yếu tố quyết định sự thành công cho sự phát triển công nghiệp ĐHN. Kinh nghiệm của các nước (Mỹ, Philippines) cho thấy sự phản đối của công chúng có thể làm kéo dài thời gian xây dựng và tăng chi phí xây dựng, thậm chí dẫn tới phá sản chủ đầu tư hoặc không thể đưa vào vận hành được. Tuy nhiên, sự ủng hộ này không phải là bất biến, đang có nguy cơ bị dò rỉ và giảm sút do thiếu sự tuyên truyền, thông tin phổ biến. Nó đòi hỏi phải duy trì sự thông tin tuyên truyền một cách liên tục thì tạo được sự đồng thuận cao.

Những bước đi đầu tiên và vững chắc cho việc phát triển nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi các công tác chuẩn bị cho dự án và đây là công việc khó khăn, phức tạp và thường là chưa có tiền lệ đối với các nước lần đầu xây dựng điện hạt nhân. Sự khởi đầu là rất quan trọng bởi vì thành công sẽ giúp tự tin hơn, còn với bất kỳ trục trặc, hoặc gặp sự cố nào đó sẽ làm khó khăn hơn rất nhiều khả năng phát triển trong tương lai của ngành công nghiệp ĐHN./.

NGUYỄN ANH TUẤN (B) - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động