RSS Feed for Nhập khẩu năng lượng từ Nga: Cơ hội, thách thức của Việt Nam [Tạm kết] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 15/11/2024 18:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhập khẩu năng lượng từ Nga: Cơ hội, thách thức của Việt Nam [Tạm kết]

 - Qua nghiên cứu “Chiến lược năng lượng của Nga đến năm 2035” cho thấy, Việt Nam có nhiều cơ hội, thế mạnh để nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt, than... từ Liên bang Nga, nhưng cũng có nhiều điểm yếu, thách thức ‘không dễ vượt qua’. Để giải quyết vấn đề này, theo chuyên gia TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM: Chúng ta cần ‘tận dụng cơ hội’ và ‘xử lý thông minh’ các thách thức trong khuôn khổ của Ủy ban Hợp tác Liên Chính phủ để nhập khẩu các dạng năng lượng từ Nga trong tương lai tới.


Nhập khẩu năng lượng từ Nga: Cơ hội, thách thức của Việt Nam [Kỳ 1]



TẠM KẾT: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA VIỆT NAM

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM



I. Thế mạnh

Thế mạnh (hay lợi thế) của Việt Nam trong việc nhập khẩu năng lượng từ Nga chính là truyền thống hợp tác lâu đời và có hiệu quả giữa Việt Nam - LB Nga trong lĩnh vực năng lượng.

Trong quá khứ, ngành năng lượng của Việt Nam đã phát triển dựa trên sự hợp tác rất có hiệu quả với Liên Xô. Trước năm 1975, trong cân bằng năng lượng của Việt Nam, các nguồn năng lượng sơ cấp được nhập khẩu từ Liên Xô chiếm khoảng 50÷55%. Sau 1975, có tới 80÷85% sản phẩm năng lượng (điện, than, dầu khí) của Việt Nam được sản xuất tại các cơ sở được xây dựng trong khuôn khổ hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ kinh tế và cung cấp thiết bị của Liên Xô (dưới các hình thức “thiết bị đồng bộ” ~90% và “thiết bị lẻ” ~10%). Việc hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng vừa có qui mô lớn (mang tính quyết định) vừa toàn diện và hiệu quả.

Trước thời kỳ đổi mới (1986), hơn 50% cán bộ kỹ thuật và gần 50% cán bộ quản lý chủ chốt trong ngành năng lượng Việt Nam đã được đào tạo và thực tập tại Liên Xô. Tại cùng một thời điểm, có ít nhất 500÷700 chuyên gia Liên Xô cùng gia đình đã làm việc dài hạn trong các ngành điện, than, dầu khí ở Việt Nam.

Thành quả nổi bật của việc hợp tác Việt - Nga trong lĩnh vực năng lượng đã được thực tế ghi nhận, gồm:

1/ Từ những năm 80-90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu về nguồn năng lượng sơ cấp (dầu mỏ và than đá).

2/ Trong cân bằng năng lượng của Việt Nam, nguồn năng lượng sạch, tái tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (kể từ sau khi công trình đầu mối Thủy điện Hòa Bình được đưa vào vận hành).

3/ Việc khai thác khí thiên nhiên trên đất liền đã được áp dụng tại tỉnh Thái Bình.

4/ Công nghệ tiên tiến khai thác dầu khí ngoài thềm lục địa đã được áp dụng thành công và đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành dầu khí.

5/ Công nghệ phát điện bằng anthracite - một loại than phổ biến ở Quảng Ninh (nhưng rất khó sử dụng cho phát điện) đã lần đầu tiên được áp dụng thành công tại Việt Nam.

6/ Hàng loạt các tuyến đường dây và trạm biến áp 35 - 110 - 220 kV đã được xây dựng, hình thành một mạng điện từ cao áp đến trung áp để cấp điện cho cả nước.

7/ Một loạt các mỏ than lớn (lộ thiên và hầm lò), các nhà máy cơ khí mỏ, các cơ sở sàng tuyển than, các tuyến đường sắt vận chuyển than, trường đào tạo thợ mỏ, v.v... của Việt Nam đã được qui hoạch, thiết kế, xây dựng bài bản, đã và đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong ngành than.

8/ Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã được sớm khôi phục và hoạt động bình thường trở lại, v.v…

Trong giai đoạn đổi mới gần, hợp tác Việt - Nga trong lĩnh vực dầu khí đang tiếp tục phát triển có hiệu quả và mang lại các lợi ích kép. Đặc biệt, từ năm 2015, khi Việt Nam đã trở thành một nước nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp, việc nhập khẩu than từ Nga đã góp phần cung cấp than ổn định cho các ngành kinh tế quan trọng khác của nước ta như: Xi măng, thép, phân bón...

II. Cơ hội

Trong thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp của Việt Nam đang tăng lên rất nhanh, việc mở rộng, tăng cường hợp tác với Nga sẽ đóng vai trò quan trọng và có tiềm năng rất lớn. Cơ hội nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp từ phía Đông của Nga đối với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) sẽ ngày càng tăng rất đang kể, cụ thể như sau:

Một là: Nga sẽ luôn là quốc gia xuất khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp do “cung” luôn lớn hơn “cầu”. Cụ thể:

1/ Khả năng xuất khẩu khí đốt của Nga lên tới 40% sản lượng khai thác, chiếm vị trí thứ nhất (hoặc thứ hai) trong xuất khẩu khí đốt.

2/ Tỷ trọng xuất khẩu của than đá trong tổng sản lượng than cũng tăng từ 14% (2018) lên tới 25% (2035). Đặc biệt:

3/ Khả năng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga đang và sẽ tăng lên rất nhanh. Sản lượng LNG của Nga sẽ tăng đột biến 7,4 lần, từ 19 triệu tấn/năm (2018) lên tới 140 triệu tấn/năm (2035).

4/ Mức độ đầu tư của nhà nước cho lĩnh vực năng lượng tăng 200% trong giai đoạn 2018-2035.

Hai là: Chiến lược Năng lượng của Nga giai đoạn đến 2035, như trên đã giới thiệu, có sự chuyển dịch lớn theo hướng có lợi cho việc xuất khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp từ Nga sang các nước vùng châu Á - Thái bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể là các cơ sở khai thác than, dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ dịch chuyển cơ bản từ phía Tây Sibiria về phía Đông Sibiria và vùng Viễn Đông (nơi có cảng biển Vladivostoc đi các tuyến phía Nam của Nga). Cùng với đó, sản lượng dầu mỏ và condensate của Nga vùng phía Tây Sibiria sẽ giảm 5%, trong khi vùng phía Đông Sibiria tăng 15% (so với 2018).

Đặc biệt là trọng tâm về địa lý xuất khẩu năng lượng của Nga đang chuyển dần từ khu vực Đông Âu sang khu vực châu Á - Thái bình Dương. Theo đó:

1/ Tỷ trọng xuất khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp của Nga sang khu vực châu Á - Thái bình Dương sẽ tăng từ 27% (2018) lên tới 50% (2035).

2/ Tỷ trọng than đá được xuất khẩu từ vùng Đông Sibiria sẽ tăng từ 17% (2018) lên 25% (2035).

3/ Năng lực sản xuất các nguồn năng lượng sơ cấp ở vùng Đông Sibiria và Viễn Đông được ưu tiên đầu tư phát triển. Cụ thể:

- Công suất của các cơ sở khai thác khí đốt ở vùng Đông Sibiria và vùng Viễn Đông sẽ tăng 4,2 lần so với hiện nay.

- Công suất các đường ống dẫn khí đốt xuất khẩu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng từ 0 tỷ m3/năm (2018) lên đạt 80 tỷ m3/năm (2035).

- Công suất của các cơ sở khai thác dầu mỏ ở vùng Đông Sibiria và Viễn Đông tăng 1,15 lần so với hiện nay.

- Tỷ trọng than xuất khẩu trong tổng sản lượng than tăng từ 14% (2018) lên 25% (2035). Trong khi đó:

- Tỷ trọng sản lượng than của vùng Viễn Đông trong tổng sản lượng than tăng từ 17% (2018) lên 21% (2035); và của vùng phía Đông Siberia tăng từ 18% (2018) lên 27% (2035).

4/ Cơ cấu của sản phẩm năng lượng sơ cấp thay đổi theo hướng nâng cao giá trị và giá trị sử dụng. Cụ thể:

- Mức thu hoạch các sản phẩm dầu nhẹ trong chế biến sẽ tăng từ 62% lên 70% trong giai đoạn 2018-2035.

- Tỷ lệ chế biến sâu dầu mỏ (thứ cấp so với sơ cấp) tăng hơn 20%.

- Tỷ lệ dầu thô được sử dụng cho chế biến sâu (hóa dầu) tăng 23% lên 35%.

- Hệ số sử dụng hữu ích khí đồng hành tăng từ 85% lên 95%.

5/ Chi phí vận chuyển các nguồn năng lượng trong nội địa của Nga sẽ giảm đáng kể, làm tăng sức cạnh tranh về giá xuất khẩu. Cụ thể:

- Mức độ tỷ lệ khí tự dùng trong hệ thống dẫn khí của Nga sẽ giảm tới 17% trong giai đoạn 2018÷2035.

- Tiêu hao điện năng trong vận chuyển dầu và các sản phẩm của dầu sẽ giảm 3,3% trong giai đoạn 2018-2035.

Ba là: Trong Chiến lược Năng lượng của Nga, các tiềm năng khoa học công nghệ trong lĩnh vực điện hạt nhân tiếp tục được phát triển theo chiều sâu, nâng cao mức độ an toàn. Theo đó:

1/ Tỷ trọng của các lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3+ và các tổ máy được hiện đại hóa kéo dài tuổi thọ trong tổng công suất phát của điện hạt nhân tăng từ 13% (2018) lên 40% (2035).

2/ Công suất lắp đặt lò phản ứng neutron nhanh có chu trình nhiên liệu hạt nhân khép kín tăng từ 1,48 GW (năm 2018) lên 1,78 GW (năm 2035).

III. Điểm yếu

Điểm yếu (hay “nút cổ chai”) lớn nhất của Việt Nam trong việc nhập khẩu năng lượng từ Nga nói riêng, và trong đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu năng lượng nói chung là hạ tầng cơ sở và dịch vụ logistic:

Thứ nhất: Các cảng biển nước sâu của Việt Nam rất hạn về năng lực thông qua, nhưng chủ yếu lại được qui hoạch cho việc xuất khẩu hàng rời và là cảng container, hoàn toàn không phù hợp cho việc nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp - nhập khẩu hàng rời (than) và nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG). Cụ thể là:

1/ Cụm cảng biển nước sâu Hòn Nét (vịnh Bái Tử Long) chỉ thuận tiện cho việc xuất khẩu hàng rời (chủ yếu là than và clinker) bằng tàu tải trọng dưới 80.000 DWT, không thể nhập khẩu NLG.

2/ Cụm cảng biển nước sâu Sơn Dương (Hà Tĩnh) được đánh giá là thuận lợi nhất cho việc nhập khẩu năng lượng, nhưng đang bị sử dụng lãng phí (dự án Formosa chiếm dụng quá nhiều diện tích mặt nước và trên bờ).

3/ Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu) đóng vai trò rất quan trọng trong việc cấp than (nội địa và nhập khẩu) cho các dự án nhiệt điện phía Nam và nhập khẩu LNG, nhưng được qui hoạch chủ yếu (70 - 80%) là cảng container (xuất và nhập).

Thứ hai: Hệ thống dịch vụ sau cảng cũng được qui hoạch không phù hợp cho việc nhập khẩu than và NLG (không có kho chứa và không có khu vực chế biến phù hợp).

Thứ ba: Về cơ bản, Việt Nam không có năng lực nhập khẩu FOB vì đội tàu viễn dương tải trọng lớn (trên 50.000 DTW) mà Việt Nam hầu như không có.

IV. Thách thức

Thách thức lớn nhất của Việt Nam trong việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng nói chung, và nhập khẩu than, khí hóa lỏng từ Nga nói riêng gồm:

1/ Về cơ bản, cho đến nay Việt Nam chưa có một thị trường năng lượng được vận hành theo qui luật thị trường và có hiệu quả. Trong khi đó, thị trường năng lượng của Nga (cũng như của thế giới) đã, đang chuyển đổi rất nhanh sang mô hình thị trường hoàn hảo và thị trường số.

2/ Thị trường mua - bán của than, dầu mỏ, khí đốt trên thế giới (cũng như của Nga) đã được hình thành từ rất lâu, và đang được vận hành với những thay đổi, hoàn thiện có tốc độ cao (kể cả trên thị trường dài hạn, thị trường giao ngay), đặc biệt là thị trường giao dịch (mua đi bán lại) của các hợp đồng “tay đôi”, “tay ba”. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa có kinh nghiệm giao dịch trên thị trường.

3/ Thị trường đầu tư về năng lượng trên thế giới đã định hình, và hầu như không có đất “dụng võ” cho các nhà đầu tư Việt Nam - vừa “đến muộn” vừa “tay không”.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư vào các dự án khai thác, chế biến các nguồn năng lượng sơ cấp của Nga như khai thác than (ở vùng Đông Sibiria), dầu mỏ và khí đốt (ở vùng Viễn Đông) đã không được phía Việt Nam quan tâm kịp thời. Đặc biệt là các dự án NLG Sakhalin 2, Sakhalin 3 ở vùng Viễn Đông của Nga có qui mô rất lớn, có triển vọng, có khả năng cạnh tranh rất cao và đã được các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc “nhanh chân” hưởng ứng, hợp tác, không còn “phần” cho các đối tác Việt Nam.

V. Kết luận và khuyến nghị

1/ Nga đang có một Chiến lược Năng lượng nâng cao hiệu suất khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn năng lượng trong nước, kết hợp với việc tăng cường xuất khẩu trên cơ sở chuyển dịch mạnh mẽ từ hướng châu Âu sang hướng châu Á - Thái Bình Dương.

2/ Để nhập khẩu một cách có hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp từ Nga, phía Việt Nam cần phát huy thế mạnh, hạn chế các điểm yếu, tận dụng tốt các cơ hội, và xử lý thông minh các thách thức nêu trên trong khuôn khổ của Ủy ban Hợp tác Liên Chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga./.

Lưu ý: Việc sử dụng, sao chép nội dung trong bài viết này (dưới mọi hình thức) cần được sự đồng ý của tác giả và Tòa soạn Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động