Bàn về công tác cán bộ hàm Phó tổng giám đốc PVN
13:39 | 11/07/2019
Tân Tổng giám đốc điều hành PVN Lê Mạnh Hùng là người thế nào?
Trong phát biểu nhận nhiệm vụ ngày 26/6/2019, Tổng giám đốc PVN có nhắc đến việc thực hiện 6 nhiệm vụ lớn của PVN, trong đó nhấn mạnh đến việc hoàn thiện bộ máy lãnh đạo Tập đoàn, quản trị nguồn lực và tổ chức thực hiện chiến lược của ngành.
Nhìn trên cơ cấu 5 vị trí Phó tổng giám đốc và sơ đồ hiện tại của PVN, sau khi ông Lê Mạnh Hùng rời vị trí Phó tổng giám đốc để làm Tổng giám đốc, thì Ban tổng giám đốc PVN sẽ còn khuyết 2 vị trí:
1/ Phó tổng giám đốc phụ trách nhóm lĩnh vực Lọc hóa dầu - Chế biến sâu (gồm khí và chế biến dầu khí, đạm và hóa chất, vị trí ông Hùng để lại).
2/ Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực Khai thác (hoặc thăm dò, chia phạm vi công việc với ông Nguyễn Quốc Thập) (1)
Vậy những ai sẽ là các ứng viên cho 2 vị trí này?
Trước tiên, để có cách tiếp cận sát nhất, tôi xin mượn mô hình 5 cấp độ lãnh đạo doanh nghiệp của chuyên gia John Maxwell và tiêu chuẩn quy hoạch cán bộ của PVN để đưa ra 10 tiêu chí hàng đầu về bổ nhiệm lãnh đạo cao cấp, hàm Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, như sau:
1/ Trình độ chuyên môn: đại học, hoặc cao hơn, kinh nghiệm chuyên môn (tối thiểu trên 15 năm); kinh nghiệm quản lý ở chức danh Chủ tịch HĐTV/HĐQT, hoặc Tổng giám đốc ở các Tổng công ty, hoặc tương đương, tối thiểu trên 1 năm.
2/ Đang nắm giữ các vị trí ở hàm Chủ tịch HĐTV/HĐQT, hoặc Tổng giám đốc ở các Tổng công ty, hoặc tương đương, theo lĩnh vực hoặc nhóm lĩnh vực.
3/ Có tầm nhìn, khả năng dự báo và kinh nghiệm quản lý chuyên sâu về lĩnh vực trong ngành đang phụ trách ở các Tổng công ty hoặc tương đương.
4/ Là các cá nhân nổi bật ở các ban lãnh đạo các Tổng công ty, hoặc tương đương về tập hợp đội ngũ, tinh thần đoàn kết, thẳng thắn, chân thành, nhưng quyết đoán trong xử lý công việc như "Cẩm nang Dầu khí" mà Chủ tịch HĐTV PVN, ông Trần Sỹ Thanh đã ban hành.
5/ Xuất sắc về chuyên môn - từ khả năng tham mưu, tổng hợp, cập nhật tình hình đến đánh giá thẩm định để đưa ra các quyết định xây dựng và/hoặc hoạch định các đề án phát triển và tổ chức sản xuất, kinh doanh.
6/ Xuất sắc về công tác quản trị điều hành ở Tổng công ty, hoặc tương đương đang phụ trách, về tổ chức thực hiện của đơn vị thông qua các chủ trương và chính sách của PVN.
7/ Cùng HĐTV/HĐQT xây dựng quy chế, hoạch định chiến lược, định hướng phát triển của đơn vị và tổ chức thực hiện nhất quán với chủ trương của PVN. Luôn là hạt nhân nêu cao tinh thần đoàn kết, có đời sống cá nhân chỉnh chu, lành mạnh và trong sáng.
8/ Giỏi về các kỹ năng thuyết trình, đàm phán và thương lượng, kinh nghiệm về xử lý khủng hoảng, các sự cố về lĩnh vực ngành, hoặc tại đơn vị.
9/ Giỏi về ngoại ngữ để giao tiếp, xử lý công việc với các đối tác nước ngoài (nếu có).
10/ Có tiểu sử công tác tốt, lý lịch tư pháp tốt - chưa dính dáng đến các hệ lụy ở đơn vị trong quá khứ; trong độ tuổi bổ nhiệm lần đầu theo quy định về công tác cán bộ: dưới 55 tuổi.
Nhìn trên cơ cấu hoạt động hiện nay của PVN và các thành viên, trên phân nhóm các lĩnh vực và chiếu theo các tiêu chí như trên đối với các cá nhân lãnh đạo có phẩm chất vượt trội, theo quan điểm cá nhân của người viết thì sẽ có các ứng viên sau đây:
I. Ứng viên chức danh Phó tổng giám đốc PVN, phụ trách lĩnh vực Lọc hóa dầu - Chế biến sâu:
1/ Ông Lê Xuân Huyên - sinh năm 1966; quê quán: Hải Phòng; trình độ chuyên môn: Tiến sỹ về Quá trình và thiết bị công nghệ hoá. Ông Huyên hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Tóm tắt quá trình công tác: Trước khi về PVN từ tháng 3 năm 1999, ông Huyên có hai năm làm giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về công nghệ hóa dầu. Khi về Ban Chế biến dầu khí (CBDK) PVN, ông biệt phái trong và ngoài nước, kinh qua nhiều chức vụ tại Công ty Lọc hóa dầu Việt Nga rồi về lại ban này. Sau đó, năm 2004 ông chuyển về Ban QLDA Lọc hóa dầu (LHD) Nghi Sơn - kinh qua chức vụ chuyên viên, phụ trách phòng kỹ thuật. Đến đầu năm 2008, ông là đồng Giám đốc Dự án LHD Nghi Sơn. Từ năm 2011 đến 4/2014, ông là Phó ban CBDK PVN. Từ 4/2014 -5/2018 ông là Trưởng Ban CBDK, kiêm Ủy viên Hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn của PVN tại Công ty LHD Nghi Sơn. Từ tháng 5 năm 2018 đến nay, ông là Chủ tịch HĐQT BSR.
Trong suốt quá trình công tác, ông Huyên hầu như gắn bó các nhà máy lọc hóa dầu. Ông có mặt ở NMLD Dung Quất (BSR) từ những ngày đầu và tương tự sau này là với LHD Nghi Sơn. Ở đó, trong quá trình thiết kế tổng thể (FEED) và chuẩn bị, san lấp mặt bằng, có hàng trăm vấn đề vướng mắc từ kỹ thuật đến thủ tục với cơ quan hữu quan cần phải xử lý để dự án theo kịp tiến độ. Với vai trò đồng Giám đốc dự án, ông đã theo sát diễn tiến, làm tốt công tác giám sát nhà thầu thiết kế, thi công, tổ chức đấu thầu và giám sát triển khai EPC.
Từ khi làm Chủ tịch HĐTV BSR đến nay, ông đã cùng HĐQT BSR ban hành nhiều Nghị quyết về tái cơ cấu, tổ chức hoạt động giúp BSR ổn định tình hình sau các biến động về lãnh đạo và hoạt động điều hành. Đến nay, công tác vận hành nhà máy và tổ chức sản xuất, kinh doanh đã dần đi vào ổn định. Việc cổ phần hóa BSR, cũng như nâng cấp mở rộng nhà máy cũng đang gấp rút triển khai. Ngoài công tác quản trị, ông còn tổ chức các đoàn công tác trong và ngoài nước để gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng nhằm tìm kiếm đối tác liên doanh.
Với doanh nghiệp có khối tài sản lớn hơn 62.000 tỷ đồng như BSR, các sản sản phẩm đầu ra chiếm 30% thị trường xăng dầu nội địa thì việc duy trì hoạt động ổn định và thương hiệu mạnh như hiện nay là rất quan trọng. Chưa kể, việc triển khai các đề tài khoa học nhằm tối ưu hóa các dòng sản phẩm bán ra thị trường cũng là hướng đi rất đáng ghi nhận trong bối cảnh thị trường xăng dầu cạnh tranh như hiện nay.
2/ Ông Cao Hoài Dương - sinh năm 1972; quê quán: Hà Nội; trình độ chuyên môn: Thạc sỹ Lọc hóa dầu. Ông Dương hiện là Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil).
Khởi đầu sự nghiệp từ tháng 6 năm 1993 với chức danh chuyên viên ở phòng KHCNMT rồi CBDK của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (tiền thân PVN). Từ năm 2001 đến 2010 ông kinh qua nhiều chức vụ ở Ban LHD Nghi Sơn và chức vụ cuối cùng là Phó tổng giám đốc Công ty LHD Nghi Sơn. Từ cuối năm 2010 đến tháng 12 năm 2015 là Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ). Từ tháng 1 năm 2016 đến nay ông làm Tổng giám đốc PVOil.
Dấu ấn ông Dương tạo ra từ lúc ông tham gia Ban quản lý LHD Nghi Sơn, nơi hiện là dự án trong ngành có quy mô và tổng mức đầu tư lớn nhất đến hiện tại. Nếu làm phép so sánh với công tác chuẩn bị trước khi triển khai EPC của NMLD dung Quất - đi vào hoạt động sau 12 năm phê duyệt dự án (1997), thì LHD Nghi Sơn rút ngắn hơn một nửa thời gian. Tháng 4 năm 2008 liên doanh LHD Nghi Sơn được hình thành và nhà máy đã được khởi công xây dựng vào tháng 10 năm 2013. Điều này cho thấy, cùng với các đối tác, công tác san lấp và chuẩn bị mặt bằng do PVN phụ trách, đã triển khai rất tốt.
Đạm Phú Mỹ, những năm tháng ông nắm quyền điều hành là những năm hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn vượt chỉ tiêu. Nhưng có lẽ, thành công nhất của ông Dương là khi về PVOil, nơi đã tổ chức phát hành cổ phiếu lên sàn chứng khoán thành công đầu năm 2018. Theo đó, có 206,8 triệu cổ phần trong đợt đấu giá được bán hết, Nhà nước dự kiến thu về 4.177 tỷ đồng, vượt 51% so với dự kiến. Hiện tại, PVOil đang phát triển mạng lưới bán lẻ ra khắp cả nước, với 120 cửa hàng xăng dầu/năm, phấn đấu tăng thị phần bán lẻ từ 22% lên 35%.
Xuyên suốt cả quá trình từ những ngày khởi nghiệp, cả hai ông, đều là những cá nhân xuất sắc trên từng cương vị công tác. Đối với ông Huyên, thế mạnh là kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm trải rộng từ kỹ trị đến thực hành. Ở ông, luôn toát ra tính chuẩn mực và chính xác của một giảng viên trường đại học, đến tính quyết đoán của người lãnh đạo để lan tỏa tinh thần đoàn kết trong doanh nghiệp. Đối với ông Dương, là kinh nghiệm điều hành có tính thực tiễn cao, luôn hướng đến tính đột phá và xác lập các mốc kỷ lục về hiệu quả kinh doanh.
II. Ứng viên chức danh Phó tổng giám đốc PVN, phụ trách lĩnh vực khai thác (hoặc thăm dò):
1/ Ông Lê Ngọc Sơn - sinh năm 1972; quê quán: Thanh Hóa; trình độ chuyên môn: Thạc sỹ công nghệ mỏ (2). Ông Sơn hiện là Tổng giám đốc công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC).
Tóm tắt quá trình công tác (gần đây): Trước khi làm Tổng giám đốc PQPOC, ông Sơn là Trưởng ban Khai thác của PVN. Kể từ khi nắm quyền điều hành PQPOC từ 10/8/2016 đến nay, tình hình triển khai đề án phát triển dự án Lô B đã và đang triển khai rất bài bản. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, liên quan cả thượng, trung, hạ nguồn cần nhiều cơ chế đặc thù, linh hoạt cả về kỹ thuật và thương mại. Ở đó, PQPOC đã thực hiện tốt các công tác nghiên cứu địa chất, kế hoạch khoan và tổ chức các gói thầu khoan; khảo sát lập căn cứ hậu cần tại Kiên Giang; tổ chức đấu thầu các gói tổng thầu (EPCI) các giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở, giàn thu gom/giàn đầu giếng, các đường ống nội mỏ, kho nổi chứa condensate. Hiện đề án đã được Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ (FDP) và đang chờ phê duyệt quyết định đầu tư (FID) để thực hiện.
Song song, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, ông cũng đã kiến nghị PVN thúc đẩy các đàm phán với EVN, cũng như đối tác trong liên doanh hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) để sớm ký kết các hợp đồng thương mại. Ngoài ra, còn là cơ chế phân cấp cho phép PQPOC thay mặt PVN chủ động thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Đối với dự án lớn như Lô B, nơi khâu thượng nguồn, PVN và các đơn vị thành viên đầu tư chiếm 70%, còn lại là 30% là của đối tác nước ngoài (Nhật Bản và Thái Lan), các công tác chuẩn bị vừa qua là rất quan trọng. Lô B, có tổng mức đầu tư khoảng 6,7 tỷ USD, và thời gian đầu tư, khai thác hơn 20 năm, liên quan đến cả trung, hạ nguồn, khi đi vào hoạt động thương mại, sẽ mang lại nguồn thu rất lớn cho NSNN, góp phần vào phát triển kinh tế khu vực miền Tây Nam Bộ và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Dù tiến độ có thể chậm trễ do các tác động từ hạ nguồn là các nhà máy điện, tuy nhiên về tổng quan, công tác quản trị điều hành PQPOC cũng như triển khai dự án ở khâu thượng nguồn đến hiện tại là rất chủ động và chuyên nghiệp. Các nguồn lực (bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị đến chuyên gia, nhân sự cao cấp, kỹ thuật viên phục vụ cho dự án EPCI và vận hành về sau) đều đã được chuẩn bị sẵn sàng.
2/ Ông Trần Hồng Nam - sinh năm 1977; quê quán: Hà Nội; trình độ chuyên môn: Kỹ sư, Tiến sỹ dầu khí. Ông Nam hiện là Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP).
Tóm tắt quá trình công tác: Ông Nam trưởng thành từ rất sớm; ngay sau khi du học ở nước ngoài về năm 2007, ông vào PVEP, rồi Liên doanh Cửu Long JOC ở vị trí Phó phòng địa chất - công nghệ mỏ. Năm 2009, ông tham gia thành lập Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BDPOC), phát triển dự án Biển Đông 1. Với cương vị Phó tổng giám đốc (sau này là Tổng giám đốc) ông luôn thể hiện xuất sắc vai trò quản lý sâu sát từ lúc xây dựng đề án đến triển khai EPCI, vượt qua rất nhiều thử thách, đảm bảo chất lượng, tối ưu hóa tiến độ, góp phần để mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh trở thành một điểm sáng của PVN về hiệu quả vận hành và khai thác suốt 10 năm qua.
Từ khi về làm Chủ tịch HĐTV PVEP (18/4/2018), ông đã cùng Ban lãnh đạo PVEP cho phối hợp triển khai đề án tái cơ cấu bộ máy điều hành PVEP, cũng như triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh ở các đơn vị trong và ngoài nước, các liên doanh khá hiệu quả. Về kế hoạch SXKD, năm ngoái, trong bối cảnh giá dầu xuống thấp, PVEP vẫn vượt chỉ tiêu, mức 164% kế hoạch năm. Tổng doanh thu đạt 37.499 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.318 tỷ đồng, nộp NSNN 10.521 tỷ đồng, dòng tiền được đảm bảo an toàn thanh khoản. Trong 6 tháng đầu năm nay, PVEP đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng doanh thu của PVEP ước đạt 17.800 tỷ đồng, nộp NSNN hơn 5.000 tỷ đồng, vượt hơn 100% chỉ tiêu. Như vậy, cả năm, dù sản lượng có sụt giảm, PVEP vẫn sẽ vượt mức kế hoạch mức trên 33 nghìn tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4 nghìn tỷ và nộp NSNN hơn 9 nghìn tỷ đồng. (3)
Về đề án tái cơ cấu, sau khi kiện toàn bộ máy lãnh đạo Tổng công ty, được biết PVEP sẽ tiếp tục tái cơ cấu các chi nhánh và công ty con. Đối với các danh mục đầu tư, là đánh giá và phân loại để thoái vốn đầu tư tại các dự án hiệu quả thấp nhằm tập trung nguồn lực vào các dự án hiệu quả cao.
Đối với công tác khoan thăm dò, thẩm lượng, đề án mở rộng và phát triển mỏ mới, mục tiêu của PVEP là nâng cao năng lực quản trị, tiết giảm chi phí, giảm giá thành khai thác. Nếu biết rằng, mấy năm trước đây, các kế hoạch khoan thăm dò và thẩm lượng đều bị ngưng trệ thì đây chính là những điểm sáng ở PVEP hiện nay.
Nhìn cả quá trình công tác, có thể thấy, cả hai ứng viên đều có phẩm chất vượt trội và lý lịch tư pháp tốt. Dù PVN có những biến động suốt thời gian qua, cả hai ông đều đứng ngoài "vùng trũng" và các vấn đề do "lịch sử để lại", luôn chấp hành tốt chủ trương của PVN để áp dụng tại đơn vị, nơi họ phụ trách. Nếu phương án Sơn được chọn, ông Nam sẽ là lựa chọn tiềm năng trong tương lai gần (vào năm sau), hoặc ngược lại.
Niềm tin và khát vọng
Để kết thúc bài viết này, xin được dẫn lại phát biểu của ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc PVN về 6 nhiệm vụ trọng tâm sắp tới: "Hoàn thiện bộ máy lãnh đạo Tập đoàn; Quản trị nguồn lực và tổ chức thực hiện Chiến lược của ngành; Quản trị chặt chẽ về tài chính và đầu tư; Quản trị và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường để gia tăng giá trị và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; Triển khai đồng bộ và toàn diện công tác quản trị rủi ro và kiểm soát rủi ro trong các hoạt động của Tập đoàn và tái tạo văn hóa dầu khí trong giai đoạn mới để người lao động tin tưởng gắn bó và cống hiến, phát huy năng lực và tinh thần sáng tạo vượt qua khó khăn vì sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam".
Nếu nhìn hiện trạng PVN và mổ xẻ phát biểu của ông Hùng trên đây, sẽ thấy rằng ban lãnh đạo PVN sẽ còn có rất nhiều việc cần làm và sẽ làm. Đặc biệt là "quản trị nguồn lực" và "quản trị tài chính và đầu tư" trong bối cảnh giá dầu sụt giảm trong khi PVN cần thu xếp vốn cho các dự án trọng điểm còn dang dở ở ngoài khơi.
Còn trên bờ, là phương án tối ưu nhằm theo kịp tiến độ đối với các dự án trong chuỗi khí - điện và lọc hóa dầu; cổ phần hóa thành công bằng việc bán vốn trên sàn các doanh nghiệp như BSR, PVOil và PVPower. Nói vậy để thấy rằng, sẽ có rất nhiều thách thức đang chờ các lãnh đạo mới. Tuy nhiên, đứng trước các thách thức là để kỳ vọng ở những lãnh đạo trẻ nhiệt huyết và tài năng mà PVN sẽ trao cho họ những trọng trách mới.
Tất cả các ứng viên ở trên đều còn trẻ và hai trong số họ (hoặc có thêm các ứng viên tiềm năng khác) sẽ là những "mảnh ghép hoàn hảo" để kiện toàn bộ máy lãnh đạo cao cấp của PVN. Việc bầu chọn ai trong số họ, sẽ là ưu tiên về định hướng ngành và lĩnh vực của Ban thường vụ, cũng như CEO PVN (tất nhiên phải có sự chấp thuận của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước). Những cá nhân được chọn, xứng đáng được kỳ vọng sẽ cùng Ban tổng giám đốc PVN triển khai 6 nhóm nhiệm vụ mà Tổng giám đốc đã đề ra, cũng như các Nghị quyết của HĐTV ở hiện tại và tương lai.
NGUYỄN LÊ MINH
Chú thích:
(1) Vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách thương mại và dịch vụ (do ông Nguyễn Sinh Khang để lại) có thể sẽ không còn ở trong cơ cấu khi PVN đã có chủ Trương thoái vốn ở nhóm các Tổng công ty dịch vụ kỹ thuật. Nếu vậy, việc phụ trách thương mại dầu khí có thể sẽ giao cho Ban thương mại dịch vụ PVN.
(2) Đang hoàn tất luận án tiến sỹ.
(3) Trong bài có sử dụng và tham khảo một số thông tin của PVN và PVEP.